Câu trả lời là có. Và điều này đã được biết đến từ hơn 100 năm trước. Vào năm 1909, một nghiên cứu khoa học về đề tài này đã được công bố – được biết đến với tên Thói quen Thở bằng Miệng và Hậu quả: Khớp răng Cắn ngược. Kể từ đó, ngày càng có nhiều bằng chứng rằng thở bằng miệng là một nguyên nhân gây ra sự loạn dưỡng vùng sọ não.
(Trans: từ phần này trở về sau, các bạn có thể bấm vào và đọc nội dung ở từng hình để tiện theo dõi.)
Hình (1) dưới đây là của một chàng trai đã chuyển từ thở bằng mũi (ảnh trái) sang thở bằng miệng (ảnh giữa và ảnh phải). Hãy chú ý cách mà sự chuyển đổi này đã thay đổi khuôn mặt anh ấy qua thời gian. Mặt anh ta dài ra và phần mặt dưới bị đẩy về phía sau – cả phần hàm trên và dưới đều lùi sâu vào trong, riêng hàm dưới lại càng lùi vào sâu hơn gây ra hiện tượng hô. Điều này có thể lý giải khi mà một số lượng răng phải mọc chen chúc trong một không gian hàm quá hạn hẹp.
Những tấm hình sau đây (2) được thực hiện bởi Patrick McKeown từ Buteyko International, hiện đang giảng dạy một phương pháp thở từng được dùng bởi những phi hành gia người Nga. Trên thực tế, phương pháp này đã giúp ích cho việc chữa trị rất nhiều căn bệnh hô hấp bao gồm hen suyễn và, ở trẻ nhỏ, giúp cải thiện hướng phát triển của khuôn mặt. Hãy để ý rằng những khuôn mặt khỏe mạnh sẽ phát triển hướng về phía trước và có một khuôn hàm thẳng. Thở bằng miệng sẽ khiến cho khuôn mặt dài, hẹp hơn và hình thành một bộ dạng mệt mỏi, yếu ớt bên dưới đôi mắt. Nó cũng có thể khiến cho phần trán bị thay đổi góc độ và mũi thì trở nên to hơn cũng như bị gãy do phần mặt dưới đã bị đẩy về sau quá nhiều.
Những biểu đồ ở hình (3) giúp hình dung sự khác nhau trong cấu trúc xương.
Việc hít thở một cách hiệu quả sẽ giúp cung cấp nguồn oxy đầy đủ cho cơ thể. Đây là do hít thở bằng mũi sẽ đảm bảo chất lượng không khí được đưa vào phổi. Lông và nước mũi có chức năng lọc ra những hạt lớn nhỏ khác nhau. Sau đó, không khí đi vào trong xoang, nơi tổng hợp oxit nitric. Oxit nitric sẽ tiêu diệt những vi sinh vật như virus và giúp làm giãn nở những mạch máu trong phổi để hấp thụ nhiều oxy hơn.
Thói quen thở bằng miệng khiến cho khuôn mặt phát triển không tốt là do nó thường đi đôi với sự gia tăng khả năng hình thành những biểu hiện của dị ứng như việc các mô bạch huyết và hạch hạnh nhân bị trương phình, là nguyên nhân gây ra vẻ mặt viêm VA điển hình với khuôn hàm hẹp, răng hô, tai mọc hướng ra ngoài và phần da dưới mắt trải căng.
Hình (5) thể hiện một bé gái mắc thói quen thở bằng miệng vào năm 6 tuổi (trái) và khuôn mặt phát triển bất thường cùng khớp răng cắn ngược vào năm 9 tuổi (phải). (Những ảnh này thuộc về Dr. John Mew.)
Một điều đáng buồn rằng những đứa trẻ hít thở theo cách này thường dễ mắc chứng đau lưng và vai cổ hơn vì chúng thường phải bẻ cong cột sống để khai thông đường lưu thông không khí vào ban ngày.
Chúng bị thiếu không gian đặt lưỡi trong miệng cũng như độ khỏe của phần cơ giúp nâng và đặt lưỡi nằm yên trên vòm họng (trans: bạn nào có tìm hiểu về mewing chắc hẳn sẽ biết cái này), vì vậy mà đến đêm lưỡi sẽ dễ dàng cuộn ngược vào đường lưu thông không khí, gây ra hiện tượng ngáy khi ngủ. Ngáy là một biểu hiện của tình trạng thở sai cách, gọi là hiện tượng ngừng thở lúc ngủ (obstructive sleep apnoea – OSA). OSA gắn liền với những triệu chứng của ADHD. Đây là lí do vì sao rất nhiều trẻ đã bị chẩn đoán nhầm thành ADHD và được cho dùng thuốc điều chỉnh hành vi nhằm giải quyết những triệu chứng bên ngoài này, trong khi chúng thực ra lại là kết quả của tình trạng kiệt sức mạn tính và thiếu đi một nguồn cung cấp oxy hiệu quả cho não khi ngủ. Còn đối với trẻ bị ADHD, chúng thường sẽ đối mặt với những khó khăn khi phải tập trung trong giờ học và khó có thể thể hiện được hết khả năng học tập của bản thân.
Tóm lại thì, đúng, thở bằng miệng thật sự là một vấn đề nghiêm trọng đấy.