THẾ GIỚI TRONG MẮT TÔI: TRUNG QUỐC – CHÚNG TA ĐANG GHÉT HAY ĐANG SỢ

Trailer – Phần I: Đế quốc là do bản chất chứ không phải do chế độ

Thế giới mà bạn đang nhìn thấy, chỉ là phản ứng của nội tâm. Trong lúc tâm trạng cởi mở, nhìn thấy ai cũng là bạn bè thân thiết, còn khi đang buồn bực, đi đâu cũng chỉ thấy những khuôn mặt đáng ghét. Ở khía cạnh tiếp nhận thông tin, chúng ta cũng có thói quen “chỉ thích nghe những gì mình muốn nghe” và phản ứng khá gay gắt với những gì nằm ngoài lăng kính của bản thân, cho nên mọi thứ trở thành một chiều và đôi khi phá hỏng tính khách quan. Người làm khoa học luôn thượng tôn “Critical thinking” (tư duy phản biện) và không ngừng đặt nghi vấn, nó được xem là căn phòng tốt nhất để cách ly “Knowledge” với “Emotion Virus”. Vị giáo sư già hướng dẫn luận văn cho tôi thường bảo rằng: “với khối ngành Văn chương nghệ thuật “Emotion” là “Vitamin”, nhưng “Emotion” trong khoa học luôn là một loại virus nguy hiểm”. Luận điểm của ông đã đánh bại một con người dễ bị chi phối bởi cảm xúc như tôi, và từ đó tôi thay đổi… Đương nhiên không có gì là dễ dàng cả, đặc biệt là thay đổi thói quen hoặc những thứ thuộc về phạm trù “bản chất”. Trong bài viết này, tôi sẽ thể hiện quan điểm trung thực của mình dựa trên các luận chứng và dữ liệu mà tôi tiếp cận được, bao gồm cả nguồn dữ liệu công khai và bán công khai – có trích nguồn một số ở cuối bài viết.

Để có một thế giới hiện đại như ngày hôm nay, nhân loại khởi đầu từ 5 nền văn minh cổ đại, bao gồm: Lưỡng Hà, Ai Cập Cổ đại, Ấn Hằng, Trung Hoa và Hy – La. Ở buổi bình minh đó, trên Trái Đất rộng lớn của chúng ta chỉ có khoảng 15 triệu người, để có 1 tỷ người phải mất đến 12 nghìn năm, nhưng chỉ mất 200 năm để tăng lên 7 tỷ người. Những cuộc chiến tranh và chinh phục đã góp phần làm tăng trưởng dân số nhanh chóng hơn, khi nghe đến đây các bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang nhầm lẫn gì đó đúng không? Chiến tranh và chinh phục đã làm nhiều người chết, nhưng số người mà nó gián tiếp sản sinh ra lại lớn hơn nhiều con số đã chết đi, vì chiến tranh và chinh phục tạo ra nhiều không gian sinh tồn hơn, khám phá ra nhiều loại lương thực và tài sản hơn, chính điều này đã làm dân số tăng trưởng nhanh chóng. Dẫn chứng điển hình nhất là người châu Âu trong quá trình khám phá và chinh phục châu Mỹ họ đã tìm ra các loại cây lương thực mới mà thế giới chưa từng biết trước đó: Ngô, khoai mì, khoai tây – 3 trong 5 loại lương thực phổ biến nhất trên thế giới hiện nay – 2 loại còn lại chính là lúa nước và lúa mì, được loài người biết đến từ trước công nguyên (FAO đã nhận định rằng, chính 5 loại lương thực này đã dẫn đến sư bùng nổ dân số thế giới)

Điểm chung của các nền văn minh cổ đại dưới thời cực thịnh luôn có một lãnh thổ vô cùng rộng lớn, họ thôn tính các vùng đất xung quanh bằng những cuộc chiến tranh hoặc liên minh. Điển hình như Đế chế La Mã của nền văn minh Hy – La, thời cực thịnh có diện tích lên đến 5.000.000 km2 (năm 117 SCN), hay trường hợp của văn minh Ai Cập cổ đại, trong thời kỳ Ramesside, diện tích của đế chế hơn 2.000.000 km2… Nhưng hầu như tất cả các nền văn minh cũng đều có một điểm chung khác, đó là diện tích của các quốc gia kế thừa của các nền văn minh này hiện nay đều khá khiêm tốn, ngoại trừ Trung Quốc có lãnh thổ tăng trưởng liên tục trong suốt 5.000 năm (Tôi sẽ đánh giá trường hợp của Ấn Độ trong một bài khác). Trong khi đó quốc gia kế thừa nền văn minh Hy – La là Ý và Hy Lạp diện tích chỉ lần lượt là 301.340 km2 và 131.957 km2.

Theo ước tính, dân số buổi đầu của nền văn minh Trung Hoa chỉ khoảng 2,4-2,7 triệu người, sống tập trung trên một diện tích khiêm tốn khoảng 150.000 km2, thuộc 2 bên bờ sông Hoàng Hà, tương đương phía Nam tỉnh Sơn Tây, phía Nam tỉnh Hà Bắc và phía Bắc tỉnh Hà Nam ngày nay. Trải qua hơn 5000 năm bành trướng, lãnh thổ của Trung Hoa tăng lên gấp 64 lần so với lãnh thổ của Nhà Hạ – Nhà nước đầu tiên của nền văn minh Trung Hoa. Thậm chí diện tích còn rộng lớn hơn nếu xét dưới thời Nhà Thanh, lên đến hơn 13 triệu km2 (bao gồm cả nước Mông Cổ và một phần lãnh thổ của Nga, Kazakstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Korea, Burma…), rộng lớn hơn nhiều so với diện tích của CHND Trung Hoa hiện nay (9.596.961 km2). Từ một dân tộc Hoa Hạ, hiện nay trên lãnh thổ Trung Quốc có đến 56 dân tộc với dân số hơn 1,4 tỷ dân.

“Chinese imperialism” (Chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa), đây là một khái niệm các học giả quốc tế tạo ra để chỉ chủ nghĩa đế quốc theo bản sắc Trung Hoa. Chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa mang đặc điểm rất riêng biệt, không thể hiểu được theo cách định nghĩa thông thường của các nước tư bản phương Tây hay trường phái Marxist, có nghĩa là nó không giống với bất kỳ đế quốc nào khác từng tồn tại trong lịch sử thế giới – “Quái thai” là cụm từ thường dùng bởi những người bài Trung Quốc. Chính điều này đã tạo ra sự thành công về mặt lãnh thổ cho Trung Quốc trong suốt lịch sử phát triển của nó.

Trong phần mô tả về “Chinese imperialism”, các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: “Mở rộng kiên trì qua hàng ngàn năm theo cách “tằm ăn dâu”, trở thành “dân tộc tính” và là “bản chất chính trị” của người Trung Quốc”, có nghĩa là “tư duy đế quốc” là bản chất của người Trung Hoa trong suốt hàng nghìn năm qua, chứ không phải được định hình nên từ “chế độ chính trị”, nó thuộc phạm trù bẩm sinh được kế thừa một cách tự nhiên từ thế hệ này qua thế hệ khác cho dù nhà nước điều hành theo chế độ quân chủ, cộng sản hay tư bản thì nó vẫn thế. Đây chính là điều “đáng sợ” mà ít ai cảm nhận được, điển hình như chúng ta khi đề cập đến chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc thì liền gắn nó với chủ nghĩa Cộng Sản, điều này không sai, nhưng nó không hoàn toàn đúng, vì Trung Quốc dưới thời Quốc dân Đảng và thậm chí cả Đài Loan hiện nay đều thể hiện bản chất đế quốc này trong những hành động của mình, chỉ cần có cơ hội là trỗi dậy ngay và họ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ, nếu lãnh thổ đó đã từng được các nhà nước trước đó tuyên bố chủ quyền. Như trường hợp của “China Republic” (Đài Loan), chỉ kiểm soát được đảo Taiwan và một số đảo nhỏ xung quanh (diện tích hơn 36 nghìn km2 một chút), nhưng họ lại tuyên bố chủ quyền trên một vùng lãnh thổ rộng hơn 11.000.000 km2, tương đương với những vùng đất thuộc Đế quốc Đại Thanh thời thịnh trị nhất (Khang – Càn thịnh thế), vì họ xem mình là nhà nước kế thừa vương triều này.
(Tôi sẽ đưa ra những dữ liệu cụ thể để chứng minh quan điểm này trong bài viết full)

Nhiều người Việt Nam không dám công nhận “những nỗi sợ đối với Trung Quốc”, vì họ cho rằng đó là một điều sỉ nhục… Họ sẵn sàng cào phím, ném đá những người có quan điểm như thế. “Mahatma Gandhi” đã từng nói với đồng bào của ông rằng: “Các bạn cần biết sợ để đánh giá đúng nỗi sợ của mình, sợ hãi là điều cần thiết trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ hèn nhát”. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự thù ghét của người Việt Nam đối với Trung Quốc, vì điều này bộc lộ ra ngoài rất rõ qua giao tiếp hàng ngày, nhưng ít ai dám thể hiện “sự sợ hãi”…

Ps: Đây chỉ là trailer, bài viết full sẽ up lên nếu nhận được sự quan tâm của các bạn.

? MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Tống Trần Hạo: 宋镇豪 (1994年9月). 《夏商社会生活史》. 中国社会科学出版社. ISBN 7-5004-1448-X.
– File Map: Proposed location of the Xia dynasty, 25 July 2009, CC BY-SA 3.0 – wikipedia.org
– 胡鸿保; 张丽梅 (2009). 民族识别原则的变化与民族人口. Southwest University for Nationalities University Press.
– File Map: Qing China in 1892, View author information – wikipedia.org
– Theobald, Ulrich (17 August 2012), “Dali 大理”, China Knowledge.
– Crawford, James (2006). The Creation of States in International Law. Clarendon Press. tr. 667–72. ISBN 9780199228423.
– Slezkine, Yuri (2004). The Jewish Century. Princeton University Press. tr. 33.
– Murray L Weidenbaum (ngày 1 tháng 1 năm 1996). The Bamboo Network: How Expatriate Chinese Entrepreneurs are Creating a New Economic Superpower in Asia. Martin Kessler Books, Free Press. tr. 8. ISBN 978-0-684-82289-1.
– “Templates of “Chineseness” and Trajectories of Cambodian Chinese Entrepreneurship in Phnom Penh*”. Vrije Universiteit Amsterdam. tr. 78 & 90.
– Suy ngẫm lại về Hệ thống triều cống, mở rộng biên bộ khái niệm về chính trị lịch sử Đông Á – Zhang Feng, Phó Giáo sư khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa – được dịch bởi Nguyễn Quốc Vương.
– Hãng thông tấn Asiaplus: Tajikistan nhượng 1000 km2 cho Trung Quốc.
– Luc-Normand Tellier (2009). Urban world history: an economic and geographical perspective. p. 26. ISBN 978-2-7605-1588-8.

=Đây là một bài viết của: PhD candidate. Dương Anh Vũ=

?Kỷ lục gia Trí nhớ Học thuật Thế giới

?Chuyên gia Tham vấn Cấp cao của IIEP – UNESCO

?Trưởng ban Cố vấn Khoa học Gameshow Siêu trí tuệ Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *