Lạp mai (蜡梅) không phải hoa mai. Lý Thời Trân từng nói trong Bản Thảo Cương Mục rằng: “Loài cây này không thuộc họ mai, nhưng vì cùng thời với mai, mùi hương tương tự nhau, và có màu giống sáp ong, nên có tên là lạp mai.”
Lạp mai có dáng dấp của mai, hoa có năm cánh, nhưng màu hoa không giống nhau, cơ bản hoa mai không có màu vàng thuần, còn Lạp Mai có màu như dát vàng. Sau cơn mưa, các hạt nước óng ánh phủ trên cánh hoa tựa hồ khoác trên mình một lớp giống như sáp nên được gọi là lạp mai*.
(*)蜡 phiên âm Lạp có nghĩa là sáp; nến, đèn cầy.
Có người còn gọi là “tổ ong”, ong mật coi đây như nhà mình, bay đến đây rồi không đành bay đi, “Mật phòng tố tựu hoa chi sắc, lưu đắc hàn phong túc bất hồi.”
Nhưng tôi thấy thứ nắm giữ trái tim ong mật không phải sắc hoa mà chính là hương hoa.
Thi nhân từng nói “Tuyết phải thua mai một phần thơm”, tôi lại nghĩ rằng: Mai phải thua lạp mai hai phần thơm. Sở dĩ mai kém hương hơn lạp mai là bởi hương thơm của lạp mai rất rõ rệt.
Mai còn thua cả mùa hoa nở, vì mai thường nở sau khi lập xuân, lúc gió bấc đã thôi rít gào. Còn lạp mai khoe sắc vào những ngày rét buốt nhất của tháng Chạp, hoa có mùi thơm phảng phất lâng lâng.
Bước vào tháng Chạp, lạp mai trên núi không còn vẻ thảnh thơi ra hoa nữa, mà sẽ đồng loạt bung tỏa rực rỡ.
Trên núi cao, gió thổi mạnh, lạp mai gặp gió, các cành cây già oằn rạp xuống như những con rắn phủ phục trên đất, các cành mới thì vươn thẳng tăm tắp lên cao, từng chùm từng chùm hoa đua nhau khoe sắc.
Một cơn gió mạnh lùa qua, cánh hoa tung bay chao liệng trong làn gió như những hoa tuyết rơi nhẹ vào mùa đông, tựa hồ đang vẫy tay tạm biệt năm cũ.
Thuở nhỏ, mỗi dịp cuối năm Uông Tăng Kỳ lại cùng chị ra sau vườn bẻ Lạp Mai, ông chịu trách nhiệm trèo cây, chị ông chịu trách nhiệm chỉ đạo, “Chúng ta cần mấy cành nhiều nụ, nở ít, có thế mới cắm trong bình sứ được lâu. Nếu lấy cành nở hết thì chỉ được dăm ngày sẽ tàn.”
Tốt nhất là nên nuôi những nụ hoa lạp mai trong nhà, các nụ hoa sẽ từ từ hé nở và bung nở theo chân nàng xuân đang âm thầm ghé đến bên thềm.
Đến lúc đó, quả thật hợp với câu, “Sơn cư tuế vãn nhàn vô sự, tháp liễu mai hoa tiện thị niên.”
Hoa lạp mai nở là lúc khép lại một năm cũ và bắt đầu một năm mới giống như tháng Chạp.
Nhiều người bảo hoa mai năm nay nở sớm, nở rực rỡ như lạp mai của chùa Kinh Ngọa, những đóa hoa vàng như những ngôi sao băng, dù đi cách xa nhưng hương hoa vẫn bay nhè nhè vào sống mũi.
Trời càng lạnh, gió càng lớn, tuyết càng dày, lạp mai lại càng nở rộ. Lúc chúng ta đang tránh gió tránh rét, Lạp Hoa đã vượt qua những cơn gió buốt để mang đến hương hoa thơm nức lòng.
Xuân sang nở thắm mai vàng.
Tao nhân mặc khách, ngỡ ngàng ngắm hoa.
Trong rừng vẳng tiếng du ca.
Cánh hoa ôm ấp, lòng đà nhẹ tênh.
Ngại chi mưa gió gập ghềnh.
Thân mai vững trãi, chênh vênh chẳng chờn.
Châu Trần kết nghĩa nào hơn.
Lẻ loi bóng núi, cô đơn chốn này!
(Cán kê sa – Hoa Lạp Mai. Bản dịch của Chi Nguyen.)