Tôi không phải là một người Việt thuần chủng, ông tổ 5 đời của tôi là một Hoa Kiều đến từ vùng Lưỡng Quảng. Ông đến Việt Nam làm công nhân đường sắt, sau ở lại sinh sống và lập nghiệp. Tổ ngoại của tôi là người Việt định cư ở vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) từ lâu lắm rồi, có lẽ họ là những dòng người Việt đầu tiên theo chân quân đội của các Chúa Nguyễn “Nam tiến” xuống vùng Kauthala. Thời đó những thôn xóm người Việt sinh sống xen lẫn với các khu định cư lâu đời của người Chăm, và không ít những cuộc hôn phối đã diễn ra giữa các đôi trai gái của 2 dân tộc Việt – Chăm, và tôi tin rằng một phần dòng máu của tổ tiên tôi đến từ công dân của Tiểu quốc Panduranga. Bằng tiềm thức và một giác quan nào đó, tôi cảm nhận dòng máu “Champa” ấy đang chảy trong tâm trí tôi rất rõ ràng.
Trên cơ bản tôi sinh trưởng trong một dòng họ đa chủng tộc và đương nhiên các dòng máu rõ ràng nhất có lẽ là Việt – Hoa và có thể là Chiêm Thành nữa. Bài viết này liên quan đến Hoa Kiều và cả người Việt, họ đều là tổ tiên của tôi. Khi viết bài này, tôi không đưa ý thức hệ nguồn gốc của mình vào, tôi chỉ đang viết dựa trên những dữ liệu và thông số được thống kê từ các học giả quốc tế (có trích nguồn phía dưới) và tôi từ chối áp dụng các chủ thuyết mơ hồ.
Trong một bài phát biểu, cố Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng – Nguyễn Bá Thanh đã từng nói rằng: “Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tại thế, sự khôn khéo của người sẽ giúp Việt Nam tránh được chiến tranh biên giới với Trung Quốc”. Dưới góc nhìn khác, tôi nghĩ người Việt Nam nên cảm ơn vì cuộc chiến này đã diễn ra? Như David Brown đã khẳng định sau cuộc chiến rằng: “Việt Nam là đất nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á hài hoà và kiểm soát được người gốc Hoa trên lãnh thổ của mình”. Nếu không có cuộc chiến này, Việt Nam có lẽ đang đối diện với “vấn nạn Hoa kiều” như các nước Thái Lan, Malaysia hay Philippines hiện tại.
?THIỂU SỐ GIÀU CÓ, ĐA SỐ NGHÈO KHÓ:
Theo ước tính có khoảng 60 triệu người Hoa sống ngoài lãnh thổ Trung Quốc, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, tổng số tài sản của Hoa kiều lên đến 2,5 nghìn tỷ USD, tương đương với tổng GDP của cả đất nước Ấn Độ năm 2018 (nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với dân số 1,32 tỷ dân). Khi người gốc Hoa lớn mạnh tại các nước Đông Nam Á, người bản địa dần dần bị đẩy ra các vùng đất nghèo khó ở nông thôn hoặc rìa các thành phố. Sự giàu nghèo quá chênh lệch giữa cư dân gốc Hoa và người bản địa đã tạo ra những cơn phẫn nộ, hận thù trong lòng các dân tộc.
Tại các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, thì người Hoa ở bất cứ đâu đều là dân tộc thiểu số, tuy thiểu số nhưng họ lại nắm trong tay phần lớn tài sản và định đoạt số phận của nền kinh tế quốc gia mà họ đang cư trú. Như trường hợp Thái Lan, nơi có cộng đồng Hoa kiều đông đảo nhất thế giới, với 10 triệu người, tuy chỉ chiếm 14% tổng dân số nhưng họ lại kiểm soát đến 65% tài sản ngân hàng, 60% thương mại, 90% tổng đầu tư sản xuất và 50% tổng đầu tư dịch vụ của Thái Lan. Trong số 5 tỷ phú giàu nhất Thái Lan cuối thế kỷ XX, tất cả đều là người Thái gốc Hoa.
Điều gì diễn ra tại Malaysia, nơi có cộng đồng Hoa kiều lớn thứ 2 thế giới? Tuy người Malay gốc Hoa chưa tới 7 triệu người, nhưng họ lại kiểm soát đến 70% nền kinh tế Malaysia. Theo ước tính, có đến 90% người gốc Hoa sống ở thành thị, nếu so với người bản địa thì chênh lệch rất lớn. Các nghiên cứu đã thống kê được rằng cộng đồng Hoa kiều ở Malaysia sở hữu 69,4% các tổ hợp kinh doanh, 71,9% tổng số bất động sản thương mại và công nghiệp, cũng như 69,3% tất cả các khách sạn ở Malaysia.
Làn sóng Hoa kiều cũng nhấn chìm Philippines, tuy chỉ có 1,35 triệu người gốc Hoa ở quốc đảo này, nhưng thế lực của họ áp đảo 100 triệu người bản địa. Trong 500 cty bất động sản ở Phillippines thì có 120 cty được sở hữu bởi người Hoa và họ cũng sở hữu tất cả các hãng hàng không lớn của nước này, từ Philippine Airlines, AirphilExpress cho đến Cebu Pacific… Giới tư sản tài chính gốc Hoa thì kiểm soát 35% cổ phần các ngân hàng lớn khắp quốc đảo này.
Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, với hơn 261 triệu người, cộng đồng Hoa kiều chỉ chiếm 2,7% dân số nhưng họ lại là tầng lớp giàu có nhất, kiểm soát đến 70% nền kinh tế quốc gia, còn 250 triệu người bản địa tranh nhau 30% tài sản còn lại.
Trước năm 1975, người miền Nam có câu nói mỉa mai rằng: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật sá” để ám chỉ người Hoa ở Chợ Lớn, khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết lại tổ chức những đám ma một cách rình rang. Tuy rất cố gắng, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hoà không thể kiềm chế người Hoa lũng đoạn kinh tế quốc gia. Thời đó miền Nam có 1,2 triệu người Hoa tuy chỉ chiếm 6,3% dân số nhưng họ lại kiểm soát hơn 80% cơ sở sản xuất các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hoá chất, luyện kim, điện… và gần như độc quyền 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập cảng. Theo ươc tính, tổng số tiền mặt người Hoa ở Sài Gòn nắm giữ tương đương với 1/3 tổng số tiền đang lưu hành trong cả nước. Trên thực tế, người Hoa manh múng kiểm soát kinh tế Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nổi tiếng nhất là tỷ phú Huỳnh Văn Hoa, được người đương thời gọi là Chú Hoả, 1 trong 4 đại hào phú giàu có nhất Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Nhiều công trình ông xây dựng vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như: Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM…
Sau thống nhất đất nước, người Hoa trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người, chiếm 4% dân số. Nếu tình anh em Việt – Trung không đổ vỡ khiến người Hoa lũ lượt rời bỏ Việt Nam, thì ước tính người Việt gốc Hoa hiện nay có thể lên đến 3,8 triệu người và Việt Nam sẽ trở thành nơi có cộng đồng Hoa kiều đông thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Thái Lan, Malaysia và Hoa Kỳ. Kịch bản nào sẽ diễn ra đối với chúng ta nếu không có Chiến tranh biên giới 1979? Chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ bị cộng đồng Hoa kiều cho lên đĩa, giống như cách họ “mần thịt” Thái Lan, Malaysia hay Philippines…
? CÂU CHUYỆN – TÁI ÔNG MẤT MÃ CỦA THẾ KỶ XX:
Khi cơn giận dữ của “đồng chí” Đặng Tiểu Bình đè nặng lên quả “bong bóng” quan hệ Việt – Trung, Hà Nội lo sợ một khi cuộc chiến xảy ra, thì 1,5 triệu người Hoa ở Việt Nam sẽ trở thành đạo quân thứ 5 của Trung Cộng. Một số tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã chia sẻ rằng, chính quyền Việt Nam đã bật đèn xanh để cho người Hoa rời khỏi Việt Nam. Người gốc Hoa khu vực phía Bắc di chuyển bằng đường bộ để sang Trung Quốc, trong khi đó người gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam thì đi bằng đường biển để đến các quốc gia tư bản phương Tây.
Nhiều người Việt không muốn sống với chế độ mới đã tìm mọi cách lẩn trốn trong nhóm người Hoa vượt biên bằng đường biển. Một số người Hoa ngửi thấy mùi “tiền” trong các phi vụ đưa người Việt đi cùng, đã tổ chức các đường dây đào thoát để thu lợi, trung bình mỗi người Việt phải nộp từ 10 – 15 cây vàng cho chủ tàu người Hoa để vượt biển. Chính những xáo trộn trước và sau “Chiến tranh biên giới 1979” đã giúp nhiều người Việt vượt biên thành công sang các nước tư bản phương Tây. Những cuộc vượt biên trong thập niên 1970 – 1980 đã tạo ra những cộng đồng người Việt trù phú ở Mỹ, Úc, Đức, Canada… ngày nay.
Nền kinh tế Việt Nam ngày nay hưởng một nguồn lợi khá lớn từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Năm 2018, Việt Nam nhận được 16 tỷ USD kiều hối, trong đó 90% số tiền này được Việt kiều Mỹ, Canada, Úc, Đức… gửi về cho thân nhân của mình ở Việt Nam. Theo công bố của UNDP, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tiếp nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
? NHỮNG HẠT GIỐNG TỐT SAU CUỘC CHIẾN:
Những người Hoa kiều quyết định ở lại Việt Nam trong cuộc đại di tản cuối thập niên 1970 – 1980, vô tình trở thành những hạt giống tốt, tương đối ôn hoà, cộng đồng này hiện ước lượng khoảng 830.000 người. Theo một số nguồn độc lập: Về mặt tâm lý – tình cảm, đại đa số bộ phận người Việt gốc Hoa có khuynh hướng ủng hộ lập tường và quan điểm của phía chính phủ Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với CHND Trung Hoa, một số ít – chủ yếu là người lớn tuổi thì giữ thái độ trung lập và ôn hoà. Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam ngày nay chỉ muốn làm ăn và sinh sống một cách yên bình.
Tuy số lượng người Việt gốc Hoa giảm đi rất nhiều sau chiến tranh biên giới, nhưng ngày nay họ vẫn mau chóng thích nghi và tạo dựng được những khối tài sản đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Trong tóp 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay có hơn 10 doanh nhân gốc Hoa. Một số gia tộc Hoa kiều xây dựng được một số thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt, như: Tập đoàn bánh kẹo Kinh Đô, Tập đoàn Thiên Long, Gốm sứ Minh Long, giày dép Biti’s hay Tập đoàn bất động sản Thành Thành Công (TTC Group)…
? LŨNG ĐOẠN QUYỀN LỰC VÀ XUNG ĐỘT QUỐC GIA:
Cộng đồng người Hoa ở nhiều quốc gia Đông Nam Á không dừng lại ở việc thao túng nền kinh tế, họ còn lũng đoạn nhiều nền chính trị, và vô tình tạo ra những thù hận giữa các cộng đồng dân tộc trong một quốc gia. Tuy có một phần huyết thống gốc Hoa chảy trong cơ thể mình, nhưng vua Rama VI của Thái Lan đã viết thế này trong tác phẩm “The Jews of the East”: người gốc Hoa chỉ trung thành với dân tộc của họ và không hề xem đất nước Thái Lan ra gì, họ giàu có lên nhanh chóng dựa vào sức lao động của người Thái bản địa. Nhà vua còn cho rằng, những thương nhân Hoa kiều là những kẻ lừa đảo, khai thác bừa bãi. Chính những suy nghĩ này của Nhà vua Thái Lan đã ảnh hướng đến quan điểm của mọi tần lớp người Thái, họ đã thù ghét người gốc Hoa hơn. Trong những năm 1950, chính phủ Thái Lan bắt đầu những chính sách phân biệt đối xử với người gốc Hoa nhằm giúp người Thái bản địa chiếm lĩnh lại nền kinh tế, thậm chí ép người Thái gốc Hoa phải đổi sang họ Thái để đồng hoá họ vào xã hội Thái Lan. Kết quả là cộng đồng Hoa kiều thao túng cả chính trị, hầu hết các cựu thủ tướng và phần lớn nghị sĩ Quốc hội Thái Lan đều có một phần dòng máu Hán tộc chảy trong cơ thể mình. Điển hình nhất có thể nói đến anh em cựu thủ tướng nhà Shinawatra là Thaksin và Yingluck.
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam đã ghi nhận nhiều vấn đề liên quan đến người Hoa kiều thao túng chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hoà để giành nhiều đặc quyền kinh tế.
Các chính phủ Malaysia và Indonesia ban hành những chính sách kiềm chế sự lớn mạnh của người Hoa ngay sau khi họ giành được độc lập từ thực dân phương Tây. Chủ nghĩa dân tộc bản địa lớn mạnh đã tạo ra sự thù hận và mất lòng tin giữa các chủng tộc. Nhiều cuộc xung đột sắc tộc đã diễn ra…
Ps: Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của cá nhân tác giả, xin được phép không bàn luận sâu về quan điểm chính trị, vấn đề thuyền nhân Việt.
♥️HÃY ĐÓN ĐỌC PHẦN II: TẠI SAO NGƯỜI GỐC HOA GIÀU?
? MỘT SỐ TÀI LIỆU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Unger, Danny (1998). Building Social Capital in Thailand: Fibers, Finance and Infrastructure. Cambridge University Press. P.55.
– Gambe, Annabelle (2000). Overseas Chinese Entrepreneuship and Capitalist Development it Southeast Asia. Palgrave Macmillan.p.33.
– Hedman, Eva-Lotta; Sidel, John (2000). Phillippines Politics and Society in the Twentieth Century.
– Brown, David (ngày 7 tháng 7 năm 2013). “Saigon's Chinese–going, going, gone”. Asia Sentinel. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2013.
– M.Small & J.D.Singer, Resort to Arms: International and Civil Wars 1816-1980 (1982), trang 82 và 95
– Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Kiều hối Việt Nam 2018.
– Malaysia Econimic Monitor – Brain Drain – World Bank. April 2011.
– Chua, Amy (January 21, 2017). “Think tank predicts Chinese Malaysian polulation may drop below 20pc by 2030”. Asia Times.
– IMF 2018, List of Countries by GDP. Wikipedia.org. – UN, List of Countries by Population. Wikipedia.org.
– Zhuang Guotu, Xiamen University – Nikkei Daily News.
= ĐÂY LÀ MỘT BÀI VIẾT CỦA: PhD candidate. Dương Anh Vũ =
?Kỷ lục gia Trí nhớ Học thuật Thế giới
?Chuyên gia Tham vấn Cấp cao của IIEP – UNESCO
?Trưởng ban Cố vấn Khoa học Gameshow Siêu trí tuệ Việt Nam