Bạn đã bao giờ trải qua những ngày đen tối của mình chưa? Ý tôi thật sự là đen tối ấy, khi mà mọi thứ dường như không còn hy vọng và phía trước chỉ còn một màu đen đặc quánh mà thôi. Tôi đã có cho mình một lần như thế, một lần rơi vào cái hố của sự cô đơn và đối diện với chính mình.
Hồi trước khi còn là một thanh niên mới lớn, tôi có cái nhìn khá đơn giản về vấn đề tâm lý nói chung và trầm cảm/lo âu nói riêng. Tôi đã nghĩ mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu người trong cuộc cố gắng hơn một chút nữa, có gì mà khó đâu chứ?
“tâm lý thôi mà, có gì đâu”
Khi ấy tôi còn quá trẻ, quá non nớt để hiểu được sự khó khăn mà những người có vấn đề về tinh thần đang trải qua. Tôi đã vô tâm xem nhẹ những tâm sự, than thở của những thân xung quanh mình. Thậm chí tôi đã nhiều lần làm người khác phật lòng hay đau khổ trong quá khứ mà chả mảy may nhìn xem họ đã tổn thương ra sao. Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn còn giận mình lắm.Thật ra tôi nghĩ khó mà hiểu được một người mắc bệnh tâm lý đang thật sự cảm thấy ra sao. Một người bị què chân hay chảy máu, ta có thể nhìn thấy và mường tượng được mức độ tổn thương của người ấy như thế nào. Ta dễ dàng cảm thông và đối xử với họ bằng một sự đặc biệt nhất định. Nhưng còn bệnh tâm lý thì không, mọi thứ đều thuộc về thế giới bên trong và có khi vô tình hay cố ý ta đâm vào trái tim họ mà không hay. Ta có biết được đằng sau sự trễ nải và uể oải của người đồng nghiệp kia là do trầm cảm mang lại hay luôn cáu gắt và tìm cách trừng phạt anh ta? Ta có thông cảm cho một thanh niên lo âu quá mức luôn trốn trong nhà chơi game không chịu làm việc hay chỉ chỉ trích nó? Ta có hiểu được nỗi ám ảnh của đứa em họ khóc suốt đêm vì câu đùa vô ý sáng nay của mình không?Lại thêm nữa, bệnh tâm lý ở Việt Nam ta chưa được hiểu đúng. Nó vẫn còn những góc nhìn tương đối giản dị đến mức vô tâm. Cho tới gần đây thì mọi người hầu như không nói về các vấn đề sức khỏe tinh thần trong những cuộc trò chuyện và nếu có, nó cũng hết sức đơn giản. Một người kiệt sức dễ dàng bị cho là lười nhác và vô trách nhiệm. Những cơn lo âu bị cho là vớ vẩn. Trầm cảm còn được sử dụng như một cụm từ “nói vui” về “nỗi buồn” trên mạng xã hội. Hình dung về mức độ nghiêm trọng của bệnh tâm lý của người Việt Nam vẫn còn sai lạc. Cũng dễ hiểu được vì thời kỳ trước ông bà ta đã liên tục chạy vì miếng ăn cái mặc, nên hai từ “tâm lý” dường như là một thứ được đặt ở cuối danh sách những thứ đáng được quan tâm, thậm chí nó còn xa lạ với họ nữa là. Nhưng thời thế đã khác, thế giới đang dần thoải mái hơn, con người không phải rơi vào cảnh thiếu ăn thiếu mặc. Nhìn xem, hơn một nửa thế giới có thể truy cập internet, giáo dục đã mở rộng, chiến tranh diễn ra với quy mô nhỏ và tần xuất ít hơn so với quá khứ. Dần dà, con người có nhiều thời gian hơn để nghĩ ngợi. Và khi có nhiều thời gian nhàn rỗi như thế, bệnh tâm lý nảy sinh. Bạn đột nhiên cảm thấy mình là một kẻ thất bại khi thấy người con của cậu của bạn của em họ của mình chụp bằng tốt nghiệp hạng A lên Facebook. Bạn thấy tủi thân khi thằng chó mình ghét đăng hình con ghệ đẹp còn mình thì ngồi đây thủ dâm với cái màn hình phim sex.
Sức khỏe tinh thần là vấn đề mà giới trẻ hiện nay phải đối mặt. Nó không những đứng đầu danh sách những thứ đáng phải quan tâm, thậm chí tôi nghĩ nên gắn thêm 3 chữ S.O.S đằng sau nữa.
Tôi cũng đã từng đánh giá thấp nó thế. Cho đến khi tôi bước vào cơn bão của chính mình.
Đại dịch Covid 2021 thật tệ. Đó là khi tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi để nghĩ về những vấn đề chưa giải quyết xong của mình. Dần dần, những suy nghĩ cứ ăn mòn tôi, ngày qua ngày. Không gian trở nên ngột ngạt, tâm trí tôi như một bờ đê bị vỡ, suy nghĩ cứ tuôn ra từng dòng không kiểm soát. Nỗi sợ lên ngôi, những con hoảng loạn lần đầu tiên xuất hiện. Dần dần, ám ảnh kéo thêm lo âu. Có lúc tôi nghĩ liệu có nên kết thúc chuyện này một cách nhanh chóng? Tôi thức dậy và tự hỏi mình sống trên đời để làm gì? Lần đầu tiên trong đời tôi thật sự cảm nhận được như thế nào là tinh thần kiệt quệ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được người mắc bệnh tâm lý đau khổ ra sao. Lần đầu tiên tôi thấy giày vò vì những lỗi lầm quá khứ của mình.
Bệnh tâm lý chưa bao giờ là dễ dàng, và chưa bao giờ dễ nhận biết. Nhưng sức khoẻ tinh thần cũng chưa bao giờ được bàn đến một cách nghiêm chỉnh. Tuy vậy, không nhất thiết phải để bản thân rơi vào bệnh tật mới nhận ra tầm quan trọng của nó. Để nhận biết những dấu hiệu bất ổn của chính mình và người thân, cơ bản ta chỉ cần cập nhật thông tin đúng đắn về sức khoẻ tâm lý và quan tâm đến nó nhiều hơn là được, trong trường hợp cần thiết hãy tìm đến những người có chuyên môn giúp đỡ.
Đừng coi nhẹ những tổn thương của chính mình và người khác.
“Only in distress can people understand how difficult it is to master their thoughts and feelings” – Anton Chekhov
Bởi đã từng có một quãng thời gian khó khăn, tôi có thể hiểu được một chút những điều người có bệnh tâm lý cần từ người thân xung quanh.
Đầu tiên là lắng nghe, người có vấn đề tâm lý cần nhất là được lắng nghe và nhận được sự đồng cảm những cảm xúc mà họ đang trải qua, nhưng hãy nhớ: chỉ là LẮNG NGHE thôi, thật sự LẮNG NGHE và KHÔNG PHÁN XÉT. Tôi cố tình in hoa như vậy vì bởi nhiều người cứ nhầm tưởng rằng mình giỏi lắng nghe lắm. Họ nghe nhưng nghe qua mặt chữ, hời hợt nghe qua để nắm vấn đề người kia đang gặp phải, không quan tâm đến sự nặng nề đằng sau câu chuyện và quên rằng thứ người ấy cần là sự cảm thông, cảm giác được chia sẻ cảm xúc và cùng ai đó đi qua những chuyện tồi tệ này với mình, không cô đơn. Bởi thế ta hay có thói quen thích tâm sự với người lạ vì người thân biết rõ ta quá rồi, họ có xu hướng khuyên bảo và muốn giúp ta vượt qua mà thôi. Nhiều người không hiểu mấu chốt này, dẫn đến việc liên tục đưa ra lời khuyên và hướng giải quyết, điều đó có thể cần nhưng chỉ bất cứ khi nào được đối phương yêu cầu. Đừng vội vàng đưa ra những khuyên khô khốc, lạnh lẽo ấy, có thể bạn chỉ muốn giúp nhưng một số trường hợp nó sẽ làm bạn trông giống một tên khốn khiếp hơn và có khi làm cho người bệnh thêm áp lực hoặc đẩy bạn ra xa. Nếu muốn giúp, hãy đề nghị: Mình làm gì được cho bạn không? ; Cậu cần tớ giúp gì không? Hãy bình tĩnh, sự nhiệt tình của bạn nên đặt đúng chỗ. Yeah, nên hãy lắng nghe thôi nhé!
Tiếp đến là cảm giác an toàn, thứ giúp cho người đang mắc vấn đề tâm lý can đảm nói ra câu chuyện của mình. Đây là một điều quan trọng. Một người dù khỏe mạnh đi nữa cũng cần một sự tin tưởng nhất định để chia sẻ câu chuyện của mình, vì thế ở người bệnh tâm lý chuyện đó lại trở nên hết sức là cần thiết. Lúc rơi vào âu lo, tôi luôn có cảm giác rằng những suy nghĩ đang chạy trong đầu mình là cực kì vớ vẩn, nhảm nhí, tàm phào. Vì thế tôi luôn mang cái áo giáp “tôi ổn” để che giấu đi nỗi sợ hãi bên trong của mình, khép kín hơn với mọi người xung quanh. Người bệnh tâm lý luôn có tâm lý tự ti, cho mình là đồ bỏ đi, chính vì vậy để chạm được đến họ ta cần nhẹ nhàng, cho họ biết rằng những khó khăn của họ chỉ là tạm thời, những suy nghĩ ấy không nhất thiết vô nghĩa và sẵn sàng để nghe họ nói. Đó sẽ là điều có ý nghĩa rất lớn với họ. Một điểm tựa, một bàn tay nắm lấy lúc tuyệt vọng là một ý nghĩa rất lớn khi ta bất ổn.
Còn bây giờ là các bạn, những người đang bất ổn. Thật buồn khi bạn đang phải trải qua những chuyện tồi tệ như vậy. Tôi biết mỗi người mỗi khác, chúng ta đều có những vấn đề khác nhau, những khó khăn, trắc trở khác nhau. Tôi không dám đưa ra lời khuyên rằng các bạn nên làm gì trong lúc tinh thần kiệt quệ như các bạn đang gặp phải. Mỗi người đều có những mức độ khó khăn khác nhau, tôi nghĩ mình không có tư cách làm chuyện đó, nếu cần lời khuyên các bạn hãy tìm đến chuyên gia tâm lý. Vì vậy, thứ tôi có thể làm là bày tỏ sự đồng cảm và nói ra kinh nghiệm của mình đã làm gì để chống chọi với cơn bão ấy, hy vọng nó sẽ giúp ai đó có thêm sức mạnh đi qua thời kỳ này.
Tập thể dục thể thao. Ta có thể đã quá quen với cụm từ này, ở đâu cũng thấy người ta rêu rao “rèn luyện thân thể”. Giảm cân-tập thể thao. Tăng cường sinh lý-tập thể thao. Tăng cường trí não- tập thể thao… Và cũng vậy, giảm lo lắng, căng thẳng, cải thiện tâm trạng và ngủ ngon, cũng tập thể thao nốt. Tuy vậy, chúng ta thường quên nó đi trong lúc tinh thần sa sút. Cũng dễ hiểu vì khi bất ổn, mức năng lượng xuống thấp nên ta chỉ muốn ngồi trong nhà bất động với những suy nghĩ mà thôi. Nhưng ngay khi còn chút sức lực nào, hãy cố gắng đi bộ một chút thôi cũng được, 5 phút đi bộ tốt hơn là ngồi ủ dột trong căn phòng tối đen ấy. Vận động sẽ giúp giải phóng các chất hóa học trong não giúp cải thiện tâm trạng. Nhưng đừng thất vọng vì sau khi đi bộ xong mà tâm trạng vẫn chưa đi mất nhé, nỗi buồn của bạn quá lớn, việc tập thể dục sẽ giúp nó không trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Hãy nhớ đây là con đường dài, đừng mong 5 phút đi bộ sẽ ngay lập tức hóa giải nỗi đau trong lòng mình, ta hãy cứ làm nó như một cách giữ cho bản thân không trở nên quá tệ.
Điều thứ hai là hãy đi tìm sự giúp đỡ bất cứ khi nào cảm thấy quá sức. Nhiều người có xu hướng sợ hãi, mặc cảm khi nói ra vấn đề của mình hoặc người thân xung quanh không khuyến khích nói ra những cảm xúc tiêu cực. Vì thế mà họ gồng gánh với một câu nói “phải mạnh mẽ” trong đầu mình. Điều đó đôi khi thật độc hại. Hãy tưởng tượng bạn đang sốt 40⁰C và vác một bao tải xi măng xem? Mạnh mẽ không sai, nhưng hãy cho phép mình mềm yếu. Có ai trong đời luôn mạnh mẽ hoài được? Bạn không nhất thiết phải trải qua những chuyện này một mình. Đó cũng là lí do vì sao con người rất cần gia đình, bạn bè và người thân yêu xung quanh. Lần khủng hoảng đó, tôi đã may mắn được các bạn bè của mình giúp đỡ và động viên, nếu không tôi khó mà hình dung được mình sẽ tơi tả ra sao. Nếu không may gia đình và người thân xung quanh không thể giúp đỡ, hãy tìm đến những chuyên gia để nhận được lời khuyên tốt nhất. Tôi cũng biết một trang trên Facebook được lập ra với mục đích lắng nghe các bạn, những người đang không ổn, mỗi khi cần và hoàn toàn miễn phí. Hãy tìm kiếm từ khóa “Đường dây nóng ngày mai” nhé.
Trải qua những cơn đau của tâm hồn. Điều tôi học được là sự thấu cảm, không còn xem nhẹ những dấu hiệu mà tôi từng cho là “yếu đuối” của người khác nữa. Cũng bởi thế, tôi nhận ra sự bình an là một thứ vô cùng hiếm hoi trong cuộc sống. Hy vọng những dòng trên sẽ giúp ích được điều gì đó cho những người đang cần. Chỉ mong mọi người bớt đi phần nào đau khổ.
Trân trọng.