Napoléon buộc phải thoái vị và bị lưu đày đến hòn đảo nhỏ Elba, trong khi ở Pháp, quyền lực của nhà Bourbons được phục hồi dưới triều đại của Vua Louis XVIII (1755-1824).
Tại Elba, Napoléon vẫn nghe ngóng tình hình và biết được rằng sự ủng hộ của nhân dân Pháp với ông là còn rất lớn. Ông cũng biết rằng, Đại hội Vienna, nơi các liệt cường Châu Âu đang họp đã nổ ra tranh cãi về vấn đề tương lai trên toàn châu lục.
Napoléon quyết định hành động, sau 10 tháng lưu đày, ông tìm cách quay lại Pháp. Đội quân được cử đi để bắt giữ Napoléon của Thống chế Michel Ney (1769-1815) lại quay ra ủng hộ ông, sau đó, là phần lớn quân đội Pháp. Tại Vienna, Liên minh hay tin Napoléon đã về Pháp, lập tức dẹp bỏ mọi mâu thuẫn. Tuyên bố Napoléon là kẻ sống ngoài vòng pháp luật và huy động lực lượng của mình cho một cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra.
Napoléon biết mình phải hành động thật nhanh trước khi Liên minh thứ Bảy tổng tấn công vào Pháp như một năm trước đó. Ông cần một chiến thắng chóng vánh và sau đó mở ra các cuộc đàm phán mà Pháp sẽ là bên hưởng lợi.
Ông thấy ngay kẻ thù gần mình nhất và phải tiêu diệt gấp là quân Phổ của Gebhard Leberecht von Blücher (1742-1819) và liên quân Anh của Công tước Wellington (1769-1852), cả hai đều đang đóng trên đất Bỉ. Nếu đánh 1:1 thì Napoléon có thể sẽ có lợi thế quân số nhưng một khi Blücher và Wellington kết hợp với nhau, họ sẽ áp đảo ông. Vì vậy, Napoléon quyết định giữ khoảng cách giữa quân Phổ và liên quân Anh càng xa càng tốt và tìm cách tiêu diệt từng đội quân một.
Ngày 15/6/1815, quân Pháp hành quân đến biên giới gần Charleroi và dự định chia cắt Blücher và Wellington tại đây. Ngày hôm sau, Napoléon lệnh cho cánh trái quân Pháp do Thống chế Ney chỉ huy, chiếm giao lộ tại Quatre Bras. Tại đây, Ney đụng độ với quân của Wellington, vẫn đang lộn xộn chưa chuẩn bị xong hàng ngũ. Wellington cho quân phòng thủ kiên cường trước Ney và cố gắng giữ vị trí của mình.
Cùng ngày, Napoléon và quân chủ lực đánh quân Phổ tại Ligny và giành chiến thắng. Vị tướng 73 tuổi Blücher ngã ngựa khi chiến mã của ông bị giết, nhưng ông may mắn không bị bắt. Sau trận đánh, Blücher cho quân rút lui trong kỷ luật. Napoléon lệnh cho cánh phải quân Pháp do Thống chế Emmanuel de Grouchy (1766-1847) chỉ huy, truy kích quân Phổ đang rút lui. Còn ông sẽ hội quân với Thống chế Ney để đánh Wellington.
Vị chỉ huy người Anh không nhận được tin Blücher đã bị đánh bại cho đến tận sáng hôm sau, ngày 16/6/1815, ông hạ lệnh rút lui, hành quân trong cơn mưa tầm tã, ông cho quân dừng chân tại làng Waterloo, cách Brussels 8 dặm về phía nam. Tại đây, ông nhận được thư từ Blücher rằng quân Phổ chắc chắn sẽ đến hỗ trợ. Sáng hôm sau, 17/6/1815, ông cho quân hạ trại và chuẩn bị chiến đấu.
Wellington chọn chiến trường một cách cẩn thận, quân của ông được che chắn sau một gò đất nhô cao giúp giảm thương vong từ pháo binh Pháp. Trước mặt liên quân Anh là nông trại Hougoumont, nông trại La Haye Sainte và nông trại Papelotte. Đây là ba cứ điểm quan trọng của chiến trường và được Wellington gia cố bằng các đơn vị tinh nhuệ.
Lúc này, Wellington có khoảng 68.000 quân, nhưng đến từ nhiều nơi: Anh, Hà Lan, Đức,… Trong khi Napoléon có khoảng 72.000 quân. Nhiệm vụ của Wellington là giữ vững trận địa trước quân Pháp tinh nhuệ hơn đến khi chi viện của Blücher tới.
Chủ nhật, 18/6/1815, Napoléon đã lệnh cho Grouchy truy kích quân Phổ, không cho đến cứu viện Wellington, còn ông sẽ mau chóng đánh bại liên quân Anh và mở đường đến Brussels. Nhưng Thống chế Grouchy đang mắc sai lầm chết người, viên tướng già lão luyện của quân Phổ cho hậu quân chặn Grouchy tại Wavre, còn ông dẫn quân chủ lực tiến về Waterloo.
Tại Waterloo, Napoléon tạm hoãn tấn công, chờ mặt đất khô ráo hoàn toàn để ông có thể triển khai pháo binh, khoảng thời gian tạm hoãn tấn công này sẽ chứng tỏ là nó cực kỳ quý giá về sau. Khoảng 11h trưa, Napoléon bắt đầu trận đánh, một cuộc tấn công nghi binh được triển khai tại nông trại Hougoumont. Ông hi vọng Wellington sẽ gia cố cho Hougoumont bằng cách rút một phần lực lượng chính ra khỏi trung quân, từ đó, Napoléon sẽ đánh trực diện vào trung quân Anh.
Nhưng tại, Hougoumont, quân đồn trú Anh-Đức kháng cự quyết liệt, lính Pháp chết rất nhiều. Wellington về sau đã gọi đây là thời khắc quyết định của trận đánh. 12h trưa, 80 khẩu pháo Pháp khai hỏa vào trung quân của Wellington, thương vong là không quá cao do ngọn đồi đã che đi rất nhiều đạn pháo. Đến đầu giờ chiều, sau hơn một tiếng rưỡi pháo kích, bộ binh Pháp bắt đầu tấn công. Họ được đón tiếp bằng những phát súng kỷ luật của bộ binh Anh, sau đó là đợt tấn công của Kỵ binh hạng nặng Anh. Cuộc tấn công bị bẻ gẫy, bộ binh Pháp bối rối và dần tan vỡ, làm mất hai lá cờ hiệu.
Kỵ binh Anh, do đang lên tinh thần, đã tấn công quá hăng hái và tiến quá sâu, chiến mã dần kiệt sức và hàng ngũ bị rối loạn. Kỵ binh Pháp phản công, kỵ binh Anh thương vong vô số, xác chết chất đầy trên cánh đồng, trong số đó, có cả xác của chỉ huy kỵ binh Sir William Ponsonby (1772-1815).
16h, Wellington cho quân lui dần ra sau quả đồi và dần mất hút trước mắt quân Pháp. Từ xa, Thống chế Ney nghĩ rằng quân Anh đang rút lui, ông cùng lực lượng Kỵ binh Cuirassier mau chóng tấn công để chiếm ưu thế. Nhưng đó là một sai lầm chết người, ở sườn đồi bên kia, quân Anh đã triển khai các khối đội hình hộp rỗng khiến Ney và kỵ binh của ông không thể đột phá. Kỵ binh Pháp bao vây một cách yếu ớt và chịu thương vong cao. Ney buộc lòng phải rút lui, thất bại tai hại của ông là do không có sự yểm trợ từ pháo binh hay bộ binh và tính nóng vội của vị Thống chế này.
Trong khi đó, quân Phổ của Blücher cũng xuất hiện và chiếm làng Plancenoit. Đe dọa ngay sau lưng quân Pháp, Napoléon buộc phải gửi quân đến tái chiếm làng.
18h, bộ binh Pháp chiếm được nông trại La Haye Sainte giữa chiến trường. Pháo binh Pháp mau chóng triển khai và nã đạn vào quân Anh ở tầm gần. Thương vong quân Anh tăng cao, nếu không rút lui, nguy cơ họ sẽ vỡ trận.
Nhưng Napoléon cũng chẳng khá khẩm hơn, quân Phổ đang ào ạt đánh tới và quân Pháp dần thiếu lực lượng để đánh Wellington. Napoléon buộc phải tung vào lực lượng tinh nhuệ nhất của mình: Đội Cận vệ Đế chế, đội quân đáng sợ nhất Châu Âu.
Bảy rưỡi tối, 3000 quân Cận vệ Đế chế bắt đầu tấn công vào trung quân Anh. Lính Áo đỏ Anh xả một loạt đạn hỏa mai chết chóc vào họ. Quân Anh chuẩn bị lưỡi lê và bắt đầu đánh giáp lá cà. Cận vệ Đế chế giao động tinh thần và bắt đầu rút lui. Wellington ra lệnh tổng tấn công, cùng lúc, quân Phổ tái chiếm Plancenoit. Tin tức về Đội Cận vệ Đế chế đã thất bại khiến quân Pháp hoang mang và bắt đầu bỏ chạy, hàng ngũ tan vỡ. Chỉ còn Đội Cận vệ Già cực kỳ trung thành với Napoléon là ở lại chặn hậu trong một trận đánh ác liệt.
Napoléon phải bỏ xe ngựa và tẩu thoát khi kỵ binh Phổ truy đuổi ráo riết. Trận chiến kết thúc, Wellington và Blücher gặp nhau trên chiến trường. Hai vị chỉ huy cùng nhau ăn mừng chiến thắng tại trụ sở cũ của Napoléon ở quán bia Liên minh La Belle. Blücher nghĩ đây là cái tên hoàn hảo để đặt tên cho chiến thắng oanh liệt này nhưng Wellington thích một cái tên nghe “Anh” hơn: Waterloo.
Tổn thất của hai bên là rất lớn, 23.000 lính Liên minh và 27.000 quân Pháp. Nhiều người bị thương đã bị bỏ lại chiến trường trong vài ngày sau đó.
Napoléon đã hoàn toàn bị đánh bại, ông đầu hàng quân Anh, lần này ông bị đày đến một nơi xa xôi hẻo lánh hơn: Hòn đảo Saint Helena. Napoléon ở trên đảo và mất 6 năm sau đó, năm 1821.
Waterloo đã đảm bảo một nền hòa bình lâu dài cho Châu Âu, không có cuộc chiến giữa các cường quốc trong gần 40 năm, cho đến Chiến tranh Crimea (1854-1856) và quân đội Anh cũng không chiến đấu trên trên lục địa Châu Âu trong gần một thế kỷ tiếp theo, đến tận mùa hè 1914, khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ.
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.