Nhiều sách ra quá chả biết chọn cái nào

Tháng 5 mới bắt đầu mà chưa gì đã thấy rỗng túi vì nhiều sách ra quá chả biết chọn cái nào các bác ạ. Nghĩ thương thân ăn mì suốt ngày nên em chỉ bấm bụng mua những cuốn này thôi. Ấn tượng nhất chắc là cuốn Người đến từ Mariupol, tác giả có vẻ ít được biết đến ở Việt Nam nhưng mà dịch giả Hoàng Đăng Lãnh thì siêu nổi, dịch cuốn nào chất lượng cuốn ấy, từ Thời nắng lịm, Diệt vong hay Đốn hạ. Nội dung cuốn sách kể về quãng thời gian tăm tối của chính người mẹ tác giả. Bà bị bắt đi lao động cưỡng bức tại trại lao động tập trung ở Đức khi đang có một cuộc sống bình yên tại Mariupol. Những khổ cực mà hàng ngàn người dân Ukraine phải chịu dưới cái tên “lao động miền Đông” sẽ vẫn là một ẩn số nếu không có những cuốn sách mạnh mẽ viết lên. Người Đức phỉnh phờ họ về một cuộc sống êm đẹp, họ ra đi mà không hay biết rằng sẽ chẳng có đường về. Kể cả có trốn thoát trở về đi chăng nữa, chính đồng bào cũng quay lưng phỉ báng họ.
Một bất ngờ nho nhỏ đấy là cuốn Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng được làm lại, phiên bản đẹp đẽ, bóng bẩy. Cuốn này mình đọc lâu lắm rồi, mỗi lần nhắc đến trong đầu lại mường tượng cảnh núi rừng miền Đông Bắc bộ bạt ngàn, cưỡi con tuấn mã mà rong ruổi như những người anh hùng trong truyện. Cuộc đời phóng khoáng đến thế là cùng. Tiêu sơn tráng sĩ được xem là tiểu thuyết đỉnh cao nhất của Khái Hưng (thành viên Tự lực văn đoàn), nội dung như dựng lại không khí hào hùng cách đây 200 năm xoay quanh cuộc tranh đấu giữa các anh hùng hảo hán chống lại nhà Tây Sơn. Tình tiết gay cấn y như phim kiếm hiệp, đấu trí tưng bừng, đọc cuốn hút ngay từ đầu luôn các bác ạ. Bác nào mê truyện cổ trang, hành động mưu trí thì đừng bỏ lỡ nhé.
Cuốn cuối cùng, Julie hay nàng Héloïse mới của Nhã Nam, bìa siêu đẹp huhu, đành dốc nốt chút bạc lẻ. Đây là cuốn tiểu thuyết viết dưới dạng những bức thư trao đổi, kể về câu chuyện tình giữa nàng Julie, con gái một nam tước, với chàng gia sư Saint-Preux. Không chỉ đưa ra một quan điểm mới mẻ về tình yêu và tự do luyến ái, lên án kiểu hôn nhân cưỡng ép, tác giả còn lồng ghép vào tác phẩm có kết cấu khác lạ này những giá trị triết học đặc sắc, những mô tả đậm chất trữ tình về cuộc sống bình dị mà nên thơ nơi thôn dã, khi con người hòa hợp với thiên nhiên, khi cái tôi trữ tình trong mỗi người được trở về với bản chất nguyên sơ thánh thiện trong chính mình. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1761 và rất nhiều lần tái bản sau đó, mối tình éo le và trắc trở của đôi trai gái đã khiến nhiều thế hệ độc giả rung động và đồng cảm, bởi câu chuyện tình của họ cũng là câu chuyện về sự mong manh của những tâm hồn mạnh mẽ, khi phải lựa chọn lắng nghe trái tim hay tuân theo lý trí, để sống với tình yêu hay đầu hàng những khuôn phép, chuẩn mực khắc nghiệt của xã hội đương thời. Không chỉ là tác phẩm mở đầu cho một trào lưu văn học lãng mạn mới, Julie hay nàng Héloïse mới còn được coi là câu chuyện tình nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII. Tóm tắt trên bìa của Nhã Nam là như vậy, làm mình liên tưởng đến Anna Karenina hay motif tình yêu vượt trên định kiến xã hội đương thời, đúng kiểu mình thích hihi. Các bạn tháng 5 này tăm tia được cuốn nào chưa, thảo luận đê!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *