Nhật Bản và Đức đã chứng kiến đồng đô la Mỹ tăng giá khoảng 50% so với nội tệ của họ trong nửa đầu thập niên 1980. Vương quốc Anh và Pháp cũng phải đối mặt vấn đề tương tự. Thỏa Ước Plaza là một nỗ lực nhằm hạ giá đô la Mỹ, qua đó giúp hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn với hàng hóa của bốn nước kia trên thị trường thế giới. Nó tốt với ba nước kia nhưng lại không tốt lắm đối với Nhật.
Tại sao Nhật Bản lại đồng ý với một ké hoạch mà mục đích của nó là khiến hàng hóa của Mỹ tại Nhật rẻ hơn (và ngược lại, khiến hàng hóa của Nhật tại Mỹ đắt hơn)? Vì đó là thời điểm mà các nhà sản xuất của Mỹ đang kêu gọi bảo hộ đối với hàng hóa của mình, và hàng hóa của Mỹ bán sang Nhật chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nguyên liệu thô, còn Nhật chủ yếu bán sang Mỹ đồ điện tử và ô tô – không phải hàng thiết yếu.
Khoảng năm 1985, doanh số ô tô Nhật tại thị trường Mỹ đang rất cao nên Nhật có thể dùng lợi nhuận bán ô tô đó để bù cho thực phẩm nhập từ Mỹ. Người Nhật đã đàm phán để mở nhà máy ô tô của mình ở Mỹ và nhập khẩu một lượng đáng kể thịt bò và cam do Mỹ xuất khẩu. Cán cân thương mại giữa Nhật và Mỹ nhanh chóng được cải thiện. Người Mỹ ngày càng bán nhiều ô tô do người Nhật sản xuất trên đất Mỹ cho chính người Mỹ. Người Nhật ngày càng nhập khẩu nhiều thực phẩm Mỹ nên giá cũng rẻ hơn. Lượng thực phẩm này do các công ty Nhật trên đất Mỹ sản xuất.
Người Nhật đã đàm phán để từ bỏ việc sản xuất và lưu kho hàng hóa đắt tiền của mình trên đất Nhật để đổi lấy nguồn thực phẩm nhập khẩu rẻ và an toàn hơn từ Mỹ. Người Nhật mua lại các nhà máy của Mỹ, dùng thép và dầu tại Mỹ để sản xuất hàng hóa ngay trên đất Mỹ để bán cho người Mỹ. Điều này tiết kiệm chi phí (qua đó làm giảm giá bán) hơn là nhập nguyên liệu thô từ Mỹ về Nhật sản xuất rồi xuất khẩu ô tô ngược sang Mỹ. Thỏa Ước Plaza có lợi với Nhật trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Nhưng nó có một khuyết điểm lớn. Xuất khẩu hàng hóa là thành phần rất quan trọng giúp kinh tế Nhật tăng trưởng. Kinh tế Nhật chỉ tăng trưởng nhanh khi lượng hàng hóa xuất khẩu tăng (điều đó vẫn đúng cho tới cuối thập niên 1980, dù mức tăng không nhiều). Các chính sách nới rộng cung tiền, sự tăng giá của đồng Yên và lợi nhuận ảo từ đầu cơ đất đai đã dẫn đến bong bóng bất động sản cuối những năm 1980. Và khi bong bóng này nổ tung, nó đã kéo theo ba “thập kỷ mất mát” ngay sau đó của người Nhật.