Thứ năm, ngày 29/05/2025 19:00 GMT+7
Nguyễn Thị Hồng Chi Thứ năm, ngày 29/05/2025 19:00 GMT+7
Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của sự tái thiết cơ bản về công việc. Khi xã hội cải cách lại về không gian công cộng, cơ sở hạ tầng và chính sách, những người làm việc tự do – như các tài xế công nghệ – phải là một phần của chương trình chứ không nên bị gạt ra bên lề.
Thuật ngữ Gig, trước đây là tiếng lóng để chỉ buổi biểu diễn tạm thời của một nhạc sĩ nhạc jazz. Vốn bắt nguồn từ bối cảnh cảnh âm nhạc những năm 1920, từ này tượng trưng cho các cam kết ngắn hạn. Trong những năm gần đây, thuật ngữ “Gig” đã được sử dụng trong bối cảnh rộng hơn trong nền kinh tế – “Gig Economy”.
Có những khái niệm cần đi sâu làm rõ, xoay quanh cách gọi người làm việc tự do (a Freelancer), Self – Employee (tự kinh doanh, tự làm chủ) và Gig Worker (người làm những công việc tự do theo yêu cầu trên nền tảng trực tuyến). Có một sự khác biệt chính giữa khái niệm Freelancer (người làm việc tự do dựa vào khách hàng) còn Gig Worker (dựa vào nền tảng công nghệ).
Kể từ năm 2012 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân. Bắt đầu từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy tháng 5 là “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động”… Những động thái này cho thấy rõ những mong muốn bảo vệ, chăm lo quyền của người lao động. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, chúng ta nhận thấy có một khoảng trống, những thách thức thật sự khi nói về việc đảm bảo quyền lợi cho những người thuộc lực lượng lao động tự do.
Nền kinh tế tự do rất quan trọng ở Việt Nam, thu hút gần 7 triệu người tham gia. Qua những câu chuyện phiếm với các tài xế, người viết nhận thấy, việc trở thành một tài xế xe công nghệ có cả mặt sáng, mặt tối trong bức tranh tổng thể về việc làm hiện nay.
Một mặt, nền kinh tế việc làm tự do cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng với các công việc tạm thời hoặc các cơ hội làm thêm. Tuy nhiên, bản chất không chính thức của công việc tự do đã làm cho nhiều người lao động trẻ tuổi dễ bị tổn thương, với rất ít sự hỗ trợ của Chính phủ hoặc sự bảo vệ từ các nền tảng việc làm tự do mà họ dựa vào để kiếm thu nhập.

Không giống như nhân viên chính thức, người làm việc tự do thường không nhận được bảo hiểm y tế, chế độ hưu trí hoặc chế độ nghỉ phép có lương, và có rất ít sự bảo vệ như câu chuyện của người shipper Đà Nẵng bị đánh chết diễn ra hồi đầu năm 2025.
Pháp luật sẽ xử lý những kẻ phạm tội. Vậy còn những mất mát, tổn thất về tính mạng, tinh thần, danh dự, quyền lợi cho gia đình anh thì không (chưa) có một tổ chức, cơ quan nào vào cuộc hỗ trợ.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải yêu cầu công ty kinh doanh vận tải phải coi người làm việc cho công ty nền tảng kinh doanh vận tải là người lao động.
Còn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử lại không quy định về việc coi người làm việc cho công ty nền tảng thương mại điện tử, bao gồm cả shipper là người lao động. Đây chính mấu chốt dẫn đến những lỗ hổng pháp lý. Lỗ hổng này tạo cho các công ty nền tảng lựa chọn xác lập quan hệ đối tác để né tránh tư cách người sử dụng lao động theo pháp luật lao động. Từ đó có thể chối bỏ trách nhiệm nếu sự cố xảy ra.
Cái chết của nam shipper tại Đà Nẵng không chỉ sự cố riêng lẻ, mà là những “điểm đau” trong một hệ thống không ưu tiên cho phúc lợi của hàng triệu người lao động tự do tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), nền kinh tế việc làm tự do toàn cầu được định giá ở mức 556,7 tỷ đô la vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần lên 1,8 ngàn tỷ đô la vào năm 2032, cho thấy tác động kinh tế to lớn của nó. Khoảng 1,57 tỷ người trên toàn thế giới tham gia vào công việc tự do, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động toàn cầu. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các lĩnh vực như thương mại điện tử, vận tải và dịch vụ giao hàng.
Nhìn ra các nước, lực lượng lao động này hiện dần nhận được sự chú ý. Để hỗ trợ các tài xế, tháng 3/2025, chính quyền thành phố Chennai, Ấn Độ đã cho lắp đặt các trạm nghỉ ngơi có máy lạnh trên khắp thành phố, với các tiện nghi cơ bản như chỗ nghỉ ngơi, nước uống, điểm sạc điện thoại và nhà vệ sinh.
Sáng kiến này nhằm mục đích tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh hơn cho những người làm việc tự do thường xuyên phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt mà không có không gian làm việc chính thức. Ấn Độ đã cho thế giới thấy câu chuyện liên quan đến phẩm giá con người và phúc lợi xã hội, tôn trọng lực lượng lao động, buộc xã hội suy nghĩ lại về cách họ đối xử với những người làm việc tự do.
Vương quốc Anh có một cách làm ấn tượng, với các công ty như Uber hợp tác với các công đoàn lao động để cung cấp các chế độ phúc lợi như tiền nghỉ lễ và đóng góp lương hưu, đồng thời vẫn duy trì tính linh hoạt cho những người làm việc tự do này. Điều này minh họa rằng có thể bảo vệ người lao động mà không cần quy định quá mức.

Tại Tây Ban Nha, luật lao động nghiêm ngặt đối với người làm việc tự do đã được ban hành vào năm 2021. Luật Rider của Tây Ban Nha (2021) cung cấp một mô hình để xem xét lại cách mà xã đối xử với người làm việc tự do. Có 3 điểm chính ở đạo luật Rider.
Thứ nhất, phân loại người làm việc tự do là nhân viên, cấp cho họ quyền được hưởng mức lương tối thiểu, bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ phép có lương.
Thứ hai, luật đặt ra yêu cầu minh bạch thuật toán để giúp người lao động hiểu được nỗ lực của họ chuyển thành thu nhập như thế nào.
Thứ ba, bảo vệ người lao động khỏi các hành vi bóc lột như đình chỉ làm việc qua đêm hoặc điều kiện làm việc không an toàn.
Cả ba nguyên tắc trên phản ánh những gì các khóa học quản lý dự án dạy: Minh bạch, hợp tác và công bằng dẫn đến thành công bền vững.
Động thái thành lập Ủy ban Kinh tế Gig (SEGiM) của chính phủ Malaysia mới đây đã gây ra nhiều cuộc thảo luận đáng kể trên báo giới, các phương tiện truyền thông của quốc gia này. Một số điểm đáng chú ý khi nhắc đến Ủy ban Kinh tế Gig của Malaysia bao gồm: Các cơ quan như Bộ nhân sự, Tổ chức An sinh Xã hội (Socso) và Quỹ Dự phòng Nhân viên (EPF) tăng cường hỗ trợ cho người lao động tự do.
Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của sự tái thiết cơ bản về công việc. Khi xã hội cải cách lại về không gian công cộng, cơ sở hạ tầng, chính sách, những người làm việc tự do phải là một phần của chương trình chứ không nên bị gạt ra bên lề.
Nhiều quốc gia đã đưa ra khuôn khổ cụ thể đã được đưa ra để bảo vệ quyền của người lao động tự do. Việt Nam có thể làm theo không? Người lao động tự do, nhóm người lao động tự do dù ở bất cứ quốc gia nào cũng xứng đáng có các chính sách ghi nhận đóng góp của họ và bảo vệ họ.