THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 3)

THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part 3)
CẢNH BÁO: Bài viết có những chi tiết có thể gây khó chịu cho những người ủng hộ nước Nga, vui lòng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xem
THỜI KỲ HIỆN ĐẠI (ĐẦU THẬP NIÊN 90 – NAY)
Tiềm lực của một quốc gia hiện đại không còn chỉ đơn thuần dựa vào quy mô dân số, lãnh thổ hay quân đội của nó mà còn nhiều yếu tố khác như ảnh hưởng văn hóa, sức mạnh mềm, trình độ sản xuất hiện đại, mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0….
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga là quốc gia kế thừa vị trí của Liên Xô ở LHQ cũng như trong các tổ chức quốc tế nhưng thực lực đã yếu đi rất nhiều. Chỉ trong một đêm, nước Nga phải trả lại hơn 5.2 triệu km2 lãnh thổ và một nửa dân số cho các nước cộng hòa vừa được độc lập. Từ chỗ Moscow kiểm soát được 22.402.000 km2 thì nay chỉ còn 17.125.000 km2, từ chỗ dân số 293 triệu người nay xuống còn 147 triệu người. Ngành công nghiệp nặng là trụ cột của nền kinh tế nay tan rã và bị chia cắt cho 15 nước khác nhau, các thị trường ở những nước XHCN mà trước kia hàng công nghiệp dân dụng Liên Xô gần như độc quyền khai thác thì nay mất sạch trước làn sóng hàng hóa chất lượng cao hơn của các nước tư bản Mỹ, Nhật, Châu Âu…Hai mươi năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, có một thực tế là nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp chế tạo Nga không thể bán được ở các nước khác. Chất lượng kém của các sản phẩm này cho thấy các doanh nghiệp đó không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới
Đã bao lâu rồi những hàng hóa sản phẩm của Nga vắng bóng trên thị trường Việt Nam? Những sản phẩm như tivi Yunost, tủ lạnh Saratov, máy ảnh Zenit thời Liên Xô bây giờ có còn tồn tại không? Nếu còn tồn tại thì có đủ khả năng để cạnh tranh với hàng chất lượng cao của Nhật, Mỹ hay châu Âu không?
Trái ngược với Nga, Trung Quốc lại đang tiến những bước dài. Người Việt dù mua bất kỳ món hàng hóa nào từ tivi, tủ lạnh, xe hơi, điện thoại di động cho tới những mặt hàng quần áo rẻ tiền đều có thành phần ‘made in China’ trong đó, không ít thì nhiều, kể cả khi đó là thương hiệu Việt Nam mà vụ Asanzo hay Khai Silk là điển hình. Và từ những mặt hàng đó dòng tiền sẽ liên tục chảy về Trung Quốc, làm giàu cho đất nước Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bất kể người tiêu dùng Việt có thích hay không.
Thị trường hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc được mở rộng, bản thân các doanh nghiệp khi gia công cho nước ngoài dần hấp thụ các công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại của họ. Năm 2010 Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để chiếm vị trí cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới. Nó sản xuất gần 50% các mặt hàng công nghiệp chính của thế giới, bao gồm thép thô (gấp 8 lần sản lượng của Mỹ và chiếm 50% nguồn cung toàn cầu), xi măng (60% sản lượng của thế giới), than đá (50% sản lượng của thế giới), xe cộ (hơn 25% nguồn cung toàn cầu)…Trung Quốc cũng là nhà sản xuất tàu thuyền, tàu cao tốc lớn nhất thế giới, robot, đường hầm, cầu, đường cao tốc, sợi hóa học, máy công cụ, máy tính, điện thoại di động, v.v..
Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tháng 1 năm 2018 thì chỉ có 25 quốc gia đã sẵn sàng để hưởng lợi từ những thay đổi trong sản xuất được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Khung đánh giá được tạo thành từ hai thành phần chính: Cơ cấu sản xuất hiện tại của đất nước và Trình điều khiển sản xuất giúp một quốc gia tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển đổi hệ thống sản xuất. Có 59 chỉ số đánh giá dựa trên hai thành phần này. Trong danh sách 25 quốc gia có Israel, Singapore, Nhật Bản, Đức, Thụy Sỹ, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Estonia, Phần Lan, Slovenia và có cả Trung Quốc….nhưng không có Nga.
Theo hồ sơ lưu trữ của Ngân hàng Thế giới thì GDP của nước Nga năm 1992 là 460 tỷ USD nhưng đã lao dốc xuống còn 196 tỷ USD năm 1999, cùng thời gian đó GDP Trung Quốc tăng từ 427 tỷ (1992) lên 1.094 tỷ (1999). Dân số Trung Quốc năm 2002 là 1.28 tỷ người, gấp 8,7 lần so với 146 triệu của Nga. Thực lực của Trung Quốc lúc này đã vượt Nga về mặt kinh tế và dân số dù vẫn còn kém hơn về quân sự do kho vũ khí khổng lồ Nga được thừa kế từ Liên Xô. Với một nền kinh tế chỉ có thể xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô và vũ khí, nước Nga đã bị bỏ lại phía sau.
TIỀM LỰC CỦA HAI NƯỚC NGA – TRUNG NGÀY NAY VÀ TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2019 GDP của Trung Quốc là 14.140 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ còn GDP của nước Nga là gần 1.638 tỷ USD. Như vậy chỉ riêng bang California của Mỹ với GDP 3.200 tỷ USD đã cao gấp đôi nước Nga dù dân số Cali chưa bằng 1/3 nước Nga. Kinh tế Nga cũng thua cả Brazil, Ấn Độ và chỉ tương đương với Hàn Quốc dù dân số gấp ba lần xứ Kim Chi. So với Trung Quốc, GDP 1.638 tỷ USD của Nga nhỉnh hơn tỉnh Quảng Đông một chút (1.560 tỷ USD năm 2019) và gần bằng 11,6% của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc cho phép nước này tiếp tục gia tăng khoảng cách với Nga và trong tương lai gần Nga chưa thể nào đảo ngược được tình thế này.
Có một số người đổ lỗi cho cấm vận của Mỹ đã khiến kinh tế nước Nga bị ảnh hưởng, tuy nhiên ta nên nhớ rằng nước Nga chỉ bị cấm vận từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014 và cấm vận nước Nga cũng chỉ giới hạn ở một số cty và cá nhân có liên quan đến vụ sáp nhập đó chứ không phải là dạng cấm vận toàn diện như kiểu Triều Tiên và Iran, Dầu mỏ của Nga vẫn đang chảy tới châu Âu còn người Nga vẫn có thể mua iPhone bình thường. Thực tế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga đã suy giảm ngay từ 4.5% năm 2010 còn 1.3% năm 2013 mà không cần tới cấm vận rồi. Do đó không thể đổ lỗi kinh tế Nga trì trệ là do cấm vận được.
Nhờ nguồn tiền khổng lồ, Trung Quốc có thể tăng cường đầu tư, tạo ảnh hưởng lên các nước vùng Trung Á, sân nhà của Nga thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nga không đủ sức để giành quyền lãnh đạo SCO từ tay Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng mạnh đầu tư cho dự án Một Vành đai, Một Con đường. Trong dự án này, Nga hiện chỉ là một đối tác thay vì nắm giữ vị trí trung tâm hoặc ngang hàng với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đang giới thiệu các dự án đầu tư phát triển kinh tế cũng như hàng hóa giá rẻ của họ tới các nước châu Á và Phi để gây dựng ảnh hưởng thì Nga chỉ có thể giới thiệu các catalogue vũ khí và mời chào các nước này phải bỏ tiền ra để mua chúng.
Về tiềm lực quốc phòng, nhờ có nền kinh tế khổng lồ thứ hai thế giới mà chính quyền Trung Quốc có thể chi phí cho lực lượng quân sự của nó lên tới 261 tỷ USD, gấp hơn 4 lần con số 65 tỷ của Nga, quân đội Trung Quốc cũng đã thay thế Hồng Quân Liên Xô để trở thành đạo quân lớn nhất thế giới. Vấn đề nan giải với Nga là nếu họ chấp nhận đầu tư quốc phòng thật lớn để cạnh tranh sòng phẳng với quân đội Hoa Kỳ hay Trung Quốc thì nền kinh tế chỉ ngang Hàn Quốc của họ sẽ chịu đựng không nổi còn đầu tư kinh tế và bỏ mặc quân đội như những năm 90 thì sẽ dẫn tới quân đội suy yếu, lạc hậu, công nghiệp quốc phòng không có đơn hàng cũng theo đó mà tàn lụi. Nền kinh tế Liên Xô từng không kham nổi ngân sách quốc phòng khổng lồ để chạy đua với Hoa Kỳ, nước Nga ngày nay chắc chắn không muốn rơi vào tình thế đó thêm một lần nào nữa.
Quân đội Nga hiện nay có khoảng một triệu người so với 1.3 triệu của Mỹ và 2.3 triệu của Trung Quốc. Với chi phí quốc phòng gấp bốn lần Nga trong khi quân số gấp hơn hai lần thì trung bình mỗi người lính Trung Quốc sẽ được đầu tư số tiền lớn hơn người lính Nga dù vẫn còn xa lắm mới theo kịp mức đầu tư của Mỹ và các nước Tây Âu.
Trung Quốc ngày nay được coi là một siêu cường mới nổi, sức mạnh của Bắc Kinh hiện vượt ra ngoài sự phân loại của một cường quốc thông thường như Anh, Pháp hay Đức. Nga từng có được địa vị siêu cường trong thời Liên Xô nhưng ngày nay ý muốn khôi phục địa vị siêu cường của Nga gặp nhiều khó khăn do quy mô kinh tế nhỏ bé chưa bằng 10% của Mỹ, dân số đang già hóa còn đội ngũ tri thức tinh hoa thì tìm đường di cư sang phương Tây.
Xét về quyền lực mềm, những giá trị văn hóa của Nga như điện ảnh, âm nhạc, văn học, ngôn ngữ từng rất phổ biến trên thế giới, nhất là ở các nước XHCN trong thời kỳ Liên Xô nhưng điều này đã trở thành quá khứ. Văn hóa Nga ngày nay ít phổ biến, ít có tầm ảnh hưởng ra bên ngoài lãnh thổ. Ở Việt Nam tên tuổi của Taylor Swift, Selena Gomez của Âu Mỹ, nhóm Blackpink hay BTS của Hàn Quốc phổ biến hơn Vitas hay Yuliya Samoylova nhiều lần còn truyện chưởng Kim Dung, Harry Porter hay anime Nhật Bản được nhiều người đón nhận hơn ‘Thép đã tôi thế đấy!’ của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky…
Cựu nhà báo chính trị Peter Brown viết rằng Nga “muốn đòi lại vị thế siêu cường mà họ nắm giữ trong gần 40 năm sau Thế chiến II,” nhưng trong thế kỷ XXI nước này “thiếu sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và quân sự” để làm như vậy.
MỘT SỐ THÔNG TIN THÊM
Trong khi kim ngạch thương mại song phương Việt – Nga năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD thì thương mại Việt – Mỹ đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước còn kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Trung đã vượt mục tiêu 100 tỉ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Chỉ tính riêng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và mỗi một tỉnh Quảng Đông cũng đã đạt trên 27 tỉ USD, gấp 4.5 lần Nga.
Dù là đối thủ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Mỹ – Trung năm 2018 vẫn đạt 660 tỷ USD còn kim ngạch thương mại Nga – Trung trong năm 2018 đạt 107 tỷ USD. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nga trong năm này cũng đạt 25 tỷ USD.
Nếu như các bạn có nhu cầu thì tuần sau mình sẽ cố gắng làm một bài phân tích lý do những sai lầm nào khiến Nga lại thất thế trước Trung Quốc. Ai ủng hộ xin comment bên dưới, ai phản đối cũng xin comment luôn cho mình biết. Nếu các bạn thấy khó chịu thì thôi, mình sợ ăn gạch đá lắm





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *