Tại sao hiện không còn Rock band nào huyền thoại nữa?

Từ khoảng một thập kỉ trở lại đây, chưa có band nhạc Rock nào thực sự bùng nổ trên phạm vi toàn cầu như Led Zepplin, Guns N’ Roses hay Nirvana đã từng, khiến tranh cãi nổ ra rằng “Phải chăng nhạc Rock đã chết?” Không phải không có những ban nhạc đã thành công, nhưng sự thực danh tiếng của họ vẫn còn kém xa so với những tên tuổi rock mainstream trong quá khứ. Theo chân youtuber Daniel S, người xem cùng đặt vấn đề này cho phát thanh viên và nhà soạn nhạc người Canada – Alan Cross. Cụ thể hơn sau đây

“Nếu Nirvana ra đời ở hiện tại, họ có thể trở thành huyền thoại như trong những năm 90 không?”

Đây là những gì ông đã trả lời:

“Đó thực sự là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ họ sẽ phổ biến, họ sẽ có được cảm tình từ giới phê bình và có lẽ bán hết vé concert. Nhưng để nổi tiếng đến mức thay đổi thế giới cách họ đã từng ư? Tôi nghĩ là không. Bạn biết đấy, ngày nay thì chẳng có có nghệ sĩ nào như vậy vì công chúng không thể cùng đồng ý ai mới đang thực sự thay đổi cuộc chơi, có quá nhiều những ngôi sao tuyệt vời.

Trở lại những năm 90 khi Nirvana ra mắt, chúng ta chưa có internet và phải ngồi xem MTV với hy vọng video âm nhạc yêu thích của mình sẽ được chiếu thay vì như hiện nay mỗi người có thể tự xem nó trên Youtube. Nếu bạn muốn nghe nhạc cho riêng mình thì phải ra ngoài mua một cái đĩa nhựa lên đến 15, 20 đô la – một cái giá khá là đắt thời đó. Bởi vậy nên người ta càng nâng niu nó hơn, họ sẽ nghe đi nghe lại cái đĩa đó để nó xứng với số tiền đã bỏ ra. Thời ấy, có bốn thứ cơ bản điều khiển cả ngành công nghiệp âm nhạc; đó là các trạm radio, hãng thu âm, cửa hàng bán đĩa và các kênh phân phối video. Và theo một cách thường xuyên, cả bốn yếu tố này sẽ cùng thống nhất với nhau, nói rằng “Nhóm nhạc này rất tuyệt, mọi người phải xem họ ngay” rồi sau đó chúng ta sẽ kiểu “Oh, được thôi.” Đó là cách mà ngành công nghiệp này vận hành kể từ buổi đầu của nó.

Nhưng cho đến những năm 2000, chúng ta chẳng cần mua đĩa cứng nữa vì đã có các cửa hàng bán nhạc kĩ thuật số như Napster, Audiogalaxy, LimeWire hay BearShare giúp nhiều người có thể nghe thứ âm nhạc mà trước đây họ không chi trả được. Người nghe không cần phải mua toàn bộ album nữa, họ chỉ mua bài hát họ yêu thích thôi. Cùng với sự bùng nổ của internet, mọi người đều tìm được điểm chung nào đó rồi họ truy cập vào playlist của nhau và kiểu “Okay, tên này thích kiểu nhạc này, mình cũng nên xem qua và có lẽ sẽ thích nó.” Giờ đây, luật chơi đã hoàn toàn khác, chẳng có gì là giống với sự thống nhất trên diện rộng về gu âm nhạc chúng ta có được trước kia. So sánh mức độ thâm nhập văn hóa của các siêu sao mainstream như Beyoncé, Lady Gaga, Justin Bieber, One Direction, và ngay cả BTS có được so với loại hình thâm nhập hóa mà âm nhạc có trước thời kì kĩ thuật số, là quá khập khiễng.

Hiện nay, mọi người đều chỉ muốn những thứ mà cá nhân họ muốn, chúng ta không cần cùng lúc đồng tình về cùng một thứ với nhau như trước kia nữa. Ngành công nghiệp âm nhạc và thái độ của người tiêu dùng đều đã thay đổi, hai thứ đó đi với nhau và bạn có thể bắt đầu ngay một cuộc tranh luận rằng có lẽ Kurt Cobain là ngôi sao thuần nhạc Rock cuối cùng.”

“Internet đang trở nên ngày càng phổ biến với cuộc sống của chúng ta, nên ý tưởng về một nhóm nhạc tập trung sẽ càng khó thành hiện thực. Vậy ông có nghĩ rằng những band nhạc trước thời kì internet sẽ có tuổi thọ lâu hơn các nhóm nhạc ra mắt hiện giờ không?”

“Trước đây, mọi thứ đều rất “phe phái”. Một bên là hội rocker, bên còn lại là alternative; và họ chiến nhau rất hăng. Ví dụ, với hội alternative, bạn không được phép thích Led Zeppelin, The Beatles hay Rolling Stone, … họ coi nhẹ những siêu sao nhạc Rock ấy và tự thấy bản thân mình thông minh, sâu sắc và thú vị hơn nhiều khi nghe alternative rock. Điều ngược lại cũng xảy ra với hội rocker. Đến nỗi mà nếu bạn muốn thử đổi gió một chút, thì một bên sẽ coi bạn như kẻ phản bội và bên kia nhìn bạn như đứa đua đòi không xứng đáng.

Ngày nay, như tôi đã nói ở trên, mọi người nghe vô số thể loại nhạc bởi sự phổ biến của internet. Nếu bạn nhìn vào playlist của những thanh niên 16, 17 tuổi bất kì thì sẽ thấy họ nghe AC/DC và cả Ariana Grande; Led Zeppelin và Drake. Khán giả hiện nay cực kì “mở” trong gu âm nhạc của mình, họ không gặp trở ngại nào trong việc tìm hiểu và lắng nghe những thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau. Ngày nay mọi người vẫn có thể nghe nhạc thời của bố mẹ mình, họ vẫn có thể nghe The Beatles hay Nirvana. Nhưng vấn đề ở đây là, hầu như toàn bộ âm nhạc của nhân loại đều đã được trải sẵn ra và ai cũng có thể tiếp cận chúng chỉ với vài cú lướt. Điều đó quả là bất lợi cho những nghệ sĩ mới hiện nay, bởi họ phải gián tiếp đối đầu với những tên tuổi to lớn của thời đại. Nó không dễ dàng như việc vào 20 năm trước mọi người chỉ nghe nhạc được phát trên đài hay qua những đĩa nhạc mình có thể chi trả được. Hiện nay miếng bánh dành cho các nghệ sĩ càng ngày càng nhỏ lại khi người nghe nhạc càng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn.

Các label và hơn hết là chính những người làm nhạc cũng cảm nhận được xu hướng này, họ đầu tư vào single thay vì album, họ tập trung vào con đường ngắn hạn hơn là sự lâu dài của nghệ sĩ bằng cách chắc chắn rằng một bài hát có thể kiếm ra tiền nhiều nhất có thể bất chấp tuổi thọ ngắn của nó. Do đó mà những bản hit trên Hot100 có xu bị thay thế dễ dàng hơn là 10 hay 20 năm trước đây. Điều này xảy ra như một vòng lặp giữa xu hướng nghe nhạc nhanh và cách các bài hát hiện tại dần trở nên “dễ nghiện dễ chán”. Thời gian công chúng bỏ ra để thực sự tìm hiểu và yêu thích chân thành một nghệ sĩ ngày càng ngắn lại khiến việc tuổi nghề trung bình của họ cũng bị rút ngắn theo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *