THIẾT KẾ SU-27 ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO SAU KHI TIẾP CẬN CÁC BẢN VẼ THIẾT KẾ CỦA F-15…

THIẾT KẾ SU-27 ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO SAU KHI TIẾP CẬN CÁC BẢN VẼ THIẾT KẾ CỦA F-15?

THIẾT KẾ SU-27 ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO SAU KHI TIẾP CẬN CÁC BẢN VẼ THIẾT KẾ CỦA F-15?

Đây là phần kế tiếp của bài viết “MÁY BAY SU-27 LIÊN XÔ ĐƯỢC CHẾ TẠO DỰA TRÊN CÔNG NGHỆ CỦA F-15 HOA KỲ” tuần trước để trả lời cho câu hỏi thiết kế của máy bay F-15 Hoa Kỳ đã ảnh hưởng như thế nào lên huyền thoại Su-27 của Liên Xô.

Vào cuối những năm 1960, một số quốc gia bắt đầu phát triển máy bay thế hệ 4 đầy hứa hẹn và Mỹ là quốc gia tiên phong vào tháng 3 năm 1966 với việc khởi động chương trình FX. Việc thiết kế máy bay theo các yêu cầu quy định bắt đầu vào năm 1969 và thành quả là chiếc máy bay F-15 đầu tiên đã cất cánh ngày 27 tháng 7 năm 1972.

Để đáp lại, Liên Xô đã khởi động chương trình phát triển máy bay chiến đấu tiền tuyến (PFI). Ban đầu, Phòng thiết kế Sukhoi không tham gia vào chương trình, tuy nhiên, vào năm 1969, Sukhoi đã tiến hành các nghiên cứu sơ bộ về chủ đề PFI và vào đầu năm 1971 đã quyết định chính thức bắt tay vào sản xuất sản phẩm nguyên mẫu T-10. Ba phòng thiết kế đã tham gia vào dự án này. Năm 1972, phòng thiết kế MiG đã đề xuất tách chương trình PFI và tạo ra hai máy bay chiến đấu song song – hạng nặng và hạng nhẹ, với sự thống nhất trang thiết bị tối đa sẽ giúp tăng tốc và giảm chi phí sản xuất, đồng thời cho phép nước này có một phi đội gồm hai loại máy bay, mỗi loại tập trung vào nhiệm vụ riêng của mình. Ý tưởng này có lẽ đã học theo người Mỹ khi chia ra hai loại máy bay hạng nặng là F-15 và hạng nhẹ F-16.

Kể từ năm 1976, công việc chế tạo Su-27 được thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của chính nhà thiết kế M.P. Simonov. Một máy bay nguyên mẫu (được gọi là T-10-1 ) được chế tạo với động cơ AL-21F-Z và cất cánh vào ngày 20 tháng 5 năm 1977. Máy bay T-10-2 được chế tạo vào năm 1978. Máy bay có một cánh lớn với hai động cơ tách riêng biệt và đuôi kép. Khoảng trống giữa hai động cơ giống kiểu thiết kế trên một máy bay khác của Mỹ ra đời trước đó là F-14 Tomcat và nó có tác dụng như một bề mặt nâng bổ sung vừa che giấu vũ khí khỏi radar đối phương.

Trong một chuyến bay thử nghiệm, chiếc máy bay do Anh hùng Liên Xô Yevgeny Solovyov cầm lái đã bị tai nạn và viên phi công đã thiệt mạng. Năm 1979, ba chiếc máy bay đã được vận hành thử nghiệm và việc sản xuất một loạt máy bay thử nghiệm cũng được bắt đầu tại nhà máy ở Komsomolsk-on-Amur.

Lúc này, dữ liệu về F-15 của Mỹ bắt đầu được đưa đến. Hóa ra ở một số thông số nguyên mẫu T-10 không đạt yêu cầu kỹ thuật và thua kém đáng kể so với F-15. Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu khi nghiên cứu khí động học trên Su-27 đã có một số tính toán sai lầm. Chưa kể đến việc các thiết bị điện tử vô tuyến không đáp ứng được các đặc tính về trọng lượng và kích thước như các chỉ tiêu kỹ thuật đòi hỏi khiến cho tổng trọng lượng dư thừa của thiết bị lên tới vài trăm kg làm suy giảm khả năng cơ động cũng như tầm bay của Su-27 trong tương lai.

Một tình huống khó xử đã nảy sinh – hoặc đưa máy bay sản xuất hàng loạt và bàn giao theo thiết kế hiện tại và chấp nhận thua kém F-15 hoặc phải trì hoãn việc sản xuất để có thêm thời gian tiến hành đại tu toàn bộ thiết kế. Bất chấp những thiếu sót nghiêm trọng của T-10 đã bộc lộ trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm vũ khí trang bị và bay thử, người đứng đầu phòng thiết kế Sukhoi là E.A. Ivanov vẫn hy vọng vào khả năng máy bay được điều chỉnh dần dần thông qua các sửa đổi thiết kế nho nhỏ trong khi M.P. Simonov kiên quyết nhấn mạnh vào việc sửa đổi triệt để dự án.

Trong thời gian ngắn nhất có thể, một cỗ máy mới đã được phát triển, trong đó có tính đến kinh nghiệm phát triển của T-10 và dữ liệu thử nghiệm thu được. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1981, một chiếc máy bay thử nghiệm T-10-7 (tên gọi khác là T-10S-1) do V.S.Ilyushin lái đã bay lên bầu trời. Máy bay đã được thay đổi đáng kể. Trên nguyên mẫu thử nghiệm T-10, đầu cánh có thiết kế hình cong tròn (như trên máy bay MiG-29 ), trên T-10S, các cánh hoàn toàn hình thang như của F-15. Việc sử dụng cánh có hình dạng mới giúp tăng tính chịu lực của khung máy bay cũng như tăng số lượng tên lửa từ 8 lên 10.

Học theo F-15, người Nga chuyển bộ phận càng đáp ở mũi lùi lại phía sau để tránh văng bánh xe vào cửa hút gió nếu chẳng may xảy ra tai nạn. Trước đây, các cánh hãm phanh nằm ở phần dưới của thân máy bay nhưng khi chúng được nhả ra, máy bay bắt đầu rung lắc. Trên T-10S, nắp hãm phanh được lắp phía sau buồng lái giống y như trên F-15. Trước đó, các máy bay Liên Xô, kể cả MiG-29 thiết kế cánh hãm phanh khác hoàn toàn.

Việc sản xuất T-10S được bắt đầu vào năm 1981 tại nhà máy số 126 ở Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO). Su-27 chính thức được thông qua theo nghị định của chính phủ ngày 23 tháng 8 năm 1990, khi tất cả những thiếu sót chính được xác định trong các cuộc thử nghiệm đã được loại bỏ hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, Su-27 đã hoạt động được hơn 5 năm (từ năm 1985). Khi được Không quân chấp nhận, chiếc máy bay này nhận được định danh là Su-27S và trong lực lượng phòng không là Su-27P. Một năm sau, Liên bang Xô Viết sụp đổ.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *