THAY ĐỔI TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA NGA VÀ TRUNG QUỐC TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ – TIỀM LỰC QUỐC GIA BÊN NÀO MẠNH HƠN? (Part I)
Liên bang Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới còn Trung Quốc là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Cả hai quốc gia đều là những siêu cường đang thách thức sức mạnh của Mỹ và các nước phương Tây trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Tuy hiện nay hai bên có quan hệ khắng khít với nhau nhưng lịch sử giữa hai nước có không ít lần xung đột và tương quan lực lượng giữa hai bên cũng có nhiều thay đổi theo thời gian
THỜI KỲ ĐẦU TIÊN (TRƯỚC THẾ KỶ XVIII)
Trước thế kỷ XVIII hai quốc gia hầu như không có nhiều quan hệ. Trung Quốc là một đế quốc lớn ở châu Á từ hơn 2.000 năm trước còn nước Nga Kiev xuất hiện vào thế kỷ thứ X. Cả hai quốc gia bị ngăn cách bởi vùng thảo nguyên Siberia lạnh giá và sa mạc Trung Á khiến hai bên hầu như không có bất kỳ sự liên hệ nào. Thế kỷ XIII những đạo kỵ binh Mông Cổ sau khi tràn ngập miền Bắc Trung Quốc đã tiến sang làm cỏ nước Nga và đây có lẽ là những sự tương tác đầu tiên giữa 2 nước trong lịch sử.
Khi quyền lực của Mông Cổ ngày càng suy yếu, người Trung Quốc đã đánh đuổi triều đình Mông Cổ về lại thảo nguyên phía Bắc Vạn Lý Trường Thành để lập nên vương triều nhà Minh năm 1368 còn người Nga cũng dần dần đánh đuổi người Mông Cổ về lại phía đông, mở rộng lãnh thổ hướng sang châu Á. Quá trình bành trướng này đã bắt đầu từ khi Dmitri Donskoy của Đại công quốc Muscovy đánh bại người Mông Cổ trong trận Kulikovo năm 1380 và đạt đến cao điểm khi Yermak Timofeyevich, một thủ lĩnh người Cossacks theo lệnh của Sa hoàng Ivan Bạo chúa tấn công Sibir Hãn quốc ở vùng Siberia năm 1580. Năm 1643 những người Nga đầu tiên đã đến được Okshotsk trên bờ biển Thái Bình Dương. Từ đây vùng lãnh thổ mới chinh phục của Nga đã đụng chạm tới lãnh thổ Trung Quốc và lịch sử hai quốc gia bắt đầu có sự tương tác mạnh mẽ với nhau.
Năm 1600 ước tính dân số Trung Quốc lúc này là 160 triệu người so với con số 14 triệu của nước Nga. Các cuộc đụng độ trên biên giới giữa quân Nga và triều đại nhà Thanh trong các năm 1654, 1658 ở sông Tùng Hoa cho tới năm 1689 ở pháo đài Albazin đều kết thúc với thất bại của người Nga.
Như vậy trong khoảng thời gian này Trung Quốc là đất nước mạnh hơn.
THỜI KỲ THỨ HAI (THẾ KỶ XVIII – NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)
Thời kỳ này nổi bật với sự kiện Pyotr I (1672 – 1725) tiến hành công cuộc cải tổ nước Nga. Nhờ có đội ngũ chuyên gia người Đức, Hà Lan và nhiều nước Tây Âu khác đã biến nước Nga mau chóng chuyển mình từ một nhà nước chuyên chế phong kiến lạc hậu trở thành một thế lực đáng gờm ở châu Âu. Sau thời Pyotr, nước Nga may mắn xuất hiện liên tiếp những nhà cai trị tài ba như các Nữ hoàng Elizaveta (cai trị từ 1741 – 1762) và Ekaterina (cai trị từ 1762 – 1796) khiến quốc lực của Nga trong thời gian này ngày càng cường thịnh. Dân số Nga tăng nhanh từ 15.5 triệu năm 1720 lên tới 42 triệu năm 1812. Ngược lại ở phía bên kia vương triều Mãn Thanh từ chối cải tổ đất nước, đóng cửa với thế giới bên ngoài và dần dần trở nên yếu thế so với người Nga. Tuy nhiên nhà Thanh lúc đó vẫn là cường quốc lớn nhất ở châu Á với dân số đông đảo từ 126 triệu năm 1700 lên tới 332 triệu năm 1800. Ưu thế dân số chỉ bảo đảm cho nhà Thanh có thể duy trì được vị thế cân bằng mong manh với cường quốc mới nổi như nước Nga.
Giữa thế kỷ XVIII quân đội Nga có khoảng 270.000 người còn nhà Thanh có khoảng gấp 3 – 4 lần như thế nhưng chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng cũng như công nghệ kém xa. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là ngân sách của nước Nga năm 1794 được phân bổ 46% cho quân đội, 20% cho các hoạt động kinh tế của chính phủ, 12% cho chính quyền và 9% phần trăm cho triều đình Sa Hoàng ở St. Petersburg. Để chi tiêu cho một đội quân lớn và vinh quang, một bộ máy quan liêu rất lớn và phức tạp và một triều đình lộng lẫy cạnh tranh với Paris và London chính phủ phải đi vay nợ chủ yếu từ Amsterdam và nước Nga thế kỷ XVIII cơ bản vẫn là một nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu.
THỜI KỲ THỨ BA (NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX – TRƯỚC THẾ CHIẾN I)
Thời kỳ này đánh dấu bằng sự hỗn loạn ở Trung Quốc với biến loạn Thái Bình Thiên Quốc cũng như thất bại thảm hại trong hai cuộc chiến tranh Nha phiến, nhà Thanh càng ngày càng chìm ngập trong tham nhũng và lạc hậu, bị các cường quốc châu Âu xâm nhập và xâu xé, riêng Nga đã xẻo được hơn 1,5 triệu km2 lãnh thổ nhà Thanh từ các hiệp ước bất bình đẳng Ái Hồn năm 1858 và Bắc Kinh năm 1860. Mặc dù có những nỗ lực nhất định để hiện đại hóa đất nước cũng như quân đội nhưng triều đình nhà Thanh cơ bản vẫn không ngăn được quá trình đi xuống của triều đại. Năm 1895 nhà Thanh thảm bại trước cường quốc mới nổi Nhật Bản. Năm 1900 quân đội Nga cùng với liên quân các nước châu Âu và Nhật Bản đã tấn công vào tận Bắc Kinh. Ưu thế về dân số và quân số của nhà Thanh tỏ ra vô nghĩa trước ưu thế về hỏa lực của người châu Âu, trong đó có Nga. Vị thế tương quan giữa hai nước lúc này đã nghiêng hẳn về phía Nga. Năm 1905 nước Nga vị thế suy yếu đáng kể sau thất bại truớc người Nhật nhưng nếu so sánh với một triều đại nhà Thanh đã sắp tới hồi mạt vận thì người Nga vẫn ở thế trên cơ cả về kinh tế, quân sự lẫn công nghệ.
THỜI KỲ THỨ TƯ (NHỮNG NĂM TRƯỚC THẾ CHIẾN I – THẾ CHIẾN II)
Thời kỳ này đánh dấu sự sụp đổ của vương triều Mãn Thanh năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc ra đời tiếp tục chìm trong hỗn loạn và nội chiến giữa các thế lực quân phiệt suốt hàng chục năm cho tới khi Quốc Dân Đảng tiến hành chiến tranh Bắc phạt thành công năm 1928. Tuy nhiên sau đó Trung Quốc tiếp tục rơi vào nội chiến Quốc – Cộng và phải đối đầu với cuộc chiến tranh xâm lược do Nhật Bản phát động từ năm 1931 – 1945. Như vậy cơ bản ở Trung Quốc thời kỳ chiến tranh diễn ra liên tục, không lúc nào trên lãnh thổ Trung Quốc hoàn toàn im tiếng súng.
Nước Nga lúc này cũng có chiến tranh từ năm 1914, sau đó là cách mạng năm 1917 rồi nội chiến kéo dài cho tới năm 1922. Liên bang Xô Viết ra đời và người Nga đã có thể tập trung phát triển đất nước của họ thay vì đổ máu đánh nhau như Trung Quốc. Lúc này thực lực nước Nga những năm 1930 – 1940 hoàn toàn trên cơ Trung Quốc.
Năm 1926 dân số Liên bang Xô viết theo thống kê là 148.656.000 người còn nước Trung Hoa Dân Quốc năm 1928 có 474.780.000 người.
Khi kết thúc Thế chiến II năm 1945, tuy cùng là quốc gia thắng trận, cùng thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng (Liên Xô 27 triệu người, Trung Quốc 16 triệu) nhưng Liên Xô và Trung Quốc có vị thế khác xa nhau trên trường quốc tế. Trong khi Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức và tiến quân vào Berlin thì tới năm 1945 quân đội Dân Quốc vẫn bị đánh lui ở nhiều nơi dù có quân số gấp nhiều lần quân đội Thiên hoàng và chỉ có thể chiến thắng nhờ người Nhật đầu hàng. Ưu thế tuyệt đối lúc này vẫn thuộc về Liên Xô. Năm đó Trung Quốc có 5.700.000 người nhưng chất lượng kém và cũng không thể sánh lại số lượng và chất lượng của Liên Xô.
(Còn tiếp)