Ngư dân chạy bão Yagi
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Hồng Sơn (27 tuổi, một nhiếp ảnh gia quê Thái Bình, hiện đang làm việc tại Hà Nội) cho biết, Thái Bình là tỉnh ven biển, có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển. Mỗi lần bão về là gây thiệt hại nặng nề về của cải.
“Từ xưa tới nay, mỗi khi nghe tin bão đổ bộ thì những người con học tập và làm ăn ở Thành phố thường trở về quê hương giúp bố mẹ, gia đình gia cố lại nhà cửa, chặt tỉa cây cối để chống bão”, Sơn bộc bạch.
Sơn cũng không ngoại lệ, theo dõi qua các phương tiện truyền thông, anh biết được rằng bão Yagi được đánh giá là siêu bão mạnh nhất thế giới năm 2024 tính tới thời điểm hiện tại. Vì vậy, là một người con của quê hương, Sơn cũng hồi hộp, lo lắng và nảy ý định về quê chụp một bộ ảnh chạy bão.
Nói là làm, hơn 100 km di chuyển từ Hà Nội về tới Cảng cá Cửa Lân, khi đến nơi, Sơn bắt gặp nhiều ngư dân với làn da sạm đen bởi nắng gió biển, cùng khuôn mặt lo âu, căng thẳng đang hối hả thu dọn các trang thiết bị đánh bắt cá, đóng cọc neo đậu tàu bè, hoặc sử dụng dụng giây thừng buộc tàu thuyền neo đậu vào rặng cây phi lao trên bờ. Có những con thuyền lớn, phải neo vào vài gốc cây mới đủ sức chống chọi trước cuồng phong của thiên nhiên.
Chúng ta có thể bắt gặp cảnh bão gió cuồng phong trong các thước phim điện ảnh hoặc trong tác phẩm văn học. Nhiều lần chúng ta đã chứng kiến khung cảnh hỗn loạn, lo sợ của người dân khi nhà cửa chìm trong biển nước ở các phóng sự truyền hình, hoặc những tiếng kêu cứu của người dân đăng lên mạng xã hội khi nước tràn vào nhà giữa đêm khuya.
“Chạy bão – bão với bạn có thể là trên ti vi, dự báo thời tiết mưa giông. Nếu như người đồng bằng mất mùa vì lúa ngập, cây trái hoa màu bị úng nước, thì đối với những người ngư dân sống bằng nghề chài lưới, bão có thể cuốn bay sinh kế duy nhất của cả gia đình”, Sơn ngậm ngùi.
Chúng ta cùng xem thêm một số hình ảnh hối hả, tất bật chạy bão Yagi của ngư dân ở Cảng cá Cửa Lân (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ảnh do Nguyễn Hồng Sơn thực hiện.