Thái độ của tầng lớp sĩ phu phong kiến Việt Nam trước những tri thức khoa học – kỹ thuật phương Tây từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX. (phần 1)

Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn đã nhiều lần cử các sứ đoàn xuất ngoại tới một số quốc gia và vùng hải đảo ở khu vực châu Á như Tân Gia Ba (tức Singapore), Giang Lưu Ba (tức Batavia, nay là Jakarta, Indonesia), Tiểu Tây Dương (tức khu vực bán đảo Ấn Độ)… Đó đều là những nơi mà người phương Tây đang cai trị hoặc có ảnh hưởng lớn. Bên cạnh hoạt động thương mại, các sứ đoàn còn có nhiệm vụ tìm hiểu về một thế giới mới bên ngoài Việt Nam và Trung Hoa, đó chính là phương Tây.

Các ghi chép đều cho thấy các sĩ phu Việt Nam đều kinh ngạc và ngưỡng mộ khoa học kỹ thuật. Phan Huy Chú đã dành cho nền kỹ nghệ Tây phương sự ngợi khen và thán phục: “Kẻ đầu tiên làm ra máy này là thuộc bậc Thánh trí vậy”[Hải trình chí lược, tr.845]. Ông tỏ ra rất kính phục những máy móc, đồ dùng của nền công nghiệp Hà Lan và phương Tây: “Bánh xe nhỏ nên dễ di chuyển, khi xe vòng lượn khó bị lật đổ. Hai con ngựa kéo phía trước chạy như bay… Đồ dùng của Hoà Lang đại khái đều tinh xảo, ví như đồng hồ và tàu chạy bằng hơi nước đều gần như đoạt cái khéo léo của tạo hoá. Máy móc bên trong tinh vi, bí mật khó hình dung được”

Tuy nhiên, dù có cái nhìn khá cởi mở với tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây, các sĩ phu Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX vẫn không thoát khỏi vấn đề “thế giới quan”. Thế giới quan của Nho giáo đã trở thành cái khung cứng nhắc được duy trì từ đời này qua đời khác mà các sĩ phu vẫn dùng nó để đánh giá hiện thực.

Phan Huy Chú trong Hải Trình Chí Lược đã nhận xét: “Tập quán phương Tây, lễ tục giản dị, không chuộng đẳng cấp, quyền uy… Người dưới yết kiến người trên không có lễ sụp lạy khấu đầu. Nghe nói vua nước ấy cũng rất giản dị, mỗi khi đi xe ra ngoài, mà thấy có người chắp tay kính cẩn, liền dừng xe để đáp lại. Bản thân là bậc quân trưởng mà đi cùng với kẻ thất phu, chứ không biết đến lễ giáo điển chương của Chu Khổng, nên tuy họ tài khéo trăm thứ, cuối cùng vẫn bị liệt vào hàng Man Di vậy”

Đến tận thời Tự Đức vẫn còn đánh giá: “Theo cách lập thuyết của họ (phương Tây) thì không có âm dương, ngũ hành, tương sinh tương khắc…như thế cái học của họ đã trái lý và không hợp với cổ nhân rồi, còn lấy gì mà suy tôn họ nữa” (Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội; 1997).

Với nhận thức của phần đông giới sĩ phu nước nhà lúc bấy giờ, sự du nhập của những tri thức khoa học kỹ thuật phương Tây sẽ đưa đến sự băng hoại đối với nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo tư duy của họ, chỉ có thời Nghiêu Thuấn là phát triển, là văn minh, coi xưa hơn nay, chỉ cho mình là chính đạo, văn minh. Họ coi Khổng Tử là thầy tiêu biểu của muôn đời, các giáo lý của đạo Nho và các phát minh từ thời thượng cổ là chân lý cuối cùng, còn khoa học kỹ thuật của phương Tây chỉ là trò “dâm xảo” mà thôi.

Nguồn: Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 5(3): 1130-1138

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *