Tại sao ở Đức không được phép phơi đồ vào Chủ nhật?

Người trả lời: John Grantham, sống ở Đức từ năm 1993

Vì luật là thế.

Tất nhiên không có quy tắc bằng văn bản cho việc phơi đồ. Nhưng quy tắc ngầm (OK đôi lúc là ngầm kiểu xỉa xỉa ngón tay) là Cấm Phơi Đồ Vào Chủ Nhật ™.

Hồi xưa nước Đức từng có luật rất chặt chẽ (giấy trắng mực đen) là không được phép làm việc ngày Sabbath. Ngày nay trên hầu hết cả nước luật quy định các cửa tiệm phải đóng cửa ngày Chủ Nhật. (Một số bang đã bắt đầu thả lỏng bằng việc cho phép ngoại lệ, như với tiệm bánh mì, vì người Đức sẽ đói chít nếu không có bánh mì tươi và bánh ngọt.

Các nhà thờ và (ngạc nhiên chưa) công đoàn rất nghiêm khắc với việc duy trì ngày Chủ nhật ăn chơi thảnh thơi. Cả hai bên đều năng nổ đấu tranh chống lại tình trạng kéo dài giờ làm việc. Kể cả khi nước Đức đã trở nên thế tục như ngày nay, hai giáo hội chính vẫn có ảnh hưởng lớn bất ngờ đến chính trị (khác với Mỹ, các giáo hội ở Đức có thể cực kỳ thiên tả).

Trong khi đó, một khía cạnh của luật này là Chủ nhật phải yên ắngSonntag ist Ruhetag (Chủ nhật là ngày yên lặng).

Còn người Đức thì cực kỳ lo nêu gương tốt. Đang chờ đèn đỏ hả? ĐỪNG CÓ NGHĨ TỚI CHUYỆN QUA ĐƯỜNG VÔ LỐI vì PHẢI NGHĨ ĐẾN TẤM GƯƠNG CHO CON EM CHÚNG TA.

Cuối cùng, một điều mà người Đức yêu mến là Ordnung. Họ hay bảo Ordnung muss sein (Phải Có Trật Tự ™).

Vì thế hành động phơi đồ ngày Chủ nhật bị coi là thiếu lịch sự bởi nhiều tầng lý do:

1. Bạn đang vi phạm ngày Sabbath. (Hoặc đang phá hỏng một ngày ăn chơi duy nhất mà công đoàn đã giành được bằng đấu tranh giai cấp. Tự bạn chọn.)

2. Cứ cho là bạn phơi đống quần áo vừa mới giặt, tức là vừa dùng máy giặt ngày Chủ nhật, tức là *hự* LÀM ỒN vào ngày Chủ nhật, chứng tỏ bạn là người ác độc, vô cảm vì vượt ngưỡng âm thanh 1 dexiben làm cho cả xóm lên cơn đau tim.

3. Chắc hẳn bạn không biết bố trí công việc để giặt giũ vào sáu ngày còn lại trong tuần nên không có Ordnung gì hết. Trong tâm lý người Đức, không có Ordnung là bạo loạn. (Tôi chỉ nói quá chút chút thôi).

4. Đây là cái cớ để những người rảnh rỗi đi xỉa xói những kẻ hư đốn, mà họ rất vui lòng làm thế đó. Thật luôn, mọi khu xóm đều có ít nhất một người phải khệnh khạng với tất cả mọi người xung quanh. Người Đức còn có một từ xúc phạm chỉ đám này, Blockwart. Nhiều khi tôi tự hỏi liệu có tồn tại một cơ quan bí mật có nhiệm vụ cung cấp, đào tạo và phân phối hội Blockwärte.

Vì thế bạn tưởng Đức đã bỏ án tử hình rồi, nhưng Blockwart địa phương vẫn sẽ cố tử hình bạn bằng những cái liếc sắc như dao, lắc đầu tỏ ra bất bình, chỉ tay, thở dài thườn thượt, chèm chẹp… tất cả để khiến bạn chít vì ngượng.

Gabriella Korea: Tôi không biết ở Đức có cái này, mà tôi đã sống ở đây một năm rồi. Thảo nào hay bị hàng xóm nhìn đểu.

Sascha Schewe: Quả thực có một giả thuyết đùa là những người này (Blockwart) điều hành đất nước, bởi vì chỉ có họ mới ngồi đọc những thứ kiểu biên bản họp hội đồng thành phố hay ngân sách, hay những thông tin chính phủ khác được công bố. Ý tưởng là, bởi họ có xu hướng gửi những bức thư ngỏ giận dữ đến mọi tờ báo nếu thấy có gì đáng ngờ, họ giữ cho chính quyền địa phương trung thực và đóng vai trò hệ thống cảnh báo sớm. Cũng không hiểu sao họ có thể đùng cái xuất hiện khi có người cần bị ý kiến. Tôi đổ tại đám người thằn lằn.

John Grantham: Tôi đến dự vài buổi họp câu lạc bộ, nghị viện giáo hội ở Đức và chưa bao giờ hết sửng sốt vì:

1. người tham dự nắm rõ Luật từ trong ra ngoài

2. họ thực sự giãy nảy lên vì nó.

Ý tôi là, tôi đã xem các cuộc tranh luận về quy định ở câu lạc bộ làm vườn, câu lạc bộ thể thao, mà có lẽ bạn sẽ tưởng họ tranh luận về chiến tranh và hoà bình, nhưng thực ra là quy định chiều cao, chiều rộng cho bờ giậu hay gì đó. Còn tôi thì ngồi và nghĩ, vì tình yêu Thượng Đế, mọi người ơi, bớt căng thẳng đi nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *