Tại sao con người phải sống lương thiện?

Tôi là kiểu người rất để ý đến cách nhìn của người khác.

Lúc còn học ĐH, có một lần tôi cùng bạn học đến bờ sông trong công viên chơi, bởi vì trước khi đi đã xem dự báo thời tiết, biết là trời có thể sẽ mưa nên 2 đứa đều đem theo ô.

Sắp đến 4 giờ chiều, chúng tôi đi qua con đường có những sạp hàng quầy hàng nhỏ. Sau đó trời đột nhiên đổ mưa, người mua người bán vội vã tản ra nhanh nhất có thể, tôi với đứa bạn cũng vội vã chạy đến trú dưới mái hiên của một nhà. Lúc đó tôi liền chú ý đến một người ăn xin bị cụt chân đang ở giữa đường lớn, đang cố gắng dùng tay lết đến bên đường, hướng về phía có mái hiên.

Mưa trút xuống bộ quần áo rách nát của anh ta, tóc cũng bị ướt hết cả rồi. Người đó cúi đầu, cố gắng để bản thân bị ướt ít đi một chút, dùng lực hai tay lê về phía trước.

Lúc đó phản ứng đầu tiên của tôi là mở ô lên, nhưng lúc tôi muốn bước lên giúp người ăn xin đó, tôi lại phát hiện ra người ở hai bên mái hiên chẳng có động tĩnh gì cả. Bọn họ bình tĩnh nhìn người kia xoay xoay sở sở trong cơn mưa. Lúc ấy tôi đã do dự, bọn họ không nhìn thấy sao?

Tôi dè dặt hỏi ý kiến bạn mình, muốn có được một chút động lực để làm việc thiện, “Mình có nên ra giúp người ăn xin kia không?”

“Không cần đâu, mọi người chẳng ai ra giúp anh ta cả, một chốc nữa người đó sẽ đến được chỗ mái hiên kia thôi.”

Sau đó tôi đã quay lại đứng dưới mái hiên, thu lại ô, cúi đầu lặng lẽ.

Tôi không hề đến giúp người kia, không lâu sau anh ta quả thực cũng đến được chỗ mái hiên, mưa cũng rất nhanh đã tạnh.

Chỉ là tối hôm đó nằm trên giường, tôi không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là trong đầu lại hiện ra hình ảnh người ăn xin nọ cúi đầu dưới làn mưa, dùng hai tay gắng sức lê trên đường.

Trận mưa đó đã “nằm lại”trong lòng tôi rất lâu rất lâu…

Tôi đã tự kiểm điểm lại mình trong một thời gian dài, tại sao tôi lại không đi che ô giúp anh ta, tôi rõ ràng là đã muốn giúp, nhưng tại sao lại không đi làm? 

Bởi vì chẳng có ai làm thế cả, bởi vì tôi sợ mọi người nghĩ tôi giả tạo, bởi vì tôi sợ mình làm ra hành động khác với mọi người, bởi vì tôi để ý cách nhìn của người khác, bởi vì tôi đã không đủ “muốn” để làm, bởi vì bởi vì…

Tôi suy nghĩ rất nhiều, nội tâm tự trách mình rất nhiều, sau đó tôi đã tự nói với bản thân rằng, sau này dù có xảy ra chuyện gì cũng không được làm trái với lòng mình.

Hồi còn rất nhỏ, mẹ đưa tôi đi dạo phố. Sau đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người ăn xin, mẹ đưa cho tôi một ít tiền, bảo tôi đi đưa cho người đó, còn đặc biệt nhắc tôi lúc đưa phải ngồi xuống. Tôi trốn sau lưng mẹ, có chút ngại ngùng sợ hãi, nhưng vẫn dè dặt từng chút một bước về phía trước, cúi xuống để tiền vào trong cái bát của người ăn xin, người đó ngẩng đầu lên vui vẻ nói với tôi một câu “Cảm ơn cháu”. Tôi vội vã quay người chạy, nhưng tôi vẫn luôn nhớ rõ, ánh mặt trời của ngày hôm đó rất rực rỡ, tôi của ngày hôm đó cũng rất rất vui vẻ.

Sau này lớn lên, đi học ở một nơi rất lạnh, vào những ngày có tuyết luôn có những người già quỳ ở trên đường ăn xin. Lúc đầu, mỗi lần bắt gặp tôi đều cho họ thứ gì đó, nhưng lúc tôi phát hiện ra trên đường có tận 3 4 người, tôi đã do dự. Có quá nhiều người cần sự giúp đỡ, tôi không bao giờ có thể giúp hết được.

“Đám người ấy đều là lừa đảo thôi, bọn họ kiếm được khá nhiều tiền đó, bác nghe nói có mấy kẻ ăn xin “tan làm” xong còn lái xe quay về”, bác bán khoai lang đã nói với tôi như vậy.

Tôi nhận khoai lang xong liền lặng lẽ rời đi, không để ý đến họ nữa. Vì không đeo bao tay nên bị lạnh, có chút đau…

Lúc tôi sắp bước đến cổng trường, trong lòng lại đột nhiên nghĩ rằng, cho dù có là lừa đảo đi chăng nữa thì ngày đông lạnh giá quỳ ở trên đường cũng chẳng dễ dàng gì, bọn họ chắc cũng rất lạnh, quỳ ở trên đường như vậy, tuyết rơi cũng rất lớn.

Tôi cầm khoai lang bước ra từ phòng ktx, từng bước từng bước một đều cảm thấy bản thân đã làm trái với lương tâm, sau đó tôi điên cuồng chạy ra ngoài, nhưng đáng tiếc, ngày hôm đó tuyết rơi rất lớn, trên đường đã chẳng có ai nữa.

Tôi như người mất hồn mất vía quay về, để khoai lang lên bàn, không hiểu vì sao lại thấy rất buồn.

Làm việc thiện vốn dĩ là một chuyện thoải mái vui vẻ, nhưng bắt đầu từ bao giờ mà tôi đã trở nên “nặng nề” như vậy?

Con người một khi rơi vào buồn phiền ưu tư hay hoàn cảnh khó khăn nào đó đều sẽ có suy nghĩ muốn cố gắng thay đổi, nhưng một khi đã thoát ra khỏi sẽ rất nhanh chóng quên mất, tôi thấy mình không thể như vậy. 

Tôi không thể sống mà làm trái với lòng mình.

Vậy là mỗi lần gặp người hành khất, tôi đều cho họ chút tiền, có lúc cho họ đồ ăn, mua chút hoa quả bánh kẹo. Có vài người thấy rất kinh ngạc, sau đó liền rất vui vẻ nói một tiếng cảm ơn.

Tôi có thể dậy sớm, đợi bà lão nhặt đồng nát đến, đem quần áo không mặc đến nữa tặng lại cho bà, có lúc còn là một ít nhu yếu phẩm. Có lần đi qua khu đồng nát đó, bà gọi tôi lại, thần thần bí bí lấy từ sau lưng ra một món đồ, là một món đồ chơi được làm thủ công, “Mua cho con đó”, bà nói mà vui vẻ như một đứa trẻ vậy.

Ngày mưa tôi có thể giúp người không mang ô đi một đoạn đường. Có người từ chối một cách cảnh giác, cũng có người thấy ngạc nhiên, sau đó vui vẻ nhận lời, dọc đường nói chuyện một chút, nhờ thế mà tôi đã quen được không ít bạn tốt.

Tôi có thể nhường chỗ cho một bà mẹ có con nhỏ không mua được vé ngồi trên tàu hỏa, còn mình thì đứng cả một buổi tối. Đến lúc xuống tàu, cô ấy nhiệt tình giúp tôi lấy hành lý, cho tôi số điện thoại, giới thiệu cho tôi vài nơi vui chơi thú vị.

Tôi có thể mua hết một hai cân hoa quả còn lại cho người bán hàng, để dì ấy sớm được về nhà với con. Dần dần chúng tôi quen biết nhau, mỗi lần trên đường về nhà còn nói chuyện vài câu, “Biết con thích ăn đào, hôm nay nhập về được một ít đào ngon, một chốc đã bán được hết rồi, nhưng dì vẫn để lại cho con một ít đó.”

Có một lần nhận được tiền lì xì của bạn, tôi đem tiền gửi cho một đứa trẻ tôi đã từng gửi tiền ở đơn vị. Không lâu sau đó tôi nhận được một tấm bưu thiếp của nó, giọng văn rất non nớt ngây thơ. Bạn tôi nhìn thấy, bảo rằng không phải nó tự nguyện muốn viết đâu, là giáo viên bắt nó viết đó. Tôi chỉ cười cười đem tấm bưu thiếp đó cất đi. Không ngờ là sau đấy tôi lại nhận được điện thoại của đứa trẻ đó.

Nó dùng giọng phổ thông còn chưa sõi, nói “Cảm ơn chị, em đã chạy rất xa mới gọi điện được cho chị. Em và ông nội rất cảm ơn chị, đợi sang năm em sẽ gửi cho chị một ít ngô.”

Tôi nghe điện thoại mà nghẹn ngào không nói được thành lời.

Con người tại sao phải thiện lương? Tôi cũng không biết rõ nữa, có lẽ là vì muốn sống một cách vui vẻ, thoải mái.

Thế giới này có rất nhiều người xấu, nhưng cũng có rất nhiều người tốt. Sống lương thiện, sẽ nhận được thiện ý của người khác.

Lúc tôi để ý đến ánh nhìn của người khác, lúc tôi có lòng đồng cảm nhưng lại không làm gì, tôi thấy mình như đang làm trái với lương tâm, thấy hổ thẹn trong lòng vô cùng.

Nhưng khi tôi “hiện thực hóa” được tấm lòng lương thiện của mình, cảm giác thoải mái mãn nguyện đó không một thứ gì có thể thay thế được. 

Muốn làm gì, hãy đi làm điều đó.

Nhưng làm việc thiện, đừng cầu báo đáp.

Tôi cho rằng “lương thiện” là bản tính trời sinh.

Cố gắng không làm hại đến người khác, cũng là một loại “thiện lương”.

Sống không thẹn với lòng, vui vẻ tự tại là được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *