Ở đời, cám dỗ nơi đâu cũng có. Điều quan trọng không phải là né tránh cám dỗ, sợ hãi cám dỗ, buông xuôi theo cám dỗ, phản ứng đúng sai lại với cảm dỗ, mà phải nhìn thấy được bản chất thật sự của nó là gì.
Cũng như đau khổ vậy, cám dỗ không phải là chỉ tốt hay chỉ xấu. Mà qua việc theo đuổi các cám dỗ trong đời sống, nếu người ta chịu dừng lại chiêm nghiệm, thì họ vẫn nhận ra được bản chất của cám dỗ là gì để từ đó tự do khỏi nó. Vì thế, quan trọng là nhận diện được cám dỗ và thấy được sự khởi sinh của nó bắt nguồn từ đâu, phát triển và hoại diệt như thế nào. Chẳng hạn, khi bạn thấy một người đẹp, bạn bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của họ (giai đoạn khởi sinh). Sự thôi thúc dục tính khiến bạn mong muốn làm quen sở hữu họ (giai đoạn phát triển – trụ). Nhưng sau một thời gian, bạn cũng chán ngán và cảm thấy không còn bị quyến rũ bởi họ nữa (giai đoạn diệt – chết). Như vậy, hễ cái gì sinh, thì cái đó có diệt. Cám dỗ cũng vậy. Dù bạn khởi sinh lòng cám dỗ bởi cái gì, thì nó cũng không thể trường tồn. Cũng có lúc nó sẽ thay đổi, để rồi đi đến hoại diệt mà thôi.
Dù sự cám dỗ có mạnh mẽ đến đâu thì nó cũng chỉ là một tập khí, phản ứng và ảo tưởng của bản ngã. Chạy theo cám dỗ tức là chạy theo cái ta ảo tưởng. Vấn đề là phần đa con người mắc kẹt trong cái ta ảo tưởng này quá sâu dày đến nỗi tin rằng nó có thật, và từ đó vô minh đến nỗi không thể nào phân biệt được đâu là ảo và đâu là thật nữa.
Cuộc sống càng văn minh, ta càng thấy con người đang tự biến mình thành “nô lệ” cho cám dỗ nhiều. Cám dỗ về thành công, thành tựu (danh), cám dỗ về giàu sang, cám dỗ về sắc đẹp, cám dỗ về làm việc thiện để có phước báu cho đời sau, cám dỗ về việc học cao học rộng, cám dỗ trong việc tu sao cho an lạc,… Tất cả chỉ đang góp sức thêu dệt nên một đại mộng nơi con người đắm chìm trong đó và không còn biết thực tại thật sự là gì, và vì mải chạy theo cái ta ảo tưởng mà họ đang biến “tiểu ngã” trở thành “đại ngã'”, dần rời xa chơn tánh.
Nhưng dù con người có chạy đuổi đại mộng và vùng vẫy trong đại mộng, thì cuộc vùng vẫy nào cũng sẽ đến hồi vỡ mộng. Cám dỗ nào khởi sinh (nhân) thì quả của nó chính là đau khổ và phiền não. Điều hài hước ở đây là con người chỉ sợ quả (khổ đau) mà không nhìn ra được nhân mà mình đã gieo, và không biết tác hại và bản chất của nhân mà mình đã gieo thực sự là gì. Họ “có mắt” nhưng chẳng thấy Thái Sơn, mà họ lại là người tự che mờ mắt mình để cho mình không nhìn ra được sự thật. Cũng chỉ vì sợ quả thôi nên họ ra sức diệt quả (khổ đau). Nhưng diệt quả thì cứ như cắt cỏ, cắt đến đâu, cỏ lại mọc lên đến đó. Thành ra, nếu không thấy ra được bản chất của cám dỗ, nếu không chịu nhìn lại chính mình mà cứ chiều chuộng bản năng ái dục thì kiểu gì quả khổ đau cũng chất chồng từ đời này qua đời khác.
Nguyên lý của diệt khổ không phải là đưa bản ngã ra kiểm soát nó, chế ngự nó, vì đó chẳng qua là trò chơi đè đá lên cỏ, chứ gốc rễ cỏ vẫn ngấm ngầm sinh sôi bên dưới. Nguyên lý của diệt khổ là quan sát thân, thọ, tâm, pháp để không bị buông xuôi, bị đè nén, tạo tác đúng sai với phản ứng của bản ngã ảo tưởng. Chẳng hạn, khi bạn lướt Facebook, nếu không có chánh niệm – tỉnh giác, chắc chắn bạn sẽ lướt Facebook và đọc mọi thứ trên đó một cách vô thức. Đó chẳng phải là bị cám dỗ sao? Nếu bạn cứ bị thôi thúc hoài, có lúc bạn sẽ bị đau mắt, mệt mỏi, mất ngủ, tinh thần uể oải (quả). Đó chính là tác hại của việc không nhìn ra được chính mình. Và đó là biểu hiện của việc đánh mất chính mình.
Chỉ cần sống trọn vẹn với chính mình trong từng khoảnh khắc thì bạn sẽ chẳng bao giờ để bị cám dỗ dẫn dắt đi thật xa. Và nếu quả tiêu cực do nhân từ kiếp trước mang đến, bạn cũng dễ dàng đón nhận để rồi vượt qua. Chỉ cần bạn luôn nhớ ra một điều rằng, dù cám dỗ có mạnh mẽ đến đâu, thì nó cũng vô thường, bởi nó chỉ là một phản ứng ảo tưởng của cái ta. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chiến thắng chơn tánh/Phật tánh bên trong mỗi người. Vì Phật tánh thì hoàn toàn không sinh không diệt, và nó không chơi trò thắng thua.
Trang Ps