[THÁI BÌNH THIÊN QUỐC VÀ NHỮNG TRÒ HỀ CỦA GIÁO CHỦ]

THÁI BÌNH THIÊN QUỐC VÀ NHỮNG TRÒ HỀ CỦA GIÁO CHỦ

Nếu như ở nước Mỹ có một Đệ Nhất Quốc Sư Hoa Kỳ kiêm danh hài Trần Dần từng nhìn thấy Chúa Jesu vẫn đang “tấu hài” phục vụ người Việt thì vào thế kỉ 19 ở Trung Quốc cũng có một người tự nhận từng gặp Chúa Jesu và Thượng Đế, cái khác là thay vì mang lại tiếng cười như idol Trần Dần thì người này lại mang đến các cuộc chiến đẫm máu trong phong trào Thái Bình Thiên Quốc với số lượng thương vong cao nhất trong số các cuộc chiến tranh khởi nghĩa ở Trung Quốc suốt lịch sử hơn 4000 năm (có nguồn cho rằng số người chết lên đến khoảng 50 triệu người) và cũng lắm bi hài vì sự hoang tưởng của hắn.
Hồng Tú Toàn sinh năm 1814 ở Quảng Đông, Đại Thanh. Năm 22 tuổi, vào năm 1836, ông đi thi Tú tài tại trường thi Quảng Châu, nhưng bị trượt. Thi lại bốn lần, nhưng không lần nào thành công. Điều này một phần là do không có tiền hối lộ cho các quan. Năm 1837, Hồng Tú Toàn bị bệnh, lúc mê man nằm mơ thấy một người đến và đưa cho mình một thanh kiếm, khuyên đánh đuổi nhà Thanh. Sau đó không lâu thì Tú Toàn đọc được “Lời lành răn đời” của Hội Truyền bá đạo Thiên Chúa, do đó ông cho rằng người trong mơ chính là cơ duyên với Thượng Đế và ông lãnh sứ mạng “phản Thanh”, sau đó tập hợp người dân (chủ yếu là các chiên) khởi nghĩa chống lại triều đình.
Để thu phục lòng trung thành của người dân, Hồng Tú Toàn tự xưng là “con thứ của Thượng Đế”, “em ruột của Jesu”. Ngày nay, nhiều giai thoại hão huyền do chính tay “giáo chủ” này thêu dệt về thân thế của mình vẫn còn được lưu truyền.Tuy nhiên, sự ảo tưởng của Hồng Tú Toàn không chỉ dừng lại ở việc hư cấu về xuất thân, vị “Thiên vương” của Thái Bình Thiên Quốc đã để lại không ít phát ngôn “bất hủ” khiến hậu thế không khỏi dở khóc dở cười.
THẤT THỦ VÌ CHỜ ĐỢI… “THIÊN BINH HẠ PHÀM”
Năm 1862, Tăng Quốc Thuyên thuộc phe Thanh triều dẫn hơn 10 vạn quân tinh nhuệ vây khốn thủ phủ Thiên Kinh (Nam Kinh) của Thái Bình Thiên Quốc. Trải qua nhiều lần giao chiến kịch liệt, tới cuối năm 1863, Thanh binh đã công phá hầu hết những vị trí chiến lược bên ngoài kinh thành.
Người thức thời đều dễ dàng nhận ra: Việc Thiên Kinh thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian. Vậy nhưng, có một người vẫn hết lần này đến lần khác “ảo tưởng sức mạnh”, phủ nhận sự thật này. Đó không ai khác chính là Hồng Tú Toàn. Trong suốt khoảng thời gian bị vây khốn, Hồng Tú Toàn không hề có ý định đột phá vòng vây. Nguyên nhân của hành động kỳ lạ này đến từ một lý do hết sức hoang đường – chờ đợi “thiên binh hạ phàm”.
Tháng 11 năm 1863, Tăng Quốc Phiên chiếm được Hiếu Lăng vệ bên ngoài thành.
Đứng trước tình thế nguy cấp, quân Thái Bình Thiên Quốc vẫn cố thủ tại các vị trí hiểm yếu như thành Thiên Bảo, thành Đại Bảo, Thần Sách môn, Thái Bình môn. Nhờ vậy, đường dây liên lạc với bên ngoài chưa bị cắt đứt hoàn toàn. Lúc này, trong thành cạn kiệt lương thảo, Trung Vương Lý Tú Thành đưa ra đề nghị “nhượng thành” cho quân địch, tìm đến một vùng đất nơi quân Thanh phòng bị lỏng lẻo để phục dựng lại Thiên Quốc.
Mặc dù là một ý kiến thích hợp trong thời điểm nước sôi lửa bóng, nhưng cao kiến này của Trung Vương đã khiến Hồng Tú Toàn nổi trận lôi đình, thậm chí nói ra một câu trở thành “thần thoại” hoang đường nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc:

“Trẫm phụng thánh chỉ của Thượng đế cùng Thiên huynh Gia Tô xuống trần, là chân chúa độc nhất của thiên hạ vạn quốc, thì có sợ gì ai? Không cần ngươi phải tấu, việc chính sự cũng không cần ngươi để ý. Ngươi muốn ra khỏi thành hay ở lại kinh sư là tùy ngươi. Trẫm là thùng sắt của giang sơn, nếu người không phò thì cũng có kẻ khác phò. Ngươi nói không có binh, ta có thiên binh dưới nước, lại còn sợ tên yêu họ Tăng ư? Ngươi sợ chết, rồi cũng sẽ phải chết!”

Lý Tú Thành sau khi nghe xong câu nói “thần thoại” của Hồng giáo chủ, đương nhiên không dám nhiều lời, nhưng vẫn phải báo cáo tình hình thiếu lương thực trong thành.
Nghe xong, Hồng Tú Toàn ban bố chiếu chỉ, hạ lệnh cho “cả thành đều ăn điềm lộ, có thể dưỡng sinh.”
“Điềm lộ” còn được biết tới với cái tên “Cam lộ”. Mặc dù tên gọi nghe hoa mỹ, êm tai, nhưng thực chất đây chỉ là một loại cỏ dại mọc đầy mặt đất, vốn không thể ăn được, lấy đâu ra công dụng “dưỡng sinh”?
Lý Tú Thành nghe vậy thì vô cùng khó xử, tâu rằng thứ ấy không thể dùng để ăn. Tới đây, Hồng Tú Toàn tiếp tục “cãi cố”: “Ăn tốt! Trẫm ăn trước cho các ngươi xem!”
Từ đó, Hồng giáo chủ ngày nào cũng sai phòng bếp chế biến loại cỏ này thành rau để ăn mỗi bữa, cũng vì thế mà từ từ trúng độc.
TỚI LÚC NHẮM MẮT VẪN KHÔNG NGỪNG “HOANG TƯỞNG”
Sau khi lâm bệnh, Hồng Tú Toàn liên tiếp cự tuyệt việc chữa trị. Tới tháng 6 năm 1864, chứng kiến Thiên Kinh rơi vào tình thế không thể cứu vãn, lại thêm thân mang bệnh tật, Hồng giáo chủ đã lựa chọn con đường tự vẫn.
Vậy nhưng, cho tới trước lúc chết, vị Thiên vương của Thái Bình Thiên Quốc vẫn chưa ngừng ảo tưởng, thậm chí còn hạ chiếu bố cáo với nội dung:

“Dân chúng an tâm, trẫm lên thiên đường ngay, xin thiên phụ, thiên huynh sai thiên binh bảo vệ Thiên Kinh.”

Trong tình cảnh ấy, phát ngôn hão huyền này không những không làm bách tính yên lòng, ngược lại còn trở thành câu nói khiến hậu thế “dở khóc dở cười”.
Đương nhiên sau khi Hồng Tú Toàn quy tiên, không có thiên binh thiên tướng nào xuống cứu Thiên Kinh. Quân Thanh nhanh chóng đánh hạ thành. Công phá được kinh sư, dưới sự chỉ dẫn của các cung nữ trong thành, quân địch nhanh chóng đào lên thi thể của Hồng Tú Toàn. Lúc ấy, Tăng Quốc Phiên hạ lệnh: “Phanh thây thi thể, dùng liệt hỏa mà thiêu.”
Được lệnh của chủ tướng, quân Thanh nhất tề xông lên, dùng đao kiếm chém thi thể trở thành thịt nát. Sau đó, Tăng Quốc Phiên tiếp tục sai người đem xác của Hồng Tú Toàn nhét vào đại pháo, hướng thẳng lên trời mà bắn.
Đối với Thái Bình Thiên Quốc, nhà triết học lừng danh Trung Quốc Phùng Hữu Lan từng bình luận:

“Cho nên ta phủ định Thái Bình Thiên Quốc, bởi vì nhà nước này muốn xây dựng nền chính trị thần quyền. Giả như Thái Bình Thiên Quốc thống nhất Trung Hoa, lịch sử sẽ bị thụt lùi trở về thời kỳ đen tối như thời Trung Cổ.”

Quả thực, Thái Bình Thiên Quốc lấy tôn giáo làm lá cờ đầu, trong chính trị cũng quá mức ỷ lại tôn giáo, từ việc chính sự tới giáo dục, quân sự đều có nhiều chỗ không hợp tình hợp lý như xây dựng “nữ doanh”, không cho trai gái kết hôn…
Hơn nữa, Hồng Tú Toàn lại là người thích an phận, hưởng lạc, không phải nhân vật có chí tiến thủ để dẫn dắt đất nước.
Cũng xuất thân từ nông dân áo vải, cũng dựa vào tôn giáo, nhưng Chu Nguyên Chương năm xưa lại có thể trổ hết tài năng, thành lập nên nhà Đại Minh tồn tại tới 276 năm trong lịch sử Trung Quốc.
Vậy mà người tự nhận là “con của Thượng đế” như Hồng Tú Toàn lại an nhiên hưởng lạc tới vài chục năm, thậm chí tới lúc chết vẫn không thoát khỏi ảo mộng hoang đường về một Thiên quốc được ví như “thiên đường” nơi hạ giới.
#kt
Nguồn Soha (Tham khảo một vài số liệu từ Wiki bổ sung)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *