Tại sao Hàn Quốc không thất bại trong chiến tranh Triều Tiên?

Tại sao Hàn Quốc không thất bại trong chiến tranh Triều Tiên? Một góc nhìn từ tính chính danh.
Ngày 25/6 là kỷ niệm tròn 70 năm cuộc chiến tranh đã chia cắt bán đảo Triều Tiên. Cuộc chiến tuy chỉ kéo dài 3 năm nhưng đã cướp đi sinh mạng của hơn hơn ba triệu người và hàng triệu người khác bị thương tật. Hậu quả của cuộc chiến là tình trạng chia cắt lâu dài của một đất nước từng thống nhất trong hàng ngàn năm.
Những phân tích về góc độ quân sự và kinh tế đã được nói đến rất nhiều, do đó, tác giả mong muốn sẽ đem lại cho độc giả một góc nhìn khác về vấn đề tính chính danh. Vì đây là chủ đề nhạy cảm nên mong bạn đọc không liên hệ quá xa. Tác giả dùng danh xưng Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên để độc giả tiện theo dõi.
Ngày 25/06/1950, hơn 135,438 binh lính Bắc Triều Tiên cùng với hàng trăm xe tăng, pháo và khoảng 180 máy bay chiến đấu đồng loạt tấn công Hàn Quốc. Chênh lệch lực lượng là khá lớn khi Hàn Quốc chỉ có khoảng 98000 binh sĩ và lực lượng cảnh sát trang bị nhẹ, không có xe tăng, thiếu trầm trọng pháo và máy bay. Tình thế trở nên vô vọng, Hàn Quốc đã mất 90% lãnh thổ chỉ trong vòng ít ngày và toàn bộ chính phủ cùng số ít binh lính còn lại chỉ giữ được vùng Busan phía Nam đất nước. Các diễn biến tiếp theo là sự can thiệp của lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu, các cuộc phản công dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên và sự can thiệp bất ngờ của Trung Quốc để cứu Bắc Triều Tiên đã dẫn đễn sự chia cắt tại vĩ tuyến 38.
Sự thoát hiểm ngoạn mục của Hàn Quốc nhờ sự can thiệp của lực lượng Liên hiệp quốc do Mỹ đứng đầu có thể thấy rõ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để sự can thiệp của lực lượng Liên hiệp quốc thành công là tính chính danh của chính quyền Hàn Quốc. Điều này có thể phân tích theo bốn vấn đề:
Thứ nhất, chính quyền Hàn Quốc đã không đầu hàng sau khi bị mất thủ đô Seoul và gần 90% lãnh thổ. Đây là một điều tối quan trọng bởi vì nếu lãnh đạo Hàn Quốc đi lưu vong và chuyển giao quyền lực cho một dạng “chính phủ liên hiệp” để “bàn giao” cho quân đội Bắc Triều Tiên thì tính chính danh của chính quyền Hàn Quốc sẽ bị mất vĩnh viễn. Khi ấy, bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào của Liên hiệp quốc vào Hàn Quốc cũng dễ dàng bị nhìn nhận như một cuộc xâm lược bởi vì chính phủ hợp hiến của Hàn Quốc đã “bàn giao” danh chính ngôn thuận lãnh thổ cho quân đội Bắc Triều TIên. Ngược lại, việc chính quyền Hàn Quốc nhất quyết không đầu hàng đã duy trì sự liên tục của chính quyền, tạo tính chính danh cho cuộc can thiệp của Liên hiệp quốc sau này.
Thứ hai, chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng hơn Bắc Triều Tiên trong việc tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến đầu tiên trong lịch sử dân tộc vào 10/05/1948. Tầm mức của sự kiện này có thể xem là lớn nhất trong lịch sử chính quyền Hàn Quốc hiện đại bởi vì nó đã cho chính quyền Hàn Quốc tính chính danh. Theo các quy trình thành lập nên một nhà nước hiện đại, điều tối quan trọng nhất là một cuộc bầu cử. Bất kể có bao nhiêu chính phủ lâm thời thành lập trước đó, một chính phủ chỉ được xem là hợp hiến khi có bầu cử. Trong thời gian đó, dân tộc Triều Tiên cũng như nhiều dân tộc thuộc địa khác chưa hề có một cuộc bầu cử trong lịch sử. Và các lãnh đạo Hàn Quốc đã tỏ ra rất nhanh nhạy và am hiểu bối cảnh thế giới khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội lập hiến. Dù cho cuộc bầu cử này chỉ tiến hành ở phía Nam và chịu sự chi phối mạnh của phe phái Lý Thừa Vãn, tuy nhiên, xét về mặt hình thức, đây vẫn là một cuộc bầu cử hợp pháp, có sự giám sát của quốc tế. Ngược lại, Bắc Triều Tiên chỉ tiến hành bầu cử quốc hội tại miền Bắc vào 25/08/1948, trễ hơn Hàn Quốc đến 3 tháng và thiếu sự giám sát của quốc tế. Như vậy, Hàn Quốc là một chính phủ hợp hiến, đã tiến hành bầu cử trước và có tính chính danh hơn nhà nước Bắc Triều Tiên. Họ có thể lý luận việc Bắc Triều Tiên tiến hành bầu cử sau giống như một sự ly khai. Việc Bắc Triều Tiên và Liên Xô không cho cuộc bầu cử quốc hội lập hiến đầu tiên vào 10/05/1948 diễn ra ở miền Bắc cũng có thể bị lý luận là một hành động chia rẽ dân tộc Triều Tiên. Một điểm nhỏ nữa là lá cờ Thái Cực nổi tiếng của Hàn Quốc trên thực tế đã là cờ thống nhất của dân tộc từ rất lâu và bản thân Kim Nhật Thành ban đầu cũng sử dụng cờ Thái Cực để vận động chính trị trước khi đổi sang cờ sao đỏ.
Thứ ba, độc giả cũng có thể xem xét thêm về tính chính danh của cá nhân hai lãnh đạo, Lý Thừa Vãn của Hàn Quốc và Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên. Lý Thừa Vãn (26/03/1875) già hơn Kim Nhật Thành (15/04/1912) đến 37 tuổi. Lý Thừa Vãn từng hoạt động cách mạng đòi độc lập dân tộc và bị quân Nhật bắt vào tù. Sau khi ra tù thì Lý Thừa Vãn đã tìm cách đến Mỹ, lấy được bằng thạc sĩ tại đại học Harvard và bằng tiến sĩ tại đại học Princeton, trở thành người Hàn Quốc đầu tiên có bằng tiến sĩ tại Mỹ. Trong thời gian tại Mỹ, Lý Thừa Vãn tiếp tục hoạt động đòi độc lập cho Hàn Quốc, mở trường học và viết nhiều tác phẩm cổ súy cho độc lập của Hàn Quốc. Lý Thừa Vãn cũng được chọn là một trong những người đại diện phái đoàn Hàn Quốc đến hội nghị Versailles 1919. Đây cũng là hội nghị mà nhóm những người Việt Nam yêu nước đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” dưới tên gọi chung “Nguyễn Ái Quốc”. Tuy Lý Thừa Vãn không thể tham dự hội nghị nhưng cũng đã gây được tiếng vang. Sau đó, Lý Thừa Vãn tiếp tục là người đứng đầu của nhiều tổ chức đấu tranh độc lập của Hàn Quốc. Như vậy, bản thân Lý Thừa Vãn đã là một lãnh tụ cách mạng nổi tiếng từ lâu trước khi chính quyền Hàn Quốc được thành lập và do ông lãnh đạo. Ngược lại, Kim Nhật Thành ( tên thật là Kim Thành Trụ ) trẻ hơn Lý Thừa Vãn rất nhiều, sự nghiệp ban đầu của ông chủ yếu là trong đấu tranh du kích chống Nhật và là một đảng viên trung kiên của đảng cộng sản Trung Quốc. Cho đến khi quân đội Liên Xô vào tiếp quản Bắc Triều Tiên năm 1945, Kim vẫn chỉ là một sĩ quan quân đội dưới quyền các lãnh tụ Bắc Triều Tiên khi đó là Cho Man-Sik và Hyun Joon-hyuk. Có thể thấy, Lý Thừa Vãn đã tạo dựng tính chính danh cá nhân tốt hơn rất nhiều so với Kim Nhật Thành. Và vốn kiến thức sâu rộng của Lý Thừa Vãn đã giúp cho chính quyền Hàn Quốc nhanh nhạy tiến hành bầu cử và tổ chức một chính phủ hoàn chỉnh tại miền Nam. Bản thân Lý Thừa Vãn là một người muốn thống nhất đất nước bằng mọi giá như Kim Nhật Thành và cũng không từ một thủ đoạn chính trị ghê gớm nào. Chính tinh thần dân tộc, vốn kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm lâu năm của một lãnh tụ cách mạng và sự lỳ lợm của một người từng bị quân Nhật tra tấn trong tù đã giúp Lý Thừa Vãn lãnh đạo chính quyền Hàn Quốc tồn tại qua những thời khắc khó khăn nhất của chiến tranh Triều Tiên.
Thứ tư, một điểm quan trọng dễ bị bỏ qua là miền Nam thuộc quyền quản lý của chính phủ Hàn Quốc đã là cái nôi của dân tộc từ thời triều đại Joseon. Seoul là thủ đô của triều đại Joseon liên tục từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20 và là nơi tập trung nhiều tài năng nhất của dân tộc Joseon. Ngay cả vùng Gyeongsangbuk-do (Khánh Thượng Bắc Đạo) có nhiều lãnh đạo chính trị, học giả, nghệ sĩ nổi tiếng cũng thuộc về miền Nam. Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên nổ ra, dân số của Hàn Quốc là hơn 21 triệu người còn Bắc Triều Tiên chỉ có dân số hơn 7 triệu người. Có thể thấy, miền Nam từ lâu đã có dân số lớn hơn và đóng vai trò là trung tâm lịch sử của dân tộc. Dù cho Bắc Triều Tiên thừa hưởng nhiều cơ sở công nghiệp từ Nhật Bản nhưng vẫn không thể nổi trội hơn tính chính danh của miền Nam như một khu vực trung tâm của lịch sử dân tộc.
Tựu chung, bất kể lực lượng quân sự nào cũng cần phải có tính chính danh thì mới có thể kiểm soát được đại cục. Và kết quả của những cuộc đấu tranh chính trị và những cuộc chiến cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố lịch sử đã tồn tại hàng trăm năm. Sự diệt vong hay sự tồn tại của một quốc gia nên được xem xét như kết quả của một quá trình lâu dài hơn là các cuộc xung đột ngắn ngủi có sự tham gia của ngoại bang. Trong tương lai, sự thống nhất của dân tộc Triều Tiên chắc chắn sẽ phải xét đến tính chính danh, vai trò kinh tế và vai trò trung tâm lịch sử của phần phía Nam bán đảo Triều Tiên.
Tham khảo:
https://www.britannica.com/biography/Syngman-Rhee
https://en.wikipedia.org/wiki/Syngman_Rhee
https://en.wikipedia.org/wiki/Kim_Il-sung
https://en.wikipedia.org/wiki/Korean_War
https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP79T00935A000300030001-8.pdf





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *