TẠI SAO KHỔNG GIÁO TỒN TẠI LÂU DÀI TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA VÀ CÁC NƯỚC Á ĐÔNG?
Ở cái thời mà quyền tự do ngôn luận được đề cao hơn, nhiều dòng tư tưởng khác nhau được hình thành trong mỗi con người. Cùng với đó là những hiểu biết về thành quả, hậu quả của các hệ tư tưởng thông qua môn Lịch sử. Dẫn đến nhiều bài viết thể hiện quan điểm quá cực đoan về sự vượt trội của một hệ tư tưởng, thể chế này và đồng thời cố gắng dìm hệ tư tưởng, thể chế khác xuống bùn. Rất nhiều người hiện nay lao vào các cuộc tranh cải về sự hơn thua của các hệ tư tưởng, thậm chí là lên án, miệt thị gay gắt các nhà tư tưởng xưa củ. Các luận điểm như chê trách Khổng Tử, cho rằng hệ tư tưởng Khổng Giáo kìm hãm sự phát triển của toàn cõi Á Đông, hay sự chậm chạp của các chính quyền phong kiến Trung Quốc, Việt Nam trong việc ý thức được sự cần thiết của cách mạng tư sản hay thời đại công nghiệp hóa so với phương Tây là một ví dụ điển hình về quan điểm cực đoan kể trên. Bài viết này, thông qua việc phân tích, trả lời câu hỏi “Tại sao hệ tư tưởng Khổng giáo lại tồn tại lâu đời, và khó bị thay đổi trong thời gian dài như vậy?”, hi vọng sẽ khiến người đọc có cái nhìn khác hơn, đa chiều khi đánh giá các hệ tư tưởng khác nhau.
Để nói về nguyên nhân của lối suy nghĩ đơn chiều, cực đoan, thiếu khách quan ở đoạn trên khi bàn về hệ tư tưởng Khổng giáo nói riêng và các hệ tư tưởng nói chung, có thể quy kết đa phần do cách chúng ta học tập. Dường như đó chính là hậu quả của cả một giai đoạn dài, rất dài chúng ta không được giáo dục ĐÚNG, không hoặc rất ít phản biện, mọi kiến thức là một chiều trong truyền thụ và trong sắp xếp. Ít sự lập luận và cảm thông khi không thử đặt mình vào thời gian, vị trí lịch sử phù hợp để đánh giá. Tất nhiên, đây không phải bài viết bàn về giáo dục, nói về điều trên chủ yếu để khiến người đọc dễ định hình hơn hướng phân tích bằng việc đưa ra những luận điểm nhiều chiều, khách quan, dựa trên đúng bối cảnh Lịch sử sẽ được sử dụng chủ yếu trong bài.
1, Cách mà các hệ tư tưởng sinh ra, hình thành và phát triển ở mỗi dân tộc. Tại sao Khổng giáo lại được sử dụng ở Trung Quốc.
Trước hết, thay vì tập trung phân tích kết quả tích cực lẫn tiêu cực mà hệ tư tưởng Khổng giáo đem lại cho nền văn minh Trung Hoa cũng như toàn bộ những quốc gia mà nó được sử dụng, hãy đến với những phân tích gốc rễ về sự hình thành của một hệ tư tưởng. Mà đối tượng chính ở đây là Khổng giáo.
Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, quá trình hình thành, sử dụng, phát triển một hệ tư tưởng ở một quốc gia hoàn toàn không phụ thuộc vào một cá nhân, một tập thể, kể cả là tập thể cầm quyền. Nó phụ thuộc vào toàn bộ con người của dân tộc, quốc gia đó.
Hệ tư tưởng ra đời và được chọn lựa hoàn toàn nhờ vào các đặc tính di truyền lâu đời, các truyền thống, tập tục tác động lên suy nghĩ, tư duy của toàn bộ con người trong một dân tộc trong thời gian rất dài. Tạm gọi các đặc tính di truyền trên là “tính chất của dân tộc”. Rõ rằng tính chất này không đến từ tư duy, tư tưởng, ý chí của một cá nhân hay tập thể nào mà phải là từ toàn cả dân tộc, thông qua sự truyền bá, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, có khi mất cả ngàn năm. Các yếu tố kể trên lại phụ thuộc vào nhân chủng, thời gian ra đời nền văn minh hay điều kiện địa lý nơi dân tộc đó sinh sống. Vì lẽ đó, “Tính chất của dân tộc” không giống nhau hoàn toàn ở các dân tộc khác biệt về nhân chủng, địa lý. Các nền văn minh phương Tây không thể có các đặc điểm trong văn minh lúa nước như các nước Á Đông được. Một hệ tư tưởng, ra đời nhờ “tính chất dân tộc”, được sử dụng khi thích nghi, tích hợp hoàn hảo với “tính chất dân tộc” đó. Không thể cứ ép một hệ tư tưởng, do cá nhân hay tập thể cho rằng là sáng suốt cho một dân tộc sử dụng nếu không phù hợp với “tính chất dân tộc” cũng như thời điểm lịch sử. Tóm lại, việc một hệ tư tưởng được sử dụng ở một quốc gia phụ thuộc vào tính phù hợp hơn là tính đúng, sai vốn đã không có hệ quy chiếu chính xác. Trái quy tắc này, chẳng khác nào một quốc gia mặc một chiếc áo không vừa cả.
Cụ thể hơn với hệ tư tưởng Khổng giáo, Khổng giáo ra đời khi về mặt chính quyền, chế độ phong kiến đã được định hình tương đối rõ ràng ở Trung Hoa, về mặt xã hội các quy luật của các mối quan hệ vua-tôi, cha-con, vợ-chồng,…cũng được người Trung Hoa thấm nhuần trong lối sống. Nội dung cơ bản của Khổng giáo rất hợp với nền tảng xã hội thời này, khi về cơ bản nó đề cập tới các nghĩa vụ cần làm tròn của từng vế trong các mối quan hệ phổ biến kể trên. Có học trò từng hỏi Khổng Tử rằng:”Làm thế nào để quốc gia hưng thịnh?”, ông trả lời: ”Chỉ cần vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho nên con, vợ cho nên vợ, chồng cho nên chồng”. Tính phù hợp trong xã hội của Khổng giáo minh chứng bởi việc dù không được các nhà lãnh đạo thời Xuân Thu – Chiến Quốc sử dụng do không phù hợp với thế cục chiến tranh, nhưng học trò của Khổng Tử rất đông đảo trong quần chúng.
Đó là sự phù hợp về mặt xã hội, còn bây giờ xét về sự phụ hợp trong việc xây dựng, ổn định quốc gia. Nền tảng của Khổng giáo, đến từ thời Chu Công Đán một quan lại nhà Chu, khi ông này cho ra đời bộ Chu Lễ bàn về quy định đẳng cấp và lễ nghi, thứ tự trên dưới của quan lại với vua chúa, phân phong chư hầu,v.v…Nói chung những khái niệm tuy còn sơ khai về “vua” đã ra đời, đi kèm với đó là nhu cầu có một ông vua tốt của toàn thể người dân, bao gồm cả các triết gia như Khổng tử sau này. Đương thời của Khổng tử là thời đại mà bộ máy phong kiến nhà Chu đang lung lay dữ dội, các nước chư hầu ngày một độc lập ra đời. Mong muốn xây dựng một cõi Trung Hoa thống nhất với một xã hội quy cũ trở thành khát khao không chỉ Khổng Tử, mà còn là khát khao của toàn bộ người dân Trung Hoa. Thực tế thì tư tưởng này không được chấp nhận ngay, trong toàn bộ đất nước, dù rằng Khổng Tử là người tiên phong trong việc bình dân hóa việc học, đạo Khổng được truyền bá rất rộng. Tuy nhiên, Chiến Quốc là giai đoạn của chiến tranh, một xã hội ổn định để đạo Khổng từng bước thích nghi chỉ thực sự bắt đầu khi triều đại chuyên chế lâu dài đầu tiên của Trung Hoa ra đời, nhà Hán. Kể từ đó, Khổng giáo với các quy định về các mối quan hệ trong xã hội, đã thực sự trợ giúp cho các triều đại Trung Quốc tồn tại với thời gian hàng trăm năm.
Một lần nữa, phải khẳng định rằng, chưa bàn tới tính ưu, nhược của đạo Khổng thì hệ thống tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với chế độ quân chủ chuyên chế, cũng như lối sống, lối tư duy mà người dân Trung Quốc hình thành trong thời gian hàng ngàn năm.
2, Các hệ tư tưởng có thực sự là nhân tố chính thúc đẩy hay kéo chậm sự phát triển của một quốc gia hay không? Liệu có nên đổ hết trách nhiệm cho Khổng giáo trong sự thụt lùi của phong kiến Trung Hoa so với phương Tây không?
Câu trả lời là không, nhân tố chính thúc đẩy hay kéo chậm sự phát triển của một quốc gia phải là “tính chất dân tộc” đã được đề cập tới ở phần một chứ không phải là hệ tư tưởng. “Tính chất dân tộc” định hình nhân tố con người, và là biểu hiện cho các đặc tính liên quan tới địa lý, tài nguyên khoáng sản, văn hóa, thời gian tồn tại,…của các quốc gia. Chính các yếu tố này lại trực tiếp tác động tới sự đi lên hay đi xuống của quốc gia chứ không phải thể chế hay hệ tư tưởng. Tất nhiên lịch sử dài chứng kiến sự thay đổi về “tính chất dân tộc” của nhiều quốc gia nhờ sự bồi đắp thêm các đặc tính mới, loại trừ đi các đặc tính cũ, dù rằng rất chậm chạp, điều nay đem đến bước tiến hoặc bước lùi cho quốc gia ấy so với quá khứ. Hệ tư tưởng có thể là nhân tố, cho thịnh suy của quốc gia, nhưng không phải nhân tố chính, về cơ bản nó không thể tác động vào “Tính chất dân tộc” – nhân tố chính ảnh hưởng tới sự thịnh suy này. Bỏ qua các yếu tố tự nhiên, con người, mà chỉ chăm chăm vào phán xét hệ tư tưởng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia thật là quan điểm sai lầm.
Ngược lại, chính “Tính chất dân tộc” lại là thứ tác động và dần điều chỉnh các hệ tư tưởng. Điều này khiến cho các hệ tư tưởng “có vẻ” giống nhau ở các quốc gia lại có hình thái tồn tại và vận hành rất khác. Nước Anh xưa là đất nước dân chủ lâu đời dù rằng là nước Quân chủ. Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô khác với CNXH ở Trung Quốc. Hay có thể thấy Chủ nghĩa Tư bản với chút nét tàn dư của tư tưởng Khổng giáo ở các nước như Hàn Quốc, hay Nhật Bản có những biểu hiện trong xã hội rất khác nền dân chủ, tư bản ở các nước phương Tây. Các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình ngày nay có gì đó rất giống với các hoàng đế chuyên quyền của Trung Hoa xưa kia.
Ngoài ra, nhìn vào các hệ tư tưởng bằng con mắt biết trước kết quả mà nó để lại, để đánh giá thấp các nhà tư tưởng là một lối tư duy sai lầm. Rõ ràng, những suy lý tiền đề của Khổng Tử khác rất nhiều so với những gì Đổng Trọng Thư phát hành. Khổng Tử càng không thể có cái nhìn về tương lai để biết được ảnh hưởng to lớn của cách mạng công nghiệp. Ngược lại, chẳng hạn một người từ tương lai xuyên không về quá khứ, giúp Hán Vũ Đế áp dụng những tư tưởng về Chủ nghĩa Tư bản, Cách mạng Công, thương nghiệp chưa chắc đất nước Trung Hoa đã tồn tại tới hàng ngàn năm sau này.
Vậy nên, có thể kết luận Khổng giáo như bao hệ tư tưởng khác không phải nhân tố chính kéo lùi phong kiến Trung Hoa trong những năm cuối. Thậm chí nếu công bằng mà nói các triều đại sử dụng đạo Khổng như Hán, Đường, Tống,…luôn ở trong nhóm những quốc gia phát triển về nhiều mặt đương thời.
3, Khi nào hệ tư tưởng này thay thế cho hệ tư tưởng khác? Từ đây giải thích lí do Khổng giáo khó bị thay đổi trong thời gian dài.
Để một hệ tư tưởng ra đời và đủ phù hợp để được sử dụng ở một quốc gia. Thì trước nhất, như đã nói ở mục 1, nó phải thích nghi, phù hợp với “tính chất dân tộc” của quốc gia đó.
Điều kiện thứ hai, đó là khi con người ta mất dần niềm tin vào hệ tư tưởng cũ thay vào đó là niềm tin về hệ tư tưởng mới, dù rằng việc này diễn ra rất chậm do “tính chất dân tộc” khó thay đổi. Điều này lí giải vì sao các cuộc cách mạng không diễn ra quá thường xuyên trong chiều dài lịch sử các quốc gia. Lấy ví dụ ở Trung Quốc, thì có thể kể đến cục diện Xuân Thu diễn ra khi bộ máy cai trị nhà Chu không còn tiếp tục duy trì được chế độ phong kiến phân quyền lỏng lẽo, và các chư hầu thay thế niềm tin dành cho nhà Chu bằng niềm tin mới rằng họ có thể thống nhất toàn cỏi, cai trị đất nước với quyền lực tuyệt đối của một vị vua duy nhất.
Áp vào chiều dài phát triển của đạo Khổng. Chúng ta có thể thấy, dù nhiều triều đại thay thế nhau liên tiếp theo nhiều cách, từ các cuộc nội chiến, các cuộc đảo chính, cho đến các cuộc khởi nghĩa,…Chưa bao giờ con người Trung Quốc mất niềm tin thật sự vào đạo Khổng. Điều này có thể giải thích do sự bén rể quá sâu đậm của “tính chất dân tộc”. “Tính chất dân tộc” của người nơi đây khó bị thay đổi có thể một phần do đặc điểm địa lý khiến cho nền văn minh của họ ít giao thoa với các nền văn minh khác. Trung Hoa là một khối gần tròn, ba phía Bắc, Tây, Nam là núi cao, đồng cỏ và sa mạc, phía đông nhìn ra Thái Bình Dương mênh mông; nó như quay lưng lại với các nước văn minh ở Trung Á, Tây Á, sống một đời sống riêng biệt. Cuộc cách mạng tư sản ở Pháp đã làm rung động Châu Âu, khiến nhiều nền quân chủ bị đe dọa. Tuy nhiên, ở Trung Quốc khó mà có sự chuyển biến niềm tin nào rõ ràng.
Kể cả xuất hiện một tầng lớp người với các chuyển biến về niềm tin, cùng những hệ tư tưởng mới được du nhập và điều chỉnh để phù hợp với “tính chất dân tộc”. Thì cũng rất khó để lớp người này có thể hiệu triệu được quần chúng bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia áp dụng nó. Khó có thể thuyết phục họ bằng cách phân tích tính đúng sai của đạo Khổng, quần chúng phần đa bị tác động nhiều hơn bởi hình ảnh trực quan chứ không phải lí lẽ, các hình ảnh ấy phải thể hiện sự cấp thiết cần phải thay đổi trước mắt các nhà lãnh đạo. Và điều này không xuất hiện trước mắt các Hoàng đế nhà Thanh, khi thực tế trong gần 300 năm cai trị, họ, đất nước với 11 triệu cây số vuông, cùng nền kinh tế tự túc khổng lồ không gặp bất cứ mối đe dọa nào từ bên ngoài. Tất nhiên là trước Chiến tranh Thuốc phiện với người Anh.
Phân tích như vậy, để hiểu muốn thay đổi một hệ thống tư tưởng không phải chuyện đơn giản, một sớm một chiều với một đất nước khổng lồ như Trung Quốc. Chắc chắn, đọc tới đây nhiều người sẽ lôi Nhật Bản, một nước Á Đông tương tự, cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của Khổng giáo như Trung Quốc để làm ví dụ phản biện. Nhưng nên nhớ rằng, thậm chí những tư tưởng cải cách của Quang Tự còn tới sớm hơn cả cuộc Duy Tân Minh Trị, tuy nhiên thay đổi, cải cách ở một nước lớn, có “tính chất dân tộc” bám rể sâu sắc khó hơn nước Nhật nhỏ bé với chiều dài chế độ Mạc phủ mới hơn 600 năm rất nhiều.
Kết bài viết, tôi chỉ muốn nhấn mạnh sự sai lầm khi đổ lỗi hoàn toàn cho đạo Khổng, Khổng tử hay tầng lớp cai trị vì cho rằng đạo Khổng kéo lùi sự phát triển của Trung Quốc nói riêng và các nước Á Đông nói chung.
Nguồn: Sử dụng nhiều quan điểm trong các tác phẩm của Gustave Le Bon.
Wikipedia.