“Tears in Rain” trong đoạn cuối Blade Runner (1982) mang ý nghĩa gì?

“Tears in Rain” trong đoạn cuối Blade Runner (1982) mang ý nghĩa gì?

“Tears in Rain” trong đoạn cuối Blade Runner (1982) mang ý nghĩa gì?

A: Andrew Rosbury

Cách hiệu quả nhất để hiểu được ý nghĩa trong những câu nói của Roy Batty là liên hệ chúng với khoảnh khắc khi một cá nhân nghiệm ra, và chấp nhận hai khái niệm cơ bản của cái gọi là “sự tồn tại” mâu thuẫn với nhau: từ nhận thức về thế giới quan bên ngoài và cảm nhận từ bên trong, mỗi cá nhân phải biết cuộc sống có một ý nghĩa lớn lao thế nào, và trải nghiệm cuộc sống là một điều hết sức đẹp đẽ mà một cá nhân có thể có được; sự sống và cái chết là một vòng lặp vô tận, mỗi nguyên tử và mỗi phân tử sinh ra, phát triển rồi suy thoái là một chu kỳ vĩnh cửu, và vì thế, những ý nghĩa và trải nghiệm mà một cá nhân có thể tìm thấy trong cuộc sống không bao hàm hay nói lên được điều gì về cuộc sống của cá nhân đó.

Mỗi một người tồn tại trên đời này, là trải nghiệm một hành trình dài, với hành trang là ý thức, nhưng ý thức cũng không mang quá nhiều ý nghĩa trước sự to lớn và vĩ đại của vũ trụ, và vũ trụ cũng không mang một ý thức nhất định nào. Vũ trụ đơn giản là đã tồn tại, nhưng nhân loại, con người, tồn tại trong vũ trụ đó và sự tồn tại đó được nhận biết thông qua ý thức. Ý thức là một món quà tuyệt vời mà vũ trụ ban cho con người, nhưng món quà đó cũng mang tới những đau thương.

Đó là một sự thật mà bất kì ai cũng sẽ nghiệm ra, và chấp nhận, dù đôi khi phải mất cả đời. Không một ai, một cá nhân, một con người nào có thể hiểu được trải nghiệm cuộc sống của ta bởi ta và họ không có cùng ý thức như nhau. Ý thức của ta là của ta và chỉ riêng mình ta mà thôi, và từ ý thức ta có và cảm nhận về thế giới quan, ta có thể chia sẻ những trải nghiệm, những ý nghĩa, quan điểm của ta với cá nhân khác, thông qua chính ý thức và các giác quan mà ta có. Đây chính là điều tách biệt con người với các loài dã thú khác: khả năng trải nghiệm, tiếp thu, cảm nhận về thế giới quan bên ngoài cũng như bên trong thông qua trí tưởng tượng và khả năng tư duy. Đây là một bước tiến mang tính nhảy vọt và đáng kinh ngạc của loài người, nhưng cũng đáng tiếc, loài người bị hạn chế bởi các giác quan để có thể chia sẻ lại một cách đúng đắn những gì đã được trải nghiệm thông qua ý thức và đầy đủ những gì mà trí óc có thể tưởng tượng ra được. Con người chia sẻ với nhau món quà mang tên ý thức, nhưng lại trải nghiệm ý thức một cách hết sức cá nhân và ta cố gắng truyền đạt ý thức của ta với cá nhân khác, đôi khi những cố gắng đó mang lại kết quả, nhưng đôi khi cũng thất bại. Một lần nữa, ý thức là một món quà đẹp đẽ và tuyệt vời, nhưng cũng mang tới những đau thương.

Roy Batty trong Blade Runner đã trải qua khoảnh khắc chấp nhận sự tồn tại của bản thân là một mâu thuẫn, và đó chính là bước tiến cuối cùng biển đổi anh ta từ một Replicant trở thành một con người thực sự. Trong “Do Androids Dream Of Electric Sheep?” (n.d: tiểu thuyết gốc của Blade Runner), có câu “ngang tàng thay những kẻ quyền lực ấy khi họ không cho rằng ta thực sự tồn tại”. Roy nhận thức được “tất cả những khoảnh khắc” (all those moments) đã từng trải qua rồi sẽ biến mất (will be lost in time), đó là lí do vì sao anh ta tỏ bày chúng với Deckard. Một mong mỏi và khát khao mang rất nhiều nhân tính, Roy không muốn bị lãng quên và muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa. Deckard trong khoảnh khắc đó có thể chưa hiểu được những gì mà Roy trải qua (nhưng Deckard rồi cũng sẽ nhận thức được), khi cứu Deckard, Roy cũng đã tự cứu vớt lại ý nghĩa sự tồn tại của mình. Cuộc sống của Roy mang một ý nghĩa kể từ khoảnh khắc đó. Roy đã không chết một cách vô nghĩa. Deckard sẽ nhớ về Roy suốt cuộc đời anh ta. Deckard nợ Roy một mạng sống. Thân xác của Roy có thể đã chết, nhưng cái tên Roy Batty vẫn sẽ sống mãi.

Nhận ra ý nghĩa của tất cả những khoảnh khắc, những trải nghiệm, trong khi cũng chấp nhận chúng chỉ là những trải nghiệm, những khoảnh khắc mang tính riêng biệt, và rồi chúng sẽ mất đi, đã thôi thúc Roy có một màn tự sự mạnh mẽ và cảm động đến vậy. Tất cả những khoảnh khắc ấy rồi sẽ mất đi, nhưng ta nghiệm ra chúng, và Roy cũng thế, rồi ta sẽ nhớ về Roy, nghĩ về Roy, ta biết Roy đã chết như một con người, và chỉ có trí óc và ý thức của một con người mới có thể nghiệm ra những mâu thuẫn về sự tồn tại, chấp nhận rằng cuộc sống mang một ý nghĩa nào đó nhưng rồi cũng sẽ kết thúc, mọi thứ trở về với hư vô vào một thời điểm nào đó. Vũ trụ chắc chắn cũng có hữu hạn. Tuy nhiên, ta có thể tìm thấy và nhận ra vẻ đẹp trong khoảng không vô tận giữa sự mâu thuẫn ấy, đó sẽ là cùng đích cuối cùng mà ta hướng đến. Đúng vậy, vũ trụ lớn lao và vĩ đại có thể không nhận thức được sự tồn tại của ta, nhưng con người, từng cá nhân, bằng ý thức của mình, sẽ đương đầu với mọi lẽ tất yếu phải đến trong vũ trụ này.

Cái chết của Roy không hề đáng tiếc, Roy đã chọn điều ý nghĩa nhất, bảo vệ và mang tới những giá trị cho sự tồn tại của các Replicant và con người; không bằng hữu, đơn độc trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, nhưng Roy có cho mình một cuộc sống vĩnh hằng khác.

Đừng khóc thương, vì cái chết của Roy không phải một bi kịch, mà là khúc ca khải hoàn.

https://qr.ae/pN20W1

N.d: một trong những đoạn monologue kinh điển nhất dòng phim Noir Sci-Fi và điện ảnh nói chung. Chỉ vỏn vẹn có 42 từ nhưng ý nghĩa của “Tears in Rain” vẫn còn được đem ra mổ xẻ cho đến tận ngày nay. Mình trích lại đầy đủ:

“I've seen things you people wouldn't believe. Attack ships on fire off the shoulder of Orion. I watched C-beams glitter in the dark near the Tannhäuser Gate. All those moments will be lost in time, like tears in rain. Time to die”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *