TÂM LÝ HỌC NÓI GÌ VỀ VIỆC CHỌN FRIENDS-WITH-BENEFIT HOẶC MỐI QUAN HỆ PHỨC TẠP?

GÓC NHÌN TỪ TÂM LÝ HỌC TẠI SAO NGƯỜI TA LUÔN BỊ THU HÚT BỞI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NGHIÊM TÚC VỚI MÌNH?

Tại sao nhiều người lại luôn lặp đi lặp lại những mối quan hệ mà ở đó, chỉ có người tình là đổi khác còn cách họ được đối xử vẫn luôn lạnh nhạt hoặc khó hiểu một cách cực kì phức tạp? Ngoài ra, lí do nào đằng sau mối quan hệ Friends with benefit đang rất được giới trẻ ưa chuộng gần đây? Nếu bạn đang crush một ai đó nhưng họ lại dường như không muốn bước thêm 1 bước để gắn kết mối quan hệ, có lẽ bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm 1 chút về nỗi sợ ẩn sâu bên trong khiến họ lựa chọn như vậy.

Mình từng đọc được 1 câu rằng: làm gì có ai muốn chơi đùa với trái tim của chính mình? – có lẽ con người ta không phải không muốn yêu đương nghiêm túc, mà là sâu bên trong họ luôn mang theo những nỗi sợ. Việc không muốn nghiêm túc thực ra ẩn sau là những nỗi sợ. Nỗi sợ phải lặp lại vết thương cũ từ quá khứ, nỗi sợ ngột ngạt, nỗi sợ sẽ bỏ lỡ những người tốt đẹp, nỗi sợ rằng mình tốn thời gian với sai người (vì không tin tưởng người khác),.. những điều này là kết quả của nhiều sang chấn tâm lý hoặc tổn thương trong quá trình trưởng thành. Từ đó, họ có lẽ luôn nghi ngờ khả năng lựa chọn đối tượng của bản thân cũng như không biết liệu tình yêu và mối quan hệ có thực sự đúng? – từ Ph.D Reshawan Chapple trên tạp chí Talkspace.

FRIENDS-WITH-BENEFIT VÀ NỖI SỢ PHẢI CAM KẾT LÂU DÀI CHO MỘT MỐI QUAN HỆ

Theo như Ph.D Aaron Ben-Zeev đã viết trên tạp chí Psychologytoday, có lẽ đến 50% người trẻ mà ông làm khảo sát nói rằng đã từng có mối quan hệ FoW với bạn của mình. Theo đó, trong mối quan hệ này 2 người trẻ chưa sẵn sàng để thấu hiểu và chung thủy lâu dài cho một mối quan hệ. Và lí do khiến người ta chọn bước vào mối quan hệ này có lẽ là nỗi sợ hãi phải nghiêm túc và cam kết bền lâu với một ai đó.

Đôi người ý thức được bản thân có nỗi sợ này, nhiều người khác lại không. Ở mối quan hệ FoW, như đã nói ở trên, đôi khi vì biết trước không có nhiều hi vọng nên sẽ không hết mình vung sức vào mối quan hệ, từ đó có thể giảm đi đam mê và sự thân mật với đối phương. Họ tránh né tình yêu thực sự, hoặc như họ không biết thế nào là tình yêu, nên họ chọn cách không đối diện với nó và bước vào một mối quan hệ khác lưng chừng, không ràng buộc. Họ không cần phải nói chuyện hay nhắn tin nhiều với nhau, họ không bàn về tương lai, họ không kể về cảm xúc dành cho đối phương, cũng như không lãng mạn hóa người còn lại. Dường như ai mất đi những chữ “không” ở trên – sẽ là kẻ thua cuộc trong mối quan hệ này.

Một vấn đề khác của mối quan hệ này chính là hai người trong cuộc không thực sự mở lòng và không đòi hỏi phải chia sẻ những điều thầm kín, những cảm xúc sâu thẳm của mình cho đối phương nếu như bản thân không muốn. Họ có thể thân thiết, có thể cùng nhau đến mọi bữa tiệc, có thể trò chuyện vui vẻ nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến những vấn đề “Deep” hơn như chia sẻ những chuyện mình gặp trong cuộc sống – trong khi chia sẻ và giao tiếp chính là cầu nối đến với một mối quan hệ nghiêm túc.

TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI SỢ YÊU ĐƯƠNG NGHIÊM TÚC?

Có nhiều người còn không hiểu được tại sao mình lại sợ hãi, né tránh một mối quan hệ nghiêm túc. Đối với họ, cam kết lâu dài với ai đó đồng nghĩa với việc sẽ phải đối diện với nỗi đau, sự mất mát chia xa, cảm giác bản thân sẽ bị kèm cặp và bị “mắc kẹt” với người khác, hoặc thậm chí là sợ hãi việc bị người kia kiểm soát mình.

Ngoài nỗi sợ cam kết trong tình yêu, những người lựa chọn các đối tác vô tâm, các mối quan hệ phức tạp và FoW có thể sẽ mang những nỗi sợ khác như nỗi sợ thân mật, nỗi sợ phải chia sẻ với người khác, họ có trust-issues = sợ bản thân sẽ bị phản bội nên tốt nhất chọn cách không dám tin tưởng người khác; sợ rằng bản thân mình không đủ tốt nếu như người khác tìm hiểu mình đủ sâu, sau đó phát hiện ra mình không xứng đáng và rời bỏ mình; và sợ mất đi tự do, độc lập và quyền tự đưa ra quyết định trong cuộc sống của mình vì phải đau đáu lo lắng đến cảm xúc của một người khác.

Người ta né tránh việc chịu trách nhiệm và không muốn cam kết bởi sự không chắc chắn của họ về mọi thứ trong cuộc đời; họ mang theo suy nghĩ được góp nhặt từ những trải nghiệm trong quá khứ rằng mọi thứ trong đời đều không xảy ra như ta mong muốn; rằng ta không thể kiểm soát được sự xoay vần của số phận và sự xuất hiện cũng như rời đi của con người. Từ đó, họ chọn cách không tin vào sự chắc chắn.

Khi một đứa trẻ lớn lên chứng kiến quá nhiều hình mẫu thất bại của tình yêu, khi tình yêu lành mạnh và chân thành đối với nó chưa hề có, hoặc quá ít; khi mà sự phản bội đến từ chính những người chúng yêu thương nhất – dù không hề thù ghét hay phán xét điều họ đã làm, đứa trẻ ấy vẫn lớn lên với sự mơ hồ về tình yêu và sự cam kết. Đối với chúng, các mối quan hệ phức tạp, xa cách hoặc không nghiêm túc rõ ràng và dễ thực hiện hơn tình yêu đầy trách nhiệm và chân thành. Hoặc như, tổn thương quá nhiều từ gia đình và trong thời thơ ấu khiến chúng phải dung tất cả sức lực còn lại để bảo vệ bản thân thay vì dung nó để tiếp tục lao vào tình yêu và chịu tổn thương.

TẠI SAO NGƯỜI TA LUÔN BỊ CUỐN HÚT BỞI NHỮNG NGƯỜI VÔ TÂM VỚI MÌNH?

Đã bao giờ bạn gặp một người mà dù lịch sử tình trường của họ có dài bao nhiêu trang, thì họ vẫn luôn bị cuốn hút bởi những người có vẻ như không hề quan tâm gì đến họ? Dẫu vậy, họ vẫn tin rằng cho dù “đôi lúc” người kia lạnh lẽo, vô tình với họ nhưng giữa 2 người vẫn có cơ hội, vẫn có một mối liên kết đặc biệt nào đó? Một cô gái mà tình trường của cô ấy luôn là chuỗi dài những chàng trai không thực sự có trách nhiệm hoặc nói rằng họ không muốn lâu dài; hay thậm chí còn dễ bị hấp dẫn bởi một người đàn ông đã có mối quan hệ khác. Đối với những người này, họ luôn nghĩ rằng họ phải luôn cố gắng hết sức để có được hứng thú của đối phương và cố thay đổi bản thân để phù hợp với hình tượng mà người kia sẽ thích.

Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao ai đó lại chọn cách ở bên cạnh những người đến một tin nhắn cũng không nhắn, một câu hỏi thăm cũng phải mong cầu? Và việc tìm ra nguyên nhân sâu xa bên trong cách người ta chọn bạn đời là một cách giúp giải mã những khoảng trống trong tâm hồn của một người.

1. CHÚNG TA MANG THEO NHỮNG KHUÔN MẪU VỀ CÁC MỐI QUAN HỆ LÃNG MẠN MÀ TA HỌC ĐƯỢC TỪ NGƯỜI LỚN XUNG QUANH KHI TA CÒN NHỎ

Nghĩa là, khi còn thơ ấu, cách mà bố mẹ, người nuôi dưỡng và người thân xung quanh bạn thể hiện tình yêu sẽ vô thức trở thành hình mẫu tình yêu mà bạn theo đuổi khi trưởng thành. Nghiên cứu từ Geher (2000) trên tạp chí Current Psychology cho thấy người ta thường bị hấp dẫn bởi những đối tượng có điểm tương đồng với mình, cũng như với người thân thiết có ý nghĩa với mình.

Một trong những lý do người ta đắm chìm vào những đối tượng vô tâm bởi đó có thể cũng chính là hình mẫu của mối quan hệ giữa bố, mẹ hoặc gia đình họ trong quá khứ. Có thể bố mẹ người đó dù bên cạnh nhau, sống cùng nhau nhưng cả hai không thể hiện tình yêu thương, hoặc thậm chí là tỏ ra xa cách và không thấu hiểu nhau; hoặc như, 1 trong 2 bố hoặc mẹ là người yêu nhiều hơn, đầu tư và cố gắng hi sinh nhiều hơn cho người còn lại => dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ vợ chồng/gia đình => đứa trẻ lớn lên xem đó là một việc quen thuộc và vô thức rơi vào đoạn đường giống với bố mẹ mình.

2. NGƯỜI ĐÓ LỚN LÊN THIẾU ĐI 1 HOẶC SỐNG THIẾU CẢ BỐ LẪN MẸ

Nếu bạn đã đọc qua nhiều bài viết phân tích về ảnh hưởng của thưở ấu thơ lên nhân cách, hành vi và các mối quan hệ mà page từng post, có lẽ bạn không lạ gì với điều này: một người sẽ dễ dàng rơi vào mối tình vô vọng lặp đi lặp lại với cùng một kiểu người chỉ mang lại đau khổ cho mình nếu HỌ LỚN LÊN THIẾU ĐI BỐ HOẶC MẸ trong đời.

Con người ta trong vô thức luôn cố gắng tìm kiếm và mong muốn viết lại cái kết khác cho những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, vì thế, họ lặp lại cùng một tình huống hay sự việc tương tự và hi vọng rằng lần này – kết quả sẽ khác. Rằng họ có thể vẽ nên một kết cuộc mới cho câu chuyện mà họ luôn đau đáu trong lòng, câu chuyện mà họ hơn một nghìn lần ước rằng sẽ có kết quả khác.

Người đó sẽ luôn mang theo một niềm tin rằng họ không xứng đáng để được yêu thương, rằng người khác sẽ không bao giờ cho họ được điều mà sâu thẳm trong tìm họ mong muốn (không thể nói cũng không biết nói ra mình khao khát điều gì), hoặc như, họ tin rằng tình yêu không có thật nếu họ không chiến đấu đạt được nó. Hình mẫu tình yêu này sẽ luôn lặp lại nếu họ không ý thức được nỗi đau quá khứ của bản thân, không thấu hiểu và nhận ra nguyên nhân của vết thương lòng sẽ khó lòng chữa lành trái tim đã tổn thương của họ.

3. CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI ĐÓ CŨNG KHÔNG HIỂU RÕ PHẦN TRỐNG RỖNG BÊN TRONG MÌNH

Đây có lẽ là phần khó để nhận ra nhất vì chính bản thân người đó vẫn luôn trong vô thức khiến bản thân mình quên đi hoặc ngó lơ cảm xúc trống rỗng bên trong mình. Có lẽ người đó sâu bên trong vẫn mong muốn tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc và tràn ngập yêu thương, nhưng hành động và cách yêu của họ lại không hề rõ ràng. Họ dù nghĩ rằng mình yêu thương và không thể sống thiếu người kia, họ vẫn không thể chia sẻ cảm xúc thật sự của mình cho đối phương; cũng như luôn sợ hãi bị bỏ rơi và đau đáu những nghi ngờ về giá trị của bản thân và không tin vào sự thật lòng của người khác. Hay thậm chí đánh mất bản thân mình để làm hài lòng người khác mỗi khi rơi vào lưới tình.

Vì thế, họ luôn không biết rằng mình hay “va phải” những đối tượng vô tâm hoặc tình cảm không đặt ở nơi họ, như một cơ chế phòng vệ cho trái tim mình. Có lẽ đoạn này hơi mâu thuẫn đúng không? Chính là như thế, nhiều người vì biết rằng khi họ yêu, họ sẽ đánh mất chính mình vì tình yêu. Họ biết rõ rằng trái tim đầy tổn thương của mình sẽ đập điên cuồng vì tình yêu, sẽ chối bỏ nhu cầu và mong muốn của bản thân để được yêu thương, nên họ chọn cách né tránh điều đó. Khi gặp một người không nghiêm túc với họ, họ cũng biết rằng chính mình cũng không hoàn toàn cam kết và nghiêm túc với người kia – từ đó lí trí của họ vẫn còn có chỗ đưa ra quyết định.

4. THIẾU CẢM GIÁC AN TOÀN VÀ LÒNG TỰ TRỌNG THẤP

Với những người bị hấp dẫn bởi đối tác vô tâm, mối quan hệ này đối với họ thực sự không hề thú vị ngược lại còn mang lại đau khổ, nhưng họ vẫn luôn cố gắng theo đuổi nó một cách kiên trì. Đối với họ, một động lực sâu trong tiềm thức khiến họ nghĩ rằng: nếu người vô tâm đó, người rõ ràng không thể hiện tình cảm hay nghiêm túc đó cuối cùng vẫn thuộc về họ và ở bên cạnh họ => Nó khiến họ cảm thấy bản thân mình có giá trị, rằng mình đã đạt được điều gì đó. Nói một cách khác, nếu như họ không có được sự công nhận giá trị và tình yêu từ người kia, giá trị của bản thân họ dường như bị treo lơ lửng. Với họ, đặc biệt là phụ nữ, vì họ đã chờ đợi tình cảm của người kia trong 1 khoảng thời gian nên việc bỗng dung bỏ cuộc chẳng khác nào phủ nhận mọi sự cố gắng mà họ từng vun đắp.

Dù vấn đề của họ gây ra nhiều vấn đề hay thậm chí khoét sâu vào lòng tự trọng cũng như chà đạp giá trị của bản thân, những người này, đặc biệt là các cô gái – họ không phải là kẻ ngu ngốc, ngược lại họ là những người rất kiên trì và mang theo một niềm tin gai góc vững chắc. Một khi họ đã đặt mục tiêu nắm lấy sự chú ý và trái tim của một người có vẻ như không để tâm đến họ, họ dường như luôn có kiên nhẫn và nỗ lực, nghiêm túc theo đuổi người đó – đây rõ rang là một điểm tốt đẹp của một người, khi ai đó kiên trì theo đuổi điều mình quan tâm – tuy nhiên, nó đặt sai mục tiêu ở tình huống này.

Nếu như cô gái trong câu chuyện này thay vì tập trung vào tình yêu vô vọng đó mà đặt sự chú ý, nỗ lực, kiên trì và gan góc của mình ở bản thân hoặc ở những điều tốt cho cuộc sống – có lẽ sự tập trung của cô sẽ thay đổi và từ đó dần thoát ra được vòng lặp tìn.h yêu độ.c hại.

PHẦN 2: LÀM SAO ĐỂ KHÔNG TIẾP TỤC RƠI VÀO CÁC MỐI QUAN HỆ PHỨC TẠP HOẶC LUÔN CHỌN NHỮNG NGƯỜI VÔ TÂM VỚI MÌNH?

Nhắn nhủ cuối bài: bài viết này chỉ nhằm mục đích đưa ra thông tin và không phải dung để chẩn đoán hay tham vấn, trị liệu.

Ảnh: Henn Kim

Nguồn tham khảo:

Geher, G. Perceived and actual characteristics of parents and partners: A test of a freudian model of mate selection. Curr Psychol 19, 194–214 (2000). https://doi.org/10.1007/s12144-000-1015-7

Hazan, Cindy, and Phillip Shaver. “Romantic Love Conceptualized as an Attachment Process.” Journal of Personality and Social Psychology, vol. 52, no. 3, 1987, pp. 511–524., doi:10.1037/0022-3514.52.3.511.

Psy.D Seth Meyers (2012). Why Women Love & Lust After Unavailable Men: Traumatic Love. Psychology today.

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts – Tâm lý học và xã hội học Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *