Tại sao có những nước chưa từng bị Anh xâm chiếm lại xin gia nhập Khối Thịnh Vượng chung?
Khối Thịnh vượng Chung (Commonwealth of Nations) không quá xa lạ với nhiều người. Nó là tổ chức liên quốc gia lớn nhất thế giới chỉ sau Liên Hợp Quốc. Diện tích của các thành viên chiếm 20% diện tích và dân số chiếm hơn 1/3. Tuy nhiên, nếu xem kỹ danh sách thành viên của Commonwealth, sẽ thấy một điều kỳ lạ: 2 quốc gia Rwanda và Mozambique vốn chưa từng bị Anh xâm chiếm. Rwanda là thuộc địa của Bỉ, còn Mozambique là thuộc địa Bồ Đào Nha, và thậm chí còn là một nước phe Cộng sản trong chiến tranh Lạnh. Vậy tại sao những nước này vẫn xin gia nhập Khối thịnh vượng chung?
Một số nguyên nhân ”chủ quan” được đưa ra sau đây, dựa trên quan điểm của các quốc gia châu Phi về Khối thịnh vượng chung.
1/Mục tiêu tiên phong Phi thực dân hóa.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, và cũng khác với các Đế quốc khác, quá trình Phi thực dân hóa trong Đế quốc Anh không phải chờ đến Thế chiến 2 hay sau Chiến tranh Đông Dương như Pháp mới diễn ra. Phi thực dân hóa trong Đế quốc Anh đã diễn ra từ đầu thế kỷ 20, cụ thể người ta coi năm 1926 là mốc bắt đầu với “Tuyên bố Balfour”. Theo đó, Vương Quốc Anh tuyên bố các quốc gia trong Khối ”độc lập về các vấn đề đối nội và ngoại giao”, trở nên tự do và bình đẳng hơn với nước Anh, trong khi vẫn duy trì liên hệ về quân sự. Tuy vậy, hạn chế trong lần này là dường như nó ”bỏ quên” các nước châu Phi. Độc lập và bình đẳng chỉ đến với các nước như Canada, Úc, New Zealand, Ai Cập, Nam Phi, Ấn Độ, Arab, Đông Nam Á,…
Dù vậy, đến khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, các nước châu Phi cuối cùng cũng phải đạt được điều này. Điều may mắn là phần lớn các nước châu Phi được Anh trao trả độc lập một cách yên bình, ít đổ máu. Không nước châu Phi nào phải trải qua Chiến tranh giành độc lập khỏi Anh như với Pháp hay Bồ Đào Nha.
2/ Vai trò hàng đầu trong chống phân biệt chủng tộc.
Đây là nguyên nhân trực tiếp làm Mozambique – một nước Cộng sản và là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha lại xin gia nhập Khối.
Vào những năm 1990s, khi chiến tranh Lạnh đến hồi kết, thì việc loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở miền Nam châu Phi là ”trend” hàng đầu trên thế giới, được hầu hết các quốc gia đú theo, dù là TB hay CS. Tuy nhiên, sự thật là không có quốc gia, tổ chức nào kiên quyết chống phân biệt chủng tộc hơn Khối thịnh vượng chung. Vương quốc Anh đã ra lệnh cho Khối đã yêu cầu quốc tế trừng phạt chính phủ da trắng của Rhodesia từ năm 1965 trong khi Mỹ và Liên Xô còn đang bận rong chơi thả bom khắp thế giới (Liên Xô thì khoái lái tank phượt hơn). Chính vì vậy mà các chế độ phân biệt chủng tộc vẫn sống khỏe đến tận khi Liên Xô sụp đổ, do thế giới chẳng mấy quan tâm đến ”phân biệt chủng tộc” là cái gì ngoại trừ Anh, các nước Commonweath và các nước Nam châu Phi trực tiếp đối đầu với chế độ này.
Trong số đó thì Mozambique là nước tiên phong ở châu Phi chống phân biệt chủng tộc. Sau khi giành độc lập khỏi Bồ Đào Nha, bất chấp rơi vào cuộc nội chiến Quốc – Cộng giữa FRELIMO và RENAMO, lãnh đạo Samora Rachel của Mozambique vẫn giành sự hỗ trợ lớn cho các phong trào du kích chống phân biệt chủng tộc ở Rhodesia và Nam Phi. Các lãnh đạo châu Phi như Robert Mugabe và Nelson Mandela sau này đều công nhận Samora Rachel là ”cha đỡ đầu cho phong trào dân chủ chống A-pác-thai”.
Vì vậy, để ghi nhận công lao của Mozambique và cũng như một sự đền ơn, khối thịnh vượng chung đã chấp nhận đơn xin gia nhập Commonwealth của Mozambique vào năm 1995, một năm sau khi chế độ A-pác-thai ở Nam Phi sụp đổ. Điều này từng gây tranh cãi lớn trong nội bộ khối vì Mozambique trong lịch sử không có bất cứ mối liên hệ nào với Vương quốc Anh. Tuy nhiên cuối cùng, với sự đồng ý của các thành viên châu Phi, Mozambique đã được đồng ý gia nhập.
3/ Cam kết về an ninh và quân sự.
Đây là một trong những điều quan trọng nhất khi Commonwealth được thành lập. Các cam kết về quân sự đảm bảo cho các thành viên tương trợ lẫn nhau trong trường hợp có chiến tranh. Điều này đã được chứng minh rõ ràng qua Thế chiến 2, khi nước Anh huy động được quân từ khắp các quốc gia Thịnh Vượng chung trên thế giới.
Tuy vậy, nó cũng là một trong những điều gây tranh cãi về tính hiệu quả sau Thế chiến 2. Đã nhiều lần Khối thịnh vượng Anh đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ví dụ như Pakistan từng rời khỏi Khối do Khối Thịnh Vượng chung không giải quyết vấn đề ly khai của Bangladesh. Nam Phi cũng tách ra do Khối đứng về phía các nước châu Phi chống lại chế độ A-pác-thai. Và đặc biệt là ”sự sỉ nhục khủng khiếp” trong sự kiện Kênh đào Suez năm 1956, khiến người ta nghi ngờ vể khả năng quân sự thực tế để ”bảo vệ đế chế” của nước Anh. Sau sự kiện Suez năm 1956, người ta nói rằng Anh Quốc thực chất không còn khả năng tự bảo vệ mình mà phải phụ thuộc Hoa Kỳ. Phải đến năm 1982 người Anh mới lấy lại được danh dự bằng cách đả bại Argentina.
Dĩ nhiên không phải Khối Thịnh Vượng chung đều ”phế vật” trong mọi tình huống. Đã có vài lần liên minh thực sự phát huy hiệu quả. Như trong sự kiện ”Tình trạng khẩn cấp Malaya”, khối thịnh vượng chung đã thành lập Liên minh quân sự giúp chống lại các du kích Cộng sản ở Malaya một các hiệu quả, giúp thành lập Liên bang Malaysia. Liên minh này sau đó tiếp tục giúp Malaysia đánh bại nước láng giềng Indonesia Cộng sản thù địch ở một trong những cuộc chiến bí ẩn nhất lịch sử: chiến tranh trong rừng rậm Borneo. Ah, đang ngồi Đông Nam Á đây mà còn khó biết nữa mà!
Hay như cuộc chiến ở Sierra Leone. Sau khi nước láng giềng Liberia rơi vào nội chiến và thảm họa nhân đạo, điều tương tự đã bị lo sợ xảy ra khi Sierra Leone bị các phiến quân từ Liberia sang gây rối, dựng nên quân nổi dậy tương tự Liberia. Nhưng nước Anh đã ngăn chặn điều này bằng cách gửi lực lượng Khối thịnh vượng chung đến Sierra Leone đánh bại quân nổi dậy, giúp Sierra Leone tránh khỏi thảm họa nhân đạo. Với cuộc can thiệp vào Sierra Leone, Khối thịnh vượng chung đã thể hiện cam kết đúng an ninh và quân sự cho các thành viên.
4/ Lợi ích về kinh tế (cái này khó viết).
Khối thịnh vượng chung không phải là nền kinh tế quá mạnh. Năm 2018 tổng cộng 53 nước của khối cộng lại GDP vẫn chưa bằng Trung Quốc. Tuy nhiên, với những nước nghèo châu Phi thì chỉ việc được hưởng ưu đãi thương mại với các nước Anh, Úc, Canada,… đã là đủ để họ thèm muốn. Và vì vậy, năm 2009 Rwanda, một quốc gia thuộc địa cũ của Bỉ nổi tiếng qua nạn diệt chủng 1994, đã xin gia nhập Khối thịnh vượng chung, và tiếp tục được chấp nhận. Vào lúc gia nhập, Rwanda là một trong những nước phát triển nhanh nhất thế giới với đường tăng trưởng GDP dốc đứng, có những năm trên 10%.
Hiện nay, đang còn một số nước tính chuyện xin gia nhập Khối thịnh vượng chung nhưng gặp một số trục trặc. Palestine dự tính gia nhập nhưng bị Israel phản đối. Hay như Nam Sudan đã xin gia nhập ngay từ khi độc lập năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt (chắc do nghèo quá).