Tháng 11/1813, Liên minh tạm dừng việc tấn công lại, Ngoại trưởng Áo Klemens von Metternich (1773-1859) đưa ra các điều khoản hòa bình cho Napoléon, “Đề xuất Frankfurt” cho phép Napoléon giữ lại ngai vàng của mình nếu ông chấp nhận lãnh thổ Pháp trở lại cái gọi là “Biên giới tự nhiên” mà nó vốn có. Đây được xem như đề xuất tốt nhất với Napoléon trong bối cảnh ông gần như vào đường cùng và Liên minh thứ Sáu đã rất quyết tâm chống lại ông.
Tuy nhiên, Napoléon từ chối, không chấp nhận các điều khoản mà Metternich đưa ra. Ông chỉ chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chiến tranh với Liên minh thứ Sáu sẽ vẫn tiếp diễn.
Tháng 1/1814, Napoléon ở cảnh bết bát vô cùng, các đơn vị đồn trú của Pháp tại Đông Âu đều đã lần lượt đầu hàng. Thống chế Louis Nicolas Davout (1770-1823) và 34.000 quân vẫn bị vây chặt ở Hamburg. Đan Mạch, một trong những đồng minh cuối cùng còn lại của Pháp đã bị quân đội Thụy Điển của Thái tử Karl Johan (1763-1844), tức cựu Thống chế Pháp Jean Baptiste Jules Bernadotte, đánh tan tác và buộc phải gia nhập Liên minh. Quân đội Pháp cũng đã phải từ bỏ Vương quốc Hà Lan, sau gần 20 năm.
Ở Ý, Phó vương Eugène de Beauharnais (1781-1824) đang phải đối đầu với Vua Naples là cựu Thống chế Pháp Joachim Murat (1767-1815). Murat cùng đội quân 30.000 người của ông đang đem quân lên tấn công Bắc Ý như đúng thỏa thuận của ông với Liên minh thứ Sáu.
Trong khi đó, tại Thủ đô Paris, Napoléon đối mặt với khủng hoảng bằng các chính sách cực đoan: Tăng thuế gấp đôi, cắt giảm lương thưởng cho trong các thành phố, 300.000 lính nghĩa vụ non kinh nghiệm được điều động. Ngoài ra, Napoléon còn cho trả tự do cho Giáo hoàng Pius VII (1742-1823), sau 5 năm quản thúc ở Pháp, với mục đích chính là lợi dụng ủng hộ của người dân bán đảo Ý với Giáo hoàng. Thậm chí, Napoléon chấp thuận Fernando VII (1784-1833) trở lại ngai vàng Tây Ban Nha để đổi lấy hòa bình giữa Pháp và Tây Ban Nha. Nhưng tất cả những nhượng bộ này là quá ít và quá muộn.
Vào tháng 1/1814, Liên minh đã vượt sông Rhine và tiến công Pháp. Đội quân Silesia của Gebhard Leberecht von Blücher (1742-1819) và Đội quân Bohemia của Hoàng tử Schwarzenberg (1771-1820) đã áp đảo hoàn toàn quân Pháp. Ngày 25/1/1814, Napoléon từ biệt người vợ Marie Louise (1791-1847) và con trai Napoléon François Charles Joseph Bonaparte (1811-1832) ở Điện Tuileries trước khi ra trận. Đó là lần cuối Napoléon gặp mặt vợ con mình.
Napoléon chỉ có khoảng 70.000 quân, bằng khoảng một phần tư quân của Blücher và Schwarzenberg, và phần lớn là lính nghĩa vụ, chưa có đủ quân phục, nhiều người mới chỉ biết cách cầm súng hỏa mai. Lần đầu tiên sau nhiều năm, đội quân của Napoléon nhỏ tới mức ông nắm rõ mọi đường đi nước bước của nó, và với 70.000 quân ấy, ông sẽ có chiến dịch cuối cùng của mình trước khi phải thoái vị.
Trận chiến vì nước Pháp của Napoléon sẽ diễn ra chủ yếu ở phía đông Paris, vùng đồng bằng Champagne: một khu vực bị chia cắt bởi sông Marne và sông Seine. Cuối tháng 1/1814, đồng bằng Champagne phủ đầy tuyết, những con đường sau đó ngập trong bùn lầy. Napoléon biết rằng quân Liên minh đang phân tán trên diện rộng và một phần đội quân của Blücher đang ở gần trường cũ của ông tại Brienne.
Hoàng đế Pháp thúc quân tiến nhanh, hi vọng tiêu diệt được họ. Ngày 29/1/1814, sau trận đánh ác liệt khiến mỗi bên thương vong 3000 người, quân của Blücher đã rút lui thành công và hội quân với Hoàng tử Schwarzenberg. Trong trận đánh, một kỵ binh Cossacks Nga đã suýt đâm chết Napoléon nhưng tài thiện xạ của tướng Gaspard Gourgaud (1783-1852) đã cứu Hoàng đế một mạng.
Trong khi Napoléon đang truy tìm tung tích của Blücher thì viên tướng Phổ và Hoàng tử Schwarzenberg đã quyết định tấn công bất ngờ tại La Rothière. Ngày 1/2/1814, Liên minh vượt tuyết dày tấn công vào làng do lính nghĩa vụ Pháp trấn giữ. Một người lính do quá non kinh nghiệm khiến đích thân Thống chế Auguste de Marmont (1774-1852) phải xuống ngựa và chỉ anh ta cách nạp đạn và bắn sung hỏa mai trong hoàn cảnh chuẩn bị đối đầu quân địch. Đến chiều muộn, Quân đoàn Bavarian của Karl Philipp von Wrede (1767-1838) áp sát sườn quân Pháp, bị áp đảo quân số, Napoléon buộc phải cho quân rút lui, chịu thương vong 5000 người và bỏ lại 73 khẩu pháo trong lớp bùn dày. Lần đầu tiên, Liên minh đánh bại được Napoléon ngay trên đất Pháp.
Tin rằng Napoléon đang hành quân về Paris, Liên minh chia quân làm hai ngả để đuổi theo, Blücher cho quân đi dọc theo sông Marne trong khi Hoàng tử Schwarzenberg thì dọc theo sông Seine.
Ngày 6/2/1814, Napoléon rút đến Nogent và nhận ra Liên minh đang chia quân dọc hai bờ sông Marne và sông Seine. Không chỉ vậy, hai cánh quân của Liên minh hành quân với tốc độ khác nhau. Viên tướng già Blücher thì hăng hái thúc quân đi thật nhanh, trong khi Schwarzenberg thì thận trọng và giảm tốc độ hành quân khiến ông bị tụt lại phía sau. Napoléon lệnh cho hai Thống chế là Nicolas Oudinot (1767-1848) và Claude Victor-Perrin (1764-1841) ở lại bên sông Seine nhằm chặn Schwarzenberg còn ông dẫn 30.000 quân tiến lên phía bắc đánh bất ngờ Đội quân Silesia của Blücher đang hành quân bên sông Marne.
Napoléon mau chóng đụng độ Quân đoàn 9 Nga của Zakhar Dmitrievich Olsufiev (1773-1835) tại Champaubert, ông mau chóng đập tan quân đoàn này, bắt được 2000 người làm tù binh. Sáng hôm sau, 11/2/1814, Napoléon thúc quân đuổi theo lực lượng của Fabian Gottlieb von der Osten-Sacken (1752-1837) gần Montmirail.
Osten-Sacken có lực lượng mạnh hơn Olsufiev nhiều với hai quân đoàn bộ binh, một quân đoàn kỵ binh và còn có sự hỗ trợ từ Quân đoàn 1 Phổ của Ludwig Yorck von Wartenburg (1759-1830). Nhưng quân của Yorck đến muộn, Osten-Sacken không chống nổi sức tấn công mãnh liệt của Napoléon. Trong trận đánh, Đội Cận vệ Già tinh nhuệ cũng được sử dụng. Đến cuối ngày, quân của Napoléon gây ra cho quân của Osten-Sacken 3500 người thương vong. Yorck thấy không cứu vãn được tình thế nữa vội cho quân rút lui.
Napoléon lệnh cho Thống chế Jacques MacDonald (1765-1840) đem quân chiếm cầu Marne ở Château-Thierry, nhưng Yorck đã đến trước, qua sông và cho nổ cầu. MacDonald chỉ kịp đánh tan hậu quân Phổ mà thôi. Napoléon liền cử thêm Thống chế Édouard Mortier (1768-1835) đến xây lại cầu và cùng Thống chế MacDonald đuổi theo Yorck.
Napoléon hội quân với Thống chế Marmont để cùng đánh Blücher. Ông tổ chức tấn công tại Vauchamps, sử dụng kỵ binh của tướng Emmanuel de Grouchy (1766-1847) đánh tan tác quân của Blücher. Quân Phổ rút lui, Napoléon tổ chức truy kích, Đội quân Silesia tổn thất 6000 người trong khi Napoléon chỉ mất 600 người.
Trong 6 ngày, từ ngày 10 đến ngày 15/2/1814, Napoléon đã đánh bại đội quân đông gấp đôi của Blücher đến tận 4 lần. Blücher tổn thất 15.000 quân trong các trận giao tranh và thêm 15.000 quân khác do mất tích và đào ngũ. Đến lúc này, Đội quân Silesia của ông đã tan nát và gần như bị vô hiệu hóa.
Ở phía nam, Thống chế Victor và Thống chế Oudinot đã không thể ngăn cản Schwarzenberg thêm nữa. Đội quân Bohemia đã vượt sông Seine theo ba hướng và giờ quân Áo cách Paris chỉ vỏn vẹn 40 dặm. Napoléon cấp tốc đưa quân xuống phía nam, Schwarzenberg khi biết tin thảm bại của Blücher, vội vàng cho quân rút lui. Nhưng quân tiên phong của Pyotr Khristianovich Wittgenstein (1769-1843) đã đi quá xa so với phần còn lại của lực lượng nên không nhận được tin, Wittgenstein bị Napoléon đánh tan tác, thương vong 2000 người ở Mormant ngày 17/2/1814.
Sau đó, Napoléon lệnh cho Quân đoàn 2 của Thống chế Victor chiếm cây cầu gần làng Montereau nhưng Victor tiến quân quá chậm và làm Hoàng đế nổi đóa, ông sa thải Victor và thay vị trí của ông bằng tướng Étienne Maurice Gérard (1773-1852). Ngày hôm sau, 18/2/1814, quân Pháp đánh lui quân từ Vương quốc Württemberg khỏi Montereau. Trong trận đánh, đích thân Napoléon đã cùng chiến đấu cùng pháo binh Pháp, hệt như cái cách ông làm trong trận Lodi 18 năm trước đó.
Trong khi đó, dù đang giao tranh ác liệt, các đàm phán giữa Pháp và Liên minh vẫn được mở tại Châtillon-sur-Seine vào ngày 5/2/1814. Các điều khoản đã khắc nghiệt hơn với Pháp: Trở lại biên giới của năm 1791, có nghĩa là mất đi toàn bộ đất Bỉ, điều sỉ nhục mà Napoléon không đời nào chấp nhận. Thay vào đó, Hoàng đế Pháp đòi xem xét lại “Đề xuất Frankfurt” của Ngoại trưởng Áo Metternich đã đưa ra trước đây. Ông biết, làm như vậy sẽ gây ra các mâu thuẫn trong Liên minh và như vậy, ông sẽ có thêm chút thời gian cho mặt trận.
Nhưng kế hoạch đổ bể vì Ngoại trưởng Anh, Bá tước Castlereagh (1769-1822) đã thuyết phục các nước trong Liên minh ký Hiệp ước Chaumont, trong đó ghi rõ Liên minh vẫn duy trì ít nhất 150.000 quân trên chiến trường, đổi lại, Anh sẽ chi 5 triệu Bảng tài trợ. Sau khi đánh bại Pháp, Anh, Áo, Phổ và Nga sẽ hình thành liên minh phòng thủ trong 20 năm để duy trì hòa bình Châu Âu. Ngoài ra, còn phải đảm bảo độc lập cho Thụy Sĩ và các vương quốc ở Đức và Ý, trong khi đó, ngai vàng Tây Ban Nha phải trả lại cho nhà Bourbons và ngai vàng Hà Lan phải trả lại cho nhà Orange.
Kế hoạch phá sản đã đành, Napoléon còn phải tiếp nhận các thông tin ảm đạm trong nước. Nhiều thành phố đã buông súng đầu hàng như Dijon, Nancy, Mâcon,… Trong khi ở miền Nam nước Pháp, Sir Arthur Wellesley (1769-1852) đã đánh bại Thống chế Jean-de-Dieu Soult (1769-1851) tại Orthez vào ngày 27/2/1814 buộc Soult phải rút về Toulouse. Hai tuần sau, Wellesley tiến vào Bordeaux trong sự chào đón của người dân, đích thân thị trưởng thành phố ra chào đón Wellesley với một dải vải cài mũ màu trắng trên tay, biểu tượng cho lòng trung thành với nhà Bourbons.
Lính Liên minh ở Pháp, nhất là lính Cossacks, thường cướp bóc của cải dân chúng. Người dân Pháp vẫn thường tổ chức các cuộc trả thù nhằm vào binh lính Liên minh nhưng nó không bao giờ có thể trở thành kiểu chiến tranh du kích như ở Tây Ban Nha. Người dân Pháp lúc này cần nhất là hòa bình, dù là với bất cứ giá nào.
Cuối tháng 2/1814, để nói Napoléon đã thất bại thì là quá sớm, lúc này, ông đang truy đuổi Đội quân Bohemia của Hoàng tử Schwarzenberg vốn có lực lượng gấp đôi ông. Trong bối cảnh Blücher đang hồi phục lực lượng, Napoléon hiểu phải đánh một đòn dứt điểm thật nhanh vào quân Áo. Schwarzenberg đã rút qua sông Aube còn Blücher đang rục rịch tiến quân đến Paris, đối đầu với ông chỉ là quân của Thống chế Marmont và Thống chế Mortier với quân số ít hơn nhiều.
Napoléon lệnh cho Thống chế MacDonald để mắt đến Schwarzenberg còn mình dẫn quân đuổi theo Blücher. Ngày 5/3/1814, quân Pháp ở Soissons đầu hàng, Blücher tăng tốc độ hành quân, Napoléon vẫn kiên trì đuổi theo dọc sông Aisne. Nhưng tại Craonne, quân Nga ở đây kiên cường chống đỡ khiến Napoléon tốn nhiều thời gian để đánh bại họ, ngày 7/3/1814, Napoléon dành chiến thắng với tổn thất 6000 người, gồm nhiều lính tinh nhuệ từ Đội Cận vệ Già. Napoléon tiếp tục thúc quân đến Laon.
Nhưng tại làng Laon, Blücher đã tập hợp được tới 98.000 quân, gấp đôi của Napoléon. Các cuộc tấn công của Thống chế Marmont bị đẩy lùi. Nhưng Napoléon tránh được một thất bại nặng nề bởi chính viên tướng Phổ 72 tuổi lại quá thận trọng vì bản thân ông không biết Napoléon có bao nhiêu quân. Sau cùng, trận Laon kết thúc khiến quân Pháp tổn thất 6500 người.
Napoléon rút về Soissons, cho quân nghỉ ngơi rồi lại tiến đánh thành phố Reims vốn đã bị quân Nga của Guillaume Emmanuel Guignard (1776-1814) chiếm đóng. Napoléon tấn công chớp nhoáng và chiếm lại Reims vào ngày 13/3/1814. Tướng Guignard bị thương nặng, đưa về Laon dưỡng thương nhưng không qua khỏi.
Trong khi đó, ở phía nam, Schwarzenberg nhận thấy Napoléon không còn ở đây và quyết định tấn công. Thống chế Oudinot và Thống chế MacDonald mau chóng bị đánh bại dễ dàng. Schwarzenberg chiếm được thành phố Troyes. MacDonald buộc phải rút qua sông Seine.
Ngày 17/3/1814, sau 4 ngày nghỉ ngơi, Napoléon lại tiến xuống phía nam lần nữa, Schwarzenberg quyết định chiến đấu vì ông biết Napoléon vừa thất bại ở Laon. Napoléon đến Arcis-sur-Aube ngày 19/3/1814, phớt lờ việc Schwarzenberg không rút lui, ông vẫn cho quân chiến đấu vì ông tin đối thủ của mình chỉ là hậu quân của Schwarzenberg. Trận ác chiến nổ ra, Napoléon với 28.000 quân phải đối đầu với toàn bộ Đội quân Bohemia 80.000 người. Sau hai ngày giao tranh, Napoléon rút lui.
Nhận thấy quân của mình quá yếu để đánh trực diện, Napoléon đổi chiến thuật. Ông sẽ vòng ra sau quân Liên minh, kết hợp với quân Pháp ít ỏi còn đồn trú ở đấy và cố gắng cắt đứt tuyến liên lạc của Liên minh khiến Schwarzenberg và Blücher phải từ bỏ Paris và rút lui. Nhưng…
Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838), cựu Ngoại trưởng Pháp, từ chức năm 1807 do bất đồng với Hoàng đế. Talleyrand luôn tin rằng Napoléon đang đưa nước Pháp vào đống hoang tàn, từ lâu, Talleyrand luôn tuồn thông tin nước Pháp cho Liên minh, toàn những tin tuyệt mật về quân sự và kinh tế. Lần này cũng vậy, Talleyrand thông báo cho Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825) về tình hình Paris, sự ủng hộ Napoléon đã chạm đáy và thúc dục Sa hoàng mau đưa quân chiếm Paris, mặc kệ các động thái của Napoléon.
Tin của Talleyrand là đúng vì Liên minh bắt được thư của Anne Jean Marie René Savary (1774-1833), Bộ trưởng bộ Cảnh sát Pháp, gửi cho Hoàng đế: “Kho bạc, kho vũ khí, kho lương thực đều đã trống rỗng. Mọi nguồn lực của chúng thần đã cạn kiệt, dân chúng thì chán nản và mong mỏi hòa bình với bất cứ giá nào.”
Biết được thông tin quan trọng này, ngay khi Napoléon tiến về Saint-Dizier, Liên minh cử tướng Ferdinand von Wintzingerode (1770-1818) và 10.000 kỵ binh đuổi theo quấy nhiễu còn Schwarzenberg và Blücher tiến đến Paris. Tại Fère-Champenoise, họ đụng độ quân của Marmont và Mortier đang hành quân để hội quân với Napoléon. Trận chiến nổ ra, toàn bộ đội Vệ binh Quốc gia gồm 5000 người gần như bị xóa sổ hoàn toàn, hai Thống chế Pháp thất bại cay đắng.
Hay tin về hành động của Liên minh, Napoléon dẹp phăng kế hoạch của mình và vội quay đầu đuổi theo. Vợ con Hoàng đế và các bộ trưởng đã sơ tán khỏi Paris. Anh trai Hoàng đế là Joseph Bonaparte (1768-1844) phụ trách phòng thủ Paris nhưng không làm tròn trách nhiệm. Cả Paris ngập trong tin đồn về sự phản bội và thất bại bẽ bàng.
Marmont và Mortier đến Paris trước Liên minh, vét hết quân của thành phố cũng chỉ được 37.000 người, trong khi, ngoài kia là 120.000 quân Liên minh. Ngày 30/3/1814, Liên minh bắt đầu tấn công, lính Pháp kiên cường chiến đấu gây cho Liên minh vài nghìn thương vong nhưng thất bại là điều chắc chắn. Ngay đêm đó, để tránh Paris bị tàn phá, Thống chế Marmont ký văn kiện đầu hàng. Tại Điện Invalides, ngày 31/3/1814, Thống chế 72 tuổi Jean-Mathieu-Philibert Sérurier (1742-1819) cho đốt hơn 1400 giấy tờ tài liệu các loại và hàng loạt cờ hiệu để chúng không rơi vào tay Liên minh.
Napoléon về cách Paris đúng 15 dặm khi hay tin thành phố đã đầu hàng, ông ngồi im bất động, hai tây ôm đầu trong hơn 15 phút. Ngày 31/3/1814, Liên minh tiến vào Paris, đây là lần đầu có quân đội nước ngoài tiến vào Thủ đô Pháp kể từ Chiến tranh Trăm năm. Đám đông Paris hân hoan chào đón ba vị quân vương Liên minh. Trên tất cả, là Sa hoàng Aleksandr I, người được ca tụng là cứu tinh của Châu Âu.
Trong khi cách đó 35 dặm, Napoléon và 35.000 quân đói khát đang ở Fontainebleau sau cuộc hành quân 100 dặm. Nhưng, ngay lập tức, Napoléon lên kế hoạch tái chiếm Paris. Các tướng lĩnh và Thống chế của ông phản đối, bao gồm Thống chế Ney, Thống chế MacDonald, Thống chế Oudinot và Thống chế Berthier. Họ nhắc Napoléon về lời thề luôn hành động vì lợi ích của nước Pháp và rằng ông đã thua cuộc chiến này, thoái vị sẽ là điều tốt nhất ông có thể làm, nếu sẽ có lợi cho con trai ông (nếu có thể).
Ngày 4/4/1814, Thống chế Marmont cùng quân đoàn của mình đầu hàng hoàn toàn Liên minh, họ hành quân về chiến tuyến của kẻ thù, bất chấp các ý kiến trái chiều của các chỉ huy của quân đoàn. Napoléon choáng váng với tin này, Liên minh liên tục khuyên ông thoái vị và hứa con trai ông sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định.
Ngày 6/4/1814, Napoléon chấp nhận thoái vị không điều kiện trước mặt các Thống chế của mình. Hiệp ước Fontainebleau được ký kết, theo đó, Napoléon vẫn dữ danh hiệu Hoàng đế và trở thành chủ nhân của hòn đảo Elba nhỏ bé, được giữ lại một đội vệ sĩ gồm 400 người. Tin này đến quá muộn và Wellesley đã tấn công vào Toulouse khiến 7000 người thương vong vô ích.
Vào đêm sau khi thoái vị, Napoléon cố tự sát bằng lọ thuốc độc mà ông giấu trong người khi còn trong cuộc chiến với Nga năm 1812, nhưng thuốc hết hạn sử dụng và ông vẫn sống sót.
Hai tuần sau, tại Điện Fontainebleau, Napoléon giã từ những người lính trung thành với mình và bắt đầu chuyến lưu đày. Chiến tranh Napoléon diễn ra trên cả đất liền và trên biển trong hơn một thập kỷ (1803-1814) dường như cuối cùng cũng kết thúc. Các nhà sử học ước tính đã có khoảng 2 đến 3 triệu người chết trên khắp Châu Âu. Hầu hết binh lính chết vì bệnh tật chứ không phải trong chiến đấu, hàng ngàn người bị tàn tật và mất đi thần trí.
Trong suốt thời kỳ này, Napoléon là Thần Chiến tranh của Châu Âu, áp đặt các hiệp ước lên kẻ bại trận, vẽ lại các bien giới, lật đổ các chế độ cũ, lập ra các vị vua mới, những nhà nước mới. Ông được xem như nhân vật lịch sử cuối cùng kết hợp cả sức mạnh quân sự và chính trị trong suốt sự nghiệp vĩ đại của mình, theo những khuôn mẫu của các bậc tiền nhân: Alexandros Đại đế (356-323 TCN) và Julius Caesar (100-44 TCN).
Tuy vậy, sự nghiệp của Napoléon cũng như cuộc chiến tranh dai dẳng của ông sẽ vẫn chưa kết thúc. Chỉ 10 tháng sau, Napoléon tẩu thoát khỏi Elba và trở về Châu Âu lục địa để tìm lại ngai vàng và quyền lực của mình, ông sẽ có trận đại chiến cuối cùng, quyết định thành bại của ông tại Châu Âu.
Viết bài: #LeNguyenVietAnh. #Napoleon. #France. #Fontainebleau. #Aleksandr. #Lịch_sử. #Phương_Tây.
