TẤM CÁM PHIÊN BẢN KINH DỊ – 2

Phần 4: Chăn trâu chăn ở đồng xa, chăn ở gần nhà làng bắt mất trâu

Những ngày sau đó, Tấm lẳng lặng bắt những con vật nhỏ ném xuống giếng, khi thì con gà, khi thì con ếch. Mặt nước càng ngày càng nhiều xương trắng, tanh ngòm.

Mấy hôm đó trời mưa liên tục, mây đen phủ kín bầu trời. Mẹ của Cám ngồi trong nhà, thị suy nghĩ mông lung.

Vong linh trong Tấm ngày càng biểu lộ rõ. Phong ấn được ấn vào người Tấm ngày càng yếu đi. Hiện giờ thị cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc lấy Tấm làm bình chứa, để không cho vong ấy ra ngoài. Nếu không có vật giữ, nó sẽ thoả sức hoành hành.

Nhớ ngày xưa mẹ của Cám và cha của Tấm là một cặp đạo sĩ trừ ma. Trong một lần đi đến một ngôi đền cổ, họ gặp một ác linh. Tương truyền rằng, ác linh này vốn là một thầy ấn người Trung Quốc, được đưa đến để phong ấn các long mạch tại An Nam. Hắn lấy hiệu là Bụt, vốn là kẻ tàn ác, tu luyện tà thuật, lấy xác người và xác động vật làm vật dẫn, để tạo nên những sinh vật kì dị. Trong một lần đụng độ với thánh Gióng, đội quân của hắn không chịu nổi lửa thần của ngựa sắt. Trước khi bị cây gậy sắt màu đen quật vào gãy cổ, hắn kịp thời lập phép thoát hồn. Ám vào cỏ cây sinh linh ở đó mà sống.

Cuộc chiến giữa hai người và lão Bụt hết sức ác liệt. Cuối cùng, cha của Tấm bị thương. Ác linh tưởng như biết mất. Không ngờ lại bám theo cha Tấm, cuối cùng nhập vào phần hồn của đứa trẻ.

Mẹ Tấm chết sau khi sinh Tấm ra. Cha Tấm cũng qua đời không lâu sau đó. Khi đó, mẹ của Cám mới nhận nuôi Tấm, đồng thời cũng là để canh giữ ác linh. Không lâu sau đó, mẹ của Cám nhận nuôi thêm Cám – một đứa trẻ mồ côi trong làng.

Mấy hôm nay Tấm có biểu hiện lạ. Trong giếng nước sau nhà cũng phát ra yêu khí oan nghiệt. Mẹ Cám phải ngồi án binh bất động. Khi tâm hồn của Tấm bị dao động, ác linh sẽ dễ dàng chiếm lấy.

Hôm sau trời ngừng mưa. Mẹ Cám gọi tấm ra ngoài, bảo: “Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”

Tấm vâng lời.

Sau khi chắc chắn Tấm đã đi, Cám không có ở nhà, mẹ Cám mới ra giếng ở đằng sau. Thị vặn cổ một con gà, rồi ném xuống giếng.

Ở dưới giếng, bọt nước bắt đầu xuất hiện. Những chiếc răng nhọn hoắt trồi lên, ngoạm lấy con gà, máu đỏ hoà trong nước.

Đứng bên trên, người phụ nữ lấy lá bùa mầu vàng, niệm ấn chú, lấy dao cứa vào tay rồi nhỏ lên một vài giọt máu. Máu vừa rơi xuống giấy, khói bốc xì xèo. Thị cuốn lá bùa quanh một túi vải đựng đầy diêm tiêu, miệng niệm chú.

“Thiên linh linh
Địa linh linh
Trời diệt vong linh
Diệt vong diệt bạo”

Nói xong thị thả túi vải xuống giếng.

Một tiếng nổ lớn vang lên. Sau khi máu bắn tung toé, xương văng khắp nơi, thành giếng bắt đầu lục đục, đất đá xung quanh đổ sập xuống, khói bụi bốc lên.

Trong thoáng chốc, miệng giếng đã bị lấp.

Mẹ Cám ho sặc sụa, người không còn chút sức. Mười sáu năm liên tục phải niệm chú phong ấn ác linh, pháp lực suy tàn, nay một phép cỏn con như vậy cũng không thể thực hiện một cách dễ dàng nữa.

Thị đang quan sát miệng giếng, bỗng linh tính mách bảo có điều không ổn. Thị quay ngoắt ra sau rồi giật mình.

Đằng sau thị, là Tấm…

Tấm đang đứng…

Tấm đang cười

Phần 5: Hậu Cá Bống

Thị rùng mình…

Tấm đứng đằng sau, run bần bật, miệng cười, mắt trợn ngược, tay chỉ thẳng vào giếng:
“Đến người bạn duy nhất của con, mẹ cũng nỡ tâm giết sao?”

“Tấm. Hãy tỉnh lại đi. Nó chính là yêu quái…” – mẹ Cám nói, đồng thời chầm chậm lùi về phía sau, tay lấy ra một nắm bùa.

Tấm không nghe thấy gì nữa. Chỉ thấy những kí ức hỗn loạn kéo dài.

Từ thời thơ ấu, Tấm không có bạn. Vốn sinh ra da đã xanh xao, lại mắc một căn bệnh quái ác: cứ hoạt động mạnh, là xương cốt sẽ bị nguy hại. Vì vậy lúc nào Tấm cũng có vẻ nhợt nhạt, yếu ớt. Bọn trẻ trong làng luôn tìm cách tránh xa Tấm. Một phần là vì sợ lúc nô đùa Tấm sẽ bị thương, một phần là sợ ánh mắt lạnh lẽo kì dị Tấm luôn mang trên mặt.

Cám tính trẻ con, không để ý đến Tấm, chạy vào chơi cùng với lũ trẻ trong làng. Cám càng vui vẻ hoạt bát bao nhiêu, Tấm càng ưu phiền sầu muộn bấy nhiêu. Dần dần, buồn bã tích tụ thành trầm uất.

Một lí do nữa, là Tấm luôn nghĩ mình không có mẹ. Dù cả hai được nhận nuôi, nhưng người ta thường gọi người đàn bà đó là mẹ Cám, chứ không phải mẹ Tấm. Dân làng luôn gọi đó là người dì ghẻ của Tấm. Tệ hơn nữa, họ còn rỉ tai nhau rằng, ngày mẹ Tấm mất, mẹ Cám luôn đến nhà bố Tấm mỗi đêm. Vốn dĩ không ai biết thị xuất hiện để phong ấn vong linh trong người Tấm, vào cái giờ mà nó hoạt động mạnh nhất.

Nhưng những lời truyền miệng thất thiệt, cũng đủ để một đứa trẻ như Tấm thêm phần hoài nghi.

Rồi Tấm gặp Bống. Một con vật mà không tránh xa Tấm. Một con vật muốn chơi với Tấm.

Sau bao lâu chỉ có một mình, Tấm đã tìm thấy một người bạn.

Để đến hôm nay, chính mắt nó thấy mẹ Cám tự tay giết Bống.

Giờ nó chẳng còn gì cả.

Chẳng còn ai cả…

Đứng trước mẹ Cám, Tấm mắt trắng dã, miệng sủi bọt, phun ra một tràng tiếng Tàu kéo dài, lần này có lẫn cả giọng đàn ông khản đặc.

Ác linh trong người đã chiếm lấy cô.

Sự thực là chính ác linh đã gọi con cá đến. Chính ác linh đã sắp đặt để Tấm quay lại và chứng kiến khung cảnh này.

Tấm bắt đầu niệm chú, từ đằng sau, con trâu mà Tấm dắt đi chăn, hai mắt đỏ ngầu, miệng thở hùng hục, dường như đã bị kiểm soát, xuất hiện rồi tiến về phía mẹ Cám.

Nó đang lấy đà.

Mẹ Cám xoay người, lấy chân quệt lên mặt đất vẽ thành hình vòng tròn âm dương. Những lá bùa trên tay, gấp lại, rồi lại xòe ra, dệt lên thành một lá bùa lớn to bằng nửa thân người, trải dài từ lưng đến chân, hai tay cầm hai mép trên, phủ ra trước ngực.

Con trâu lao tới, nó bước đến đâu, mặt đất rung động đến đấy. Nó không còn là một con trâu bình thường nữa, tốc độ của nó đã ngang bằng một con ngựa.

Mẹ Cám mặt không biến sắc. Khi con trâu đến gần, thị uốn người cùng lá bùa sang một bên. Con trâu đang có đà, bỗng bị đẩy theo đường cong của mép vòng tròn âm dương dưới đất, mất thăng bằng, chệch hướng, lao thẳng vào miệng giếng.
Ầm một cái, đống đất đá cùng gạch vụn văng tung tóe.

Tấm đứng ở đằng sau vẫn đang nhắm mắt niệm chú. Con trâu đứng dậy, lắc người, chân trước cào đất rồi chuẩn bị lao tiếp.

Một lần nữa, con trâu lại bị mẹ Cám hất ra, ngã văng người, oạch xuống mặt đất.

Tấm chuẩn bị niệm chú tiếp, thì có tiếng động lạ ở phía sau. Cả hai người cùng quay về phía có động.

Cám đã về.

Trong lúc Cám ngây ngô không hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì Tấm đã quay người về phía Cám, mở miệng cười độc địa. Tấm lao về phía Cám, bàn tay trái đổi sang màu tím đậm, nhằm thẳng vào ngực Cám.

“Muốn điều khiển ai, phải lấy tim kẻ đó.” – Tấm lẩm nhẩm

Mẹ Cám theo phản xạ, hét lên một tiếng lớn, chạy ra khỏi vòng tròn âm dương, thẳng về phía Cám. Cùng lúc đó, con trâu chẳng biết từ đâu lao đến, điên cuồng nhằm thẳng phía eo thị mà húc.

Trong lúc thập tử nhất sinh, đau đớn vô cùng.

Khi mà bàn tay Tấm chỉ cách trái tim Cám một gang tay.

Một tia sáng lóe lên.

Giữa Tấm và Cám xuất hiện một chấn động lớn, đẩy cả hai người sang hai bên. Cám ngã nhoài xuống đất, còn Tấm bị văng xa hơn, đập đầu vào gốc gây bất tỉnh. Con trâu vì thế đang lao nhanh cũng khuỵu người xuống.

Một lớp bụi mù phủ qua.

Không gian trở nên im lặng.

Cám nhìn xuống dưới thân mình, nơi chiếc yếm đỏ mà hôm trước mẹ đưa cho, có những văn tự đang phát sáng.

Phần 6: Trận đồ

Những văn tự bằng vàng xuất hiện trên tấm yếm rồi nhanh chóng biến mất. Không phải tiếng Hán cũng không phải tiếng Nôm, trái lại, những văn tự này có hình dạng gần giống như họa tiết trên Trống Đồng Đông Sơn.

Dĩ nhiên Cám không biết, cũng không nhận ra.

Cám ngồi trên mặt đất. Hồn bay phách lạc. Đến khi mẹ hét Cám hét ba lần, cám mới giật mình.

“Đỡ Tấm vào nhà. Nhanh”

Hai người đưa Tấm vào trong. Mẹ Cám lấy trong tủ một lọ thuốc ra rồi xoa lên những vết bầm trên người Tấm.

“Mẹ sẽ giải thích sau. Vào kho lấy cho ta một thúng đầy thóc với gạo. Trước khi Tấm tỉnh dậy. Mau lên.”

Có một thúng đầy. Mẹ Cám đỡ Tấm xuống sàn. Tay múc đầy gạo và thóc, rải xung quanh thành trận đồ bát quái.

“Càn – Đoài – Ly- Chấn – Tốn – Khảm – Cấn – Khôn”

Rồi lấy tám lá bùa yểm vào tám cửa.

“Bày trận.”

Xong xuôi. Mẹ Cám đứng dậy mà người không vững. Lần này, trông thị thực rất tệ. Sắc mặt nhợt nhạt, thể trạng yếu đuối, dường như do vận công quá sức nên nguyên khí đã bị hao tổn.

“Con có bị trọng thương ở đâu không?”

Cám lắc đầu.

“Sao chị Tấm lại…”

“Đến nước này thì ta cũng phải kể hết với con.”

Mẹ Cám thuật lại câu chuyện, từ lúc còn ở ngôi đền cho đến khi Tấm sinh ra.

“Ta cứ nghĩ khoảng thời gian dài như vậy, ác linh đã biến mất. Nhưng không ngờ, người tính không bằng trời tính.”

“Chiếc yếm con mặc, là thứ ta tìm được trong ngôi đền. Sau lần khiêu chiến ác linh, nhờ linh tính mà ta tìm được sâu dưới lòng đất, một chiếc hòm bằng đá. Ta không biết chiếc yếm có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhận ra công dụng của nó có thể xua đuổi tà ma, nên đưa cho con sử dụng.”

“Ta không nói con biết. Vì ta không muốn con sợ Tấm. Thực lòng ta biết, Tấm rất cô đơn.”

“Hiện ta không còn đủ sức để phong ấn ác linh đó nữa. Mệnh ta cũng chẳng còn bao lâu. Ta cần đi tìm một người. Trong lúc ta đi, con hãy thay ta chăm sóc Tấm. Đừng làm thay đổi vị trí của chỗ gạo và thóc này. Trận đồ này, người vào được nhưng ma không vào được. Người ra được nhưng ma không ra được. Bất cứ khi nào Tấm không thể tự mình bước ra, dù Tấm nói gì, con cũng không được làm theo.”

“Hãy nhớ. Tấm rất cần có con.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *