Bước đầu tiên trong tiến trình trị liệu cho những người biến nỗi khiếp sợ thành đối tượng tôn thờ là nhận ra sự đau khổ của đứa trẻ bên trong bị tổn thương, và thông cảm với sự sợ hãi, khiếp sợ và bất an mà đứa trẻ đã trải qua. Không phải chỉ cần nhớ lại ký ức bị tổn thương trong quá khứ một cách có ý thức, mà chúng ta còn cần phải “tiếp chạm” với nội tâm của đứa trẻ bên trong.
Tiếp chạm có nghĩa là nhận ra hình dạng thực sự của bản thân và thoát khỏi cái tôi sai lệch như sự mặc cảm tự ti và mặc cảm tự tôn. Những người bị tổn thương thường mang tâm lý mặc cảm tự ti và đánh mất sự tự tin. Kết quả là, họ trở nên chán nản quá mức, hoặc ngược lại hành động mạnh mẽ thái quá.
Sự tiếp chạm bắt đầu từ hành động chìa tay về phía đứa trẻ bên trong bị tổn thương và hành động này mang ý nghĩa “tha thứ cho bản thân”. Tha thứ cho bản thân là cơ chế tâm lý cần thiết để chấp nhận những giới hạn của bản thân, không giày vò bản thân đã phạm sai lầm hay đưa ra quyết định sai lầm, và không rơi vào trạng thái hối hận vì những chuyện đã qua. Chúng ta cần can đảm để mở cửa trái tim làm hòa với giới hạn của mình và tha thứ cho bản thân vốn đã bị tổn thương.
Bước thứ hai là “tiếp chạm thực tế” với người khác. Bằng cách thường xuyên tiếp chạm với mọi người, chúng ta không cần che giấu sự tủi thân, sự mặc cảm tự ti, hay tự hạ thấp mình. Những cảm giác này trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta ngắt kết nối với mọi người và thui thủi một mình phía sau.
Vậy nên vết thương lòng càng lớn, chúng ta càng cần gặp gỡ mọi người và trò chuyện. Bằng cách tiếp chạm, chúng ta sẽ tự nhận thấy rằng chúng ta không phải là một người thảm hại như chúng ta nghĩ. Thông qua hai bước này, nỗi sợ hãi và khiếp sợ sẽ lộ rõ chân tướng. Và rồi chúng ta sẽ thấy rằng không cần thiết biến những nỗi sợ ấy thành sự tôn thờ để thoát khỏi nỗi sợ suốt thời gian qua thêm nữa.
( trích sách “Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về”)