Nghiên cứu Thiết kế (Design Research) thật ra rất khác so với Nghiên cứu Thuần túy (Pure Research) và Nghiên cứu Ứng dụng (Applied Research).
Tìm kiếm thông tin và đính nó lên bức tường thì có vẻ dễ dàng đấy. Tìm nguồn tin cậy cho chúng mới khó.
Viết bởi Abhishek Chakraborty – Dịch bởi Prey.
Nguồn: Medium.
Dễ hiểu nhất thì, công việc nghiên cứu là một hệ thống các câu hỏi. Bạn muốn tìm hiểu về một chủ đề cụ thể nên bạn tiến hành một quá trình gia tăng kiến thức cho bản thân. Quá trình đó được phân loại dựa trên kiểu người của bạn và những thứ bạn muốn biết về.
Rất nhiều nghiên cứu cá nhân bắt đầu với một câu hỏi trên thanh tìm kiếm của Google và kết thúc trên bách khoa toàn thư Wikipedia.
Tìm kiếm thông tin tương đối dễ. Bởi kiến thức vốn đã bày sẵn ra ở đó. Nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là tìm nguồn cung cấp tin cậy. Và xác định được nguồn nào đáng tin cậy mới là phần khó của trò chơi. Giống như một cái meme về Abraham Lincoln đã nói, “đừng tin tưởng bất cứ thứ gì bạn đọc được trên Internet”.
Nghiên cứu Thuần túy được thực hiện để tạo ra những kiến thức mới cho nhân loại, dù có là khám phá ra những sự thật mới hay khai quật các nguyên lý cơ bản. Những nghiên cứu viên khi muốn đào sâu về một lĩnh vực cụ thể, ví dụ như khoa học hành vi, họ sẽ phải tìm câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể, chẳng hạn như: “Tại sao con người lại ăn trộm?”.
Nghiên cứu Thuần túy dựa trên quan sát và thử nghiệm. Kết quả sẽ được công bố trên các ấn phẩm đã được kiểm định. Khoa học chính là đây. Những tiêu chuẩn cùng phương pháp nghiên cứu khắt khe tồn tại là để gìn giữ tính khách quan cũng như đảm bảo rằng các kết luận là đáng tin cậy. Sau cùng, càng làm nhiều và càng trích dẫn thêm nhiều nghiên cứu, bản thảo bạn viết nên sẽ càng chi tiết tỉ mỉ.
Nghiên cứu Ứng dụng vay mượn khái niệm và kĩ thuật của Nghiên cứu Thuần túy để đáp ứng một mục đích thực tế cụ thể, như tạo ra Skynet, cải thiện chất lượng giáo dục ở vùng nông thôn Ấn Độ, hay bán một loại bia vị gừng ra thị trường.
Trong Nghiên cứu Ứng dụng thì đạo đức đóng vai trò quan trọng, còn các phương pháp được áp dụng lại bớt khắt khe hơn. Điều này có thể là điều chỉnh lại các câu hỏi của bạn, hoặc tận dụng tất cả bản mẫu chưa hoàn thiện vì deadline đã đến mà bạn hết thời gian.
Thành công của một nghiên cứu là khi nó đóng góp được vào mục tiêu đã đề ra. Cũng như với Nghiên cứu Thuần túy, đôi khi bạn sẽ vô tình phát hiện ra một giá trị mà mình không có ý định tìm kiếm, đó chính là một phần thưởng phụ tuyệt vời. Việc này có thể đạt được bằng thủ thuật, giúp cho bạn chứng minh giả thuyết ban đầu của mình. Thế là cả nhà cùng vui.
Và rồi chúng ta có Nghiên cứu Thiết kế.
Nghiên cứu Thiết kế là một thuật ngữ phổ rộng với lịch sử lâu dài. Vào những năm 60, Nghiên cứu Thiết kế đề cập tới quá trình, mục đích và nghiên cứu về thiết kế. Đó vẫn là cái cách mà thuật ngữ đó được sử dụng trong giới học thuật cho tới ngày nay.
Có rất nhiều viện nghiên cứu về Nghiên cứu Thiết kế khắp thế giới, chủ yếu liên quan tới các câu hỏi lý thuyết lớn hoặc nhỏ được viết bằng ngôn ngữ hàn lâm chuyên môn cao.
Tuy nhiên, khi các Interaction Designer (các designer chuyên về thiết kế trải nghiệm tương tác giữa người dùng và sản phẩm) đề cập tới Nghiên cứu Thiết kế, từ 𝐫𝐞𝐬𝐞𝐚𝐫𝐜𝐡 – “nghiên cứu” mang đúng định nghĩa của nó đối với bản thân một thiết kế – là hệ thống các câu hỏi thuộc quá trình thiết kế, chứ không phải về thiết kế.
Kiểu nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào việc hiểu được những người mà chúng ta đang thiết kế ra, hay còn gọi là user – “người dùng”. Bởi nghiên cứu chính là một phần cốt lõi của lĩnh vực thiết kế biến người dùng là trung tâm.
Nghiên cứu Thiết kế giúp khơi dậy trí tưởng tượng và cung cấp thông tin trực giác thông qua vô số các phương pháp và mục đích liên quan: để khám phá các hành vi và trải nghiệm thực tế phong phú của con người, khám phá cách người dùng phản ứng lại với các prototype cũng như thử nghiệm thăm dò; và sáng tỏ những ẩn số thông qua các giả thuyết và thử nghiệm có thể tương tác được.
Nghiên cứu Thiết kế yêu cầu chúng ta phải tiếp cận con người và các sự vật quen thuộc như thể chúng ta không biết gì về họ, để đạt được một cái nhìn trực quan hơn. Bên cạnh đó, việc tự đặt ra những câu hỏi và biết cách kiếm tìm câu trả lời là một kỹ năng cần thiết khi trở thành một designer.
Việc khám phá những lý do và cách thức về hành vi của con người, cũng như những cơ hội chúng mang lại cho các tổ chức và doanh nghiệp sẽ mở đường cho các giải pháp thiết kế sáng tạo và phù hợp. Điều này có lợi hơn là đặt ra những câu hỏi chung chung, hoặc chỉ đơn thuần điều chỉnh các thiết kế hiện tại theo phân tích thu được.
Những câu hỏi được đặt ra càng khó, công việc của designer về sau sẽ càng dễ dàng. Chỉ khi hiểu rõ những giới hạn chúng ta mới có được khả năng lập luận sắc bén hơn, đi kèm với mục tiêu rõ ràng cũng như sự tự do trong quá trình sáng tạo.
