TÂM SỰ ĐẦU NĂM CỦA DÂN ĂN GỖ MÀ SỐNG

Cách đây 12 năm, với cuốn “Giáo hội đi trong nhân loại” của cụ Nguyễn Thế Thoại, tôi chính thức gieo vào lòng niềm yêu thích đối với việc tìm hiểu về lịch sử, tiếp liền theo sau đó, việc gặp gỡ với cụ Jared Diamond trong các tác phẩm “Súng, vi trùng và thép'' và “Sụp đổ” đã vẽ ra cho tôi một vài nét khoáng đại kì vĩ về sử học, dù sau này mới biết viết theo kiểu hai cụ là viết kiểu khác người chứ sử thường không phải cuốn nào tôi đọc cũng thấy hấp dẫn như vậy.

Rồi thì vào đại học, vỡ mộng dần dần, sách vở tuột dần khỏi tay, kệ bà nó, lúc đó đúng là có những thứ sinh tử cần quan tâm hơn.

Phải nói là sau một thời gian bỏ bê, gần như phải thiết lập lại từ đầu việc đọc, cũng may, gì chứ sách vở thì quanh tôi tha hồ. Khoảng giờ giấc, thì cùng với thời gian, cuộc sống mọi thứ vào nếp, thì ngoài những giờ chung tôi cũng để giành được kha khá giờ đọc. Rồi với sự giúp đỡ thêm của gia đình và nhiều người, dần dần tôi gầy dựng được một gia tài sách vở riêng.

Hẳn nhiên, sách vở Công Giáo tôi đọc thường xuyên nhất, còn thì lang thang thư viện, cũng lượm lặt được đôi cuốn sử tầm cỡ như “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba” của William L. Shirer, “Tân Lịch sử Giáo hội” của nhóm tác giả gạo cội. Thế nhưng, sử đã không còn là trọng tâm đọc như ngày xưa, từ gần năm năm này, văn đã chiếm chỗ nó. Bảy năm lang thang từ đông qua tây rồi lại lặn ngụp từ kim tới cổ, tôi nghiền gần 400 đầu sách văn chương, và đây là Top10 yêu thích của tôi, nói trước nha, tuyền những cuốn máu đổ hơi nhiều còn nhân vật hầu hết là những tên gây khó chịu cho cái tâm tư tưởng đâu là bình an lâu nay của ta.

1879: Tự thú – Lev Tolstoy

1933: Của chuột và người – John Steinbeck

1936: Chết chịu – Céline

1940: Chuông nguyện hồn ai – Ernest Hemingway

1955: Lolita – Vladimir Nabokov

1955: Khó mà tìm được một người tốt – Flannery O'Connor

1957: Trên đường – Jack Kerouac

1987: Rừng Nauy – Haruki Murakami

1984: Diệt vong – Thomas Bernhard

2005: Đinh Trang mộng – Diêm Liên Khoa

Tuy chuyển hướng đọc qua văn chương, nhưng cái chất sử nó đã thấm vào máu thịt, mấy năm nay tôi vẫn đều đặn nạp vài cuốn sử như:

-“Lịch sử văn minh phương tây” của Mortimer Chambers

-“Nghiên cứu lịch sử nhân loại” của Arnold J. Toynbee

-“Lịch sử thế giới: Chân dung nhân loại theo dòng sự kiện” của viện Smithsonian

-“Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên

-“Lịch sử Việt Nam” của Lê Thành Khôi

-“Sự thăng trầm của các đế chế” của Peter Turchin

-“Sự va chạm giữa các nền văn minh'' của Samuel P. Huntington

-“Sự minh định của địa lý” của Robert D. Kaplan

-“Trật tự thế giới” của Henry Kissinger

-“Là người Nhật” của A.N. Mesheriakov

-“Napoleon đại đế” của Andrew Roberts

-“Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” của Cát Kiếm Hùng

-“Lịch sử chiến tranh Peloponnese” của Thucydides

-“Mười hai hoàng đế La Mã'' của Suetonius Tranquillus

-“Lịch sử chiến tranh” của John Keegan

-“Lịch sử Trung Đông” của Bernard Lewis

-“Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại – Jack Weatherford”

Năm này 30, nghe đồn biết đọc truyện tranh báo thiếu niên nhi đồng các kiểu từ khi 5 tuổi, như vậy tính rộng rãi ra tôi đã có 25 năm dùi mài gặm nhấm xay nghiền sách vở nói chung, văn thì coi như là 20 năm đi, tính từ khi đọc bộ Kính Vạn Hoa hồi lớp 4, còn về sử, không tính mớ sách giáo khoa trời ơi đất hỡi, thì là 12 năm, như đã nói trên. Năm hết tết đến nhìn lại, việc đọc của tôi, khá đơn giản, có thể túm gọn lại trong một vài điểm sau đây:

-Thứ nhất, vì là tay ngang nên việc lựa sách tới nay chủ yếu tôi dựa vào danh tiếng của kinh điển và giải thưởng; thứ đến, trong các sách hay, nhất là các sách sử uy tín, chúng nó có thói quen giới thiệu lẫn nhau trong nội dung và phần thư mục; sau cuối, là tui nhờ cậy vào chỉ dẫn uy tín của bạn bè, phải nói bạn bè nhiều tên rất tầm cỡ…

-Thứ hai, ngoài sách vở Công Giáo đọc hằng ngày, về chuyện sách vở, nếu so với dân văn chương chính cống tui đọc văn kiểu lãng tử nhưng đọc sử lại lùm lùm; so với dân sự chính tông, tui đọc sử bơi bơi thôi nhưng gia tài văn chương lại khá khá; so với dân triết chính quy tui đọc các triết phẩm chưa được bao nhiêu nhưng lại có vốn văn-sử cũng hòm hòm; cuối cùng, so với dân chuyên ngành thì chỉ thuộc hàng tép riu nhưng tui cũng cố đọc càng nhiều càng tốt những cuốn tâm lý-văn hóa-khoa học vớ được và hiểu được…

-Thứ ba, để việc đọc được bền bỉ cũng như không gây nhàm chán, tôi cố gắng đảm bảo các yếu tố vật lý cho việc đọc như ánh sáng, tư thế đọc, dinh dưỡng, ngủ nghỉ; đồng thời tôi phát triển một hệ thống trong đó việc đọc sách, ngồi suy ngẫm và viết lách là pha thư giãn sau những giờ đổ chút mồ hôi, và, việc lao động chân tay lại là pha thư giãn sau những giờ lật sách và ngoáy bút…

-Thứ tư, không nhắm tới như một kết quả mà là một hệ quả phát sinh, dần dà tôi phát hiện bản thân có khuynh hướng tiếp cận và lý giải một vấn đề theo cách thức, mà giới học thuật hình như gọi là 'tư duy liên ngành', còn với ngôn ngữ dân gian, thì có lẽ người gọi đó là 'một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao'…

-Thứ năm, sách vở Công Giáo đọc để ngẫm và sống, văn-sử-triết đọc để thêm hiểu biết và để đôi khi viết lách chút chút cho vui, còn đọc các thể loại chiếu dưới như tâm lý-văn hóa-khoa học-truyện tranh…, trước là để phụ thêm được chút nào hay chút nấy cho mấy thể loại chiếu trên, sau là để lâu lâu chém gió với các em út cho nó vui cửa vui nhà.

Năm Kỉ Hợi vừa rồi tôi đúng là có lắm chuyện bất ngờ hay ho. Cách đây mấy tháng, tự dưng tôi nổi hứng viết một bài về các tướng lĩnh, “Đông tây kim cổ bách đại tướng quân”, tại nhận thấy các danh sách trên mạng không có cái nào làm mình ưng ý hết. Viết xong, gửi cho nhóm “Hội Yêu Sách”, dù đã mớm hàng cái seri sách trích dẫn ở cuối bài nhưng nhóm vẫn không đăng cho, cũng khó trách vì cái bài này quá đậm chất sử. Thế là lang thang, search facebook, ra kết quả đầu tiên là page “Nhóm nghiên cứu lịch sử”, gia nhập một phát, thành viên mới gửi bài đầu tay, không ngờ page nhận luôn, thiệt là khí thế mà.

Sau vài tuần, qua những comm và bài đã đọc, tôi có cảm giác mình đã rơi trúng ổ rồi, “Nhóm nghiên cứu lịch sử”, một nơi vừa nghiêm túc trong việc nghiên cứu, vừa trung dung và bài bản trong đường lối và cách điều hành, thế là tôi tới luôn: “Chiến tranh Punic II và những hệ quả tai hại khó lường của nó đối với đế quốc Rome”, “Người Việt và người Việt”, “Người Việt mang gươm đi mở cõi”, “Nero gọi Julius Caesar bằng gì?”, “Bao nhiêu xuân thu cho một bể dâu?”… Tự thấy mình hoàn toàn là tay ngang về sử, may mà văn chương đọc ngập mặt nên câu sử viết ra nó cũng không tới nỗi èo uột khó nuốt .

Thế nên thực sự choáng khi thấy anh em liên tục đưa ra các đề nghị cho “Ngôi sao đang lên” rồi lại “Người kiểm duyệt”. Nhận, nhận trong vui vẻ, nhưng biết là làm tùy sức thôi, mà sức thì có hạn, hi vọng không làm anh em thất vọng ?

Hình ảnh: One Piece color spread wallpaper, chap 540

(Nhân vật chính trong hình là cô bé Nico Robin, thành viên thứ 7 của Băng Mũ Rơm, là nhà khảo cổ, sử gia, chuyên gia cổ ngữ. Cô bé là người duy nhất sống sót từ Ohara, hòn đảo của các học giả, sau cuộc oanh kích khốc liệt của Hải Quân, Ohara bị xóa sổ do lẽ các học giả muốn tìm hiểu về ''Trăm năm trắng”-vảy ngược của Chính quyền thế giới.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *