TẦN NGẦN GIỮA CHỢ

“Tôi biết chị yêu thương nặng oằn mà mớ tiền lại nhẹ hẫng trên tay.”

TẦN NGẦN GIỮA CHỢ

(Nguyễn Ngọc Tư)

.

Chị đi chậm, bước chân hơi ngập ngừng, đắn đo, chị xách giỏ dạo vòng qua chỗ cá, chỗ thịt, chỗ rau rồi vòng về chỗ cá, đứng ngây ra, vẻ mặt hơi dại đi, ngẩn ngơ. Lại đi hai ba vòng chợ nữa, chị dừng chân, thở hắt, kêu lên, “mèn ơi…”. Bạn đoán coi chị đang nghĩ gì? a. không biết mua gì; b. đang lo lắng vì giá lên mau như một cái chớp mắt; c. làm sao để chuẩn bị một bữa ngon cho cả nhà. Tôi chọn d, chị nghĩ tới tất cả các điều trên.

Có lần thấy chị đứng tần ngần giữa chợ, tôi bỗng nghĩ, phải mình là điêu khắc gia, thể nào cũng chở đá Non Nước về mà tạc tượng chị. Chỉ sợ là tượng đẽo xong mờ nhạt (như những tượng đài anh hùng luôn giống nhau, giống nhau cả ở nét mặt chẳng hồn vía gì), tôi làm sao tạc được vào đá gương mặt chị, như lo lắng, như ngơ ngẩn, như đang nghĩ lung lắm mà cũng có vẻ trống rỗng, vô định, như chẳng biểu lộ gì mà chan chứa thương yêu. Chị còn làm khó tôi – một điêu khắc gia (giả bộ) cả ánh mắt ngượng nghịu của chị khi bắt gặp người khác đang nhìn mình. Chị cười xòa, phân trần, không biết mua gì…

Vì chợ sớm mai có quá nhiều thứ để mua. Những con cá đen nhẫy đang quẫy nước trong tiếng kêu ôi ối của mấy người đàn bà. Đống rau cải mướt sương đêm chất ngồn ngộn dưới nền chợ. Những tảng thịt đỏ tươi, còn ấm nóng trên tay… Hàng hóa ê hề, nhưng ít dần, trừ dần khi chị nghĩ tới từng người ở nhà. Chị có mẹ chồng, không thích thịt, hay cá lóc, bí xanh, khoai ngọt, củ cải, mỗi lần nấu canh mướp, bà mẹ than đau nhức khắp mình. 

Chồng chị lại không mặn mà cá trê, ghét bông bí, đậu bắp, cải xanh (trời ơi, toàn là những thứ chị khoái mới khổ chứ). Thằng con lớn trèo lên mâm thấy cá rô kho với dĩa dưa giá là nhăn mặt toan tụt xuống. Và cứ thế, chị chẳng còn bao nhiêu cơ hội chọn lựa. Cầm cái bắp cải hay bó cải rổ, lại lo người ta tưới lên ấy những gì. Mua trái lê, trái táo, tần ngần nghĩ không biết mấy thứ này có bị ngâm hóa chất giữ cho tươi lâu? Ngó con gà nằm trên sạp da vàng óng, chị tần ngần nghĩ tới cúm gia cầm.

Lâu rồi, chị đã không ăn những món mà chị thích (người trong nhà thì không). Chị bưng tô rau má (hay rau dền) nấu canh nghi ngút khói lên bàn, nhìn bà mẹ hớn hở suýt xoa để vui, để quên mình đã ăn mấy thứ này hồi còn ở quê, suốt mười mấy năm, mắc chán. Thế nhưng món bí đỏ hầm dừa thì lâu lâu chị lại nhớ nức nở, bỏ công nấu một nồi con con, chẳng ai trong nhà hưởng ứng. Đi ngang qua chỗ bán rau cải, chị nhìn mớ bông bí thòm thèm, nhưng nghĩ chỉ một mình ăn thì vui gì.

Biết bao điều phải nghĩ, đã cực lòng lắm rồi, lại thêm giá vùn vụt lên. Mau như trở bàn tay, món tiền hôm nay chỉ mua được nửa nắm rau hôm trước. Con cá trong giỏ cứ nhỏ dần đi, nỗi áy náy thì ngược lại, lớn ngợp lòng. Người nào rời mâm cơm trước chị cũng bần thần hỏi vói theo, “bộ đồ ăn không ngon hả?”. Trời ơi, làm nội trợ, ai nói sướng nào?

Đóng vai thần thừ giữa chợ năm ba lần, tôi đã biết cảm giác bồi hồi của chị khi lướt nhanh qua con cá to nhất, con cua chắc nhất, về đến nhà vẫn ám ảnh, nghĩ mình vừa bỏ lỡ một bữa ăn ngon cho cả nhà. Tôi biết chị yêu thương nặng oằn mà mớ tiền lại nhẹ hẫng trên tay. Trải qua mới hiểu, những lúc ấy mình dụng công suy nghĩ, cảm xúc đầy còn hơn… viết văn. Nhiều lúc quên đây là chỗ kẻ bán người mua, bởi nhìn thấy chùm trái giác, hay mấy cái bắp chuối đặt cạnh rổ rau đắng đất, hay xô ốc lác đầu mùa mưa, hay những trái mãng cầu chín… là kỷ niệm tuổi thơ kéo ra dài ngoằng có dây có nhợ, những ngày lam lũ thức giấc dậy động trong lòng.

Tôi biết, có nhiều lần, anh thấy chị trở về chỉ mấy trái cà, vài ba con cá, anh gắt “Đi cả buổi…”, nhưng anh biết không, trong cái giỏ đồ ít ỏi đó, oằn trĩu niềm lo nghĩ, nỗi thương yêu…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *