THIÊN THÀNH CÔNG CHÚA CÙNG VỤ CƯỚP DÂU ĐÌNH ĐÁM LỊCH SỬ

Thiên Thành công chúa, húy là Anh, thường gọi Nguyên Từ Quốc mẫu. Bà là công chúa nhà Trần và được biết đến rộng rãi với vị trí phu nhân của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. 

Cho đến nay, vẫn tồn tại hai luồng ý kiến về thân thế của bà, không rõ là con gái của Trần Thái Tổ Trần Thừa hay Trần Thái Tông Trần Cảnh. Trong hai bộ chính sử mà tiền nhân để lại: ‘Đại Việt sử ký toàn thư’ và ‘Đại Việt sử ký tiền biên’, bà đều được ghi chép dưới danh hiệu Trưởng công chúa. Xét theo chế độ danh vị, đây là tước hiệu dùng để chỉ chị, em gái của đương kim Hoàng đế. Điều này có nghĩa Thiên Thành Trưởng công chúa dĩ nhiên là con gái Thái thượng hoàng (Trần Thái Tổ) và là chị/em của Thái Tông Trần Cảnh. 

Dẫu vậy, ý kiến cho rằng bà là con gái Trần Cảnh cũng không hẳn là không có căn cứ. Đầu tiên phải kể đến ghi chép của sử gia Ngô Sĩ Liên về công chúa có đoạn: “Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn theo lễ phải thế”. “Con gái vua” ở đây chính chỉ con gái Trần Thái Tông, bởi nếu là con gái Thái Tổ Trần Thừa thì phải gọi “con gái thượng hoàng”. Tuy nói Thái thượng hoàng cũng là Hoàng đế, nhưng chỉ khi Trần Cảnh lên ngôi, trở thành vị minh chủ đầu tiên của nhà Trần mới tôn phụ thân là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng. Bởi vậy nếu chữ “vua” ở đây là để chỉ Trần Thừa thì thật có phần khiên cưỡng. Cũng phải nói thêm, các cuộc hôn nhân nội tộc nhà Trần đều là cùng thế hệ (anh chị em họ kết hôn với nhau), không thấy hôn nhân khác thế hệ (cháu lấy cô/chú/bác). Điều này cho thấy tuy kết hôn nội tộc nhưng họ Trần vẫn đặt ra quy tắc “phân định thế hệ” để không làm rối loạn quan hệ họ hàng. Như vậy, Thiên Thành ắt phải là nhi nữ của Thái Tông thì việc gả cho Trần Quốc Tuấn mới không vi phạm quy tắc này. 

Tựu lại, vô luận là con gái người nào, bà danh chính ngôn thuận vẫn là Hoàng nữ, được lớn lên trong gia đình đại quý tộc, hưởng sự giáo dục đầy tinh hoa. Có lẽ bởi vậy mà toát ra khí chất tài hoa, quyền quý của bậc vương nhi dòng tôn thất. 

Dấu mốc đặc biệt nhất, có sức ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời vị Trưởng công chúa triều Trần này có thể nói, chính là màn cướp dâu ngoạn mục, rúng động triều đình của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nói một chút về Hưng Đạo vương, ngài là con trai thứ ba của An Sinh Vương Trần Liễu, huynh trưởng của Thái Tông Hoàng đế Trần Cảnh. Là con trai người đứng đầu dòng Vạn Kiếp, ông không lớn lên ở vùng Yên Sinh mà trưởng thành tại Thăng Long với con cháu hoàng thất, dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người cô ruột – Thụy Bà Công chúa. Không khó để nhận ra, ngay từ khi mới chào đời, Trần Quốc Tuấn đã trở thành một dạng “con tin” để thông qua đó, triều đình có thể khống chế nhánh Vạn Kiếp. Như mối lương duyên tiền định, trong những năm tháng thiếu thời ấy, chàng thanh niên đã trót đem lòng cảm mến Thiên Thành Trưởng Công chúa và tình cảm này cũng được nàng đón nhận, trân quý. 

Trớ trêu thay, khi chưa kịp đính ước, Thái Tông Hoàng đế do không rõ sự tình nên đã chỉ hôn Công chúa cho Trung Thành vương, con trai Nhân Đạo vương, một vị thuộc tôn thất nhà Trần. Lệnh vua khó trái, nàng lúc này ngậm ngùi dọn đến phủ Nhân Đạo vương chờ ngày xuất giá. Chẳng rõ, Quốc Tuấn phản ứng ra sao khi hay tin dữ ấy, chỉ biết rằng những nước đi tiếp theo của của vị danh tướng tương lai quả thực phải dùng hai chữ “cao minh” để hình dung. 

Khi việc đã được an bài, ván cũng sắp đóng thuyền, ai ngờ được đêm hôm ấy, chàng thanh niên si tình đã lẻn vào phủ Nhân Đạo vương với ý định động trời. Về sự việc này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng: Trước ngày cưới, nhà vua cho công chúa sang ở nhà của Nhân Đạo vương; đương đêm, Quốc Tuấn lẻn vào tư thông với công chúa. Sử sách thì là vậy còn trong dân gian cũng thêu dệt không ít tình tiết li kỳ về đêm ấy: Biết không thể theo vào bằng cửa chính, Quốc Tuấn đã tìm cách trèo tường, vượt qua hàng toán lính tuần tra có phần lỏng lẻo, mò mẫm trong đêm đen và cuối cùng cũng tìm được chính xác phòng Công chúa. Hành động này thoạt nghe thì hoang đường, thiếu lý trí nhưng khi xét kỹ ra, mọi sự kỳ thực đã được mưu tính kỹ lưỡng. Sau khi đột nhập, Quốc Tuấn đã cho người về báo tin cho dưỡng mẫu là Thụy Bà Công chúa. Bà đương nhiên chẳng nhẫn tâm để đứa trẻ mình nuôi nấng bấy lâu mang tội, lập tức vào cung than khóc với Hoàng đế, khẩn thiết cầu tình cho hành động dại dột, vô pháp vô thiên ấy. Kế sách chu toàn như vậy, chẳng phải dồn vua vào thế đã rồi sao? Xót xa trước lời cầu khẩn của Thụy Bà công chúa, lại xét đến thân phận đặc biệt của Quốc Tuấn, nghiêm hình mà xử phạt e rằng sẽ gây nên một phen sóng gió trong gia tộc vốn đã rạn nứt sau sự kiện “Lý phế hậu”.

Không còn cách nào khác, Thái Tông Trần Cảnh bèn hạ lệnh bao vây phủ Nhân Đạo vương, áp giải mà thực chất là hộ tống Quốc Tuấn ra ngoài an toàn. Mọi sự đều bí mật mà làm, tránh đánh động gây điều tiếng cho cả hai bên. Để bảo toàn thể diện hoàng gia cũng là để ngăn xung đột nảy sinh, ngay ngày hôm sau, Thụy Bà Công chúa vội dâng 10 mâm vàng sống lên vua. Một là, làm lễ vật hỏi cưới Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn, hai là để đền tổn thất sính lễ cho Trung Thành vương. Cũng phải nói thêm, Quốc Tuấn không đến cướp Thiên Thành về nhà mình, mà đến rồi ở lại khuê phòng nàng. Nếu không phải cảm mến, yêu thương, làm sao Công chúa chấp nhận việc danh không chính, ngôn không thuận như vậy? Mối lương duyên này quả thật rúng động, oanh liệt lại khắc cốt ghi tâm. 

Sự việc xảy ra vào năm 1251, khi mà Trần Quốc Tuấn chưa được giao nhiều trọng trách trong quân ngũ. Nếu Hoàng đế Trần Cảnh không anh minh, nhân nghĩa thì Quốc Tuấn dù là yêu Thiên Thành chân chính cũng không sao tránh khỏi tội chết? Dòng dõi họ Trần sẽ mất đi một người con ưu tú, đất nước Đại Việt sẽ mất đi một vị anh hùng văn võ toàn tài được thể hiện ở những năm sau đó, còn Thiên Thành, nếu không sánh đôi cùng chàng, liệu có một vị Nguyên Từ Quốc mẫu vừa giỏi việc nước, chỉ đạo vững chắc nơi hậu phương, góp công lớn vào chiến thắng vang dội quân dân nhà Trần trước đại quân Nguyên – Mông, lại đảm việc nhà của sau này hay không? 

Sau ghi được gả về phủ, Công chúa đã có một cuộc sống gia đình êm ấm, hai người còn có với nhau bốn con trai, hai con gái, dưới sự nuôi dạy của bà đều trở thành những nhân vật xuất chúng, địa vị vô cùng cao quý, phần thì hàn gắn mối quan hệ giữa hai nhánh Trần tộc, phần càng củng cố địa phủ Hưng Đạo vương trong tông thất. Chẳng vậy mà người xưa đã không tiếc lời ca tụng tài khéo dạy con của bà rằng: “Nhị hậu điển hình phương hoa quy ngọc diệp/Tứ vương huân nghiệp đức tụ xuất kim chi”

Mùa thu năm Mậu Tý (1288), Thiên Thành Công chúa từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao to lớn trong công cuộc bảo vệ giang sơn, đất nước, bà được thụy phong thành Nguyên Từ Quốc mẫu. 

Tư chất thông tuệ, tài hoa và bản lĩnh của Nguyên Từ Quốc mẫu là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng, nếu ngày đó, bà theo lệnh mà làm lễ “kết tóc”, nên duyên với người mà bà không hề yêu, liệu những cốt cách cao đẹp ấy có được bộc lộ, thăng hoa, liệu quân dân nhà Trần có thể có được một bông hồng thép nơi hậu phương như vậy hay không? Hay bà sẽ chung số phận với bao nữ nhân khác thời phong kiến, nhắm mắt đưa chân, cam lòng sống một đời buồn tủi? Năm ấy, Công chúa giữ chàng thanh niên Quốc Tuấn ở lại khuê phòng, mọi sự lỡ chẳng thành, hai người không những chẳng thể nên đôi, mà danh tiết của nàng cũng vì vậy mà bị hủy. Bản lĩnh ấy, sự đánh cược vì hạnh phúc ấy đâu phải người con gái nào trong xã hội xưa cũng có được, đặc biệt lại là bậc danh môn khuê tú. Thực sự không ngoa khi nói rằng, tư tưởng, hành động đó ít nhiều đã đi trước thời đại, đại diện cho khát khao hạnh phúc, khát khao được làm chủ số phận, vượt lên những lễ giáo hà khắc vốn có. Quả xứng danh: “Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu/Anh linh liệt nữ thế gian vô”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *