Thứ hai, ngày 21/04/2025 07:02 GMT+7
Anh Thơ Thứ hai, ngày 21/04/2025 07:02 GMT+7
Khi nghe quê mình sẽ sáp nhập, không còn tên gọi cũ, chắc hẳn luyến tiếc sẽ là cảm giác của nhiều người. Nhưng sau sự luyến tiếc đó sẽ là một tương lai rộng mở…
Quê tôi là một xã thuần nông của tỉnh Thái Bình, như bao làng quê khác ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, quê tôi có cánh đồng lúa trải dài mênh mang, những cây gạo trầm mặc bên đình làng, soi bóng dưới dòng kênh xanh, cứ đến mùa lại trổ hoa đỏ rực. Được phù sa sồng Hồng bồi đắp, bãi bờ của quê tôi xanh mát những ruộng rau, bãi ngô nhưng vào mùa lụt, sóng cũng cuộn lên giận dữ… Làng quê yên bình, đơn sơ ấy đã nuôi bao người lớn lên, đi xa để rồi lại trở về.
Với vị trí như một ốc đảo giữa đồng bằng, trong suốt 135 năm đơn vị hành chính tỉnh Thái Bình được thành lập kể từ ngày 21/3/1890 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, quê tôi chưa bao giờ bị chia tách hay sáp nhập; nhưng cũng đã có sự dịch chuyển một phần diện tích nằm bên bờ sông Luộc, vốn thuộc đất Hưng Yên về thuộc tỉnh Thái Bình (ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đưa phủ Tiên Hưng về tỉnh Thái Bình – huyện Tiên Lữ vốn thuộc phủ Tiên Hưng nhập vào phủ Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên), làm nên mảnh đất Thái Bình trù phú, hiền hòa như ngày nay.
Vậy nên, khi chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước được thông qua, trong đó dự kiến sáp nhập Thái Bình và Hưng Yên, tên tỉnh mới lấy tên là Hưng Yên, chắc hẳn nhiều người con quê lúa, trong đó có tôi, không khỏi luyến tiếc và ngậm ngùi, nhớ một cái tên từ nay sẽ chỉ còn trong miền ký ức.

Sau khi nghe thông tin sáp nhập tỉnh, cũng đã có nhiều người tự hỏi rằng: Những đặc sản, những di sản văn hóa vốn đã gắn bó hàng ngàn đời với một mảnh đất trong hành trình mở đất của tiền nhân rồi sẽ mang tên như thế nào, liệu có mất đi bản sắc, hồn cốt của mỗi sản phẩm được ẩn chứa trong từng tên đất?. Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang sẽ như thế nào nếu đổi thành vải thiều Lục Ngạn Bắc Ninh, bánh đậu xanh Hải Dương hay bánh đậu xanh Hải Phòng, chạm bạc Đồng Xâm của tỉnh Thái Bình giờ đã mang tên chỉ dẫn mới Hưng Yên?
Bản thân tôi cũng từng có những câu hỏi và băn khoăn như thế cho đến khi được dự lễ hội diều của làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội), một ngôi làng trong lịch sử của thế kỷ thứ XIX thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây, sau một thời gian dài thuộc đất Hà Tây (cũ) cho đến khi sáp nhập về Hà Nội vào năm 2008.
Bởi trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử hôm nay bãi bể mai đã nương dâu, của những dòng chảy và giao thoa văn hóa, thú chơi diều vẫn được người làng Bá Dương Nội nâng niu, gìn giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác, ở đây, diều sáo không còn đơn thuần là một thú chơi mà đã được nâng tầm thành một nghi thức văn hóa, diều sáo hiện diện trong mỗi nếp nhà, diều sáo được treo trang trọng trong miếu Diều của làng, diều sáo vi vút trên những buổi chiều hoàng hôn đầy gió…
Một điều rất kỳ lạ là những đứa trẻ làng Bá Dương Nội hôm nay, một thế hệ lớn lên với màn hình cảm ứng, những trò chơi điện tử, cũng say mê những cánh diều, miệt mài học ngón nghề làm diều của cha ông để những cánh diều sáo truyền thống, được làm bằng khung tre, dán bằng giấy dó, gắn tiếng sáo mục đồng vi vu trải qua bao thời gian vẫn chao nghiêng trên những cánh đồng chiều.
Không những thế, cánh diều đẹp như một vầng trăng khuyết của người làng Bá Dương Nội còn tung bay trên bầu trời Âu – Mỹ, để bạn bè quốc tế phải trầm trồ vì những âm thanh mộc mạc có một không hai phát ra từ bộ sáo; văn hóa chơi diều ở làng Bá Dương Nội cũng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, còn nghề làm diều sáo được TP.Hà Nội công nhận là nghề truyền thống.

Vậy thì còn lo sợ gì cho ngày sau những giá trị của quê hương có thể bị mai một khi mang trên mình một tên gọi khác. Người Việt vốn trọng gia đình, trọng văn hóa làng xã, sự gắn kết trong nếp sinh hoạt của mỗi thành viên trong làng, xã chính là điều căn bản giữ cho những giá trị văn hóa, những sản vật của mỗi vùng miền sẽ không bao giờ mai một mà chỉ càng có thêm những không gian mới để nâng tầm và bay cao như cánh diều làng Bá…
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến việc phải vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn “đất nước là quê hương”.
Vậy thì thay vì luyến tiếc cho cái tên cũ của làng, băn khoăn sản vật quê hương sẽ ra sao nếu mang trên mình tên mới, mỗi người dân chỉ cần nỗ lực, cố gắng lao động, sản xuất, tiếp tục nâng tầm sản phẩm bằng chất lượng, bằng những câu chuyện được kể đằng sau mỗi nhãn hiệu.
Và có thể, bước ngoặt sáp nhập của ngày hôm nay có thể làm dày thêm câu chuyện lịch sử của ngày sau, như những lớp trầm tích văn hóa được tích tụ, lắng đọng, không bao giờ mất đi mà chỉ được làm dày thêm theo năm tháng và có những biến thể theo những dòng chảy của cuộc sống ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ.

Đã có nhiều nông dân trồng táo, nho ở Ninh Thuận; nuôi tôm ở Bạc Liêu; sáng chế máy nông cụ ở Đắk Lắk; chế biến nông sản ở Hải Dương,… tính chuyện mở rộng quy mô làm ăn sau sáp nhập bởi Ninh Thuận sáp nhập với Khánh Hòa sẽ mở ra không gian cho những tour, tuyến du lịch mới, tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ nông sản; những doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hải Dương có thể tìm đối tác xuất khẩu nông sản qua cảng Hải Phòng; nhà sáng chế máy nông cụ ở Đắk Lắk sẽ cải tiến nông cụ sao cho phù hợp với đồng đất Phú Yên; nông dân Thái Bình – Hưng Yên có thể đẩy mạnh khai thác thế mạnh đôi bờ sông Luộc,…
Một số hợp tác xã ở TP.Hải Phòng cũng đang ấp ủ dự định mở rộng sản xuất sang đất Hải Dương khi Hải Dương đang trở thành vùng chuyên canh nông sản lớn ở miền Bắc,…
Tất cả cơ hội đang mở ra khi không gian đang ngày càng trở nên rộng lớn, khi những chính sách, nguồn lực hỗ trợ sẽ tập trung hơn.
Và khi có thêm những không gian mới, các đặc sản vùng miền có thêm cơ hội vươn xa, người dân của làng, xã càng có thêm động lực để giữ nghề, giữ đặc sản truyền thống và nâng tầm nó. Khi đó, vải thiều vẫn là kết tinh của đất và trời Lục Ngạn; tương bần chắc chắn của người làng Bần còn nghề chạm bạc chỉ có người Đồng Xâm lưu giữ…