TEST COVID-19: Test nhanh và test bằng PCR là gì?

Chắc hẳn nhiều người chúng ta đã từng trải nghiệm cho que test luồn sâu vào lỗ mũi để lấy mẫu xét nghiệm covid rồi nhỉ, phổ biến hiện nay có hai loại xét nghiệm covid đó là xét nghiệm nhanh tại chỗ để sàng lọc và xét nghiệm bằng realtime RT-PCR là ‘tiêu chuẩn vàng’ để khẳng định là mẫu dương tính. Vậy bài viết này mình sẽ giới thiệu hai phương pháp test nhanh và test PCR này nhé.
✅Phân loại test covid19 được chia ra làm hai loại tổng 3 phương pháp:

  • một là xét nghiệm phân tích định lượng, gồm có PCR
  • hai là xét nghiệm định tính, bao gồm test nhanh phát hiện kháng nguyên virus trong dịch mũi họng (antigens test) và test phát hiện kháng thể kháng virus trong máu (antibodies test)
    Trong 3 phương pháp này thì phương pháp phát hiện kháng nguyên protein của virus để sàng lọc nhanh, còn phương pháp PCR để phát hiện RNA của virus để khẳng định dương tính, còn phương pháp phát hiện kháng thể ít được biến đến hơn do phương pháp này không dùng cho test nhanh phát hiện sớm mà dùng cho ‘phát hiện muộn’, ví dụ như để ‘truy vết’ mầm bệnh sau khi người bệnh đã khỏi bệnh, hay để hỗ trợ PCR, hoặc hỗ trợ cho chăm sóc người bệnh, hay cho nghiên cứu vaccine,… Hình dưới mình có mô tả so sánh 3 phương pháp này. Còn bài viết tập trung vào phương pháp test nhanh và test bằng PCR.
    1️⃣Test nhanh:
    ✅như ở bài trước nói về vaccine covid, mình đã nói đến khái niệm kháng nguyên – kháng thể, thì test nhanh nhằm phát hiện kháng nguyên của SARS-CoV-2 có trong mẫu lấy từ cơ thể ta, kháng nguyên thường là thành phần protein của hạt virus, khi kháng nguyên phản ứng với kháng thể có trên bề mặt que test, kháng nguyên-kháng thể sẽ phản ứng với nhau và tạo ra chất phát màu giúp ta nhận biết mẫu đó là dương tính, tức là có mặt virus trong mẫu.
    Mẫu có thể thu thập từ họng, mũi hoặc nước bọt bằng que lấy mẫu, sau đó mẫu được trộn với dung dịch nhằm phá vỡ hạt virus và giải phóng protein của virus, protein này đóng vai trò là kháng nguyên, sẽ bám vào kháng thể có trên bề mặt test và làm hiện màu que test, xét nghiêm thường mất 30 phút đợi kết quả hiện màu, còn sau 30 phút mà không hiện màu tức là âm tính. Thông thường, bộ test càng nhạy và càng nhanh thì càng đắt.
    Nguyên lý đơn giản như vậy thôi nhưng có một số điều chúng ta cần lưu ý về test nhanh:
    ✅Test nhanh không khuếch đại số lượng kháng nguyên có trong mẫu test, nên chỉ phát hiện được sự có mặt của virus, khi tải lượng (số lượng) virus trong mẫu đủ nhiều. Thường thì nồng độ kháng nguyên có trong mẫu là 1000-10.000 ‘mẩu’ trong mỗi một microlit mẫu thì đủ để test nhanh phát hiện, còn nếu lượng kháng nguyên thấp hơn thường sẽ không đủ để phát hiện.
    ✅Nói đến đây chúng ta có thể nghĩ là test nhanh sẽ bỏ sót những người có mang virus trong người nhưng chưa tới ngưỡng phát hiện của bộ test? Suy nghĩ này đúng, nhưng chưa đầy đủ.
    Thứ nhất, test nhanh rẻ và nhanh, tạo thận lợi cho công tác phòng chống dịch, nhất là ở những địa phương đông dân, dịch lan rộng phức tạp mà cơ sở vật chất và thời gian không đủ cho xét nghiệm PCR. Thứ hai, những người mang trong mình virus mà chưa tới ngưỡng phát hiện của test nhanh, thường không có đủ tải lượng virus để lây nhiễm cho người khác. Bộ kit test nhanh giúp sàng lọc và xác định những cá nhân có khả năng lây nhiễm cao nhất. Thực tế cho thấy sàng lọc từ test nhanh là biện pháp cực kỳ hữu hiệu và mấu chốt trong cuộc chiến chống dịch. Tóm lại là, dù kết quả test nhanh là âm tính, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định phòng chống dịch và thực hiện 5K nhé.
    2️⃣Real-time RT-PCR
    ✅Phương pháp PCR (polymerase chain reaction) giúp khếch đại thành phần DNA/RNA mà ta đang tìm ở trong mẫu, tức là ta muốn tìm đoạn DNA/RNA nào trong hỗn hợp mẫu thì ta sẽ dùng mồi đặc hiệu cho đoạn DNA/RNA đó, chỉ đoạn DNA/RNA có mồi bám vào mới được nhân lên thành nhiều bản copy (khuếch đại). Realtime RT-PCR là một loại PCR, chuyên phát hiện RNA có trong mẫu theo thời gian thực (SARS-CoV-2 là loại virus mang RNA thay vì DNA như tế bào người). mình có mô tả thêm trong hình.
    ✅Độ nhạy của PCR thì rất cao, ở điều kiện tối ưu lý tưởng nhất, phương pháp này thậm chí có thể phát hiện được một phân tử DNA/RNA đơn lẻ duy nhất có trong mẫu. Tuy nhiên để đạt được độ nhạy cao thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Phương pháp này cần máy móc dụng cụ hóa chất chuyên biệt, môi trường vô trùng, các thành phần hóa chất, thiết kế mồi đặc hiệu dựa theo virus, thông số cài đặt máy,…. cũng như tay nghề người thao tác, để tối ưu kết quả, tối ưu năng suất, tránh dương tính giả hay bỏ sót dương tính thật. Nguyên lý xét nghiệm PCR mình có mô tả bằng hình vẽ ở dưới.
    ✅Một số lưu ý về kết quả xét nghiệm covid bằng PCR:
  • Dương tính giả: người bệnh không mang virus nhưng kết quả PCR nói có, nguyên nhân có thể do mẫu đã bị nhiễm từ môi trường ngoài, hoặc đến từ ‘xác’ virus còn tồn tại trong cơ thể người đã khỏi bệnh cũng có thể coi là dương tính giả…
  • Âm tính giả và độ nhạy của PCR: hiện tượng âm tính giả có nghĩa là người bệnh có mang virus nhưng PCR không phát hiện được. Đây là trường hợp nguy hiểm cần giảm thiểu. Độ nhạy của PCR có phụ thuộc vào tải lượng virus, keo theo đó là phụ thuộc vào thời điểm và vị trí lấy mẫu. Ví dụ tải lượng virus thấp vào vài ngày đầu trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, và thấp vào khoảng ngày 20 sau ngày có triệu chứng đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm vào thời điểm này có thể làm giảm độ nhạy của PCR. Vị trí lẫy mẫu cũng có quyết định tải lượng virus, vị trí lấy mẫu ở mũi, họng, đờm, dịch rửa phế quản cho mức độ dương tính cao, mẫu máu cho độ dương tính thấp hơn trong khi gần như không phát hiện virus trong mẫu nước tiểu, nhưng phân thì lại có, cho thấy virus có ‘lựa chọn’ vị trí mà nó ‘ưa thích’ để nhân lên. Ngoài ra, quá trình thao tác xét nghiệm và các thành phần hóa chất tham gia nếu không đúng cách cũng có thể gây phá hủy RNA virus,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *