Thứ ba, ngày 17/06/2025 19:00 GMT+7
Ẩm thực độc đáo của TP.Đà Nẵng mới: Ghép đôi hai mảng màu thành bức họa độc bản
Kiều Anh Thứ ba, ngày 17/06/2025 19:00 GMT+7
Từ bánh tráng cuốn thịt heo mắm nêm đến tô mì vàng sợi, từ gỏi cá gừng riềng cay nồng đến cao lầu xứ thương cảng… tất cả như đại diện cho một vùng đất mới đang định hình lại bản sắc vị giác, đủ sức “kích thích” hàng triệu thực khách.
TP.Đà Nẵng mới: Ẩm thực là một phần chiến lược văn hóa “mềm”, thể hiện khả năng cộng hưởng thay vì hòa tan

Sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Việt Nam chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới với 34 tỉnh, thành. Trong đó, thành phố Đà Nẵng mới – hình thành trên cơ sở sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng, không còn mang dáng hình của một đô thị ven biển đơn thuần. Sự hợp nhất với vùng đất từng có mối quan hệ lịch sử đan xen đã mở ra một chương mới – những giá trị văn hóa, đời sống và thói quen sinh hoạt được đặt cạnh nhau trong cùng một không gian.
Trước sáp nhập, Quảng Nam và Đà Nẵng từng là một thể thống nhất cho đến năm 1997. Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ phát triển riêng biệt đã tạo nên sự khác biệt rõ ràng về thói quen ẩm thực.

Quảng Nam vốn gắn liền với hình ảnh một vùng đất có Hội An từng là thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á. Dấu vết của sự phồn thịnh ấy vẫn âm ỉ trong mỗi món ăn bản địa. Mỗi tô mì Quảng, đĩa cao lầu, chén cơm gà hay lát bê thui đều kể lại một phần lịch sử bằng cách rất riêng: vị đậm, hương nồng, chế biến thủ công, nguyên liệu gần gũi.
Còn Đà Nẵng – vốn là đô thị trẻ mang hơi thở công nghiệp hóa, có xu hướng tối giản và hiệu quả trong cách tiếp cận ẩm thực. Nếu Quảng Nam trân quý chiều sâu, thì Đà Nẵng ưu tiên độ tiện dụng. Ẩm thực Đà Thành vì vậy dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ cảm nhận: nhấn vào hình thức bắt mắt, khẩu vị hài hòa và đa dạng hóa lựa chọn cho du khách.

Điển hình là mì Quảng – món ăn được xem như linh hồn ẩm thực của cả hai địa phương. Ở Quảng Nam, món mì này thường được chế biến theo lối cổ truyền, ngọt thanh, ăn kèm rất nhiều loại rau sống và bánh tráng nướng nguyên miếng. Còn tại Đà Nẵng, mì Quảng lại khoác lên mình hình hài khác: thanh thoát, gọn ghẽ và có phần linh hoạt hơn.
Một trong những phiên bản đặc trưng nhất có thể kể đến là mì Quảng ếch – món ăn mà nhiều tín đồ xê dịch xem là một trong những biến tấu lạ miệng và đáng thử nhất khi ghé thành phố biển. Vẫn là sợi mì vàng truyền thống, nhưng nước được nấu từ ếch đồng om cùng nghệ, sả, nén trong nhiều giờ liền. Thịt mềm, nước sánh, thơm lừng và đậm vị mang đến một trải nghiệm vị giác hoàn toàn khác biệt.
TP.Đà Nẵng mới: Thành phố biển nay trở thành “thủ phủ” của mì Quảng, cao lầu, bánh mì Hội An

Trước khi hợp nhất với Quảng Nam, Đà Nẵng, vốn đã là “bếp ăn ven biển” với bao món ngon trứ danh, nay càng dồi dào nguyên liệu, thêm cơ hội làm mới mình giữa thời kỳ du lịch lên ngôi.
Đang ở giữa mùa cao điểm hè, thành phố biển khoác lên mình vẻ rực rỡ của pháo hoa quốc tế, những bãi cát trải dài tấp nập người qua lại và vô vàn hoạt động giải trí từ sáng sớm đến khuya muộn. Nhưng giữa tiếng nhạc rộn ràng và sóng vỗ miên man, thứ níu bước du khách đôi khi lại là mùi mắm nêm bốc lên từ một quán nhỏ trong hẻm, là miếng bánh tráng mềm dai cuốn lớp thịt heo thái mỏng, rau sống xanh mướt cùng lớp bánh tráng dẻo dai.
Dọc về hướng biển, gỏi cá Nam Ô nổi bật như một đại diện cho vị giác Đà Nẵng: mạnh mẽ, dứt khoát. Cá trích tươi trộn thính hoặc mắm gừng riềng, ăn cay xè nhưng khiến người ta không thể dừng lại. Trong khi đó, hải sản luôn sẵn sàng tiếp đãi du khách bằng sự tươi ngon và cách chế biến đơn giản như nướng, hấp, mỡ hành.

Ẩm thực Đà Nẵng còn giữ lại nhiều món ăn “nhỏ” nhưng đầy sức nặng ký ức: bánh xèo giòn rụm cỡ vừa ăn, thoảng hương nước cốt dừa, ăn cùng rau sống và nước chấm chua ngọt; bánh nậm mềm thơm nhân tôm thịt, thường ăn kèm nem chua chả bò. Ở một con phố khác, bánh căn xuất hiện với tiếng “xèo xèo” vui tai. Những chiếc bánh nhỏ nhân tôm, trứng, ăn cùng rau sống và nước mắm pha khiến bữa xế chiều trở nên vừa đủ đầy vừa nhẹ nhàng, đẹp mắt.
Khi Đà Nẵng mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập toàn bộ tỉnh Quảng Nam, thành phố trẻ bên sông Hàn không chỉ có thêm núi đồi, biển cả mà còn tiếp nhận cả một kho tàng hương vị đậm đà đến từ vùng đất nắng gió miền Trung. Từ đây, thực khách có thêm cơ hội thưởng thức trọn vẹn những món ngon dân dã mà đậm đà bản sắc của xứ Quảng.
Đi giữa chợ Tam Kỳ những ngày đầu hè, không khó để bắt gặp mùi cá chuồn xanh nướng thơm lừng trên than hồng. Mỗi mùa cá về, làng chài ở huyện Núi Thành lại rộn ràng. Những con cá tươi rói được chọn lọc kỹ càng, nướng nguyên con rồi cuốn bánh tráng lề, thêm rau sống, chấm nước mắm nguyên chất.
Ẩm thực Quảng Nam còn hiện diện rõ nét nơi phố cổ Hội An – nơi chiếc bánh mì mang đã nhiều lần được báo chí quốc tế ca ngợi, nơi cao lầu – món mì chỉ có thể làm đúng vị bằng nước giếng Bá Lễ vẫn giữ nguyên công thức truyền thống qua bao đời. Trong không gian trầm mặc rêu phong, những món ăn ấy như giữ lại cho phố cổ một nhịp thở riêng, chậm rãi và bền bỉ.
Xa hơn về phía Quế Sơn, gà tre Đèo Le – giống gà nhỏ con nhưng thịt săn chắc, thơm ngon, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ cách nuôi thả tự nhiên đến từng cách chế biến: luộc, nướng, trộn gỏi, món gà này phản ánh rõ nét sự chỉn chu và tinh tế trong ẩm thực của người Quảng. Cũng giống như món măng núi trộn, tuy nghe dân dã nhưng được thực hiện đầy kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu đến nêm nếm đều hướng đến sự “đầy đặn và đậm vị”, đúng như tính cách bộc trực, thẳng thắn của người Quảng.

Tô súp bột báng nóng hổi buổi sáng sớm Tam Kỳ, đĩa lòng thả bốc khói nghi ngút ăn cùng bánh tráng hay phần nem nướng thơm lừng chờ sẵn trên bếp than hồng… Ẩm thực Quảng Nam không cần tô vẽ, bởi tự bản thân nó đã mang đầy màu sắc bản địa. Đó là màu của đất đỏ miền trung du, của nắng cháy cát biển, của tiếng rao rong ruổi dọc đường làng, cùng hòa quyện để tạo nên một bản sắc khó trộn lẫn.
Giờ đây, khi Đà Nẵng khoác lên mình tấm áo mới sau sáp nhập, bản đồ ẩm thực thành phố cũng được mở rộng với những mảnh ghép rất “Quảng”: chân chất mà sâu sắc, dân dã mà đáng nhớ. Và trong dòng chảy phát triển không ngừng của một đô thị trẻ, những hương vị cũ ấy sẽ là điều níu chân du khách, là sợi dây kết nối giữa ký ức và hiện tại.