Chia sẻ của học viên lớp xóa mù chữ. Clip: G.T
Cô, trò đều nhịn đói đến lớp
Theo bà Phạm Kim Ngân – cán bộ phụ trách xóa mù chữ thuộc Phòng Giáo dục thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn), trong năm 2022 đã có 1.253 học viên được xóa mù chữ thành công. Tới năm 2023, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị, kể cả TP.Lạng Sơn cũng có những lớp xóa mù chữ.
Để mục sở thị lớp học lúc lên đèn, bà Ngân giới thiệu với chúng tôi lớp xóa mù chữ của xã Thạch Đạn (huyện Cao Lộc) – chỉ cách TP.Lạng Sơn khoảng 10km, nhưng lại là một xã vùng 3 giáp biên giới.
Cô giáo Lý Mỹ Nga – Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Thạch Đạn cho biết, lớp học xóa mù chữ được tổ chức vào buổi chiều tối, bắt đầu từ 17 giờ. Các giáo viên của trường đều tham gia giảng dạy tại lớp xóa mù chữ, nên mỗi buổi đều cắt cử 2 thầy cô thay nhau cùng đứng lớp.
Từ trường chính, chúng tôi phải đi hơn 3km nữa để tới nhà văn hóa của thôn Nà Sla (xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) – cũng là nơi lớp học lên đèn. Vượt qua vô số ổ gà, ổ trâu, chúng tôi đến vừa kịp giờ các học viên đang ổn định chỗ ngồi để vào lớp học.
Ông Dương Văn Tổng (SN 1968, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vừa lau cặp kính chuẩn bị đọc bài, vừa bảo: “Mình đi làm nương về là ra lớp học ngay thôi, lúc nào tan học thì về ăn cơm. Mình phải đi học chăm chỉ, vì nể các thầy cô giáo lắm. Các cô dạy con cháu mình ở trường rồi, xong lại xuống bản dạy mình. Nên nếu nghỉ học hoặc không làm bài đầy đủ thì thấy có lỗi với các thầy cô lắm”.
Còn bà Vi Thị Bao (SN 1966, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang đọc nhẩm bài thơ thì ngừng lại, bẽn lẽn cho biết: “Mình ở nhà có con dâu rồi, nhưng năm nay nhà trường mở lớp học xóa mù chữ, mình phải tích cực đi học. Trước kia nhà nghèo không được tới trường, còn nay trường về bản mình rồi, mình phải tới học bằng được cái chữ chứ. Trước đói cơm, nhưng giờ cơm không bị đói nữa, mà đói cái chữ thì phải chịu khó học thôi.
Bà Bao cũng cười thật thà chia sẻ thêm: “Hồi mới đi học, đến giờ cơm tối là cái bụng sôi ùng ục, nhưng nhìn các cô say sưa dạy học cũng chưa ăn như mình, mình phải chăm chỉ học, không để cô buồn.
Tâm sự về lớp học xóa mù chữ, cô giáo Hoàng Thị Hòa cho biết, theo sự phân công của nhà trường, hôm nay đến lượt cô đứng lớp xóa mù chữ. Mặc dù vừa đứng lớp cả ngày, chiều tối lại dạy một số phụ huynh học sinh nhưng cô cảm thấy rất vui, không thấy mệt mỏi gì cả.
“Nhà tôi ở ngoài thị trấn Cao Lộc, cách lớp xóa mù chữ này hơn 10km. Trước kia phụ thuộc bà con đi nương, làm rừng nên lịch học từ 19 giờ – 21 giờ. Có hôm từ lớp xóa mù chữ về đến nhà đã 22 giờ, giáo viên chúng tôi còn phải chuẩn bị giáo án cho hôm sau nên rất vất vả. Từ khi vào năm học mới, Ban Giám hiệu thấy bà con thích thú đi học và không bỏ lớp, nên đã điều chỉnh lịch học từ 17 giờ – 19 giờ, mọi người đều được về sớm và thuận tiện hơn. Thấy học viên đọc được những bài văn trong sách hướng dẫn học, nhà giáo chúng tôi mừng lắm”, cô giáo Hòa trải lòng.
Tự tin khi biết chữ
Trong lớp học xóa mù chữ, người trẻ nhất là chị Má Thị Nhan (SN 1988, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Chị Nhan có 2 con, đứa lớn học lớp 8, đứa bé học lớp 6 và các con đều học khá. Nhiều lúc chị thấy rất bất tiện vì không biết chữ lắm.
“Nếu cứ chỉ ở bản với công việc làm nương, làm rừng thì không sao. Nhưng nhà mình chỉ cách thành phố hơn 10km, ra đó, không hiểu biển quảng cáo viết gì, không đọc được biển chỉ dẫn đường… nên đi đâu cũng không tự tin đi một mình, phải có người khác biết chữ đi cùng mới đỡ sợ”, chị kể.
Sau này, nhờ biết chữ và biết bảng cửu chương mà đi chợ tiện lợi. Bán con gà, con lợn, chị Nhan biết người ta trả giá có hợp lý hay không. Hay mua cái gì thì cũng biết tính toán để trả tiền, không ngại và sợ như trước kia.
“Từ ngày biết chữ, mình đi họp phụ huynh cho 2 con đỡ ngại. Trước kia đi họp về, nhà trường, thầy cô phổ biến gì đều không hiểu, phải mang giấy tờ về nhờ con đọc hộ. Nhưng nay mình biết chữ rồi, thầy cô phổ biến việc gì là mình hiểu để trao đổi lại với con”, chị Nhan thật thà chia sẻ.
Nhưng có lẽ người phấn khởi nhất trong lớp xóa mù là anh Nông Văn Bằng (SN 1977, thôn Nà Sla, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Anh Bằng bảo: “Ngày trước không biết chữ, mọi thứ cứ mù mờ không hiểu, làm cái gì cũng sợ. Bây giờ được các thầy cô dạy biết đọc, biết viết rồi như xóa bỏ mây mù trước mắt, không còn mặc cảm như trước kia. Mình là người dân tộc vùng sâu vùng xa lạc hậu nữa, mình biết đọc nên mình xem được tài liệu về hướng dẫn làm giàu, xóa đói giảm nghèo, mình biết đọc nên mình biết dùng điện thoại thông minh để xem phim tài liệu về làm giàu, mình biết đọc và hiểu mọi chủ trương của nhà nước…”.
Kết thúc một buổi học xóa mù chữ, cô Dương Thị Lái – Hiệu phó trường Tiểu học xã Thạch Đạn chia sẻ: “Làm giáo dục ở vùng cao có nhiều cái khó nói, không chỉ dạy tốt các em học sinh ở trường, mà còn phải dạy cả phụ huynh của các em ở nhà nữa. Có như vậy, đồng bào mới đồng lòng với các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục được”.
Chia tay các thầy cô ở lớp xóa mù chữ, trong ánh đèn xe, tôi vẫn nhìn thấy các thầy cô lao vào những cuộn bụi, rồi hối hả về nhà trên con đường gập ghềnh ổ gà và bóng tối miền sơn cước.