Tôi đã từng thắc mắc như bạn khi tôi lần đầu xem “Frozen” cách đây sáu năm.
Lúc đó tôi vẫn còn đang đi học, lần đó là cùng các bạn đến rạp xem phim. Khi ấy tôi chẳng cảm nhận được bài hát “Let it go” gây rúng động lòng người như thế nào, chỉ nghĩ đây cũng chỉ là một bộ phim Mỹ bình thường mà thôi. Xem phim xong thì thấy thích Anna, vì cô ấy dễ thương, nhí nhảnh. Nhưng chả hiểu sao Elsa lại được mọi người yêu thích hơn. Thôi thì lúc đó, tôi cũng chả có ấn tượng sâu sắc gì với “Frozen”, nên cũng không suy nghĩ gì thêm.
Sáu năm sau, lúc này tôi đã ra trường và đi làm rồi. Nghe dân tình nói rằng “Frozen 2” đã được phát hành, nên tôi đã lên mạng xem lại “Frozen 1”. Cuối cùng thì những thắc mắc hồi sáu năm trước của tôi đã được làm sáng tỏ. Lần này, tôi đã thấu hiểu được Elsa, cảm nhận được nỗi đau của cô ấy. Có một số chuyện, phải đợi đến khi lớn hơn thì bạn mới hiểu rõ được, đặc biệt là lúc bạn đã đi ra ngoài xã hội, được đời dạy cho “nên người”. Trong thế giới người lớn, không có thứ gọi là “dễ dàng”, đời người ai cũng phải ít nhất một lần nếm phải “trái đắng”. Mặc dù lý do gây ra sự đau khổ của tôi khác với của Elsa, nhưng nội tại hai chữ “đau khổ” thôi, cũng đủ khiến lòng tôi dâng trào nỗi đồng cảm với cô ấy.
Thôi rồi, sau khi đi xem “Frozen 2”, tôi hoàn toàn trở thành fan của Elsa …
Elsa là một nhân vật đầy tội nghiệp. Cô ấy là nhân vật chính của bộ phim, nhưng cuộc đời của cô ấy lại là một tông màu xám xịt. Đứng ở đỉnh cao của quyền lực nhưng lại sống rất khiêm tốn. Có ngoại lực (phép thuật) mạnh mẽ nhưng trong lòng lại không lúc nào vơi bớt cảm giác bức bối, đau đớn. Có thể nói, cô là nhân vật gần gũi với “con người” nhất trong dàn nhân vật của vương quốc cổ tích Disney. Con người là loài động vật phức tạp và mâu thuẫn, và nội tại Elsa cũng thế. Cô ấy khác hẳn với những hình tượng các nàng công chúa trước đây của Disney (bao gồm cả Anna): lạc quan, mạnh mẽ, can đảm và hoàn hảo mang đầy ý nghĩa giáo dục. Elsa không hoàn hảo và cũng không mang đầy ý nghĩa giáo dục (dành cho trẻ em). Cô ấy không lạc quan, trong lòng cô ấy lúc nào cũng thấy bức bối, cô ấy không mạnh mẽ, có lúc cô ấy sẽ gục ngã, cô ấy không dũng cảm, cô ấy cũng biết trốn tránh … Năng lượng tích cực mà bạn nhìn thấy ở cô ấy, có lẽ cũng chỉ là lúc cô ấy phải tự kìm nén bản thân mình mà thôi.
Đây không phải là “con người” sao? Không ai là hoàn hảo, không ai có thể đảm bảo bản thân sẽ luôn sống tích cực, lạc quan, mạnh mẽ và dũng cảm. Từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục phải sống dũng cảm, phải là người mạnh mẽ. Nhưng khi lớn lên mới nhận ra rằng, đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Chạy trốn, gục ngã và né tránh một cách tiêu cực là phản ứng bình thường của con người! Chúng ta cũng muốn trở nên lạc quan, mạnh mẽ, dũng cảm và lạc quan như các nàng công chúa Disney, nhưng đôi khi “thần thiếp không làm được”! Qua nhân vật Elsa, bạn biết rằng: bạn có quyền được sống không mạnh mẽ hay dũng cảm, nhưng không phải vì thế mà trở nên bi quan. Bạn không thể thay đổi môi trường sống của bạn, thậm chí cũng chẳng thể thay đổi nổi bản thân mình. Ít nhất bạn có thể cố gắng chấp nhận bản thân bạn, chấp nhận những điểm không hoàn hảo của bản thân bạn. Chạy trốn là việc đáng xấu hổ nhưng nếu nó hữu ích, thì hãy cứ buông xuôi đi. ( so, just let it go )
Còn về chuyện Elsa tự lập, chỉ dựa vào bản thân, không cần hoàng tử,… thì nhiều người đã nhắc đến rồi. Tất nhiên đó cũng là lý do sao cô ấy lại cuốn hút đến vậy, nhưng tôi nghĩ đây không phải là lý do chính. Để một nhân vật được yêu thích rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, hẳn là vì nhân vật đó có thứ gì đó làm lay động lòng người, tất yếu sẽ gây được tiếng vang rộng rãi. Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ rằng những tính cách rất “người” của Elsa là yếu tố quan trọng nhất khiến mọi người yêu thích cô ấy.
Về nhân vật Anna, cô ấy là một nhân vật điển hình trong các câu chuyện cổ tích: lạc quan, mạnh mẽ và can đảm. Ngay cả khi phải đối mặt với nỗi đau, cô ấy không chỉ có thể nhanh chóng bình tĩnh để làm điều đúng đắn, mà còn có thể soi sáng cho Elsa ( “chị là một món quà mà ông trời ban cho em” ). Đây là hình mẫu để cho bọn trẻ học hỏi và đây là lý do tại sao lần đầu xem phim, khi chưa bước chân vào xã hội, tôi lại thích Anna ( Suy nghĩ hơi ngược với mọi người, nhưng mà tôi cứ nghĩ rằng chỉ có trẻ con mới thích Anna, người lớn sẽ thích Elsa, nhưng mà các bạn nhỏ cũng rất thích Elsa). Anna có vẻ ngoài lẫn nhân cách chói sáng, là kiểu mà khán giả thoạt nhìn sẽ thích, cô ấy là một nhân vật hoàn hảo. Nhưng một nhân vật có tính cách hoàn hảo dần sẽ tạo cho con người ta thấy đơn điệu, giống như một vị thần không thể chạm tới, thiếu sự gắn kết với “con người”. Còn Elsa, dù là vẻ ngoài hay nội tâm của cô ấy, phải là người từng trải mới có thể thấu hiểu rõ nhân vật này. Cô ấy không hoàn hảo, cũng không chói lóa, tuy là “nhân vật ảo” nhưng lại giống “người thật” hơn. Nhiều người có thể thấy bản thân mình ở Elsa, họ thấy thương tiếc Elsa, cũng như thấy thương cảm cho chính mình.
Tóm lại, cảm nghĩ của cá nhân tôi về hai nhân vật này là: Anna là kiểu nhân vật hoàn hảo điểu hình trong truyện cổ tích, có cái kết có hậu của truyện cổ tích – vương vị, sự nghiệp, tình yêu, cái gì cũng có. Còn Elsa, ngoài cái gọi là “tự do” ra, cái gì cũng không có ( nghe nói ở bản gốc, nhân vật này vốn phải đi đời nhà ma ), nhưng cô ấy lại có được sự yêu mến của mọi người trên toàn thế giới.