Tại sao sử dụng thuốc chống trầm cảm lại gây ra ý nghĩ tự sát?
Chỉ là tôi vừa xem quảng cáo trên TV về loại thuốc chống trầm cảm theo toa, và họ có cảnh báo rằng một trong những tác dụng phụ của loại thuốc này là bệnh nhân sẽ xuất hiện những ý nghĩ tự tử.
Tại sao vậy? Chẳng phải như vậy là hoàn toàn đi ngược lại với những gì họ đáng ra phải ngăn chặn sao? Tại sao một loại thuốc mang cái rủi ro chết người đó lại được cho phép lưu hành chứ?
Link Reddit: https://redd.it/66zkaf
u/spectralvixen (10.9k points – x2 golds)
Về cơ bản, nếu bạn bị bệnh trầm cảm, bạn sẽ có ba nhóm triệu chứng:
(1): những “trạng thái tâm lý cơ bản”, hay còn gọi là “những triệu chứng trong đầu”, ví dụ như những suy nghĩ tiêu cực (buồn bã, tuyệt vọng, tủi hổ,…).
(2): các triệu chứng “sinh lý” của bạn, “những triệu chứng trong cơ thể”, như việc cảm thấy mệt mỏi, đau nhức,…
(3): tập hợp các triệu chứng “tâm lý thứ cấp” cũng tham gia vào, như việc cảm thấy mất động lực hoặc hứng thú với các hoạt động hàng ngày.
Ý nghĩ tự sát rơi vào loại đầu tiên – những “ý nghĩ tiêu cực cơ bản”. Điều nguy hiểm ở thuốc chống trầm cảm là đối với một số trường hợp, loại thuốc này sẽ cải thiện các triệu chứng ở nhóm (2) và (3) trước khi nó cải thiện nhóm (1). Vì thế bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn về mặt thể chất và có động lực hơn, nhưng tâm trạng của bạn sẽ vẫn ở mức thấp và những suy nghĩ tiêu cực vẫn lảng vảng quanh bạn mỗi ngày. Ngoài ra, với một số bệnh nhân, nếu họ đã mắc bệnh trầm cảm trong một thời gian dài hoặc bị kích động bởi một sự việc đau thương nào đó (cái chết của người thân, một tai nạn,…), thì việc sử dụng thuốc chống trầm cảm thôi sẽ không đủ để chống lại những ý nghĩ tiêu cực. Thường thì bạn phải học cách “kiểm soát bộ não” để không để bản thân mình suy nghĩ nhiều và tập cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn; đó là lý do tại sao trị liệu tâm lý cũng là một phương pháp điều trị trầm cảm.
Về cơ bản thì thuốc men có thể thay đổi cách mà não bộ hoạt động nhưng sẽ khó để thay đổi những suy nghĩ của bạn. Và nếu bạn đột nhiên cảm thấy bản thân tràn trề năng lượng và nhiệt huyết nhưng vẫn nghĩ mình thật vô dụng và không còn hy vọng gì vào cuộc sống này và dựa vào tất cả những điều đó, bây giờ bạn đã là một người có lẽ sẽ nghĩ về cái chết hoặc ước rằng bạn chết quách đi cho xong và hoàn toàn có đủ sức mạnh và động lực để thực sự biến nó thành hành động.
Ngoài lề một tí: Khi tôi đang ở giai đoạn trầm cảm tồi tệ nhất, tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng tôi chưa bao giờ muốn tự sát. Nó nghiêng về “Có lẽ mọi người sẽ vui hơn nếu mình chết bời vì mình là một đứa thảm hại.” Dường như tự tử là một quyết định bốc đồng. Khi bếp điện được ra mắt ở U.K, tỉ lệ tự tử giảm đi bởi mọi người không thể tự sát bằng bếp gas một cách dễ dàng nữa, nhưng bên cạnh đó tỉ lệ tự sát bằng những phương án khác không hề tăng lên đã cho thấy rằng nếu việc tự sát trở nên khó hơn, sẽ ít đi những người tự kết liễu cuộc đời mình. Tương tự như vậy, việc đặt các thanh chắn trên cầu ngăn chặn người nhảy đã làm giảm tỉ lệ tự sát tổng thể. Tôi cũng nhớ rằng có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại đa số những người tự sát không thành không bao giờ có ý định thử lại. Vì vậy tôi cho rằng tự sát không phải là một quyết định có ý thức của lý trí (mặc dù đôi khi vẫn có thể, ví dụ như một người mắc bệnh nan y không thể cứu chữa) mà nó giống như một sự bốc đồng, gần như là một phản xạ được gây nên bởi trầm cảm, giống như cảm lạnh có thể khiến bạn ho vậy. Vì thế mặc dù tôi không hề mong muốn tự giết chết bản thân, và ý thức rất rõ nỗi đau mà gia đình mình sẽ gánh chịu nhưng tôi thực sự hiểu cái cảm giác khi ai đó đang ở đáy vực sâu thẳm và mịt mù, họ sẽ kết luận rằng cái chết sẽ tốt hơn việc phải tiếp tục mang một tâm hồn đã vỡ vụn đầy nỗi đau như thế này. Và việc đột nhiên tràn trề năng lượng và khát khao muốn “thực hiện một việc gì đó” nhờ uống thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến việc bệnh nhân sẽ biến suy nghĩ tự sát của họ thành hành động thực tế.
Ý tôi là, khi một người khỏe mạnh hoàn toàn về mặt thể xác (nhờ thuốc) có thể khiến những suy nghĩ tiêu cực ngày càng trầm trọng hơn bởi nó củng cố suy nghĩ “tất cả là do mày”, bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng mình là một con người bình thường, lành lặn và hoàn toàn khỏe mạnh nhưng mình không thể làm được bất cứ điều gì, mình là một đứa bất tài vô dụng, mình sẽ không bao giờ có được hạnh phúc,… Thành thật mà nói, thật kinh khủng khi tôi nghĩ đến việc tự tử theo cách đó, nhưng đó là những kết luận tôi có thể rút ra, nó khiến tôi “thận trọng” hơn với những suy nghĩ của chính mình và cởi mở chia sẻ với những người tôi yêu thương khi tôi bắt đầu cảm thấy tâm trạng mình tệ đi để họ có thể trông chừng và ngăn cản tôi làm những điều tồi tệ.
NẾU BẠN CÓ MỘT NGƯỜI BẠN BỊ TRẦM CẢM, CÓ LẼ HỌ SẼ KHÔNG MUỐN NÓI VỚI BẠN RẰNG HỌ CẢM THẤY TỒI TỆ NHƯ THẾ NÀO, BỞI HỌ BIẾT RẰNG NHỮNG THỨ ĐÓ SẼ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỚI NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH HỌ, NHƯNG HÃY CỨ NÓI VỚI HỌ RẰNG BẠN MUỐN NGHE NÓ VÀ BẠN CẦN HỌ GIÚP BẠN BẢO VỆ HỌ. HÃY SÁT CÁNH BÊN NHAU, KHÔNG MỘT AI CÓ THỂ VƯỢT QUA TRẦM CẢM KHI CHỈ CÓ MỘT MÌNH.
TL;DR: Thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng tới mọi người theo nhiều cách khác nhau. Nếu bạn cảm thấy khá hơn về mặt thể chất nhờ tác dụng của thuốc nhưng vẫn có những suy nghĩ tiêu cực (ý nghĩ tự sát), bạn có thể sẽ biến những suy nghĩ đó thành hành động. Đó là lý do các thuốc chống trầm cảm đều mang cảnh báo đó.