Tháng Sáu này đọc được mấy cuốn sách ưng quá, phải lên chia sẻ ngay với các bạn. Thường thì mọi người hay cập nhật sách mới ở đâu?
Bệnh trắng – Karel Capek
Bình thường mình không thích đọc kịch đâu, xem thì hay chứ đọc thoại cảm giác nó cứ sao sao ấy. Nhưng cuốn Bệnh trắng này phải nói là ngoại lệ. Vở kịch đưa ra viễn cảnh về một căn bệnh bí ẩn đột nhiên xuất hiện lan tràn trên thế giới. Bệnh không có thuốc chữa, nó khiến các bệnh nhân ở tuổi trung niên dần có những đốm trắng trên cơ thể và lan khắp người như phong hủi, rồi chết trong đau đớn tột cùng. Ông bác sĩ tìm ra cách chữa bệnh nhưng lại chỉ chữa cho người nghèo hoặc chính quyền phải ngừng chạy đua vũ trang. Người nào thì cũng là người? Tại sao người nghèo được chữa bệnh mà người giàu thì không? Cứ nghèo là tốt giàu là ác hay sao? Chiến tranh xảy ra có phải là một phần tất yếu? Vở kịch đã đưa ra những mâu thuẫn trong suy nghĩ của ông bác sĩ tốt bụng và ngài nguyên soái độc tài, những mưu mô toan tính cũng đều được phơi bày qua gần 200 trang sách.
Người đến từ Mariupol – Natascha Wodin
Cuốn này thấy các bạn kêu khó kiếm, may mà trước đó mình đã sắm một cuốn bìa cứng nên không sợ lắm. Truyện viết theo kiểu hồi kí, gồm 3 phần, kể về quá trình truy nguyên tung tích bà mẹ của tác giả. Phần I khá dông dài buồn ngủ, mình phải skip vài đoạn liệt kê họ hàng, nhưng sang phần II thì cuốn thực sự. Bà mẹ sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Mariupol rồi sau đó bị cưỡng chế lao động tại Đức với danh nghĩa “công nhân miền Đông”. Cuốn sách đã mở ra một câu chuyện mà bấy lâu nay người ta che giấu, một tội ác động trời ngang ngửa Holocaust. Bà chứng kiến gia đình quý tộc của mình sa sút, bị ngược đãi dưới chế độ khủng bố của Stalin. Tác giả kể về người mẹ mà bà ít có dịp nói chuyện nhưng với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc có thể hình dung mẹ tác giả đã đau thương mất mát như thế nào.
Giã từ vũ khí – Ernest Hemingway
Tiếp tục về đề tài thế chiến I, bên cạnh Phía Tây không có gì lạ, Giã từ vũ khí của Hemingway được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về nỗi đau thương, mất mát của con người trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuốn sách kể về tình yêu của chàng trung úy Henry và cô y tá Catherine giữa thời buổi mưa bom bão đạn. Hai người họ đã gặp nhau, yêu nhau, chia cắt rồi cuối cùng vẫn tìm đến với nhau. Không cố viết nên những chiến công hiển hách, Hemingway chỉ đang miêu tả về tình yêu của những người trẻ tuổi cùng nghiệt ngã của cuộc sống. Trước khi cho ra đời cái kết hiện tại, Hemingway đã thử đi thử lại 47 cái kết khác nhau, có cả một cái kết do tiểu thuyết gia nổi tiếng F. Scott Fitzgerald tư vấn, nhưng cuối cùng ông vẫn cho rằng cái kết để Catherine chết và Henry lầm lũi trở về nhà trọ trong cơn mưa tầm tã là hay nhất.
Trong chúng ta có kẻ nói dối – Karen M. McManus
Năm học sinh có mặt trong phòng phạt buổi chiều thứ Hai. Nhưng chỉ có bốn người sống sót rời khỏi đó. Bronwyn, nữ sinh đứng đầu trường với tương lai xán lạn ở Yale trong tầm tay Addy, nữ hoàng dạ hội xinh đẹp, sang chảnh với một cuộc sống lung linh trong mắt mọi người Cooper, ngôi sao thể thao, vận động viên bóng chày được các trường đại học và các đội tuyển săn đón Nate, tay buôn thuốc trái phép đang trong thời gian quản chế. Và cuối cùng là Simon, người nắm giữ những bí mật kinh khủng của bốn người bạn kia. Nhưng cậu đã chết trước khi công khai những bí mật đó trên ứng dụng tin đồn khét tiếng của mình. Cảnh sát tin rằng đây là một vụ giết người, và mỗi học sinh có mặt trong căn phòng đó đều có lý do để hạ sát Simon. Không giống như Agatha Christie vẫn thường giới hạn vụ án trong phòng kín điển hình, những chương của câu chuyện xen kẽ nhau qua lời kể của bốn nghi phạm giết người. Ai trong số họ đã nói dối? Mình thích cuốn sách này vì nó tập trung đào sâu vào tính cách và suy nghĩ của từng nghi phạm, khiến độc giả phải không ngừng phán đoán xem ai là kẻ thủ ác cuối cùng.