THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 10)
Chiến thắng nhanh chóng của các lực lượng Mỹ trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, sự can thiệp của NATO năm 1999 ở Nam Tư cũng như Khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995 đã buộc các nhà hoạch định quân sự ở Nga và Trung Quốc phải thừa nhận khả năng yếu kém của họ trước sức mạnh của các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu. Các quan chức Nga và Trung Quốc đã xem những hành động này của Hoa Kỳ là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ vẫn là một kẻ thù hiếu chiến liên tục can thiệp vào phạm vi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc và cần phải bị răn đe.
Một lần nữa, chính sách ngoại giao của Trung Quốc lại đảo chiều, từ chỗ cùng liên kết với Mỹ chống Liên Xô trong những năm 70, 80 đã quay lại theo hướng cùng nước Nga mới của Putin chống Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
MỐI QUAN HỆ LIÊN MINH QUÂN SỰ NGA – TRUNG CÙNG CHỐNG MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ VỮNG BỀN?
Kể từ đầu thập niên 2000 giá dầu tăng cao ở Nga và sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc cho phép cả hai nước tăng cường đầu tư vào hiện đại hóa quân đội sau một thời gian dài bỏ bê.
Cả Nga và Trung Quốc đã phát triển các chiến lược của họ xung quanh xung đột với Hoa Kỳ và các đồng minh. Nga coi NATO là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất của mình, và coi việc triển khai quân đội gần đây cho các quốc gia Baltic và Ba Lan, cũng như các vụ tấn công phòng thủ tên lửa của NATO ở Ba Lan và Romania, gây bất ổn. Đồng thời, Trung Quốc quan tâm sâu sắc việc triển khai THAAD của Hoa Kỳ tới Hàn Quốc và sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc xem vùng lãnh hải bên trong đường chín đoạn do họ vẽ ra là một phần chủ quyền quốc gia.
Nhưng có những vấn đề quan trọng nhất trong một liên minh giữa Nga và Trung Quốc mà cả hai vẫn chưa thể giải quyết được rõ ràng khiến liên minh này trở nên lỏng lẻo hơn vẻ ngoài của nó.
1/ BẤT ĐỒNG VỀ VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO?
Cả Nga và Trung Quốc đều có tham vọng trở thành siêu cường đối chọi với Mỹ và các nước đồng minh. Tuy nhiên trong khi các đồng minh của Mỹ từ Anh, Pháp, Đức, Ý…ở châu Âu cho tới Nhật, Hàn, Đài…ở châu Á không ai nghi ngờ gì về địa vị lãnh đạo của Mỹ thì vấn đề đó lại trở thành nan giải trong khối liên minh Nga – Trung. Trong khi Nga cố gắng lôi kéo Trung Quốc cùng nhau chiến đấu với các nước NATO ở châu Âu (và không đạt được kết quả gì) thì Trung Quốc cũng mong muốn Nga có hành động ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật, Hàn và các nước Đông Nam Á, điều mà Nga rất miễn cưỡng phải làm.
Với một lãnh thổ rộng bao la, tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng nền kinh tế yếu ớt, lệ thuộc đào hút, xúc múc tài nguyên quy mô chỉ tương đương một tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và dân số cũng chỉ bằng 1/10 thì rất khó để Nga có thể nắm giữ vị trí trung tâm lãnh đạo trong liên minh giữa hai quốc gia nhưng nếu như chấp nhận vị thế chiếu dưới Trung Quốc thì một dân tộc kiêu hãnh như Nga cũng như cá nhân tổng thống Putin không thể chấp nhận, nhất là khi hơn nửa thế kỷ trước Liên Xô hoàn toàn trên cơ so với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin về tương lai của đất nước họ thì nước Nga của Putin lại không như thế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong suốt 40 năm, Trung Quốc cho rằng trước sau gì nền kinh tế của họ cũng sẽ vượt Mỹ chỉ trong một hoặc hai thập kỷ nữa và nhờ sức mạnh kinh tế, vị thế lãnh đạo toàn cầu sẽ dần chuyển sang Trung Quốc. Ngược lại nước Nga của Putin sức mạnh kinh tế hầu hết dựa vào bán tài nguyên thô mà những thứ này thì lúc lên lúc xuống tùy theo nhu cầu thị trường chứ không thể tăng giá đều đều 10% mỗi năm để Nga đạt được tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế Nga năm 2019 là 1.3%, thua xa so với Ấn Độ (7.2%) và Trung Quốc (6.8%) đồng nghĩa với việc khoảng cách kinh tế giữa Nga và Trung Quốc càng ngày càng kéo xa ra hơn. Tốc độ tăng trường kinh tế thấp cùng với thu nhập của người dân giảm sút trong 5 năm qua đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ liên bang Nga và khiến lời hứa của Tổng thống Putin trong lễ nhậm chức năm 2018 rằng Nga sẽ gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong sáu năm trở nên xa vời vì để đạt được mục tiêu này, Nga sẽ phải tăng trưởng gần 2 con số mỗi năm.
2/ BẤT ĐỒNG VỀ PHẠM VI ẢNH HƯỞNG
Khu vực Trung Á từng bị các đạo quân của Sa hoàng Nga thôn tính trong thế kỷ XIX. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, vùng đất này đã tách ra khỏi ảnh hưởng của chính quyền Moscow và hình thành các quốc gia độc lập như Kazashtan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan với dân số khoảng 72 triệu người. Trung Á được coi là cầu nối giữa miền tây bắc Trung Quốc với biển Caspi của nước Nga, và hàng hóa Trung Quốc qua Trung á có thể đi theo nhiều hướng về Châu Âu, hoặc qua ngả Ukraina, hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Nước Nga luôn coi khu vực Trung Á nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình nhưng những năm gần đây các quốc gia này dần bị thu hút bởi sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhất là những hứa hẹn về khoản đầu tư khổng lồ của dự án « Một vành đai, Một con đường » (One Belt, One Road – OBOR).
Cho dù Bắc Kinh trình bày sáng kiến của mình như là một dự án mà kiểu gì các bên cũng « cùng có lợi », và khẳng định chỉ có các ý đồ thuần túy kinh tế, dự án OBOR này bao gồm nhiều khía cạnh chính trị không thể tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này. Moscow không che dấu nỗi lo ngại về dự án OBOR và thừa nhận dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến các lợi ích địa chính trị của Nga. Trung Quốc có nhu cầu lớn với tài nguyên khí đốt của các nước Trung Á còn bản thân các nước này cũng rất có hứng thú với hàng hóa tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc còn thứ mà Nga có (dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản thô) thì những nước này lại không có nhu cầu, thậm chí còn là đối thủ cạnh tranh với Nga.
Một vấn đề khác là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). SCO hiện có tám thành viên chính thức (Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan,Tajikistan và hai nước mới được kết nạp năm 2017 là Ấn Độ và Pakistan) được thành lập tháng 6-2001 theo sáng kiến của Bắc Kinh, với mục tiêu tạo thế đối trọng với Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Nga muốn phát triển SCO với vai trò dẫn đầu là Nga nhưng vị trí trung tâm của SCO hiện nay vẫn nằm trong tay Trung Quốc. Tạp chí Âu – Á trong một bài viết ngày 31 tháng 5 năm 2012 cho rằng Trung Quốc đang sử dụng SCO như một bình phong để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á. “SCO đã trở thành chìa khóa tạo thuận lợi cho các ý đồ chính trị và an ninh mà Bắc Kinh phát triển trong khu vực Trung Á và lân cận” – tạp chí này nhận định.
Trong nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS) thì cả về quy mô dân số lẫn kinh tế Trung Quốc đều lớn nhất, khiến Trung Quốc giữ vị trí trung tâm. Đây cũng là điều nước Nga khó có thể chấp nhận dù bản thân kinh tế lẫn dân số nước này chỉ đứng thứ tư trong nhóm, thua Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và chỉ hơn được Nam Phi.
Nga và Trung Quốc có quá trình tranh chấp biên giới lâu dài và nước Nga Sa hoàng trong thế kỷ XIX từng thôn tính 1.5 triệu km2 lãnh thổ phía Bắc Trung Quốc. Nước Nga ngày nay vẫn e ngại làn sóng di dân Trung Quốc sang vùng Viễn Đông của Nga, nơi có diện tích gần 7 triệu km2, tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng nền kinh tế lại lạc hậu, dân số vỏn vẹn 6.293.129 người, trong đó người dân tộc Nga có 4.964.107 người, chiếm 78,88% dân số (năm 2010) và chỉ chiếm 4% kinh tế nước Nga trong khi chỉ tính riêng ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh giáp với nước Nga đã có dân số lên tới 110 triệu người và nền kinh tế phát triển cao hơn hẳn. Nếu như không có vũ khí nguyên tử, trong trường hợp xảy ra chiến tranh quân đội Nga hoàn toàn không thể bảo vệ được khu vực này trước các lực lượng Trung Quốc.
KẾT LUẬN
Hai nước chia sẻ với nhau quan điểm về trật tự chính trị thế giới mới, mong muốn thay thế trật tự thế giới một cực do Mỹ đứng đầu bằng một trật tự thế giới đa cực, trong đó vị trí của Trung Quốc, Nga được tăng cường. Mặc dù trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Nga và Trung Quốc có sự phát triển, tuy nhiên về bản chất thì hiện nay mối quan hệ Nga – Trung được thành lập dựa trên những lợi ích thực dụng chứ không phải là liên minh chiến lược và chính trị. Nước Nga cần thị trường nguồn vốn của Trung Quốc do bị phương Tây cấm vận, thực hiện lệnh trừng phạt Nga qua vấn đề Ukraine và việc sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga
Như vậy, khác với các nước phương Tây, liên minh Nga – Trung không rõ ai là kẻ lãnh đạo, bản thân cả hai vẫn có tranh chấp ngầm về phạm vi ảnh hưởng cũng như không tương đồng về quy mô kinh tế lẫn dân số và càng không chia sẻ cùng quan niệm về ý thức hệ như các nước đồng minh của Mỹ. Do đó đây là một liên minh mang tính chất thời vụ, phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn là đối đầu với Mỹ cùng các đồng minh và nếu như một trong hai bên cảm thấy không còn có lợi thì họ sẽ sẵn sàng tử bỏ liên minh, từ bỏ đối tác của mình như đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử.