TÂM LÝ HOC – CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐỀU SỢ MẤT MÁT?

Trích: Chỉ cần mình kiên trì sẽ được như ý nguyện. – Dung Keil
📌Điều thứ nhất:
Trong cuốn sách về chủ đề tâm lý học tôi vừa đọc chiều nay, có một câu hỏi như thế này được đặt ra cho tác giả: “Mùa hè sắp đến rồi, chúng tôi đang lên kế hoạch để cả nhà đi nghỉ. Suốt mấy năm vừa rồi, chúng tôi thường dành hai tuần nghỉ đó ở Florida.
Liệu chúng tôi cứ làm theo kế hoạch quen thuộc đó hay nên thử điều gì khác?”
Câu trả lời ngắn của tác giả cuốn sách là “hãy thử điều gì đó khác”. Câu trả lời dài của tác giả, theo các bạn, sẽ là như thế nào?
📌Điều thứ hai:
Bạn đang yêu một người tàm tạm, có một công việc tàm tạm. Bạn biết rõ đó không hẳn là tình yêu, biết chắc chắn công việc đó đang khiến bạn trở nên chán nản với cuộc đời. Nhưng bạn không chọn chia tay, không chọn đổi việc.
Vì bạn lo sợ sẽ không thể tìm được một người tốt hơn, sợ rằng bạn sẽ phải hối hận vì đã đánh mất một công việc mang đến khoản thu nhập ổn định hằng tháng.
Nhưng bạn không biết rằng cuộc đời dài rộng và bạn có thể tìm được một người cho bạn cảm giác thế nào là tình yêu.
Nhưng bạn không biết rằng rất có thể trong vòng một tháng tới bạn sẽ tìm được một công việc khiến bạn đam mê.
📌Điều thứ ba:
Cũng có thể, bạn biết. Nhưng bạn ghét việc đánh mất hay chấp nhận từ bỏ điều gì đó. Cảm giác ghét đó lớn và mạnh hơn cảm giác hạnh phúc khi có được điều gì đó.
Trong tâm lý học hành vi, “loss aversion” là tên hiệu ứng miêu tả khá chính xác tình trạng đó của chúng ta. Cụ thể, những người chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “loss aversion” thường có xu hướng tránh mất mát hay thua lỗ nhiều hơn là cố gắng để đạt được điều gì đó.
Chúng ta đến những vùng đất quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc, một phần vì lý do này.
Nỗi sợ những trải nghiệm tồi tệ khiến chúng ta kinh hãi và quyết định không mạo hiểm thử điều gì mới nữa. Chia tay người này rồi mình có kiếm được ai tốt nữa không? Bỏ công việc này rồi mình có thất nghiệp hết tiền, rơi vào thảm cảnh không? Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
📌Điều thứ tư:
Tìm hiểu về hiệu ứng “loss aversion” khiến tôi nhớ lại hiệu ứng “endowment effect” từng đọc trước đó. “Endowment effect”, có thể tạm dịch là hiệu ứng của sự sở hữu, mô tả tình trạng chúng ta thích
và đánh giá cao những thứ mình đã sở hữu hơn là những thứ bạn không sở hữu. Cảm giác sở hữu, gắn bó khiến chúng ta nghĩ rằng những thứ mình đang có giá trị hơn nhiều những thứ khác.
Chuyện những người bán xe ô tô cho bạn lái thử xe hay người bán ghế sofa cho bạn mang ghế về nhà thử trong vòng một tuần cũng xoay quanh hiệu ứng này. Bạn lái thử xe, bạn mang ghế về nhà. Từ
đó, bạn sẽ có cảm giác gắn bó, cảm giác sở hữu chúng. Cảm giác này khiến bạn thích chúng.
Quay ngược lại hiệu ứng “loss aversion” ở trên, bạn sợ việc mất đi món đồ bạn đang sở hữu hơn là có được điều gì đó khác.
Cũng không có gì ngạc nhiên. Món đồ bạn đang sở hữu và có nguy cơ bị mất thì ở đây. Còn điều bạn có thể có được thì không hoàn toàn chắc chắn.
[…]
Tôi hiểu rằng trong mỗi người chúng ta luôn có chỗ cho sự tồn tại của nỗi ám ảnh mất mát.
Chúng ta sợ rằng mình sẽ mất đi những gì đang có. Nỗi sợ ấy lớn đến mức ngăn cản chúng ta nhìn nhận và thấu hiểu rằng mình cũng sẽ có được các trải nghiệm tích cực.
Như tôi đã nhiều lần nhắc đến, sợ hãi là một trạng thái tâm lý hết sức bình thường, nhưng để sợ hãi kiểm soát và thậm chí làm chủ cuộc sống của chúng ta, đó là một sai lầm chắc chắn sẽ khiến chúng ta hối tiếc.
Tôi tin rằng bạn cũng như tôi, chúng ta đều muốn có cơ hội trải nghiệm thêm những điều mới mẻ. Mọi thứ trên đời đều tồn tại với chi phí cơ hội của nó.
Thay vì ngoảnh lại tìm những gì đã mất, hãy lạc quan nhìn về phía trước và sẵn sàng đón nhận những gì cuộc sống mang đến cho bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *