TẠI SAO NHÀ THANH THẤT BẠI DỄ DÀNG TRONG CHIẾN TRANH NHA PHIẾN? (2)
3, Nhà Thanh tiếp cận cuộc chiến với tâm thế chưa sẵn sàng.
Trình độ quân đội yếu kém không phải là hậu quả duy nhất gây ra bởi thời gian hòa bình kéo dài đối với nhà Thanh. Sự chủ quan cùng việc đánh giá thấp nguy cơ diễn ra một cuộc chiến với người Anh, kể từ sau những can thiệp quyết liệt của Lâm Tắc Từ trong việc triệt phá các đường dây buôn bán nha phiến tại Trung Quốc diễn ra phổ biến trong tâm thức của dân chúng, giới quan lại và ngay cả Hoàng đế Đạo Quang.
Thực ra trước khi cuộc Chiến Tranh Nha Phiến diễn ra, vào năm 1834. Một cuộc chiến nhỏ giữa hai đế quốc đã diễn ra. Nam tước Anh tên William Napier, được biến đến như Tổng giám đốc Thương mại Anh đầu tiên ở Quảng Châu đã đưa hai tàu khu trục Adromache và Imogence tấn công phòng tuyến Hổ Môn của tỉnh Quảng Đông. Hành động táo bạo này nhằm hiện thực hóa yêu cầu chiếm giữ Hương Cảng, sau khi Napier thất bại trong việc đàm phán với Lư Khôn – Tổng đốc Lưỡng Quảng bấy giờ về quyền lợi của các thương nhân Anh. Trận chiến kéo dài trong một khoảng thời gian bế tắc và kết thúc không có kết quả khi ông này qua đời chỉ vài tháng sau vì một cơn sốt.
Có lẽ điều này tạo nên ấn tượng cho tầng lớp lãnh đạo của nhà Thanh rằng nếu có chiến tranh xảy ra với người Anh, kết quả cũng sẽ tương tự trường hợp Napier, khi người Anh cuối cùng sẽ phải rút lui mà không giành được bất cứ thứ gì.
Lâm Tắc Từ người khởi đầu phong trào tiêu hủy, cấm triệt thuốc phiện chắc rằng không nghĩ tới việc những động thái cực đoan, vội vàng của mình có thể gây nên tổn hại to lớn cho những nhà tư sản, những người đã tất tay vào công nghiệp thuốc phiện. Điều này tương đương với việc ngay từ khi bắt tay vào công việc của mình, ngài Lâm không lường được một cuộc chiến có thể xảy ra giữa hai đế quốc chỉ từ những áp lực của cánh thương nhân, buôn bán những người có địa vị thấp kém nhất trong quan niệm phân phong tầng lớp tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc.
Nếu các nhà lãnh đạo Mãn Thanh đánh giá đúng mức tác động của việc ngăn cấm kịch liệt, đột ngột thuốc phiện để thay vào đó là kiểm soát dần dần và giảm bớt các quyền tài phán pháp lý của Trung Quốc đối với thương nhân nước ngoài, có thể cuộc Chiến Tranh Nha Phiến đã không xảy ra.
Nếu các nhà lãnh đạo Mãn Thanh đánh giá đúng mức tác động của việc ngăn cấm kịch liệt, đột ngột thuốc phiện để thay vào đó là kiểm soát dần dần và giảm bớt các quyền tài phán pháp lý của Trung Quốc đối với thương nhân nước ngoài, có thể cuộc Chiến Tranh Nha Phiến đã không xảy ra.
Người Anh thừa khôn ngoan để biết cần xem xét một vài trận chiến, trước khi cử lực lượng 19000 lính cùng 37 tàu các loại tham chiến chính thức với quân đội Trung Quốc. Trận Xuyên Tỵ vào ngày 3/11/1839 là bài kiểm tra cuối cùng, một bài làm xuất sắc được người Anh trình diễn khi chỉ với hai tàu khu trục, trong 45 phút họ biến hạm đội đối phương trở nên vô hại. Quân Anh rút lui ngay sau khi thực hiện được mục tiêu của mình, tàu của nhà Thanh thì hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thua toàn tập, nhưng Quan Thiên Bồi, người chỉ huy bên phía Mãn Thanh, trong các báo báo của mình tới Đạo Quang Đế, lại cho rằng đây là chiến thắng của mình khi đẩy lùi được người Anh. Không hiểu báo cáo này minh họa cho sự chủ quan, dối trá, hay kém cỏi của các tư lệnh quân đội Mãn Thanh?
Căng thẳng và giao tranh nhỏ giữa hai nước tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, thế nhưng dường như sự trao đổi, buôn bán như cơm bữa với người Tây cũng khiến người dân Trung Quốc không mấy tin vào việc một trận chiến đũng nghĩa với người da trắng có thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Ngay từ đầu tháng 1 năm 1840, người Anh đã rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch chinh phạt của mình bao gồm việc tổng động viên lực lượng quân đội, đặc biệt là ở các quốc gia hải ngoại của mình, tích cực đóng tàu và đảm bảo công tác hậu cần từ Công ty Đông Ấn Anh. Vậy mà, tới tận tháng 6 cùng năm, các thông tin trong tờ “The Chinese Repository” báo hàng tháng xuất bản cho người nước ngoài ở Quảng Châu cho thấy, người Trung Quốc vẫn tin rằng, các quý ông Anh chẳng đời nào tiến hành biện pháp bạo lực với đất nước của họ. Tờ này có đoạn:
“Some even seem to doubt its (the British expedition) coming, though preparations are making to resist, they know not what, The state of public affairs remains quiet. With deep anxiety we await the arrival of the expedition and its consequent events.”
(Lược dịch: “Một số người không tin rằng cuộc viễn chinh của Anh quốc sắp diễn ra trên đất nước của họ, trong khi những dấu hiệu trong công tác chuẩn bị của Đế quốc Anh cho thấy điều ngược lại. Cộng đồng vẫn hoàn toàn im lặng. Chúng tôi cùng với sự quan ngại sâu sắc, thì đang chờ đợi những con tàu viễn chinh Anh cùng những điều chúng sẽ mang lại khi cập bến”.) (trình độ tiếng Anh cùi nên phải nhờ bạn dịch, sai thì mong lượng thứ)
Lâm Tắc Từ cùng các quan lại khác cho tới lúc này vẫn tin người Anh nếu có đến, cùng lắm cũng chỉ đến với các đàm phán “lịch sự” về vấn đề buôn bán nha phiến mà thôi.
4, Suốt cuộc chiến, nhà Thanh không biết gì về đối thủ của mình.
Tôn Tử, nhà quân sự nổi tiếng của Trung Hoa với cuốn “Binh pháp” được sử dụng như kim chỉ nam cho các tướng lĩnh nước này trong hàng ngàn năm từng viết: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Xem ra, bộ tư lệnh của Mãn Thanh trong Chiến Tranh Nha Phiến không làm được điều đó.
Nhà Thanh gần như không có bất cứ kiến thức hay hiểu biết gì về năng lực quân sự của người Anh, từ trước khi cuộc chiến diễn ra, và đáng buồn là điều này cũng không cải thiện là bao ngay cả khi họ đã trực tiếp chiến đấu với người Anh.
Tới đây lại phải nhắc tới cái tên Lâm Tắc Từ, không phải tôi ghét ông ta hay gì đâu, nhưng ngài Lâm thực sự là nhân vật quan trọng bên phe Mãn Thanh và vài ví dụ lấy từ các nhận định của Lâm về Anh Quốc qua con mắt của ông có thể chứng minh phần nào luận điểm mà tôi nêu ra ở đoạn trên.
Trong bức thư nổi tiếng gửi Nữ hoàng Anh của ông này, ông nói rằng: “Nhà Thanh cách Anh Quốc tới 20000 dặm” (khoảng cách này thực tế là 5000 dặm). Tất nhiên, chuyện ông không biết nhiều về địa lý không liên quan nhiều lắm tới việc đưa ra các quyết định quân sự. Nhưng trong cuốn “The Qing Empire and the Opium War” của Mao Haijan cũng dẫn ra nhiều góc nhìn tương đối hài hước trong các ghi chép của Lâm Tắc Từ viết về Anh Quốc.
Lâm cho rằng trà và đại hoàng là thứ thiết yếu không thể thiếu với người Anh, đến mức họ phải tiêu thụ chúng mỗi ngày. Rằng người Anh bắt cóc trẻ em để phục vụ cho các hoạt động ma thuật, hay cho chúng sống ở những hòn đảo hoang của nước này. Hay như ông tin rằng loại thuốc phiện làm bởi người Anh được trộn lẫn một phần xác của loài quạ khổng lồ rỉa thịt xác chết.
Đáng chú ý là vài quan sát, phân tích của ông về lực lượng viễn chinh Anh. Chẳng hạn việc ông cho rằng xà cạp trên trang phục lính Anh là quá bất tiện cho việc đi lại dễ dàng. Quân Anh, theo ông, sẽ gặp khó khi hành quân trên các địa hình ven sông và ven biển. Đi kèm với đó là khả năng cận chiến kém cỏi do thiếu linh hoạt. Tất nhiên, người Anh đã chứng minh điều ngược lại trong các trận tấn công các công sự phòng thủ ven biển. Dù sao, nên thông cảm cho Lâm bởi ông sống trong một nền giáo dục hoàn toàn khác với phương Tây, do đó qua thế giới quan của ông, người Anh đơn giản là kì quặc.
Nhìn chung thì công tác thu thập thông tin về quân địch của quân đội Thanh thậm chí còn tệ hơn các đánh giá cá nhân của Lâm Tắc Từ. Nhiều báo cáo từ các đơn vị thám báo của quân Thanh cũng đưa ra những thông tin ngớ ngẩn về việc quân Anh sử dụng “ma thuật”.
Ngoài ra, do áp lực thành tích nên các báo cáo láo diễn ra rất thường xuyên. Trong cuốn sách thú vị của Mao Haijan cũng đề cập tới các trường hợp này.
Chẳng hạn, trong trận chiến ở Chu San, một trong những đảo đầu tiên Anh chiếm được. Tướng trấn thủ ở đây báo cáo: 5000 quân của ông ta bị đánh bại bởi 20000 tên da trắng, dù thua nhưng đội của ông vẫn kịp giết hàng ngàn tên, và làm hư hại của chúng nhiều tàu. Tuy nhiên, báo cáo từ các nguồn phía Anh lại nói lực lượng của họ chỉ là 2000 người, kết thúc trận chiến với 27 người bị thương, một vài tàu hư hại không đáng kể. Một trường hợp khác là Đô đốc Zheng Tingchen tuyên bố khải hoàn vào ngày 13/4/1842, khi ông đánh bại 24 con tàu. Dù đó là trận chiến chưa từng xảy ra.
Như vậy, không khó hiểu khi người Trung Quốc bước vào trận chiến cùng sự mù tịt về người Anh, và kể cả sau một thời gian dài giao chiến, họ vẫn không hiểu chút nào về đối thủ của mình. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến các đường lối chiến thuật sai lầm mãi không được sữa chữa trong toàn bộ cuộc chiến, khi mà làm sao các tướng quân Thanh có thể rút kinh nghiệm chiến trường được từ một hệ thống thông tin quân sự thiếu chính xác và gần như không có sự phân tích, mổ xẻ?
Không chỉ vượt trội về vũ khí và kĩ năng tác chiến, trong Chiến Tranh Nha Phiến, Anh Quốc còn vượt trội hơn hẳn về đường lối chiến thuật, khi họ biết nhiều về đối thủ hơn là đối thủ biết về họ.
(Còn tiếp.)