TẠI SAO MÌNH CÁI GÌ CŨNG KHÔNG GIỎI?

Các bạn có từng tự thắc mắc câu hỏi này khi vừa trưởng thành chưa?

Người thì giỏi văn, người thì giỏi toán, người thì giỏi vẽ. Nói chung, ai cũng có một cái gì đó đặc biệt nổi trội, còn mình thì không.

Ai cũng đều tìm được hướng đi cho bản thân họ, còn mình thì không.Ai cũng biết mình sẽ làm gì, và đều làm ra tiền, còn mình thì không.

Rất nhiều sự so sánh và từ không lặp đi lặp lại trong nhiều trường hợp, khiến chúng ta phải tự hỏi bản thân là “Rốt cuộc mình giỏi cái gì? Mình làm được gì đây?”

Bản thân mình cũng vậy đấy, và rất nhiều người đã trưởng thành cũng đã trải qua một tình trạng tương tự như vậy. Đó gọi là dunning kruger, một trạng thái của tâm lý học được dịch nôm na là thiên kiến nhận thức.

Thiên kiến nhận thức được chia làm 4 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là cái gì cũng không biết. Đây là giai đoạn mà chúng ta vừa bắt đầu học hỏi một loại nền tảng kiến thức mới. Nên cái gì cũng không biết là đúng rồi. Tâm lý của chúng ta ở giai đoạn này sẽ cảm thấy rất mới mẻ và thú vị với những kiến thức mới mà mình được tiếp xúc.

Giai đoạn thứ hai được gọi là “đỉnh cao của sự ngu ngốc”. Tức là sau một khoảng thời gian học tập, chúng ta nghĩ chúng ta là “chuyên gia” của lĩnh vực này rồi, chúng ta biết hết tất tần tật về nó và mức tự tin của chúng ta sẽ ở ngưỡng vượt bậc.

Giai đoạn thứ ba là “thung lũng của sự tuyệt vọng”. Cuộc đời vốn dĩ khắc nghiệt, và kiến thức thì sâu hơn cả đáy đại dương. Khi mức tự tin của bạn đạt ở mức ngất ngưỡng và nhận ra một sự thật tàn nhẫn là “mình hoàn toàn không giỏi đến thế” khi gặp một người giỏi hơn, hoặc những bài kiểm tra đánh giá năng lực khiến chúng ta nhận ra mình không phải giỏi đến mức mình nghĩ. Chúng ta sẽ bị rơi vào giai đoạn khủng hoảng và mất niềm tin vào bản thân.

Hầu như ai cũng sẽ trải qua giai đoạn này, và với mình thì mình gọi giai đoạn này là giai đoạn “chẳng giỏi cái gì cả”.

Khi bản thân tự tin mình giỏi một thứ gì đó, và nhận ra là mình không giỏi nữa, rồi nhìn đến những người xung quanh đang nổi bật với tài năng của họ. Mình sẽ chẳng biết phải làm gì nữa. Cảm thấy rối bời và tương lai mù mịt. Một ngày đẹp trời cũng trở nên xám xịt và chẳng biết bắt đầu từ đâu để cố gắng.

Nhưng mà, nếu bạn đang trong giai đoạn này thì đừng lo nhé. Bạn không cô đơn đâu, những người mà bạn thấy họ đang rất giỏi một thứ gì đó ngoài kia có khi cũng đang trải qua cảm giác như bạn lúc này thôi. Và mình với bạn cũng đang cùng trải qua khoảng thời gian khó khăn này đó.

Với tất cả mọi trạng thái tâm lý bất ổn, giai đoạn này ai cũng sẽ rất khó tìm cách để vượt qua.

Nhưng hãy nhớ một điều nhé “Thế giới này vốn dĩ không bao giờ nhẹ nhàng với bất kỳ ai, và muốn trưởng thành thì phải chịu được sức ép của thế giới.

”Bạn có nhớ lúc còn nhỏ mình đã từng muốn trưởng thành đến mức nào chưa? Vậy thì bây giờ là lúc để bạn trưởng thành và tìm thấy bản thân thật sự của mình đó.

Để thật sự trưởng thành, bản thân sẽ có một bức tường rất cao là cái tôi trong công việc, bạn bè, và những người xung quanh. Leo qua được nó rồi, chúng ta sẽ vấp phải một bức tường còn cao hơn nữa là “nỗi tuyệt vọng và vô giá trị”. Chúng ta không làm ra tiền, chúng ta không giỏi bất cứ thứ gì cả. Mặc cảm và tự ti biến thành một bức tường cao hơn cả ngàn trượng. Và nếu muốn trưởng thành, bắt buộc chúng ta phải từng bước hiểu bản thân và leo khỏi bức tường đó. Còn nếu không, chúng ta sẽ mắc kẹt trong thế giới của một đứa trẻ mãi mãi không bao giờ chịu trưởng thành.

Và, bạn có chấp nhận để bản thân bị số phận đánh gục hay không? Với mình thì không, mình tin là bạn cũng sẽ không. Chỉ cần chúng ta học cách chấp nhận bản thân, và hiểu bản thân hơn, để biết mình thật sự muốn làm cái gì, và phát triển ở mảng nào, mọi thứ sẽ trở nên dễ thở hơn.

Cách của mình là hãy tìm cho mình một thú vui nho nhỏ nào đó, tốt nhất là những trò chơi lành mạnh có thể thỏa sức sáng tạo, và mang tính kĩ thuật. Ví dụ như làm mô hình nhà, lắp robot, hay tân trang một món đồ chơi từ đồ chơi cũ, hoặc xếp hình cũng được. Những thứ gì mang tính tự tay làm thì đều cần sự tập trung cao độ, và thời gian ở một mình. Những lúc như thế, bạn sẽ được thả lỏng hoàn toàn và tìm cách sạc năng lượng lại cho chính mình. Ngoài ra thì có thể giúp bạn tìm thấy một hai tài năng lẻ gì đó của mình nữa đó, ví dụ như tinh mắt, hay khéo tay nè.

Cách thứ hai là hãy chuẩn bị một hay hai ba bộ phim nào đó về ý chí tinh thần cho chính mình. Với mình thì là the lord of the rings, và attack on titan. Những bộ phim này đều có một ý nghĩa chính với mình là ý chí tự do, đấu tranh, và vượt lên chính mình, tự đấu tranh với những áp lực bên trong bản thân. Vì bản thân mình hiểu bộ phim theo ý nghĩa đó, nên mỗi khi coi lại mình đều cảm thấy dễ chịu và có động lực hơn để chiến đấu với cái tôi của chính mình, và rào cản để trưởng thành. Bạn cũng hãy thử làm điều đó đi nhé.

Cách thứ ba là hãy đi cà phê hoặc đi ăn một mình. Mình biết là có một quyển sách với tựa đề rất hay là “Đừng bao giờ đi ăn một mình”. Mình thì chưa đọc quyển này bao giờ, nhưng mình tin, các bạn hãy đi ăn một mình vài lần đi. Một mình ngồi trong quán cà phê hay nhà hàng để lắng nghe những câu chuyện xung quanh, ăn thật ngon món mình thích, và cảm nhận những câu chuyện xung quanh mình. Để học lắng nghe và thưởng thức hơn là những bữa ăn với quá nhiều người, và mệt nhoài với những cuộc hội thoại không hồi kết.

Cách thứ tư là hãy đi mua một món đồ mà mình thích, chăm sóc vẻ ngoài của bản thân bằng cách chăm sóc da hay ăn mặc thật đẹp. Quan tâm đến bản thân bằng cách này hay cách khác để bản thân biết yêu thương lấy chính mình, và để bản thân tiếp tục phấn đấu hơn nữa vì mục tiêu giúp bản thân có cuộc sống tốt đẹp hơn, với những đãi ngộ tốt hơn.

Đó là 4 cách để mình vượt qua giai đoạn thứ ba của dunning kruger, hẹn các bạn ở hai giai đoạn tiếp theo của quá trình “học lớn” này nhé. Và nếu các bạn có cách nào hay hơn, hãy chỉ cho mình biết với. Vì giai đoạn dunning kruger có thể quay lại khi chúng ta thay đổi môi trường sống hoặc học một kiến thức gì mới đó nha.

Nguồn: Nomad’s Mind

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *