THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 5)
Để theo dõi các bài trước của mình, mời các bạn bấm vào dòng chữ ‘chuyên gia kể chuyện qua hình ảnh’
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg tháng 6 năm 2019, ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ về liên minh chiến lược đang phát triển của họ.
“Nga không chỉ là láng giềng lớn nhất của chúng tôi và là đối tác chiến lược toàn diện, mà còn là một trong những đối tác quan trọng nhất và được ưu tiên nhất trong tất cả các lĩnh vực hợp tác”, ông Tập nói.
Putin cũng khẳng định: “Thật vậy, chúng tôi có thể nói mà không cường điệu rằng chúng tôi là đối tác chiến lược theo nghĩa đầy đủ nhất.”
TRUNG QUỐC ĐÃ ĐÂM SAU LƯNG NGA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI PHƯƠNG TÂY NHƯ THẾ NÀO?
Trên thực tế đúng là quan hệ thương mại Nga- Trung ngày càng phát triển. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc là 108 tỷ USD (tăng 27% so với năm 2017) còn tập đoàn Huawei đang triển khai ở Nga các công nghệ và giải pháp kỹ thuật 5G và IoT (Internet of Things) của họ.
Vậy nhưng mối quan hệ này có thực sự tốt đẹp như những hình ảnh lấp lánh và hào nhoáng mà cả hai đang cố thể hiện ra cho người dân hai nước và thế giới thấy?
Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy trên thực tế, Bắc Kinh luôn ủng hộ một thế giới đa cực giống với quan điểm của Nga nhưng họ luôn tránh né mọi sự xung đột không cần thiết với phương Tây theo nguyên tắc “thao quang dưỡng hối”, kiên quyết không làm kẻ đi đầu của Đặng Tiểu Bình. Bắc Kinh chưa bao giờ ra mặt ủng hộ và thậm chí là mặc kệ nước Nga của Putin bơ vơ một mình trong cuộc đối đầu với phương Tây ở các điểm nóng như Ukraina, Syria, Venezuela và Iran.
Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi Trung Quốc ủng hộ Nga ở Hội đồng Bảo an LHQ, chính quyền Bắc Kinh luôn giữ vị thế dửng dưng của một người quan sát và thản nhiên nhìn Gấu Nga vật lộn với các nước phương Tây trong cảnh cô độc. Bất chấp quan hệ cá nhân giữa Putin và Tập rất thân thiện, Putin vẫn không thuyết phục được Tập Cận Bình thay đổi thái độ thực dụng này.
Năm 2014, sau khi chiếm đóng Crimea và can thiệp vào vùng Donbass của Ukraina, nước Nga bị phương Tây cấm vận, Putin lập tức quay sang tìm cách xích lại gần Trung Quốc với nhiều kỳ vọng có được một quan hệ hợp tác chiến lược để tạo thành thế liên minh Nga – Trung đối trọng với Mỹ và phương Tây. Trung Quốc được Nga kỳ vọng là một đối tác đáng tin cậy, một đồng minh chiến lược trong cuộc chiến lâu dài chống sự thống trị của phương Tây. Trên thực tế mọi chuyện hoàn toàn khác.
TRUNG QUỐC CÓ ĐANG NGẦM ỦNG HỘ PHƯƠNG TÂY TRỪNG PHẠT NGA?
Trong mối liên minh giữa hai quốc gia, một nước Nga mạnh không phải là điều Trung Quốc mong muốn. Một quốc gia Nga suy yếu, kiệt quệ vì đối đầu với phương Tây và phải quỳ lạy van xin Trung Quốc giúp đỡ là điều Bắc Kinh ưa thích hơn. Nước Nga đã từng rơi vào tình trạng bế tắc như vậy trong những năm cuối cùng của Liên Xô và Trung Quốc đã có thể thu được nhiều lợi ích từ nước Nga như công nghệ sản xuất máy bay Su-27, tên lửa S-300 và thậm chí là cắt nhượng chủ quyền của đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Trân Bảo, hòn đảo nhỏ bé trên biên giới hai nước mà Trung Quốc đã thất bại khi cố gắng chiếm lấy năm 1969. Cũng vì thế yếu của Moscow trong những ngày Liên Xô hấp hối mà hạm đội của họ đóng ở Cam Ranh đã phải câm lặng nhìn hải quân Trung Quốc tàn sát các thủy thủ Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988 bất chấp các thỏa thuận liên minh giữa hai nước Xô – Việt.
Về mặt đối ngoại, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện sự ủng hộ với Nga trong các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài. Trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc không hề ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea cũng như không ủng hộ nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia (những lãnh thổ ly khai khỏi Gruzia và được Nga bảo trợ sau cuộc chiến năm 2008). Ngoài ra, đối với các hoạt động của Nga tại Syria sự hỗ trợ của Bắc Kinh cũng rất tượng trưng.
Trung Quốc chưa bao giờ ra mặt ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga của phương Tây nhưng tất cả các công ty Trung Quốc đã tránh né giao dịch với các công ty Nga ngay khi có lệnh cấm (ngay cả với những công ty Nga không bị áp lệnh trừng phạt). Chưa kể sau khi bị phương Tây cấm vận và mất khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế, người Nga đã từng rất kỳ vọng vào những khoản tín dụng hào phóng từ người bạn Trung Quốc nhưng những điều kiện giao dịch tín dụng của Trung Quốc khó khăn hơn của phương Tây rất nhiều và họ cũng chẳng mấy nhiệt tình cho Nga vay tiền.
LÀN SÓNG NGƯỜI TRUNG QUỐC TRÀN VÀO VÙNG VIỄN ĐÔNG CỦA NGA
Khi Liên Xô sụp đổ, hàng ngàn người Trung Quốc đã dọn đến vùng đất thưa dân phía Đông nước Nga vào đầu thập niên 1990. Phần lớn người nhập cư làm việc tại những nông trang do người Nga hoặc người Trung Quốc sở hữu, hoặc mua lại quyền thuê đất để làm nông.
“Lao động Trung Quốc không nhậu nhẹt, và họ cũng không có nơi nào để bỏ trốn. Họ chỉ đến đây theo thời vụ. Người Nga thì đến làm được một tuần đã đòi tiền, sau đó lại say khướt”, một chủ nông trang người Nga chia sẻ về “tai tiếng” của các đồng hương.
Trên giấy tờ, ước tính công dân Trung Quốc đang sở hữu hoặc thuê lại ít nhất 350.000 ha ở vùng Viễn Đông của Nga.nhưng thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Nhiều trường hợp đất cho người Nga thuê nhưng thực tế lại do người Trung Quốc quản lý. Nông trường Hữu Nghị tại Babstovo, cách biên giới Nga – Trung gần 30 phút đi xe được bao quanh bởi tường rào cao và treo cờ đỏ.
Trong cuộc khảo sát của Học viện Khoa học Nga vào năm 2017, gần 1/3 người tham gia nhìn nhận chính sách của Trung Quốc tại Nga mang tính bành trướng và gần 1/2 người phản hồi khảo sát cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa bởi các hoạt động của người Trung Quốc.
Khi quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày một sóng gió thì Tổng thống Vladimir Putin ngày một hoan nghênh sự hiện diện của người Trung Quốc tại vùng đất này.
(còn tiếp)