Tại cuộc gặp cung cấp thông tin của Bộ Y tế chiều 15/12, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, có tình trạng thiếu vaccine trên quy mô toàn quốc.
Trong đó, đáng nói là vaccien 5 trong 1 (ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib) thiếu từ tháng 2/2023 và vaccine DPT phòng 3 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván dành cho trẻ từ 18 đến 24 tháng) thiếu từ tháng 4/2023.
Còn các vaccine khác cũng chỉ đủ cung ứng đến tháng 10/2023.
Do đó, nhiều địa phương tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đã giảm mạnh. Tỷ lệ trẻ tiêm chủng trên quy mô toàn quốc đạt 66%, so với mục tiêu đặt ra là thấp hơn 10%. Riêng tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 chỉ đạt 52,6%.
Bà Hồng chia sẻ, trước tình hình thiếu vaccine, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã kêu gọi nhiều nguồn viện trợ. Thời gian qua đã có 2 lô vaccine được viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
Gần nhất là lô vacicne 5 trong 1 do Chính phủ Úc viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc gồm 490.600 liều vừa về Việt Nam ngày 14/12. Theo bà Hồng, hiện vaccine đang được chuyển cho Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế để tiến hành gấp rút việc kiểm định trong thời hạn khoảng 1 tuần.
Dự kiến cuối tháng 12 sẽ phân bổ cho các địa phương để tiêm cho trẻ.
“Căn cứ nhu cầu theo đề xuất và thực tiễn triển khai của 63 tỉnh/thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên.
Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.
Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.
Với số lượng vaccine được chính phủ Úc hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh/thành phố. Vaccine sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố. Ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vaccine cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ” – PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Theo TS Hồng, lô vaccine lần này được khuyến cáo tiêm cho trẻ đến 18 tháng tuổi nên trẻ quá 12 tháng cũng sẽ vẫn được tiêm bù, tiêm vét.
Về câu hỏi việc tiêm vaccine chậm có ảnh hưởng gì đến hiệu quả miễn dịch của vaccine, bà Hồng cho biết, theo khuyến cáo của WHO và của Bộ Y tế nên tiêm chủng cho trẻ nên đúng thời hạn.
Tuy nhiên, trong tình hình thiếu vacicne như hiện nay, bà Hồng cũng khuyến cáo các gia đình có điều kiện có thể cho con đi tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để giúp trẻ có được miễn dịch tốt nhất chống lại bệnh tật.
Bà Hồng cho biết, trong năm 2024, việc cung ứng các vaccine trong nước trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tương đối đầy đủ. Hiện các cơ sở sản xuất vaccine trong nước đã có đủ lượng vaccine cung ứng, chỉ chờ thống nhất giá là sẽ chuyển vaccine cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để phân bổ cho các địa phương.
Liên quan đến việc cung ứng vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng khẳng định, trong năm 2024 sẽ không xảy ra tình trạng thiếu vaccine.
Đối với vaccine 5 trong 1 nhập khẩu, ông Đức cho biết, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện theo hình thức mua sắm đầu thầu rộng rãi trong nước, theo quy định của Luật đấu thầu.
Trong khi chờ các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế đã chủ động tìm nguồn viện trợ vaccien của các tổ chức quóc tế cũng như trong nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.