Sáng nay đi chợ, mình được chứng kiến cảnh đối đáp của một anh bán hàng và một bà khách hàng như thế này.
Anh bán hàng:
– “Cụ” mua cho con đi (anh bán hàng khoảng ngoài 50 , bà khách hàng khoảng 70 tuổi)
Bà khách hàng hỏi lại :
– Anh gọi tôi là “cụ” … Thế tôi đẻ được ra ông anh à ?
Anh bán hàng sững lại mấy giây rồi cười cười giả lả :
– À, con gọi thay cho cháu con ở nhà …
Bà khách :
– Tôi đang mua bán với anh chứ tôi có mua bán với cháu anh đâu ???
Và bà khách bỏ đi không mua nữa
Thế mới thấy xưng hô quan trọng phết. Hồi mình vào Nam, những người bán hàng rất ngọt ngào. Đáng chị gọi chị, đáng bác gọi bác, đáng cô gọi cô … Các cháu bé bán hàng thì toàn gọi cô xưng con (với nam giới thì gọi dượng ) nghe thật dễ thương
Lại kể một chuyện vui của bọn mình:
Một lần bạn bè tụ tập ở một quán cà phê cóc trên vỉa hè. Một cô gái bán tăm đi qua mời mua
– Các cô mua tăm ủng hộ cháu
Một cô bạn mình nhanh nhảu rút ví lấy ra tờ 200k
– Bán cho 10 gói (30k)
Cô bán hàng giãy nảy :
– Bà đưa tiền to thế này thì cháu làm gì có tiền giả lại ?
Cô bạn mình :
– Mày vừa gọi tao là “bà” à ? Thôi không mua nữa
Cô bán hàng ngạc nhiên và chúng tôi cũng ngạc nhiên. Cô bán hàng:
– Sao thế ạ ?
Cô bạn mình
– Mày gọi tao là “bà” thì làm gì còn răng nữa mà mua tăm?
Tất cả cười ồ lên, cô bán hàng cũng cười
– Lần sau cháu rút kinh nghiệm. Ở quê cháu cứ hay gọi thay con
Cuối cùng thì chúng tôi cũng mua tăm cho cô gái, rút ra một kinh nghiệm là : Không ai muốn bị coi già trước tuổi (ở Nhật lên xe buýt không cần nhường ghế cho người lớn tuổi bởi nếu ta nhường, có nghĩa coi họ là người già)
Ở nhà chúng ta cũng vậy, các con hãy cứ gọi mẹ là mẹ, đừng gọi thay con mình là bà nhé.
Gọi mẹ nghe vẫn gần gũi thân thương hơn
(Suy nghĩ của riêng tôi)
(Tản mạn ngày mưa gió)
Tg: Đỗ Xuân