THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 8)
Để theo dõi các bài trước của mình, mời các bạn bấm vào dòng chữ ‘chuyên gia kể chuyện qua hình ảnh’
Nhiều người có suy nghĩ cho rằng nước Đức sau năm 1945 phát triển kinh tế mạnh mẽ là nhờ viện trợ của Mỹ còn nước Nga không có viện trợ nên nghèo. Điều đó có đúng không?
Theo kế hoạch phục hưng châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ Georges Marshall thì nước Đức từ năm 1948 – 1951 đã nhận được hỗ trợ của Mỹ tổng cộng 1 tỷ 448 triệu USD, quy đổi theo thời giá hiện nay là khoảng 15 tỷ USD. Trong khi đó nước Đức phải è cổ ra trả các khoản tiền bồi thường rất nặng (tính gộp cả hai cuộc Thế chiến) cho các nước châu Âu theo Thỏa thuận nợ London (London Schuldenabkommen) cho tới tận ngày 3 tháng 10 năm 2010 mới chính thức chấm dứt. Ngược lại doanh thu của riêng một tập đoàn khí đốt Gazprom năm 2017 đã lên đến 122 tỷ USD còn tập đoàn dầu Lukoil và Rosneft cũng có doanh thu 102 tỷ và 103 tỷ USD trong cùng năm. Cộng sơ sơ doanh thu của 3 tập đoàn này đã lên tới 327 tỷ USD, chưa kể các tập đoàn hành nghề đào, hút, xúc tài nguyên khác như tập đoàn khai khoáng ALROSA chiếm tới 1/4 sản lượng kim cương toàn cầu. Vậy kinh tế nước Nga nghèo là do không được Mỹ hỗ trợ như Đức?
SAI LẦM THỨ HAI: CHẬM ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Nước Nga từng thừa hưởng phần lớn các tài sản công nghiệp của Liên Xô khi tan rã năm 1991. Ngành công nghiệp nặng của Nga vốn từng cho ra nhiều sản phẩm quan trọng như xe cộ, máy bay, máy cái, thiết bị cơ khí chính xác và trang thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân nhưng phần lớn các khoản đầu tư vào những ngành này đã bị chuyển sang đầu tư cho lĩnh vực năng lượng và khai thác nguyên vật liệu. Năm 2019 nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu khí, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 45% doanh thu của chính phủ liên bang.
Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Trung tâm nghiên cứu vĩ mô (CMR) thuộc ngân hàng Sberbank với 698 xí nghiệp công nghiệp cho thấy nền tảng công nghiệp Nga hiện đã lỗi thời.
Hầu hết các xí nghiệp Nga đều hướng vào thị trường nội địa. Gần 83% xí nghiệp Nga được hỏi ý kiến nói họ chỉ có thể bán sản phẩm trên thị trường trong nước trong khi 88% nói nguồn cung chủ yếu cho xí nghiệp về nguyên liệu và thiết bị là nguồn cung nội địa. Đồng tác giả của công trình nghiên cứu nói trên của CMR, bà Nadezhda Ivanova, nói: “Có một thực tế là nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp chế tạo Nga không thể bán được ở các nước khác. Chất lượng kém của các sản phẩm này cho thấy các doanh nghiệp đó không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”.
Hơn 2/3 xí nghiệp được CMR khảo sát nói trang thiết bị của họ là tồi hoặc trung bình. Chỉ có 26% xí nghiệp nâng cấp trang thiết bị trong vòng 5 năm đã qua trong khi 30% cho biết trang thiết bị của họ là không thay đổi kể từ thời Liên Xô cũ (trước năm 1991).
Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cũng không phải là ưu tiên hàng đầu của các xí nghiệp Nga được CMR khảo sát. Chỉ có 1/10 xí nghiệp được hỏi ý kiến cho rằng đổi mới công nghệ có ý nghĩa sống còn đối với thành công trong kinh doanh, trong khi 39% cho biết họ vẫn dựa vào việc nghiên cứu và nỗ lực nội tại.
Chỉ có 1/6 số xí nghiệp được khảo sát cho biết đã đầu tư cho công nghệ mới trong vòng 5 năm qua, trong đó chỉ có 1/10 xí nghiệp không có vốn nước ngoài chịu đầu tư đổi mới công nghệ. Hơn 50% xí nghiệp gỗ, lâm nghiệp và xây dựng nói họ không hề quan tâm đến việc đầu tư công nghệ trong khoảng thời gian từ 2000-2008.
Mặc dù nỗ lực tự chủ sản xuất nhưng trên thực tế Nga vẫn phải lệ thuộc máy móc và công nghệ của nước ngoài.
Năm 2015 Phó Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Sergei Tsyb cho biết lĩnh vực công cụ máy móc công nghiệp đang nhập khẩu lên tới 90%, kỹ thuật máy hạng nặng đang nhập khẩu khoảng từ 60-80% và ngành công nghiệp điện tử nhập khẩu từ 80-90%.
Nga muốn giảm chỉ số nhập khẩu từ 70-90% xuống còn 50-60% vào năm 2020 nhưng việc thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu là điều không thể, cho nên ngoài việc tăng cường sản xuất nội địa, Nga cũng phải buộc tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Theo chuyên gia tài chính Andrei Movchan trong bài trả lời phỏng vấn do Elena Arakelian tiến hành được đăng trên báo Sự thật Thanh niên (Комсомольская правда) ngày 3 tháng 9 năm 2018 thì “Nga là một quốc gia vô cùng phụ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật nhập khẩu. Chúng ta buộc phải mua hầu hết mọi loại công nghệ bao gồm các ngành công nghiệp quan trọng nhất, chẳng hạn như khai thác các loại dầu khí phức tạp, công nghệ thông tin, năng lượng và những lĩnh vực khác.”
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2018 thì giá trị ngành sản xuất của Nga là 204 tỷ USD, chỉ bằng 1/20 Trung Quốc (4.002 tỷ). Năm 2010, Trung Quốc đã đóng góp tới 19,8% sản lượng sản xuất của thế giới và vượt qua Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới sau khi Mỹ giữ vị trí đó trong khoảng 110 năm. Nhiều sản phẩm ngành công nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất mà Nga không thể làm được và do cấm vận của phương tây mà Nga đang phải đi mua linh kiện điện tử và động cơ tàu chiến của Trung Quốc để sử dụng cho quân đội của mình.
Những điểm yếu về cơ cấu kinh tế của Nga (như lực lượng lao động bị thu hẹp, tăng trưởng đầu tư thấp, điểm yếu về thể chế và cải cách hạn chế) và tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với năng suất và đầu tư sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng, ước tính loanh quanh 1,5% -2% mỗi năm trong những năm tới
Môi trường kinh doanh của Nga bị đánh giá tiêu cực do những vấn đề về quyền sở hữu, cơ sở hạ tầng giao thông yếu và thiếu cạnh tranh trong thị trường hàng hóa và dịch vụ. Chính quyền đã không nắm bắt cơ hội trong những năm giá dầu lên cao để củng cố cơ cấu kinh tế của Nga và cũng không dùng nguồn thu từ dầu mỏ đầu tư vào các ngành công nghiệp khác để đa dạng hóa nền kinh tế khỏi lệ thuộc ngành dầu khí. Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, một phần do môi trường kinh doanh ở Nga không thân thiện và sự kìm kẹp vững chắc của nhà nước đối với phần lớn nền kinh tế nên mức đầu tư thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài rất hạn chế.
(còn tiếp)