Hôm trước đăng bài cho vui nhưng thấy anh em có vẻ thích nên hôm nay xin đăng bài nghiêm túc.
Vừa qua, Ghost of Tsushima (Bóng ma của đảo Đối Mã) đã đạt được thành công to lớn khi miêu tả cuộc xâm lăng lần I của quân Mông Cổ vào nước Nhật. Dòng game Total War cũng đã từng thành công trong chủ đề này trong phiên bản mở rộng Mongol Invasion của Shogun I. Dù chẳng còn mấy ai chơi Shogun I nhưng năm ngoái đã từng có thành viên trong nhóm lầm lẫn giữa Shogun I và Shogun II khi đăng bài hỏi tại sao đợi mãi không thấy Khã Hãn đổ bộ cũng như bài viết của mình nhận được một số bình luận mang tính chất tranh luận về nguyên nhân thất bại của đế chế Nguyên khi xâm lăng Nhật Bản nên hôm nay mình sẽ làm một bài phân tích về chủ đề này.
Thế kỉ XIII được nhớ đến với sự trỗi dậy của đế quốc Mông Cổ, một dân tộc du mục chỉ mới vừa được thống nhất và vẫn còn mang nhiều màu sắc của một nhà nước phong kiến sơ khai. Với quân đội thiện chiến và bối cảnh lịch sử thuận lợi khi các dân tộc xung quanh đang suy yếu, đế quốc Mông Cổ bành trướng tứ phía dưới sự lãnh đạo tài tình của Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân.
Hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn tiếp tục mở rộng biên cương với các cuộc xâm lược. Hốt Tất Liệt có lẽ là nhân vật tiêu biểu nhất khi là kẻ đã đánh dấu chấm hết cho nhà Tống và lập nên nhà Nguyên.
Với mục tiêu chinh phục hết các quốc gia chưa bị chinh phục, Hốt Tất Liệt ra sức xâm lăng và Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Từ năm 1266, Hốt Tất Liệt đã gửi sứ giả đến Nhật Bản nhằm yêu cầu Thiên Hoàng đầu hàng và trở thành chư hầu của nhà Nguyên. Nhật Bản lúc này đang trong thời kỳ mạc phủ Kamacura nhưng nhìn chung quyền lực đã dần rơi vào tay dòng họ Hojo. Shogun Hojo Tokimune đã thẳng thừng từ chối yêu sách của nhà Nguyên. Những chuyến viến thăm của sứ giả nhà Nguyên đến Nhật Bản vào các năm 1269, 1271, 1272 cũng không có kết quả nên đến năm 1274 thì Hốt Tất Liệt quyết định động binh.
Với 15.000 quân Mông-Ly-Hán dưới sự chỉ huy của chủ tướng Hân Đô, hai phó tướng Hồng Trà Khâu và Lưu Phục Hưởng, quân Nguyên dễ dàng đánh bại quân Nhật ở đảo Tsushima và đảo Iki để tiến vào vịnh Hakata ở phía bắc đảo Kyushu. Các samurai do không rõ về đối thủ lại lần đầu nếm mùi thuốc súng nên thua tan tác. Tuy nhiên họ đã rút lui thành công và tập hợp lại lực lượng. Quân Nguyên không dám đóng trên bờ vì sợ bị tập kích. Quân Nhật lại phản công mãnh mẽ ở Tsushima và Iki nên nhìn chung quân Nguyên bị rơi vào tình thế không có chỗ trú đóng.
Dù nhận ra có bão sắp tới nhưng Hân Đô đã đánh giá sai sức mạnh của cơn bão khiến hạm đội của nhà Nguyên bị bão đánh tan. Không còn đủ sức tiến quân nên Hân Đô đành lui binh về Cao Ly.
Bại trận, Hốt Tất Liệt quyết tâm rửa hận nhưng khi đó Nam Tống vẫn còn và chiến sự thì đang căn. Nhân dân Trung Quốc vẫn nổi dậy ở nhiều nơi nên Hốt Tất Liệt đành phải tạm gác việc xâm lược Nhật Bản. Năm 1275, Hốt Tất Liệt lại đoàn sứ thần đến Nhật Bản để thuyết hàng nhưng đoàn sứ thần đã bị chém đầu.
Năm 1279, Hốt Tất Liệt diệt được Nam Tống, làm chủ đất Hoa Nam, nên lại gửi thư bắt Thiên Hoàng phải nhận làm chư hầu của đế chế Nguyên nhưng đoàn sứ thần lại bị chặt đầu. Hốt Tất Liệt nổi trận lôi đình, quyết làm cỏ Nhật Bản nên lệnh cho Cao Ly đóng gấp 900 thuyền để chở 4 vạn quân vượt biển. Cánh quân này gọi là Đông Lộ Quân vẫn do Hân Đô và Hồng Trà Khâu chỉ huy. Dân Hoa Nam ở ven biển cũng bị bắt đóng gấp 3500 thuyền để chở 10 vạn quân do tướng Phạm Văn Hổ chỉ huy. Cánh quân này gọi là Giang Nam Quân.
Năm 1281, quân Nguyên ồ ạt tiến công Nhật Bản. Tuy nhiên Giang Nam Quân do gặp khó khăn về hậu cần nên không thể đến nơi đúng hẹn. Đông Lộ Quân không chờ mà tự đánh lấy Tsushima và Iki rồi lại đổ bộ vào vịnh Hakata.
Sớm nhận ra mưu đồ của nhà Nguyên nên từ năm 1274, nhà Hojo đã đốc thúc các chư hầu ở Kyushu xây một bức tường thành chạy theo bờ biển vịnh Hakata và bức tường này đã phát huy tác dụng. Đông Lộ Quân đánh mãi nhưng không phá được thành dù họ đã dùng đến pháo và đạn nổ. Binh sĩ không quen khí hậu lại không quen đi biển nên sinh bệnh mà chết rất nhiều.
Đông Lộ Quân lại phải lui ra. Tsushima và Iki lại không thể giữ được nên Đông Lộ Quân phải lênh đênh trên biển để chờ Giang Nam Quân. Giang Nam Quân thì cuối cùng cũng đến. Cả hai hội nhau công đánh vào góc Tây Bắc của vịnh Hakata, nơi yếu nhất trong phòng tuyến vì có ít quân phòng ngự và địa thế khó tương trợ lẫn nhau.
Quân Nguyên đổ bộ được lên bờ, phá được hàng phòng ngự đầu tiên, thế trận đang dân nghiêng về phía quân Nguyên thì bão lại nổi lên dù khi đó không phải là mùa bão. Cơn bão này còn lớn hơn cơn bão năm 1274 khiến cho hạm đội nhà Nguyên tan tành và buộc phải lui binh.
Hai lần đại bại khiến Hốt Tất Liệt không khỏi ôm hận trong lòng và quyết tâm phục hận nhưng do nhận thấy sự yếu kém về thủy binh cũng như khó khăn trong công tác hậu cần nên Hốt Tất Liệt quyết định tiến đánh phương Nam nhằm củng cố thế lực, chiếm thêm cảng biển để phát triển thủy quân nhưng lần đại bại tại Đại Việt vào năm 1285 đã khiến Hốt Tất Liệt quyết diệt cho được Đại Việt nhưng rồi lại đại bại vào năm 1288. Cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ tư chưa xảy ra thì Hốt Tất Liệt băng hà. Nhà Nguyên cũng không còn đủ sức để tiến hành các cuộc xâm lăng nên cũng không thể dòm ngó Nhật Bản nữa.
Hai lần đại thắng dù ở thế yếu, người Nhật Bản càng tin rằng họ được những cơn gió thần che chở và từ đây hình thành khái niệm Kamikaze – Thần Phong. Đây cũng là lý do mà nhiều cho rằng Nhật Bản thắng trận là nhờ bão và không có bão thì Nhật Bản đã đại bại. Vậy điều này đúng hay sai? Điều này thật chất nói đúng cũng đúng mà nói sai thì cũng sai.
Đầu tiên nếu nói về sức mạnh quân sự thì quân Nguyện hơn hẳn các samurai do họ đã nắm được công nghệ thuốc súng và họ hiểu rõ đối thủ của mình. Ngược lại, các samurai nhìn chung còn bảo thủ về quan điểm dù rằng họ đã tiếp thu được một số tinh hoa văn hóa của Trung Quốc và Triều Tiên trong các giai đoạn trước. Bằng chứng là các samurai vẫn sử dụng lối đánh vấn danh và chỉ khi đối phương không chịu đấu tay đôi thì họ mới đánh trận với toàn bộ binh lực. Trong giai đoạn này người Nhật cũng chỉ mới biết dùng thương nhờ tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc nên không thể chống kỵ hiệu quả và lực lượng Túc Khinh cũng chưa ra đời nên công việc chiến đấu là của riêng samurai và những người thân cận với họ. Điều này khiến người Nhật không thể huy động được một lượng lớn quân số để chiến đấu. Ngược lại quân Nguyên lại rất thiện chiến và đông đảo.
Tuy nhiên khi xét đến yếu tổ thứ hai là quân tâm và dân tâm thì quân Nguyên đã thua. Tuy đông nhưng quân Nguyên lại tập hợp từ nhiều dân tộc nên nội bộ ít nhiều có mâu thuẫn, tính đoàn kết vì thế mà không cao. Ngược lại các samurai lại một lòng trung thành với Thiên Hoàng mà quyết đánh tới chết chứ không hàng. Người dân cũng chẳng mấy ai chạy về phía quân Nguyên mà nếu có cũng là vì bất đắc dĩ hoặc là phường đầu trộm đuôi cướp. Điều này lý giải vì sao khi quân Nguyên rút chủ lực khỏi Tsushima và Iki thì hai đảo này nhanh chóng được giải phóng dù đại binh của Nhật không hề đến tiếp ứng.
Thứ ba là về đặc điểm của quân Mông Cổ. Quân Mông Cổ vốn là một đạo quân du mục, quen đánh trên đất bằng và luôn mang theo gia súc để vừa chiến đầu vừa chăn thả, không quen đi biển cũng không quen tác chiến trên địa hình xấu nên dù đổ bộ thành công cũng khó phát huy sở trường. Hậu cần trở thành điểm yếu chết người vì một lẽ đơn giản Nhật Bản vốn khá nghèo tài nguyên, đất đai kém màu mỡ nên chiêu cướp lương vốn không hiệu quả mà hậu cần cũng đã khó khăn sẵn khi quân Nguyên không thể mang theo nhiều ngựa và gia súc để thực hiện kiểu tác chiến vừa chiến đấu vừa chăn thả gia súc. Điều này lý giải vì sao quân Nguyên càng đánh càng yếu. Khi mới lâm trận, quân Nguyên còn mạnh do tập trung đủ lực lượng nhưng khi đã bắt đầu chiếm đóng thì phải phân tán mỏng lực lượng nên thế đã từ mạnh thành yếu. Hậu cần thiếu thốn, thủy thổ không hạp thì tất sẽ khiến binh sĩ sinh bệnh. Quân lực lẫn quân tâm vì thế mà suy giảm theo.
Thứ tư, vận tải đường biển vẫn còn là cái gì đó mới với quân Nguyên khi họ vốn là một dân tộc du mục, cả đời không biết biển là gì. Tuy Hồng Trà Khâu là tướng gốc Triều Tiên có kiến thức về thủy chiến nhưng xưa nay đóng tàu thì dễ nhưng thủy binh thì mới khó mà luyện tướng thì càng khó hơn. Việc Hồng Trà Khâu đánh giá sai sức mạnh của cơn bão năm 1274 và việc quân Nguyên không có thủy quân chính quy mà phải mộ lính đánh thuê Cao Ly, cũng như dùng hải tặc làm thủy quân cũng đủ để thấy điều này.
Thứ năm tiếp tục là vấn đề hậu cần và vận tải. Quân Nguyên tuy mạnh nhưng không dai sức vì những đạo quân quen đánh nhanh thắng nhanh thường đuối sức rất mau khi chiến sự kéo dài. Quen đánh thế công nhưng sau khi chiếm đóng phải đổi thành thế thủ thì chiến lực lẫn quân tâm đều giảm. Bản thân đế chế Nguyên cũng mới hình thành chưa lâu, tính ổn định không cao nên khó huy động một lượng lớn tài lực, vật lực lẫn nhân lực để bổ sung khi đạo quân viễn chinh cần. Việc vận tải đường biển cũng hạn chế sức mạnh kỵ binh do vận tải một lính kỵ binh tốn diện tích gấp 5 lần một lính bộ binh ngay cả khi người lính đó chỉ mang theo một con ngựa mà mấy ông Mông Cổ thì đa phần đều có từ 3 con trở lên. Lý do là vì con ngựa khá to và tàu còn phải chở theo nước cũng như cỏ khô để ngựa ăn uống dọc đường. Điều này càng khiến cho quân Nguyên không thể mang theo quá nhiều kỵ binh lẫn đạn pháo để công thành. Việc chiếm đóng cũng không cho hiệu quả khai thác tài nguyên tại chỗ là bao.
Sau cùng chính là giá trị của Nhật Bản. Với người Mông Cổ nói riêng và các triều đại phong kiến Trung Quốc nói chung thì Nhật Bản không phải là một mục tiêu chiến lược do Nhật Bản nghèo mà lại lắm thiên tai. Chiếm đóng chỉ tổ hao binh tổn tướng thì nhiều mà khai thác chẳng được bao nhiêu nên động cơ cho cuộc xâm lược cũng như những lần gửi sứ giả đến thuyết hàng thật chất chỉ nhằm động cơ chính trị là chính. Hốt Tất Liệt diệt nhà Tống lập ra nhà Nguyên tất cần thu phục các chư hầu về danh nghĩa trước đây của nhà Tống nhằm thể hiện cái uy của Thiên Triều cũng như tính chính thống của triều đại. Nguyên nhân sâu xa và động cơ để tiến hành chiến tranh luôn là vì là vấn đề kinh tế, đó cũng là lý do mà về sau Hốt Tất Liệt bỏ việc đánh Nhật Bản để đánh Đại Việt vì xét về giá trị thì Đại Việt có giá trị kinh tế và giá trị chiến lược nhiều hơn Nhật Bản lại có chung đường biên giới trên bộ nên việc hành quân không nhất thiết phải dùng đến thủy quân.
Tóm lại, nếu dàn quân đánh nhau 10 phần thì quân Nguyên nắm chắc 8 phần thắng nhưng nếu đánh trên bản đồ chiến thuật và đảm bảo chiếm đóng lâu dài Nhật Bản thì quân Nguyên dường như không có cơ sở để chiếm đóng lâu dài. Từ đây ta có thể khẳng định là dù có bão hay không thì nhà Nguyên cũng không thể trực trị được Nhật Bản mà cùng lắm là cho Nhật Bản tự trị như Cao Ly.
Bản thân việc cố gắng chinh phục Cao Ly, Đại Việt và Nhật Bản cũng được các sử giả đời sau đánh giá là hành động sai lầm của Nguyên Triều khi họ đã tự đặt mình vào thế khó khi đưa quân xâm lược các vùng lãnh thổ bất lợi cho họ nên mới có câu:
Cao Ly lấy núi làm thành
An Nam sông nước khó hành quân qua
Nụy quốc ở chốn đảo xa
Nguyên triều cãi mệnh nên là bại vong.