THÁI PHÓ,NGHIÊM QUẬN CÔNG NGUYỄN BIỆN

THÁI PHÓ,NGHIÊM QUẬN CÔNG NGUYỄN BIỆN

1. Tuổi thơ vất vả với nghề nấu muối

Bá tổ Nguyễn Biện là con trưởng cụ Nguyễn Hội, anh trai Cương Quốc công Nguyễn Xí, sinh năm Giáp Tuất (1394) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Thời niên thiếu, cụ Nguyễn Biện theo cha mẹ làm nghề nấu muối. Năm 1405, cụ Nguyễn Biện vừa 12 tuổi, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, cùng em trai là cụ Nguyễn Xí vừa 9 tuổi, được ông nội là cụ Nguyễn Hợp đưa ra xứ Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, làm gia nhân cho cụ Lê Khoáng, một trại chủ lớn có tiếng trong vùng. Bình Định vương Lê Lợi sau này là con trai thứ của cụ Lê Khoáng, lúc đó vừa 21 tuổi.

2. Thế cuộc tang thương

Ra sống nhờ ở đất Lam Sơn gần 1 năm, thì xảy ra cuộc chiến chống quân Minh xâm lược năm 1406 – 1407, của triều Hồ và nhân dân Đại Ngu. Cuộc chiến sớm kết thúc, khi cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương lần lượt bị giặc bắt vào ngày 16 và 17 tháng 6 năm 1407 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Dưới thời thuộc Minh này, chính sự hà khắc, thuế má nặng nề; quan tham lại nhũng. Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy. Đàn ông có tài và phụ nữ xinh đẹp đều bị bắt đưa về Trung Quốc. Tất cả sách vở các triều đại trước để lại đều bị tịch thu đưa về Trung Quốc hoặc đốt cháy. Đồ dùng kim loại (chuông đồng, tượng đồng, dáo mác…) đều bị tịch thu. Bởi vậy nhân dân nước ta không trừ một ai, thảy đều căm hận giặc Ngô.

Như lời Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,

Để trong nước lòng dân oán hận.

Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,

Bọn gian tà bán nước cầu vinh.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,

Gây binh kết oán trải hai mươi năm.

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,

Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.

Người bị ép xuống biển,còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi,đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.

Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,

Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.

Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,

Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.

Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán;

Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.

Nặng nề những nỗi phu phen,

Tan tác cả nghề canh cửi.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

3. Tuổi trẻ chí lớn

Lớn lên giữa cảnh nước mất nhà tan, làng quê xơ xác, ruộng nương tiêu điều. Cụ Nguyễn Biện đã sớm có chí lớn, siêng luyện tập võ nghệ, chờ ngày giết giặc, lập công.

Tháng 2 năm 1416, Lê Lợi và 18 tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, cắt máu tuyên thệ,thề sống chết có nhau, thề đánh đuổi giặc Ngô vô đạo, cứu lê dân trăm họ.

Năm 1418, tháng Giêng, ngày Canh Thân, Lê Lợi xưng Bình Định vương, phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Biện và em trai là Nguyễn Xí cùng tham gia, lúc đó ông vừa 24 tuổi.

Ngày 16, tháng Giêng, tên phản bội Ái, dẫn quân Minh đi theo đường tắt, đánh úp sau lưng nghĩa quân, bắt gia đìnhLê Lợi và nhiều vợ con quân dân. Nhiều tướng sỹ chán nản bỏ đi. Chỉ có các tướng tâm phúc: Lê Lai, Lê Sát, Nguyễn Biện, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Liệt… và một ít quân sỹ theo Lê Lợi nương náu trên núi Chí Linh.

“Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo vận nước khó khăn,
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan”.

Bình Ngô đại cáo

Quân Minh bèn lệnh thêm quân chư hầu Ai Lao, dồn lực lượng bao vây chặt núi Chí Linh, triệt mọi đường tiếp tế cho nghĩa quân. Bộ chỉ huy và nghĩa quân lâm vào thế nguy nan. Lê Lợi thấy tình hình nguy khốn bèn họp các tướng bàn thế thoát vây.

4. Quên thân vì nghĩa lớn

Theo sách Đại Việt thông sử: “Cuối tháng 1 năm 1418, Thái tổ Cao Hoàng bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Thái Tổ họp các tướng lại hỏi:

Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám làm như Kỷ Tín nhà Hán, thân khoác hoàng bào mà hi sinh thay trẫm không?

Các tướng đều ngồi yên không ai dám thưa. Lê Lai đứng dậy nói rằng: “Thần nay nguyện được tử trận thay cho chủ công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân, được vậy thần chết cũng nhắm mắt”.

Thái Tổ rất thương cảm. Lê Lai lại nói: “Tình hình nguy khốn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?”

Thái Tổ vái trời khấn rằng:

“Lê Lai có công đổi áo, sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”.

Lê Lai vâng mệnh mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh đổ ra đánh. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào giữa trận hô to:

“Ta là chủ Lam Sơn đây!”

Quân Minh ngỡ là Thái Tổ nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai cầm binh dùng kế cầm chân giặc, tấn công quân minh ác liệt nhưng bị thất bại. Lê Lai và 500 nghĩa quân đều tử trận, số còn lại bị quân Minh bắt và đem về Đông Kinh hành hình. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4 năm 1418 âm lịch”.

Lê Lợi cho quân lính bí mật đi tìm được thi hài Lê Lai mang về chôn cất. Sau này truy phong cho ông “Trung Túc Vương” và cho lập đền thờ tại quê nhà. Ngày giỗ Lê Lai được triều đình nhà Lê cử hành trước ngày giỗ Lê Lợi 1 ngày, nên có câu, “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

5. Gia đình liệt sỹ

Cụ Nguyễn Biện, tướng Lê Lai và 500 nghĩa sỹ cùng bị giặc Ngô sát hại trong trận chiến giải vây ấy. Không thấy sách viết có tìm được thi hài Cụ hay không. Về sau được vua Lê Thánh Tông truy phong “Thái phó Nghiêm quận công” và thờ chung tại “Cương Quốc Công Từ”.

Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt (xem dưới), không rõ căn cứ sử liệu nào, ghi rằng cụ Nguyễn Biện bị bắt cùng Lê Lai, nhưng không bị giết ngay, mà bị giải về Trung Quốc rồi mới bị giết, mộ được vua nhà Minh cho chôn ở Tử Cấm thành.

Sau này, theo lời dặn của Đức tổ Nguyễn Xí, con cháu dòng họ Nguyễn hằng năm lễ giỗ Bá tổ Nguyễn Biện vào ngày 27 tháng 8 âm lịch. Tức là cụ Nguyễn Biện mất sau cụ Lê Lai gần 4 tháng.

Sách cũ chép ngài Nguyễn Biện có vợ là Đinh Thị (khả năng là chị hoặc em của tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt). Không có sử sách nào ghi về con cái của Cụ. Chắc là cụ Nguyễn Biện cưới vợ mà chưa kịp sinh con. Vì nếu có, hẳn Đức tổ Nguyễn Xí sau này đã ghi trong “Cương quốc công di huấn”.

Khi lên ngôi Hoàng đế, vua Lê Lợi chủ tâm giết nhiều khai quốc công thần, nhưng Ngài lại đặc biệt ưu ái những tướng lĩnh hy sinh trong chiến trận. Hơn thế nữa, con em các tướng Lê Lai, Nguyễn Biện, Đinh Lễ… được nhà vua đặc biệt tin tưởng và trọng dụng. Đó cũng là 1 lý do mà trước khi mất, Lê Lợi chọn Nguyễn Xí (em trai Nguyễn Biện), Đinh Liệt (em trai Đinh Lễ), Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) làm “nhiếp chính đại thần”, giao di chiếu lập Thái tử Lê Nguyên Long lên làm vua kế vị. Cũng các vị này, năm 1460 đã phế truất Lê Nghi Dân, lập Lê Tư Thành lên làm vua chính thống.

6. Hậu thế vinh danh

Năm 1467, vua Lê Thánh Tông cho lập đền “Cương Quốc Công Từ” tại làng Thượng Xá để thờ chung 4 vị tại thượng điện: cụ Đình Quận công Nguyễn Hội ở gian giữa, Thái phó Nghiêm quận công Nguyễn Biện ở gian bên phải, Cương Quốc Công Nguyễn Xí ở gian bên trái.

Năm 2014, Hội đồng gia tộc DÒNG HỌ NGUYỄN ĐÌNH dựng bia tưởng niệm, ghi công Thái phó Nghiêm quận công Nguyễn Biện bên cạnh khu mộ Khải tổ Nguyễn Hội và Đức tổ Nguyễn Xí cùa dòng họ để thờ phụng.

Bia tưởng niệm Bá tổ Nguyễn Biện ghi: “Chỉ huy dũng sĩ cảm tử quân khởi nghĩa Lam Sơn bình Ngô tặc trận vong, Lê triều truy phong Thái phó Nghiêm Quận công, húy Biện, thụy Huệ Vũ, Nguyễn mạnh Lang tiên linh”. Trước lầu bia khắc đôi câu đối:

Phiên âm:

Huynh đệ huân công nhất gia sung hạo khí,

Tử sinh đại nghiệp Bá Tổ mãn anh phong.

Dịch nghĩa:

Anh em có công lớn, một nhà dậy trời khí phách,

Sống chết với đại nghiệp, Bá Tổ đầy phong thái anh hào.

(Câu đối do hậu duệ là Giáo sư Nguyễn Đình Chú viết năm 2014).

7. Văn tế giỗ Bá tổ Nguyễn Biện

Giỗ Bá tổ Nguyễn Biện được dòng họ tổ chức hằng năm vào ngày 27 tháng 8 âm lịch tại “Cương Quốc Công Từ”.

Phiên âm

Cung duy:

Ngã bá tổ:

Lỗi lạc kỳ tài, can tương vĩ khí.

Lam hương ứng nghĩa, đại công mậu trước vu tiền triều;

Quận tước cao thăng, hiển hiệu trường lưu vu vạn tự.

Dung quá quang âm, thần lâm húy kỵ.

Thừa tựa quyết hữu sở quy, hiếu kính khởi dung hữu dị.

Thị dụng dĩ hưởng dĩ tự, kỵ lễ cung trần;

Ngưỡng duy lai cách lai hâm, tiềm hương mặc ủy.

Cẩn cáo!

Dịch nghĩa

Kính nghĩ:

Bá tổ ta:

Tài năng lỗi lạc, giỏi thay nghề võ.

Lam Sơn ứng nghĩa, công to trùm hết bao đời;

Chức tước cao thăng, tên tuổi được thờ khắp chốn.

Lần lữa thì gian, tiết vừa ngày giỗ.

Thờ phụng hẳn có chốn về, hiếu kính tỏ lòng thành.

Dâng lên để cúng để thờ, bày chút lễ mọn.

Ngưỡng mong về hưởng về thăm, hương thầm vẫn tỏ.

Kính cáo!

Đọc thêm:

1. Cương Quốc Công Nguyễn Xí – Tộc phả – Di huấn – Phụ lục, Nguyễn Đình Triển và Gs. Nguyễn Đình Chú chủ biên, NXB Nghệ An, năm 2013, trang 412.

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Bi%E1%BB%87n

3. Nhân vật lịch sử đại tôn – Nguyễn Đình Triển, sách chưa xuất bản.



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *