Trả lời: Liu Travis
Tôi là người Trung Quốc đây. Chúng tôi vẫn hay đùa, bóng bàn có 4 cấp độ “dễ, khó, địa ngục và … Trung Quốc (hihi)”.
Ở nước tôi, bóng bàn được coi là môn thể thao quốc gia, được sự hỗ trợ nhiều nhất từ chính phủ, được tài trợ rất nhiều từ các doanh nghiệp, luôn được định hướng là môn thể thao chiến lược. Chỉ có số ít môn thể thao có thể thương mại hóa tương tự, như bóng đá hay bóng rổ chẳng hạn. Không chỉ các tay vợt đỉnh cao, ngay những vận động viên tầm trung và tầm thấp cũng đã đủ để có mức thu nhập trên trung bình.
Có sự khác biệt giữa các tay vợt nam và nữ.
Các tay vợt nữ của chúng tôi luôn dẫn đầu kể từ khi bóng bàn Trung Quốc bắt đầu thi đấu quốc tế. Điều đó chỉ bị gián đoạn trong một thời gian ngắn do biến cố chính trị, và các tay vợt nữ Trung Quốc nhanh chóng trở lại vị thế dẫn đầu. Với nội dung nữ, Trung Quốc luôn là những người giỏi nhất, chơi hay nhất, thống trị liên tục trong suốt lịch sử bóng bàn.
Còn với các tay vợt nam, không phải lúc nào chúng tôi cũng áp đảo. Trong giai đoạn những năm 80 và 90, Thụy Điển là cường quốc bóng bàn, hai lứa vận động viên của chúng tôi bị đánh bại bởi những Waldner, Persson, Karlsson. Thụy Điển không phải đối thủ duy nhất, vẫn còn Zoran Primorac của Croatia, Saive Jean – Michel của Bỉ, Gatien Jean – Philippe của Pháp hay Vladimir Samsonov của Belarus đều là những huyền thoại đã từng đánh bại chúng tôi. Hàn Quốc cũng là một đối thủ đáng gờm.
Vậy đâu là sự khác biệt khiến chúng tôi trở nên vô đối? Lý do quan trọng nhất là tập luyện chăm chỉ và liên tục cập nhật những kĩ năng mới. Các tay vợt Trung Quốc tập luyện chăm chỉ hơn phần còn lại của thế giới. Về kĩ thuật, các bạn có thể tìm hiểu Liu Guoliang, tay vợt Trung Quốc đầu tiên vô địch ba giải đấu lớn nhất, là Olympic, World Cup và World Championship, trước đó chỉ có Waldner làm được, Guoliang cùng Kong Linghui đã khởi đầu cho thời đại Trung Quốc thống trị. Tới tận bây giờ ông ấy vẫn được coi là tài năng bóng bàn số 1. Khi trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia, ông không chỉ tập luyện và phân tích thông thường, mà còn sáng tạo các kỹ thuật mới và hoàn thiện những kỹ năng trước đó. Ông không ngừng học hỏi, từ những huấn luyện viên xung quanh, những tay vợt trẻ, thậm chí cả những tay vợt nghiệp dư (quá khủng). Các tay vợt Nhật Bản đã nhận xét, khi họ rèn luyện thành thục một kĩ năng, trong thời gian đó người Trung Quốc đã bắt đầu tập luyện kĩ năng mới mà người Nhật không thể nghĩ ra nổi, họ làm gì còn cửa bật?
ITTF đã cố kìm hãm sự bá đạo của Trung Quốc, nhưng họ cũng phải công bằng với tất cả các tay vợt, những thay đổi như sử dụng bóng nhựa, tăng kích thước bóng, cách giao bóng, từ 21 điểm xuống 11 điểm hoàn toàn vô dụng, vì những thay đổi đó gây khó khăn cho cả những tay vợt nước khác, trong khi người Trung Quốc lại nhanh chóng thích nghi, và thế là chênh lệch trình độ giữa chúng tôi với phần còn lại của thế giới ngày càng xa. Lêu lêu ITTF.
Chúng tôi có tất cả những thứ tốt nhất, vận động viên tốt nhất, huấn luyện viên tốt nhất, kỹ thuật tốt nhất, và chăm chỉ nhất. Cách duy nhất để vượt qua chúng tôi, là các vận động viên khác phải tập luyện và thích nghi tốt hơn chúng tôi trong cùng một thời gian. Rất tiếc, cái nhà có cửa còn các bạn thì không. Rất nhiều huấn luyện viên đã phải thờ dài khi phân tích cách chơi của Ma Long, anh ấy quá hoàn hảo vào lúc này.
Bóng bàn là môn thể thao trong nhà, không cần quá nhiều “vốn” để tập luyện, không đòi hỏi quá nhiều về thể trạng để đạt tới trình độ cao, bóng bàn là môn thể thao quốc dân, ai cũng có thể theo được. Tôi nghĩ sự áp đảo tuyệt đối của Trung Quốc không phải là điều hay nhất, rất nhiều nước không còn muốn chơi bóng bàn với chúng tôi. Dĩ nhiên khán giả muốn vận động viên của mình chiến thắng, nhưng khán giả cũng muốn mức độ cạnh tranh tăng lên. Ngồi một mình trên đỉnh núi lạnh lắm.
Ảnh: Bản tổng sắp huy chương World Championship 2011
