THẾ GIỚI TRONG MẮT TÔI: Hiểu về “Kowtow” bạn sẽ hiểu về bản chất của Trung Quốc – Phần I
(Bài viết này cũng sẽ cung cấp thêm cho các bạn 1 phương pháp học tiếng Anh hiệu quả mà tôi gọi là: “ARCHAEOLOGICAL METHOD”)
“Kowtow” là một thuật ngữ trong tiếng Anh, được vay mượn từ tiếng Hoa, nó mô tả hành động tôn trọng sâu sắc được thể hiện qua nghi lễ quỳ lạy, cúi đầu thấp đến mức để đầu chạm đất. Trong văn hoá Trung Hoa, kowtow là dấu hiệu tôn kính cao nhất. Tuy nhiên nghĩa của từ kowtow trong tín ngưỡng tôn giáo hay trong văn hoá gia đình rất khác so với trong chính trị, vì kowtow trong chính trị được hiểu là chấp nhận khuất phục và chịu phục tùng, chứ không đơn thuần là thể hiện sự tôn kính.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ phát triển liên tục, và thường xuyên bổ sung từ mới vô “Dictionary” của mình, trong đó có không ít những từ được vay mượn, điển hình như từ “Admiral” (Đô đốc), được vay mượn từ tiếng Latinh và có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập; từ “Navy” (Hải quân) được vay mượn từ trong tiếng Pháp hay từ “Yoga” (thiền) có nguồn gốc từ tiếng Phạn… Các từ được vay mượn trong tiếng Anh đều có một câu chuyện riêng của nó, thường gắn liền với thương mại, giao lưu văn hoá, xâm lược và đô hộ… Tuy nhiên hiếm từ vay mượn nào trong tiếng Anh lại mang một câu chuyện buồn, thậm chí bị nhiều người Anh xem là một điều sỉ nhục như từ “kowtow”.
“Kowtow” là một từ khá mới trong Từ điển tiếng Anh, vì nó mới được bổ sung vào thế kỷ XIX, với lịch sử chỉ hơn 100 năm. Nó có nguồn gốc từ một câu chuyện ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc dưới thời Hoàng đế Càn Long (Qianglong Emperor) của Nhà Thanh (Qing Dynasty).
Chuyện kể rằng: Năm 1792, vua George III của Anh đã cử Bá tước George Macartney đến Nhà Thanh để thiết lập quan hệ ngoại giao, sau nhiều lần thất bại của các đoàn ngoại giao khác trước đó. Vị bá tước tài năng và có uy tín này đã dẫn theo một phái đoàn hùng hậu di chuyển từ Anh sang Trung Hoa trên chiến hạm HMS Lion 64 khẩu đại bác, với đầy niềm tin và sự kiêu hãnh. Bá tước Macartney có quyền kiêu hãnh, vì ông vừa giúp người Anh chiến thắng trong “Chiến tranh Bảy năm” với Hiệp ước Paris, dánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên cho người Anh thống trị thuộc địa trên toàn thế giới với một câu nói đã đi vào lịch sử nhân loại mà chính vị bá nước này là tác giả: “this vast empire on which the sun never sets, and whose bounds nature has not yet ascertained” (Đế quốc rộng lớn này với Mặt Trời không bao giờ lặn…). Tuy nhiên ông đã bị triều đình Nhà Thanh tạt một gáo nước lạnh vào mặt khi vua Càn Long từ chối thiết lập ngoại giao với một câu nói đầy sự xem thường dành cho Đế quốc Anh: “Trung Quốc chẳng cần gì từ người Anh cả”. Tất cả cơ sự này đều xuất phát từ việc Bá tước Macartney đã từ chối thực hiện “koutou” (tiếng Trung) – quỳ lạy vua Nhà Thanh. Thế là từ đó trong tiếng Anh có thêm một từ mới đó là từ “kowtow”.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng lý do vua Càn Long từ chối thiết lập ngoại giao và buôn bán với Đế quốc Anh không phải vì Bá tước Macartney từ chối quỳ lạy vua Càn Long mà vì một lý do mang tính thương mại toàn cầu thời đó. Nhưng trên thực tế thì nó được chứng minh ngược lại bằng một câu chuyện tương tự diễn ra cách đó không lâu. Trong khoảng thời gian này, Hà Lan cũng cử một phái đoàn ngoại giao đến Nhà Thanh với mục đích tương tự như phái đoàn của Anh Quốc, tuy nhiên kết quả lại trái ngược hoàn toàn, vua Càn Long đã đón tiếp họ niềm nở và dành cho Hà Lan nhiều ưu ái tại Trung Quốc, lý do là phái đoàn Hà Lan chấp nhận thực hiện “kowtow” trước Hoàng đế Nhà Thanh. Chính việc này đã làm cho người Anh vô cùng tức giận, họ công kích người Hà Lan ra mặt, họ cho rằng người Hà Lan “tham lam mù quáng” để mất danh dự quốc gia của mình. Qua câu chuyện này rõ ràng là Nhà Thanh từ chối ban giao với Anh Quốc vì “kowtow” chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác.
“Nhiều người không thể biết nhiều hơn những gì nằm ngoài tầm trải nghiệm nhỏ bé của mình. Họ nhìn vào chính mình và nghĩ rằng mình là số dzách! Vì thế họ kết luận rằng cũng chẳng có gì đáng sợ ở bên ngoài họ”. Đây là câu nói phù hợp nhất dành cho Trung Quốc lúc bấy giờ, tuy người Anh không thể thiết lập ngoại giao với Nhà Thanh, nhưng sự sỉ nhục này đã được người Anh ghim ngay vô từ điển và cái kết là chỉ nửa thế kỷ sau, hạm đội Anh đã nghiền nát quân Thanh ở Nam Hải trong 2 cuộc chiến tranh Nha Phiến lần I và lần II, với kết quả Nhà Thanh phải nhượng Hong Kong lại cho người Anh.
Trong hàng nghìn năm lịch sử của mình, Trung Quốc luôn xem họ là trung tâm và là tối thượng, thay trời đất cai trị nhân gian, những đất nước xung quanh chỉ là phiên quốc và cách hoàng đế Trung Hoa thể hiện quyền lực của mình chính là thông qua hành động “kowtow” – bắt vua của các nước xung quanh phải triều cống, nhận và quỳ lạy sắc phong của hoàng đế Trung Hoa. Điển hình như năm 1636 Nhà Thanh đưa quân vào lãnh thổ Triều Tiên, đánh bại quân đội của vua Injo (Triều Tiên Nhân Tổ Lý Tông) của Nhà Joseon, người Thanh đã buộc vị vua này phải quỳ lạy họ 3 lần để cam kết triều cống cho Hoàng đế Nhà Thanh. Các vua chúa Việt Nam trong lịch sử khi nhận sắc phong của các hoàng đế Trung Hoa cũng phải áp dụng “kowtow” với “5 lạy 3 dập đầu” với riêng Nhà Thanh thì “3 quỳ 9 dập đầu”, trong các thư tịch cổ Việt Nam chỉ thấy có 2 vua không chịu lạy sắc phong của Thiên triều, đó là: Vua Lê Đại Hành của Nhà Tiền Lê và Vua Trần Nhân Tông của Nhà Trần… Cho nên nói thẳng ra hành động bắt các nước khác phải “kowtow” đồng nghĩa với việc bắt họ phải quy thuận.
Theo cuốn sách “Traditional Chinese Rites and Rituals” của “Zhengming Du” thì phong tục “kowtow” có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, có nghĩa là từ năm 1046 trước công nguyên, nhưng tôi tin rằng cái văn hoá chính trị chết tiệt này có từ thời Nhà Hạ cơ (hơn 4000 năm trước). Tư tưởng thuần phục người khác bằng cách hạ nhục họ với phong tục “kowtow” đã trở thành văn hoá đặc trưng của Trung Quốc. Chúng ta cần hiểu rằng “quỳ lạy và dập đầu” trước bàn thờ Phật hay Tổ tiên đó chính là thể hiện sự tôn kính, nhưng “kowtow” sử dụng trong chính trị lại mang tính thu phục và thể hiện quyền lực của kẻ mạnh muốn làm bá chủ thiên hạ.
Hiện nay, tuy Trung Quốc đã từ bỏ chế độ phong kiến được 108 năm rồi, nhưng văn hoá chính trị “kowtow” vẫn còn được sử dụng, tuy nó không còn thể hiện qua hành động “quỳ lạy và dập đầu” theo nghĩa đen như thời phong kiến, nhưng nó ép các quốc gia và lãnh thổ mà Bắc Kinh nhắm đến phải lệ thuộc và phục tùng họ dựa trên các chiêu bài đầu tư dưới hình thức bẫy nợ, áp chế quân sự, sức mạnh thị trường và gần đây là ngoại giao y tế trong mùa dịch COVID-19. Văn hoá ngoại giao Kowtow của Trung Quốc trở nên cực kỳ nguy hiểm khi nó kết hợp với tư tưởng “không bao giờ từ bỏ lãnh thổ tranh chấp” của Bắc Kinh. Như GS. Robert H. Goddard đã từng nói: “Lý do nhiều người thất bại không phải vì thiếu tầm nhìn mà là thiếu quyết tâm, và quyết tâm được sinh ra từ việc xác định những gì bạn phải trả giá”, Trung Quốc đang có cả quyết tâm, tầm nhìn và hiểu được cái giá mình phải trả cho “thương vụ làm bá chủ thế giới” của họ. Hậu COVID-19 thế giới sẽ thay đổi theo cách mà Bắc Kinh muốn nếu Washington với sự lãnh đạo của quý ngài Trump chỉ biết bám vào cụm từ “virus Vũ Hán” để phục vụ cho cuộc bầu cử Tổng thống của mình mà quên đi những bước đi hiệu quả hơn để kiềm chế Trung Quốc.
“Ian Buruma” trong cuốn sách “Confronting China” đã nhận định rằng: “Nếu Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới, họ cần mang lại cho thế giới nhiều giá trị hơn ngoài tiền và sự đe dọa. Tự do vẫn là điều quan trọng. Tại sao sinh viên Trung Quốc biểu tình lại dựng một tượng Nữ thần Dân chủ cao mười mét ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989? Trung Quốc sẽ không có khả năng thúc đẩy giá trị đó trên toàn cầu nếu không bắt đầu từ chính ở nhà mình”. Chúng ta cứ hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm được điều đó…
“Phần 2: Trung Quốc – Văn hoá Kowtow lên ngôi, Mỹ chết đầu tiên”. Ở phần này tôi sẽ làm rõ cách thức và chiêu trò mà Trung Quốc sử dụng “Văn hoá chính trị Kowtow” để thuần phục các nước trên thế giới và vai trò của Việt Nam trong việc kiềm chế Kowtow của Bắc Kinh…
_______ ______________ ______________ ______________
? ARCHAEOLOGICAL METHOD/Phương pháp Khảo cổ
Tôi thường tiếp cận từ mới tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha bằng phương pháp này, đặc biệt là các thuật ngữ mang tính chuyên ngành và học thuật cao. Tôi đặt tên cho phương pháp là “Archaeological” vì phương pháp này hướng đến việc tìm kiếm nguồn gốc của từ vựng. Tôi đã dạy phương pháp này nhiều trong các khoá học “SuperBrain”, hay “Foreign language for children”, người học rất thích, đặc biệt là các bé còn nhỏ cực kỳ hứng thú khi được tôi kể chuyện về những từ vựng, các bạn chỉ nghe một lần và dường như nhớ ngay từ đó mà không cần phải viết đi viết lại trên giấy nháp như cách thức học thông thường.
Archaeological Method sẽ cho các bạn 3 cái lợi:
? Bạn sẽ nhớ từ vựng cực kỳ lâu: Vì bản chất của bộ não con người là thích được nghe kể chuyện, thích logist và dễ phấn khích khi tìm ra một cái gì mới cho dù cái mới đó hàng triệu người trên thế giới biết rồi. Vd: từ Boycott (Tẩy chay) có nguồn gốc từ tên của môt địa chủ người Anh – Charles Boycott, gắn liền với cuộc đấu tranh của tá điền người Ireland chóng lại việc thuê đất với quá cao của giới địa chủ Anh thế kỷ XIX (câu chuyện đầy đủ rất thú vị). Bất cứ điều gì xuất hiện từ một câu chuyện, nó đều giúp bạn nhớ lâu hơn.
? Bạn sẽ sử dụng thuật ngữ chuẩn hơn: Việc sử dụng đúng một từ vựng vào bối cảnh văn viết hay văn nói là một vấn đề gây đau đầu với nhiều người học ngoại ngữ, vì có khá nhiều từ trùng nghĩa với nhau, vd: khi nào chúng ta sử dụng Home và khi nào sử dụng House? Khi nào ta dùng Nation và khi nào ta dùng Country hay State? Nhưng khi bạn đã hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của từ vựng đó dựa trên câu chuyện ra đời của nó thì bạn không thể sử dụng sai từ đó được.
? Bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức mới: Nếu bạn sử dụng phương pháp này lâu dài, tôi tin rằng bạn sẽ nhanh chống trở thành một người uyên bác về tri thức, vì mỗi từ vựng nó sẽ cho bạn thêm một nền tảng kiến thức mới, bản thân kiến thức này nó đã liên kết một cách tự nhiên với từ vựng mà bạn học, nhờ sự liên kết này nó sẽ giúp kiến thức bạn tồn tại trong não lâu hơn, kể cả những bộ môn bạn không thích (tìm hiểu thêm phương pháp Tiếp cận). Vd: Từ “Robot” trong tiếng Anh, tôi tin rằng ai cũng biết từ này, nhưng sẽ không có nhiều người hiểu về nguồn gốc và câu chuyện của nó. Thường tiếng Anh có xu thế vay mượn từ mới trong các ngôn ngữ phổ biến và có ảnh hướng về lịch và văn hoá với nước Anh như tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Đức, nhưng từ robot này không nằm trong nhóm đó, nó có nguồn gốc từ trong tiếng Séc, đó là từ Robota – có nghĩa là “lao động cưởng bức” và từ này lần đầu tiên được sử dụng là trong 1 tác phẩm viễn tưởng của nhà văn người Séc – Karel Čapek, tác phẩm có tên “Các robot toàn năng của Rossum” và sau khi “William Grey Walter” phát minh ra con robot đầu tiên trên thế giới vào năm 1948 thì từ này mới được phổ biến, có nghĩa là từ robot mới được sử dụng chính thức hơn 70 năm.
Thực ra thì “Archaeological Method” không chỉ cho bạn 3 giá trị mà tôi vừa liệt kê ở trên, nó còn giúp các bạn sở hữu hàng tá thói quen tốt khác như: thói quen đọc sách và tìm hiểu thông tin một cách sâu sắc hơn; thói quen nghiêm túc trong tri thức và quan trọng nhất chính là giúp cơ thể bạn tạo ra nhiều “kháng thể” hơn trước Lazy virus, vì Corona virus không hề nguy hiểm nếu so với Lazy virus, Conora có thể giết chết bạn ngay lập tức, nhưng Lazy thì huỷ hoạn cuộc đời bạn một cách từ từ, cái chết không đang sợ bằng “sống dở chết dở”.
? MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– “Bowing Out: Why Traditional Kowtowing Rituals Are Under Threat”, Sixth Tone: Fresh Voices from Today’s China
– 重点領域研究「沖縄の歴史情報研究 (History Study of Okinawa) (in Japanese). – 「通航一覧・琉球国部 正編 巻之二十三 琉球国部二十三、唐国往来」”
– George Macartney (1773). An Account of Ireland in 1773 by a Late Chief Secretary of that Kingdom. p. 55.; cited in Kenny, Kevin (2006). Ireland and the British Empire. Oxford University Press. p. 72,fn.22. ISBN 0-19-925184-3. Retrieved 23 February 2016.
– Cranmer-Byng, “Russian and British Interests in the Far East, 1791–1793”, Canadian Slavonic Papers, vol. X, 1968, pp. 206, 357–375.
– Ian Buruma, “Confronting China“, Project Syndicate, 11/05/2020.
– Palais, James B. (1995). Confucian statecraft and Korean institutions : Yu Hyŏngwŏn and the late Chosŏn dynasty. Seattle [u.a.]: Univ. of Washington Press. p. 103. ISBN 0295974559.
– Ge Feng; Zhengming Du (2016). Traditional Chinese Rites and Rituals. Cambridge Scholars Publishing. p. 110. ISBN 9781443887830.
= Đây là bài viết của: PhD candidate. Dương Anh Vũ =